khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á

Go down

MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á Empty MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á

Bài gửi by atena Mon Dec 14, 2009 3:23 pm

Nguyễn Thị Hảo*, Hoàng Thuý Quỳnh**
Bài tham dự Hội nghị Khoa học Quốc tế "100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh"

Giới thiệu
Một thế kỷ đã trôi qua từ phát hiện đầu tiên (1909), văn hóa Sa Huỳnh đã tạo ấn tượng đặc biệt với phương thức mai táng trong các chum mộ bằng gốm (hay còn gọi là quan tài gốm). Cho đến nay, phương thức mai táng này vẫn là đặc điểm nhận biết đặc trưng của nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại Sắt, nằm dọc vùng duyên hải miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, với những thành tựu phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học gần đây, các nhà nghiên cứu đã công nhận sự tồn tại một táng thức mới của cư dân cổ Sa Huỳnh: phương thức mai táng trong mộ đất. Mặc dù số lượng và tỉ lệ của mộ đất hiện chỉ chiếm một phần nhỏ so với loại hình mộ quan tài gốm, nhưng sự tồn tại của chúng cho thấy mộ quan tài gốm không phải là loại mộ duy nhất trong táng thức của người cổ văn hóa Sa Huỳnh, và cũng thể hiện sự đa dạng trong táng thức của cư dân cổ nơi đây.
I. Tình hình nguồn tư liệu
Từ khi phát hiện đến nay (1909), các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh chủ yếu dựa trên các phát hiện và nghiên cứu về mộ chum (mộ quan tài gốm) và trong một thời gian dài, hầu như chưa có những phát hiện và nghiên cứu về mộ đất. Phát hiện đầu tiên về sự tồn tại của loại hình mộ đất là ở địa điểm Cồn Ràng (Thừa Thiên Huế) năm 1995 với những nghi vấn “có hai cụm gốm, có thể là mộ đất” (Bùi Văn Liêm 1994), và sau đó là sự khẳng định có tồn tại mộ đất trong địa điểm này trong những cuộc khai quật tiếp theo (Bùi Văn Liêm 1996, 2005). Sau phát hiện đầu tiên này, nhiều cuộc khai quật đã chú ý đến sự tồn tại của mộ đất và số lượng của chúng ngày càng được phát hiện nhiều. Có thể kể đến một số phát hiện như địa điểm Tiên Hà (Quảng Nam) năm … (Bùi Chí Hoàng 2006; Bùi Chí Hoàng và nnk 2008), địa điểm Xóm Ốc (Quảng Ngãi) khai quật năm 1997 (Phạm Thị Ninh 1997), địa điểm Suối Chình (Quảng Ngãi) khai quật năm 2000 và 2005 (Phạm Thị Ninh 2000, 2005), địa điểm Hòa Diêm (Khánh Hòa) khai quật năm 1998, 2002, 2005… (Nguyễn Đăng Cường 2004; Bùi Chí Hoàng và nnk 2008), địa điểm Gò Mả Vôi (Quảng Nam) khai quật năm 1996 (A. Reinecke và nnk 2000), địa điểm Lai Nghi (Quảng Nam) khai quật năm 2000 (Nguyễn Chiều và nnk 2001), địa điểm Gò Quê (Quảng Ngãi) khai quật năm 2005 (Trịnh Sinh và nnk 2005; 2006)….
Tuy nhiên, việc tập hợp và nghiên cứu trên loại hình mộ đất trong văn hóa Sa Huỳnh chưa được quan tâm nhiều. Những tài liệu chúng tôi đã thống kê ở trên phần lớn là các Báo cáo khai quật, tư liệu hầu hết ở dạng thô, chưa được phân tích, nghiên cứu kỹ. Mặt khác, các tư liệu này lại khá manh mún, nằm ở nhiều nơi, nhiều nguồn khác nhau, thậm chí có những địa điểm mặc dù đã được khai quật từ những năm 1990, nhưng hiện vẫn chưa có báo cáo khai quật hoặc chỉ được thông báo một vài thông tin liên quan đến chúng, do đó, việc tập hợp, nghiên cứu tư liệu gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay, chúng tôi đã có sự tập hợp tư liệu và bước đầu có những nghiên cứu trên loại hình mộ táng này (Nguyễn Thị Hảo, Hoàng Thúy Quỳnh 2008), song đây mới chỉ là những tìm hiểu đầu tiên. Việc nghiên cứu loại hình mộ táng này cần được quan tâm nghiên cứu sâu hơn và cần được đặt chúng trong bối cảnh rộng hơn, bên ngoài không gian văn hóa Sa Huỳnh.
II. Mộ đất văn hóa Sa Huỳnh qua các tư liệu
Số lượng mộ đất: Sự chênh nhau giữa những địa điểm có tồn tại mộ đất và các địa điểm chưa tìm thấy mộ đất rất lớn, cụ thể là trong tổng số khoảng 85 địa điểm văn hoá Sa Huỳnh, chỉ có 9 địa điểm tồn tại loại hình mộ đất. Các mộ đất cũng không nằm tách biệt mà nằm xen lẫn với mộ chum/ vò/ nồi. Số lượng mộ đất được phát hiện và công bố cho đến thời điểm này là khoảng 66 mộ, một con số rất khiêm tốn so với số lượng đồ sộ của mộ quan tài gốm mà chủ yếu là loại hình mộ chum. Chúng tôi đã thống kê tỉ lệ mộ đất và mộ chum ở một vài địa điểm và kết quả cho thấy có sự chênh lệch rất nhiều giữa hai loại hình này: địa điểm Cồn Ràng là 6/243, địa điểm Gò Mả Vôi là 4/20, địa điểm Hoà Diêm là 11/35, địa điểm Gò Quê là 13/18, địa điểm Suối Chình là 2/9, địa điểm Xóm Ốc là 6/3, địa điểm Lai Nghi là 8/55.
Sự phân bố: Tuy số lượng không nhiều song các địa điểm khảo cổ học có mộ đất trong văn hóa Sa Huỳnh lại phân bố ở các tỉnh từ phía bắc của Sa Huỳnh như Thừa Thiên Huế, khá nhiều ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và kéo dài đến tỉnh Khánh Hòa. Không gian phân bố của chúng cũng đa dạng như không gian của mộ quan tài gốm, bao gồm vùng núi (Tiên Hà), vùng đồng bằng duyên hải (Cồn Ràng, Lai Nghi, Gò Mả Vôi, Gò Quê, Hòa Diêm…) và vùng hải đảo ven bờ (Xóm Ốc, Suối Chình), trong đó các địa điểm ở vùng đồng bằng duyên hải chiếm số lượng lớn. Điều đặc biệt cần nói rằng, các mộ đất luôn nằm xen kẽ cùng với những mộ quan tài gốm trong cùng một địa điểm, không có sự tách biệt thành các khu riêng.
Dấu hiệu nhận biết: Do cấu trúc đất ở miền Trung thường là dạng đất cát nên biên mộ rất khó xác định. Những ngôi mộ có cấu trúc rõ ràng như có xương cốt, mộ rải gốm (Nguyễn Đăng Cường 2004, Đoàn Ngọc Khôi 2005) hoặc nhựa cây ở bên dưới, hay màu đất trong mộ khác so với xung quanh (Reinecke và nnk 2002; Bùi Chí Hoàng 2006)… thường không nhiều, cho nên, để nhận dạng mộ đất trong văn hóa Sa Huỳnh, những người khai quật thường chú ý đến những cụm đá hay cụm gốm phân bố thành những cụm, có sự sắp đặt cẩn thận (đối với loại mộ chôn trực tiếp vào đất) (Reinecke và nnk 2002, Bùi Văn Liêm 2005), có thể là những đám đất cháy, có than tro và một ít xương (hỏa táng) (Nguyễn Đăng Cường 2004). Đôi khi những ngôi mộ đất có những viên đá ở hai đầu như một dấu hiệu đánh dấu mộ (Phạm Thị Ninh 2005). Có hai loại mộ đất phổ biến là: mộ đơn táng và mộ song táng với ba dấu hiệu nhận biết là: mộ rải gốm, mộ rải nhựa cây và mộ chôn thẳng vào đất.
Kích thước mộ: Phần lớn các mộ táng Sa Huỳnh không có nhiều xương cốt nên việc xác định kích thước mộ thường dựa vào sự phân bố của các đồ tùy táng, thường thì chúng được đặt xung quanh thi hài, từ đầu đến chân, và dọc theo thân. Do đó, chúng ta có thể dựa vào quy luật này để đoán định kích thước mộ. Ở các mộ đất Sa Huỳnh, sự phân bố đồ tùy táng thường tập trung trong khoảng: dài từ 1,6m – 2,4m, rộng khoảng 0,5m – 0,6m đối với những mộ táng đơn và khoảng 1m đối với những mộ song táng (Đoàn Ngọc Khôi 2002, Nguyễn Đăng Cường 2004, Bùi Chí Hoàng 2006, Phạm Thị Ninh 2005).
Hướng mộ: Có sự đa dạng trong hướng mộ đất, song hướng chủ yếu của nhiều mộ đất là hướng Đông hoặc Đông – Nam. Có thể kể một vài ví dụ như: ở địa điểm Tiên Lãnh, trong số 4 mộ đất thì có 3 mộ có hướng đông bắc - tây nam, 1 mộ nguyên vẹn nhất có hướng đông - tây; ở địa điểm Gò Mả Vôi, trong số 4 mộ đất thì có tới 3 mộ có hướng đông - tây, 1 mộ còn lại có hướng đông nam - tây bắc; hay như 2 mộ đất ở Hoà Diêm đều có hướng đông - tây ...
Di cốt: Phần lớn các mộ táng trong văn hóa Sa Huỳnh đều còn rất ít xương cốt, mộ đất cũng không loại trừ khả năng đó. Cho đến nay, các địa điểm còn tồn tại nhiều di cốt thường là những nơi có chứa nhiều vỏ nhuyễn thể như Hòa Diêm, Xóm Ốc, Suối Chình, trong đó di cốt trong mộ đất thì chỉ có ở 2 địa điểm là Hòa Diêm và Xóm Ốc là rõ ràng nhất, các địa điểm khác chỉ có một vài mảnh răng, hay vài mảnh xương vụn (Nguyễn Chiều và nnk 2004, Đoàn Ngọc Khôi 2002, Đoàn Ngọc Khôi và nnk 2006). Ở những mộ đất hiện biết, di cốt thường được đặt nằm ngửa, duỗi thẳng, hai tay xuôi theo thân (Đoàn Ngọc Khôi và nnk 2006). Các di cốt đa phần không đầy đủ, có khi thiếu một phần cơ thể (thiếu sọ) hay chỉ còn lại một vài mảnh xương hoặc xương đã mủn nát gần hết, hoặc còn một vài mảnh răng... Các nghiên cứu về nhân chủng học trên các di cốt này cho thấy, phần lớn các di cốt này là của người trưởng thành, trừ một trường hợp duy nhất là xương trẻ em, có thể được chôn trong hố rác bếp (?) (Đoàn Ngọc Khôi 2004), trong đó có cả nam giới và nữ giới. Ngôi mộ song táng ở Xóm Ốc bao gồm một người đàn ông khoảng 50 - 60 tuổi và một phụ nữ 20 - 25 tuổi. Các ngôi mộ đơn ở Hoà Diêm gồm có: mộ 02.HD.C20.I là một người đàn ông khoảng 30 tuổi (có hiện tượng nhuộm răng đen), mộ 07.HD là một người trưởng thành (Nguyễn Lân Cường 1998, 1999, 2007, Nguyễn Đăng Cường 2004, Đoàn Ngọc Khôi 2004, Đoàn Ngọc Khôi và nnk 2006). Nghiên cứu những di cốt hiện biết, các nhà Nhân chủng học cho rằng, người Sa Huỳnh có nhiều yếu tố Mongolo – Australoid, trong đó yếu tố Mongoloid có phần mạnh hơn (người cổ Hoà Diêm có phần gần gũi với người cổ Đông Sơn nhóm loại hình Indonesien) (Nguyễn Lân Cường 2007).
Đồ tuỳ táng: Phần lớn những ngôi mộ đất đều có đồ tuỳ táng, dù số lượng đồ tuỳ táng có khác nhau (có thể có những ngôi mộ không có đồ tuỳ táng, nhưng do không có dấu hiệu nhận biết nên chúng ta chưa tìm thấy). Chúng tôi đã thống kê đồ tuỳ táng trong mộ đất ở một số địa điểm, và thấy rằng, cũng như ở mộ quan tài gốm, đồ tuỳ táng ở mộ đất thường là những vật gia dụng, những công cụ, vũ khí hay đồ trang sức vốn được sử dụng hàng ngày của cư dân Sa Huỳnh. Có lẽ đó là những vật dụng mà người chết đã sử dụng khi còn sống. Có những ngôi mộ chôn theo rất nhiều đồ tuỳ táng, từ đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt với các loại vật gia dụng, công cụ, vũ khí đến đồ trang sức (Lai Nghi) nhưng cũng có những ngôi mộ có rất ít đồ tuỳ táng, chỉ với một vài đồ gốm chôn theo (Cồn Ràng). Tuy nhiên, ở phần lớn các di tích, đồ tuỳ táng trong các mộ luôn có sự chênh lệch nhau, có mộ nhiều đồ tuỳ táng và nhiều hiện vật quý, nhưng cũng có những mộ chỉ có một vài đồ tuỳ táng là đồ gốm. Tình trạng này cũng khá giống với những mộ chum trong cùng khu di tích đó.
Điều thấy rõ nhất ở những ngôi mộ đất là, những mộ nào có kè gốm hoặc trải nhựa cây, có sự sắp đặt đồ tuỳ táng cẩn thận thường là những mộ khá giàu, có nhiều đồ tuỳ táng và cũng nhiều hiện vật quý trong đó có nhiều hiện vật “ngoại nhập” từ các văn hoá lân cận như văn hoá Đông Sơn (rìu, lao, giáo, dao găm bằng đồng), văn hoá Hán (gương đồng, tiền đồng) hay văn hoá Ấn Độ (thường là đồ trang sức) nhưng về chủ đạo vẫn là các hiện vật của văn hoá Sa Huỳnh (đồ gốm, đồ sắt, trang sức...). Đồ gốm trong mộ thường đặt nghiêng hoặc úp miệng xuống đất, nhiều hiện vật bị ghè miệng, ghè đế hoặc đập vỡ trước khi chôn. Đồ đồng, đồ sắt thường bị đập vỡ hoặc bẻ cong. Trong mộ đất ở địa điểm Gò Quê, Gò Mả Vôi có hiện vật cán đồng thân sắt (đồng sắt tiếp hợp).
Những di tích thuộc hệ thống đảo gần bờ hoặc nằm cạnh bờ biển (Xóm Ốc, Suối Chình, Hoà Diêm), tầng văn hoá có nhiều vỏ nhuyễn thể thì trong mộ thường chôn theo vỏ ốc, vỏ sò hay những đồ trang sức làm từ vỏ nhuyễn thể như hạt chuỗi, vòng tay, nhẫn...
Từ những tư liệu về mộ đất trong các di tích kể trên, có thể đưa ra các loại hình mộ đất trong văn hoá Sa Huỳnh như sau:
1. Mộ chôn hung táng: là những mộ xương cốt còn khá nguyên theo tư thế giải phẫu: có mặt ở các địa điểm: Hoà Diêm, Xóm Ốc...
2. Mộ cải táng: mộ chỉ còn một ít xương cốt cùng với đồ tuỳ táng (Hoà Diêm, Lai Nghi...).
3. Mộ hoả táng: trong mộ còn một ít mảnh xương cháy cùng với xương động vật và mảnh gốm vỡ (Hoà Diêm).
4. Mộ giả: Mộ không có xương cốt nhưng cấu trúc mộ khá rõ ràng, cách sắp đặt đồ tuỳ táng cẩn thận, cầu kỳ. Loại mộ này được coi là mộ tượng trưng (ngày nay cư dân ven biển miền Trung hay gọi là mộ gió), có mặt ở phần lớn các địa điểm có mộ đất Sa Huỳnh.
III. Mộ đất trong các văn hoá khác ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á
3.1. Mộ đất trong các văn hoá Tiền Sa Huỳnh
3.1.1. Văn hoá Xóm Cồn
Mộ táng trong văn hoá Xóm Cồn rất hiếm hoi, chỉ mới tìm thấy trong địa điểm Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hoà). Đây là một di chỉ cư trú - mộ táng nằm trên cồn cát thuộc hệ thống đảo gần bờ ở Nha Trang, hiện đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn. Do địa điểm chưa được khai quật, chỉ dừng lại ở mức độ thám sát, nên mới chỉ thấy 1 mộ táng và là mộ đất. Những người thám sát đã phát hiện một ngôi mộ của một cá thể. Mộ ở độ sâu 0,7m, hộp sọ đã bị vỡ vụn, chỉ còn nhặt được 13 chiếc răng. Phía dưới còn hai đoạn xương chi trên, chứng tỏ người chết được chôn thẳng xuống đất. Đầu được đặt quay về hướng Đông Nam. Đồ tuỳ táng chôn theo được đặt ở phần đầu tử thi bao gồm 1 mâm bồng nhỏ, 3 hạt chuỗi hình ống khoan lỗ và 1 vòng đeo được làm từ vành miệng một con ốc và được mài khá đẹp (Nguyễn Công Bằng và nnk 1988). Nghiên cứu những chiếc răng người ở Bình Ba cho thấy, chủ nhân của chúng mang đặc điểm Mongoloid - Australoid, trong đó những đặc điểm Mongoloid có phần trội hơn (Nguyễn Kim Thuỷ 1993). Nguyễn Lân Cường cho rằng đây là di cốt của một cá thể nữ còn trẻ (Nguyễn Lân Cường 2007).
3.1.2. Các văn hoá khu vực Tây Nguyên
Các địa điểm khảo cổ thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí cũng tồn tại các dạng mộ táng như mộ chum hay mộ đất. Điểm chung của khu vực này là mộ táng thường không còn xương, do cấu trúc địa chất của khu vực này nghèo Canxi nên xương cốt thường bị phân huỷ.
Địa điểm Lung Leng: trong cuộc khai quật năm 1999, các nhà khai quật đã phát hiện 4 mộ đất (đôi khi những người khai quật còn gọi là mộ nồi vò) tồn tại cùng với 5 mộ chum trong cùng một tầng văn hoá. Trong mộ đất, tử thi được chôn trực tiếp vào đất, không có quan tài, không có biên mộ. Dấu hiệu để nhận biết loại mộ này là đất có màu đen nhạt, mềm, tương đối mềm hoặc xuất hiện tập trung một số tảng đá basalte hay phtanite, không nằm trong lớp đất bị laterite hoá như ở mộ chum. Đồ tuỳ táng gồm rìu có vai, bát bồng, nồi, vò. Gốm trong mộ đất thường bị đập vỡ trước khi chôn, thuộc loại gốm sớm của di chỉ. Đặc biệt, trong mộ đất thường có những chiếc rìu có vai đã qua sử dụng, có vết ghè lại lưỡi trong khi đó, các mộ chum lại có loại công cụ đá là những bôn hình răng trâu. Những người khai quật cho rằng, mộ đất thuộc giai đoạn sớm của di chỉ Lung Leng, loại hình di chỉ cứ trú - mộ táng có niên đại hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí ở Tây Nguyên (Nguyễn Khắc Sử và nnk 1999).
Địa điểm mộ táng Lung Leng cũng có những nét gần giống các địa điểm khác ở khu vực Tây Nguyên như Bàu Cạn, Trà Dôm, những địa điểm thuộc văn hoá Biển Hồ (Nguyễn Khắc Sử và nnk 1999).
3.1.3. Giai đoạn Bình Châu
Mộ táng ở địa điểm Bình Châu I khai quật năm 1978 là mộ đất, nằm tách biệt với khu cư trú. Mộ có kích thước trong khoảng dài 1,4 - 2,5m, không rõ biên mộ. Hiện vật tuỳ táng có hiện tượng: đồ gốm được đặt úp ngược miệng xuống hoặc nằm nghiêng, có chôn theo những vũ khí bằng đồng (mũi tên) và một vài mộ có mảnh bát đồng. Đặc biệt có 1 mộ chôn theo một đôi khuyên tai hình còn đỉa bằng đất nung cho thấy đầu tử thi có thể ở hướng Đông - Nam, các mộ khác phần lớn có hướng Bắc - Nam hoặc Bắc chếch Tây (Nguyễn Thành Trai, Ngô Sỹ Hồng 1978).
Địa điểm Bình Châu II có hiện tượng mộ đất, mộ nồi, mộ vò đan xen trong cùng một địa tầng, cùng với xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể.... Mộ huyệt đất hầu như không rõ biên mộ, là những cụm gốm chạy theo hướng đông - nam (02.BCII.H1.L9.M1) hoặc có di cốt người trong cụm gốm (02.BCII.H1.L12.C1.M4).... Đồ tuỳ táng trong mộ đất thường là bát mâm bồng, nồi, bình hình con tiện vai gãy, trong đó loại bát bồng được đặt úp miệng xuống dưới đất hoặc nằm nghiêng. Xung quanh những đồ gốm tuỳ táng trong mộ đất có nhiều viên sỏi nhỏ màu xanh đen được mài nhẵn và những công cụ như chày nghiền, hòn ghè... có thể đây là hiện tượng đánh dấu mộ (?). Ở địa điểm Bình Châu II có hiện tượng một số đồ gốm tuỳ táng còn khá nguyên, cả ở trong mộ đất và mộ nồi, vò (Ngô Thế Phong và nnk 2008: 6, 14, 16, 56).
3.2. Mộ đất trong các văn hoá đồng đại với văn hoá Sa Huỳnh
3.2.1. Mộ đất văn hoá Đông Sơn
Loại hình mộ đất là loại hình phổ biến trong văn hoá Đông Sơn. Hướng mộ thường phổ biến là Bắc - Nam hoặc Tây Bắc - Đông Nam, đôi khi có hướng Đông - Tây. Trong một số mộ cũng có hiện tượng kè mảnh gốm ở biên hoặc đáy mộ hoặc có những cụm đá ở hai đầu, hoặc trộn gốm vào đất lấp mộ (Làng Vạc). Ở địa điểm Phú Lương, mộ đa phần quay đầu hướng Đông. Những mộ chôn lần đầu thường người chết được đặt nằm ngửa, chân duỗi thẳng, tay duỗi theo thân hoặc đặt lên ngực hay bụng, đáy mộ hơi nghiêng, cao ở phần đầu, dốc thoải xuống thân, đôi khi có hiện tượng nằm co, khá nhiều mộ cải táng. Ở địa điểm Núi Lấp có hiện tượng chôn chồng nhiều người trong một mộ (thường là chôn 2 cá thể, cá biệt có tới 5 cá thể). Địa điểm Làng Cả có hiện tượng các mộ cắt nhau, huyệt mộ ăn sâu xuống tầng sinh thổ, có hiện tượng rải gốm ở đáy mộ. Đồ tuỳ táng thường đặt ở phần đầu, ngực, bụng và chân tử thi. Những ngôi mộ đất trong văn hoá Đông Sơn cũng có sự phân biệt giàu nghèo rõ ràng: với những ngôi mộ được chôn cầu kỳ thường có rất nhiều đồ tuỳ táng và nhiều đồ quý (vòng tay, bao tay- chân, công cụ bằng đồng, trống đồng, thạp đồng, hộ tâm phiến, vũ khí, khuyên tai, hạt chuỗi…) có thể gọi đây là những người giàu. Đa phần mộ đất trong văn hoá Đông Sơn có ít đồ tuỳ táng, thường là đồ gốm, đồ trang sức, công cụ, vũ khí… có những mộ không có đồ tuỳ táng. Các hiện vật tuỳ táng thường mang đặc trưng văn hoá Đông Sơn, giai đoạn muộn có các hiện vật văn hoá Hán.
3.2.2. Mộ đất thời đại Kim khí khu vực Đông Nam Bộ
Đông Nam Bộ là vùng đất có khá nhiều địa điểm khảo cổ học tương đồng với văn hoá Sa Huỳnh. Các học giả người Pháp trước đây đã đưa hệ thống các địa điểm khảo cổ học thời đại Sắt như Phú Hoà, Hàng Gòn, Dầu Giây.... vào hệ thống văn hoá Sa Huỳnh (Parmentier...), nhưng trong các nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu miền Nam Việt Nam đã tách những di tích này thành cụm riêng, đặc biệt là nhóm di tích Giồng Phệt - Giồng Cá Vồ (Đặng Văn Thắng 1995; Nguyễn Thị Hậu 1997). Riêng di tích Giồng Cá Vồ có nhiều đặc điểm rất “Sa Huỳnh”, thể hiện ở táng tục mộ chum và mộ đất, ở những hiện vật và đồ tuỳ táng. Trong tổng số hơn 300 ngôi mộ phát hiện được ở Giồng Cá Vồ thì chỉ có 11 mộ đất. Các ngôi mộ cũng nằm xen kẽ với mộ quan tài gốm, nhưng tập trung nhiều ở phần đất thấp hơn của di tích. Người chết thường nằm thẳng, tay xuôi theo thân hoặc đặt trên bụng. Đồ tuỳ táng được đặt từ đầu xuôi theo thân xuống chân, thường là đồ gốm, đồ trang sức (nhiều hạt chuỗi mã não, thuỷ tinh, vỏ nhuyễn thể và vàng), công cụ, vũ khí bằng đồng hoặc sắt...
3.3. Mộ đất trong các văn hoá khu vực Đông Nam Á
3.3.1. Khu vực Đông Nam Á lục địa
Trong khu vực Đông Nam Á lục địa, chúng tôi tập trung chủ yếu vào khu vực Thái Lan, nơi các địa điểm khảo cổ học có nhiều điểm tương đồng với văn hoá Sa Huỳnh.
* Địa điểm Ban Wang Hi: nằm ở lưu vực Chiang Mai - Lamphun (phía Bắc Thái Lan), với những ngôi mộ đất mà tuyệt đại đa số là người trưởng thành, chỉ duy nhất 1 mộ táng là trẻ em. Các bộ xương thường được đặt nằm thẳng, tay xuôi theo thân cùng với những đồ tuỳ táng là các công cụ sắt, vòng tay bằng đồng, trang sức bằng thuỷ tinh, hạt chuỗi bằng đá và thuỷ tinh và đồ gốm...(Jean Pierre Pautreau và nnk 1997; Jean Pierre Pautreau và nnk 2000).
* Khu vực Đông Bắc Thái Lan: các địa điểm ở khu vực này thường trải dài từ sớm đến muộn, thường là từ thời đại Đồng sang thời đại Sắt với những ngôi mộ đặc trưng cho từng giai đoạn. Thường những ngôi mộ đất ở đây được đặt nằm thẳng, đồ gốm thường được đặt ở đầu, bụng và chân, những đồ trang sức và mũi nhọn bằng đồng, hạt chuỗi bằng đá agate, thuỷ tinh hay các công cụ và vũ khí bằng sắt... Ở một số địa điểm như Noen U- Loke giai đoạn sớm có hiện tượng mộ đất chôn theo thổ hoàng và xương động vật như xương cá và xương lợn. Trong văn hoá Thung Kula - Ronghai có hiện tượng mộ chum và mộ đất nằm xen kẽ với nhau (Sukanya Baonoed 2006; Charles Higham 2006).
3.3.2. Khu vực Đông Nam Á hải đảo
Khu vực Đông Nam Á hải đảo với truyền thống mộ chum khá gần gũi với văn hoá Sa Huỳnh như Philippines hay Indonesia, Malaysia. Ở Philipines chúng ta đã biết đến truyền thống mộ chum với truyền thống gốm Sa Huỳnh - Kalanay nổi tiếng.
Ở Indonesia: Hiện tượng mộ đất và mộ quan tài gốm tồn tại ở Indonesia từ khá sớm. Khi những ảnh hưởng của các yếu tố Ấn Độ vào những thế kỷ đầu Công nguyên vào Indonesia thì nơi đây mới thực sự bước sang thời đại Kim khí, và truyền thống này vẫn được bảo lưu. Có thể kể đến địa điểm Pacung ở vùng Bali là một ví dụ. Ở những thế kỷ đầu Công nguyên, những ngôi mộ đất với những đồ tuỳ táng là những hiện vật đồng (chủ yếu là đồ đồng dùng trong cuộc sống hàng ngày như rìu, vòng hay trống), những hạt trang sức được làm bằng thuỷ tinh, đá, và nhuyễn thể... và đồ gốm. Đặc biệt, ở địa điểm này cũng tồn tại mộ chum cải táng nằm xen kẽ với những ngôi mộ đất (I Made Suastika 2008).
atena
atena
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 125
Join date : 20/07/2009
Age : 36

Về Đầu Trang Go down

MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á Empty MỘ ĐẤT VĂN HÓA SA HUỲNH: NGHIÊN CỨU TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (tt)

Bài gửi by atena Mon Dec 14, 2009 3:25 pm

IV. Mộ đất văn hoá Sa Huỳnh trong bối cảnh Việt Nam và Đông Nam Á
Mộ đất tồn tại ở nhiều văn hoá khác nhau, từ thời đại Đá mới đến ngày nay. Chính vì vậy, ở những khu vực có sự tương đồng về văn hoá (theo lịch đại và đồng đại), mộ đất cũng có nhiều nét chung và riêng. Mộ đất chưa phải là đặc trưng nổi bật của văn hoá Sa Huỳnh, song nó là một phần của văn hoá này. Sự tồn tại của loại hình này có thể có nguồn gốc từ những văn hoá trước nó, những văn hoá được cho là cội nguồn của văn hoá Sa Huỳnh và cũng có thể có những nét tương đồng với những văn hoá đồng đại với văn hoá Sa Huỳnh.
Văn hoá Sa Huỳnh có những kế thừa từ những nền văn hoá được coi là cội nguồn của nó. Mộ đất luôn tồn tại cùng mộ quan tài gốm trong cùng một khu di tích, điều này đã có trong các văn hoá hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí ở khu vực Tây Nguyên (Nguyễn Khắc Sử và nnk 1999). Hiện tượng trong mộ táng có chôn theo vỏ nhuyễn thể, hay các hiện vật từ vỏ nhuyễn thể (ở Hoà Diêm, Xóm Ốc...) đã có mặt từ giai đoạn Xóm Cồn (Vũ Quốc Hiền 1996). Đặc biệt, sự bảo lưu của phong cách mộ Bình Châu thể hiện rõ nhất trong mộ đất văn hoá Sa Huỳnh, nhất là trong các di tích Xóm Ốc, Gò Mả Vôi...
Đối với các văn hoá đồng đại, mộ đất văn hoá Sa Huỳnh cũng như mộ quan tài gốm có sự giao lưu, thể hiện rõ nhất trong bộ di vật tuỳ táng. Những dấu ấn của văn hoá Đông Sơn ở các địa điểm Sa Huỳnh như Cồn Ràng, Gò Quê, Gò Mả Vôi... chủ yếu là những hiện vật bằng đồng như dao găm, mũi lao, rìu... và cả những chiếc trống đồng Đông Sơn. Điều đặc biệt là trống đồng Đông Sơn đã tồn tại trong không gian văn hoá Sa Huỳnh khá nhiều, nhưng chưa khi nào chúng ta phát hiện thấy chúng trong tầng văn hoá của các di tích Sa Huỳnh. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ phía văn hoá Đông Sơn lên văn hoá Sa Huỳnh mới chỉ dừng lại ở một số hiện vật bằng đồng, chúng ta chưa thấy dấu ấn của các hiện vật khác như đồ gốm, đồ trang sức... Bản thân các hiện vật đồng Đông Sơn ở văn hoá Sa Huỳnh cũng mới chỉ dừng lại ở các công cụ và vũ khí (rìu, mũi lao, dao găm), còn các đồ dùng sinh hoạt hoặc các công cụ đặc trưng khác như lưỡi cày, cuốc, thạp, thố... hầu như chưa thấy. Điều này có thể cho thấy, ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn lên văn hoá Sa Huỳnh có lẽ là từ buôn bán, trao đổi là chính.
Bên cạnh đó, điểm khác biệt giữa mộ đất trong văn hoá Đông Sơn và Sa Huỳnh còn thể hiện ở chỗ: mộ vò trong văn hoá Đông Sơn tồn tại thành khu riêng biệt, không có sự xen kẽ với mộ đất và các loại mộ táng khác trong khi đó, mộ đất trong văn hoá Sa Huỳnh luôn nằm cùng khu mộ táng với những ngôi mộ chum/nồi/vò.
Với các địa điểm khu vực phía Nam: địa điểm được cho là có nhiều dấu tích Sa Huỳnh nhất là Giồng Cá Vồ, thể hiện ở trong táng tục mộ quan tài gốm, mộ đất và ở nhiều đồ tùy táng. Cũng như văn hoá Sa Huỳnh, mộ quan tài gốm luôn chiếm ưu thế so với mộ đất về số lượng và hai loại mộ táng này cùng nằm xen kẽ trong cùng một di tích. Các hiện vật trong khu di tích này cũng mang nhiều đặc điểm giống văn hoá Sa Huỳnh như khuyên tai hai đầu thú, hạt chuỗi bằng mã não, thuỷ tinh, những trang sức bằng vỏ nhuyễn thể (hạt chuỗi, nhẫn, vòng) hay đồ gốm Sa Huỳnh... Ngoài những đồ gốm Sa Huỳnh đặc trưng, một số đồ gốm khác cũng có nhiều yếu tố gần gũi với nhóm di tích Sa Huỳnh nam.
Đối với một số khu vực Đông Nam Á, văn hoá Sa Huỳnh cũng có nhiều nét tương đồng, nhất là khu vực Đông Bắc Thái Lan. Trong thời đại Sắt ở Thái Lan, nhiều địa điểm có đặc trưng mộ táng bằng quan tài gốm xen kẽ với loại hình mộ đất (địa điểm Thung Kula trong văn hoá Ronghai là một ví dụ tiêu biểu), và những đồ tuỳ táng được đặt xung quanh thi hài, hay những ngôi mộ có chôn theo xương thú hoặc vỏ nhuyễn thể (như địa điểm Noen U-Loke, Ban Non Wat)... Ở khu vực phía Bắc Thái Lan mà tiêu biểu là địa điểm Ban Wang Hi có đặc trưng bộ công cụ bằng sắt khá tương đồng với văn hoá Sa Huỳnh, mộ táng nơi đây thường là mộ đất với nhiều đồ tuỳ táng là đồ sắt, đồ gốm, vỏ nhuyễn thể và xương động vật. Đối với các văn hoá vùng Đông Nam Á hải đảo, hiện tượng tương đồng văn hoá cũng xảy ra cùng với các văn hoá ở vùng lục địa, nhất là trong hệ thống gốm Sa Huỳnh - Kanalay hay với những táng thức của cư dân cổ ở Indonesia.
Như vậy, đến thời đại Sắt, mộ đất văn hoá Sa Huỳnh vẫn kế thừa những yếu tố của các văn hoá trước (ở một mức độ nào đó), song đã phát triển lên một tầm cao hơn, và không nằm ngoài dòng chảy chung của các nền văn hoá trong khu vực. Các giai đoạn của văn hoá Sa Huỳnh luôn xuất hiện những yếu tố “ngoại nhập” từ các văn hoá khác đương đại như văn hoá Đông Sơn, văn hoá Ấn Độ, văn hoá Hán... và càng đến giai đoạn muộn, các yếu tố ngoại lai này càng nhiều. Đó là điều tất yếu trong bối cảnh những thế kỷ đầu Công nguyên, khi mạng lưới giao thông buôn bán trên biển từ Trung Quốc đến các vùng Ấn Độ, Trung Đông phát triển đến đỉnh cao, và Đông Nam Á là những điểm trung chuyển tham gia vào con đường tơ lụa trên biển này.
V. Thảo luận về vấn đề mộ đất trong văn hoá Sa Huỳnh
1. Số lượng mộ đất không nhiều: cho đến nay, những địa điểm tồn tại loại hình mộ đất không nhiều và số lượng mộ đất cũng trong hoàn cảnh tương tự. Điều này có thể lý giải như sau: từ trước đến nay, chúng ta luôn quan tâm đến sự tồn tại của mộ quan tài gốm trong các di tích của văn hoá Sa Huỳnh (phát hiện đầu tiên về mộ đất vào năm 1995, tại địa điểm Cồn Ràng (Bùi Văn Liêm 1996), sau 86 năm kể từ khi phát hiện về văn hoá này). Có lẽ, trong những cuộc khai quật trước đây, những người khai quật ít chú ý đến những cụm gốm nằm rải rác trong hố khai quật hoặc nằm gần mộ quan tài gốm mà nhiều người đặt nghi vấn là có thể thuộc mộ quan tài gốm. Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý rằng, đất trong các di tích văn hoá Sa Huỳnh là đất cát và mộ thường được chôn thẳng vào đất, không có sự bảo vệ nên mức độ bị tàn phá sẽ nhiều hơn so với mộ quan tài gốm. Chính vì thế phần lớn mộ đất văn hoá Sa Huỳnh còn rất ít dấu vết, thường chỉ còn lại những cụm gốm, một số ít đồ tuỳ táng và một số dấu hiệu để có thể nhận ra chúng.
2. Mộ đất tồn tại nhiều trong giai đoạn muộn: mộ đất văn hoá Sa Huỳnh tồn tại từ giai đoạn sớm cho đến muộn, nhưng chủ yếu xuất hiện nhiều trong những thế kỷ sau Công nguyên. Ở một khía cạnh nào đó có thể thấy, các địa điểm khai quật gần đây của văn hoá Sa Huỳnh có niên đại khá muộn, thường kéo dài đến những thế kỷ sau Công nguyên. Chúng ta chưa có điều kiện khai quật lại các di tích sớm của văn hoá Sa Huỳnh, hoặc các di tích đó đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn trước sự tàn phá của con người nên khó có thể kiểm chứng lại tư liệu. Tuy nhiên, giai đoạn muộn của văn hoá Sa Huỳnh chứng kiến sự thoái trào của loại hình mộ chum lớn, thay vào đó ở một số địa điểm, mộ quan tài gốm chủ yếu là dạng mộ nồi dành chôn cất trẻ em (như Suối Chình), vậy những người trưởng thành sẽ được chôn cất như thế nào? Bản thân địa điểm Suối Chình có tồn tại loại hình mộ đất, trong khi những ngôi mộ đất trong văn hoá Sa Huỳnh xác định được thường là người trưởng thành. Vấn đề đặt ra là, liệu trong giai đoạn muộn, táng thức của cư dân Sa Huỳnh có phải thay đổi từ mộ quan tài gốm sang mộ đất hay không?
3. Phương thức mai táng: văn hoá Sa Huỳnh tồn tại hai táng thức: táng thức mộ quan tài gốm và táng thức mộ đất, trong đó mỗi táng thức lại có những táng tục riêng (hung táng, cải táng, hoả táng và tượng trưng). Trong táng thức mộ đất, táng tục hung táng là điều không thể phủ nhận bởi cấu trúc mộ cũng như di cốt còn nguyên ở tư thế giải phẫu.
Những ngôi mộ được cho là “mộ giả” hay mộ tượng trưng khá nhiều, do trong mộ không có di cốt nhưng đồ tuỳ táng được sắp xếp rất cẩn thận. Tuy nhiên, sự vắng mặt của di cốt ở mộ táng văn hoá Sa Huỳnh là điều dễ hiểu do tính chất đất cát nghèo Canxi của miền Trung nên xương cốt bị phá huỷ rất nhanh, nhất là trong điều kiện di cốt được chôn thẳng vào đất. Những mộ táng còn di cốt thường là những nơi trong tầng văn hoá có vỏ nhuyễn thể hoặc trong những mộ táng có nhiều đồ tuỳ táng bằng sắt, những thứ có thể giúp xương lâu bị phân huỷ hơn. Do đó, có thể một số ngôi mộ được cho là “mộ giả” cũng từng tồn tại di cốt.
Những ngôi mộ đất được cho là hoả táng được tìm thấy trong văn hoá Sa Huỳnh không nhiều, chủ yếu là dựa vào những dấu vết đất cháy, than tro xung quanh mộ hay những mảnh xương bị cháy còn lại trong mộ. Ở địa điểm Hoà Diêm, Gò Quê, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh xương cháy trong mộ quan tài gốm (Nguyễn Đăng Cường 2004; Đoàn Ngọc Khôi và nnk 2008), và ở Hoà Diêm cũng đã tìm thấy những địa điểm có dấu vết xương cháy và than tro mà những người khai quật nghi ngờ là địa điểm hoả thiêu. Có khả năng những ngôi mộ được gọi là mộ đất hoả táng ở địa điểm Hoà Diêm chính là nơi hoả táng, (xem sơ đồ thực nghiệm của Mike Parker Pearson về hoả táng) sau đó xương cốt được đưa vào chum táng hoặc chôn ở nơi khác.
Ở địa điểm Sa Huỳnh giai đoạn muộn như Hoà Diêm, đa số mộ quan tài gốm là mộ cải táng (có hiện tượng cải táng nhiều cá thể trong một chum), trong khi đó ở chính địa điểm này lại thấy những ngôi mộ đất hung táng và những mộ chỉ còn một phần di cốt. Phải chăng người ta chôn người chết lần đầu trong mộ đất, sau đó khi cải táng mới đưa các di cốt này vào quan tài gốm? Những ngôi mộ đất còn một phần di cốt cũng có thể là mộ đất cải táng hoặc là phần còn lại của mộ đất sau khi cải táng. Và như thế, ít nhiều mộ đất và mộ quan tài gốm cũng có mối quan hệ nhất định (xem sơ đồ) (Nguyễn Thị Hảo, Hoàng Thuý Quỳnh 2008).
Mặt khác, trong cùng một địa điểm khảo cổ tồn tại cả hai loại hình mộ táng, đồ tuỳ táng trong mộ quan tài gốm và mộ đất có sự tương đồng khá rõ nên có thể nói rằng, chủ nhân của mộ đất và mộ quan tài gốm là một - cư dân văn hoá Sa Huỳnh. Hiện tượng người được
Sơ đồ thể hiện phương thức chôn cất của cư dân Sa Huỳnh
(Nguồn: Nguyễn Thị Hảo, Hoàng Thuý Quỳnh 2008)
chôn trong mộ đất hay quan tài gốm chứng minh cho sự đa dạng trong táng thức của cư dân văn hoá này, và theo thời gian, sự thay đổi về tỉ lệ của các mộ táng trong cùng một địa điểm cũng thể hiện sự biến chuyển trong quan niệm về cái chết của cư dân Sa Huỳnh. Đối với trẻ em, người ta chôn hung táng nhưng đối với những người trưởng thành, người ta có thể chôn hung táng trong mộ đất hay mộ quan tài gốm, sau đó một số mộ còn được cải táng trong các chum, vò hoặc cũng có khả năng cải táng trong mộ đất. Dù là táng thức trong quan tài gốm hay trong mộ đất với những táng tục khác nhau nhưng cư dân Sa Huỳnh cũng như nhiều cư dân khác luôn có thái độ rất trân trọng đối với người quá cố.
4. Thân phận của chủ nhân mộ đất: sự giàu nghèo của hiện vật tuỳ táng phần nào cho thấy thân phận và địa vị xã hội của chủ nhân chúng. Mộ đất tuy có số lượng không nhiều song có mặt trải đều trong các nhóm mộ từ giàu đến nghèo, có mộ chỉ có một vài đồ gốm những có mộ lại rất nhiều, từ đồ gốm đến đồ đồng, đồ sắt, trang sức bằng mã não, thuỷ tinh. Điều thường thấy là, những ngôi mộ có nhiều đồ tuỳ táng lại là những mộ có nhiều đồ quý. Gò Mả Vôi, Tiên Lãnh và Lai Nghi là những ví dụ điển hình cho sự phân hoá này. Ở Lai Nghi có 1 mộ đất mà đồ tuỳ táng là những hiện vật đặc biệt có giá trị như bộ đồ đồng Đông Hán (ấm, bình, nồi, bát, đỉnh, chậu, móc thắt lưng...), nghiên - án mực có chữ Hán, dao sắt có chuôi hình vành khăn (kiểu Hán) và đồ gốm Sa Huỳnh. Đây là ngôi mộ bề thế nhất, giàu có và sang trọng hơn tất cả những ngôi mộ đất và mộ chum khác trong địa điểm Lai Nghi và cả các địa điểm khác của văn hoá Sa Huỳnh (Lâm Thị Mỹ Dung 2008). Có ý kiến đã cho rằng đây có thể là mộ của người thuộc cấp bậc cao (nhất) trong cộng đồng cư dân, có khả năng là một vị đại thủ lĩnh một vùng, và là người theo Hán học (Lâm Thị Mỹ Dung 2008). Như vậy, xã hội Sa Huỳnh đã có sự phân hoá từ những thế kỷ trước Công nguyên, nhưng sang giai đoạn muộn, sự phân hoá ngày càng rõ rệt, bất kể những người được chôn trong mộ quan tài gốm hay mộ đất.
V. Một vài ý kiến về vấn đề bảo tồn mộ đất văn hoá Sa Huỳnh
Mộ đất hay mộ quan tài gốm đều là một phần của văn hoá Sa Huỳnh - văn hoá nổi tiếng thời đại Sắt và có các mối quan hệ không chỉ ở Việt Nam mà trong cả khu vực. Việc bảo tồn mộ đất cũng như các loại hình mộ táng trong văn hoá Sa Huỳnh là một vấn đề cần thiết và nên được thực hiện ở các Bảo tàng trong nhà và các Bảo tàng ngoài trời để chúng ta có thể đưa chúng vào khai thác các tuyến du lịch đang rất phát triển ở khu vực miền Trung.
Cho đến nay, vấn đề bảo tồn các di tích khảo cổ học vẫn còn là một vấn đề lớn đối với Việt Nam, nhất là việc bảo tồn các khu di tích làm Bảo tàng ngoài trời. Một số thử nghiệm về bảo tồn mộ táng hay các di tích khảo cổ học đã từng được thực hiện ở miền Bắc và miền Nam nhưng kết quả vẫn chưa thật sự khả quan. Vấn đề bảo tồn mộ táng, nhất là mộ táng văn hoá Sa Huỳnh càng trở lên khó khăn do chịu nhiều ảnh hưởng của khí hậu, do điều kiện thổ nhưỡng của các di tích chủ yếu là đất cát, trong khi chúng ta “chưa có mấy kinh nghiệm trong việc bảo quản các loại hình mộ táng đặc biệt này trong hệ môi trường và khí hậu của Việt Nam” (Vũ Thế Long 2004). Do vậy, việc bảo tồn mộ táng trong văn hoá Sa Huỳnh cần được quan tâm một cách đúng mực, có sự học hỏi từ các nước đã rất thành công trong việc gắn các di tích khảo cổ học với khai thác Du lịch trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

Tài liệu dẫn
Tài liệu tiếng Việt
Andreas Reinecke, Nguyễn Chiều, Lâm Thị Mỹ Dung 2002. Những phát hiện mới về văn hoá Sa Huỳnh. Nxb Linden Soft 1.
Nguyễn Công Bằng, Trịnh Căn và Lò Giàng Páo 1991. Phát hiện mộ cổ trên đảo Bình Ba (Khánh Hoà). Trong NPHMVKCH 1990. Uỷ ban Khoa học Xã hội , Hà Nội: 103 - 104.
Nguyễn Công Bằng, Trịnh Căn, Quang Văn Cậy, Vũ Quốc Hiền, Phạm Văn Hoán, Ngô Thế Phong. Văn hoá Xóm Cồn với tiền sử và sơ sử Khánh Hoà. Viện BTLS - Sở VHTT Khánh Hoà, Nha Trang 1993.
Nguyễn Lân Cường 2007. Người Sa Huỳnh. Bài viết trong Hội thảo Đề tài cấp Bộ “Giao lưu và hội nhập văn hoá trong thời đại Sắt sớm ở miền Trung Việt Nam”. Tư liệu Viện Khảo cổ học.
Nguyễn Lân Cường, Đoàn Ngọc Khôi 2008. Về răng người cổ tìm thấy trong mộ chum Gò Quê (Quảng Ngãi). Trong NPHMVKCH 2007. Nxb KHXH, Hà Nội: 169- 171.
Đoàn khai quật Lai Nghi 2004. Khai quật khu mộ táng Lai Nghi (Quảng Nam) lần thứ nhất (năm 2002). Trong NPHMVKCH 2003. Nxb KHXH, Hà Nội: 239- 241.
Đoàn khai quật Lai Nghi 2004. Khai quật khu mộ táng Lai Nghi (Quảng Nam) lần thứ hai, năm 2003. Trong NPHMVKCH 2003. Nxb KHXH, Hà Nội: 241- 243.
Lâm Thị Mỹ Dung 1999. Yếu tố Hán ở miền Trung Việt Nam những thế kỷ trước và sau Công nguyên. Trong Hội thảo khoa học: 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh. Tư liệu Bảo tàng Nhân học.
Lâm Thị Mỹ Dung 2005. Một số vấn đề khảo cổ học ven biển miền trung Việt Nam giai đoạn chuyển tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Champa. Đề tài cấp ĐHQG. Tư liệu Bảo tàng Nhân học.
Lâm Thị Mỹ Dung 2008. Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ sơ sử sang lịch sử sớm ở miền Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ Việt Nam. Đề tài khoa học trọng điểm của ĐH Quốc gia Hà Nội. Tư liệu Bảo tàng Nhân học.
Nguyễn Giang Hải 1992. Mộ chum Sa Huỳnh ngoài văn hoá Sa Huỳnh. Trong NPHMVKCH 1991. Viện KHXHVN, Hà Nội: 93-94.
Nguyễn Thị Hảo, Hoàng Thuý Quỳnh 2008. Mộ đất văn hoá Sa Huỳnh. Bài viết trong Hội thảo NPHMVKCH 2008.
Nguyễn Thị Hậu, Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Kim Dung 1995. Đào thám sát di tích Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh). Trong NPHMVKCH 1994. Nxb KHXH, Hà Nội: 142- 144.
Nguyễn Thị Hậu 1997. Di tích mộ chum miền Đông Nam Bộ. Những phát hiện mới tại Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh. Luận án PTS Khoa học Lịch sử. Tư liệu Viện Khảo cổ học.
Vũ Quốc Hiền 1999. Các con đường hình thành văn hóa Sa Huỳnh. Trong Hội thảo 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh.
Vũ Quốc Hiền 1996. Văn hoá Xóm Cồn và vị trí của nó trong thời đại Kim khí ven biển miền Trung. Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Lịch sử.
Bùi Chí Hoàng, Yamagata Mariko, Nguyễn Kim Dung 2008. Khai quật Hòa Diêm (Khánh Hòa), tháng 1- 2007. Trong NPHMVKCH 2007. Nxb KHXH, Hà Nội: 125- 128.
Đoàn Ngọc Khôi 1999. Văn hóa Sa Huỳnh dưới góc nhìn văn hóa biển. Trong Hội thảo khoa học 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh.
Đoàn Ngọc Khôi 2002. Di tích Xóm Ốc (Cù Lao Ré- Quảng Ngãi) và di tích Bãi Ông (Cù Lao Chàm- Quảng Nam): Tư liệu và nhận thức. Khảo cổ học, số 2: 75- 100.
Đoàn Ngọc Khôi 2004. Di tích Xóm Ốc và vấn đề văn hoá Sa Huỳnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Luận án Tiến sĩ Lịch sử. Tư liệu Bảo tàng Nhân học.
Đoàn Ngọc Khôi 2004. Vai trò của các đảo ven bờ và vùng duyên hải trong nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam. Trong Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam (tập I). NXB KHXH, Hà Nội: 771- 792.
Đoàn Ngọc Khôi và nnk 2006. Khai quật chữa cháy khu mộ táng Gò Quê, Quảng Ngãi. Trong NHPHVKCH 2005, Nxb KHXH, Hà Nội: 196 - 200.
Bùi Văn Liêm, Trần Quý Thịnh, Nguyễn Đăng Cường, Phạm Xuân Phượng, Hà Thắng 1994. Khai quật lần thứ nhất di tích Cồn Ràng (Thừa Thiên - Huế). Trong NPHMVKCH 1993. Nxb KHXH, Hà Nội: 99- 100.
Bùi Văn Liêm 1994. Báo cáo kết quả khai quật di tích Cồn Ràng, Thừa Thiên Huế 1993. Tư liệu Thư viện Viện Khảo cổ học, TL453.
Bùi Văn Liêm, Trần Quý Thịnh, Ngô Sĩ Hồng, Nguyễn Đăng Cường, Hà Thắng, Nguyễn Công Trình 1996. Khai quật lần thứ hai khu mộ Cồn Ràng (Thừa Thiên- Huế). Trong NPHMVKCH 1995. Nxb KHXH, Hà Nội: 125- 129.
Bùi Văn Liêm, Nguyễn Đăng Cường, Văn Đình Thanh, Trịnh Nam Hải, Hà Thắng, Nguyễn Văn Trinh 2005. Khai quật lần thứ ba di tích Cồn Ràng- Thừa Thiên Huế. Trong NPHMVKCH 2004. Nxb KHXH, Hà Nội: 163- 166.
Bùi Văn Liêm, Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Tâm 2005. Khai quật di tích Hoà Diêm (Khánh Hoà) lần thứ nhất. Trong NPHMVKCH 2004. Nxb KHXH, Hà Nội: 167- 169.
Bùi Văn Liêm, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Đăng Cường 2008. Di tích Cồn Ràng (Thừa Thiên Huế). Khảo cổ học, số 5: 61- 87.
Vũ Thế Long 2004. Để gìn giữ và bảo quản các di tích, di vật trong hệ môi trường đa dạng Việt Nam. Trong “Hội thảo Bảo quản và phục dựng di sản Bảo tàng giành sự lựa chọn nào cho Việt Nam”.
Phạm Thị Ninh, Đoàn Ngọc Khôi 1999. Xóm Ốc, di tích văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn. Khảo cổ học, số 2: 14- 39.
Phạm Thị Ninh 1999. Phát hiện di chỉ Suối Chình trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trong NPHMVKCH 1999. Nxb KHXH, Hà Nội: 273- 275.
Phạm Thị Ninh 2000. Di chỉ Xóm Ốc (đảo Lý Sơn) trong mùa điền dã năm 1999. Trong NPHMVKCH 1999. Nxb KHXH, Hà Nội: 268- 270.
Phạm Thị Ninh 2000. Báo cáo khai quật Suối Chình. Tư liệu Thư viện Viện Khảo cổ học.
Phạm Thị Ninh, Hà Nguyên Điểm, Trịnh Hoàng Hiệp 2001. Khai quật di chỉ Suối Chình trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trong NPHMVKCH 2000. Nxb KHXH, Hà Nội: 192- 194.
Phạm Thị Ninh, Phạm Vũ Sơn 2003. Báo cáo điều tra khảo sát di tích Động Cườm (Bình Định) và di tích Bình Châu (Quảng Ngãi). Tư liệu Viện Khảo cổ học.
Phạm Thị Ninh, Phạm Vũ Sơn, Lê Thị Hiệp 2004. Di tích Bình Châu II (Quảng Ngãi) trong mùa điền dã năm 2002. Trong NPHMVKCH 2003. Nxb KHXH, Hà Nội: 251- 252.
Phạm Thị Ninh 2008. Giao lưu và hội nhập văn hóa giai đoạn Sắt sớm ở miền Trung Việt Nam. Đề tài khoa học cấp bộ. Tư liệu Viện khảo cổ học.
Ngô Thế Phong 1997. Văn hoá Sa Huỳnh trong khung cảnh Đông Nam Á. Khảo cổ học, số 4: 45- 57.
Ngô Thế Phong 1999. Tư liệu về Sa Huỳnh và một vài tham góp về mối quan hệ của văn hóa Sa Huỳnh. Trong Hội thảo khoa học 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh.
Ngô Thế Phong, Lê Thị Hiệp và Chu Văn Vệ 2008. Báo cáo kết quả khai quật di tích Bình Châu II - Quảng Ngãi năm 2003. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Dương Đức Quý, Nguyễn Thị Tuyết, Ngô Thị Lan, Nguyễn Chiều 2000. Khai quật chữa cháy di tích văn hoá Sa Huỳnh ở Gò Mả Vôi (Duy Xuyên, Quảng Nam). Trong NPHMVKCH 1999. Nxb KHXH, Hà Nội: 258- 261.
Trịnh Sinh 1999. Mối quan hệ phía Bắc và phía Nam của văn hóa Sa Huỳnh. Trong Hội thảo khoa học: 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh.
Phạm Vũ Sơn, Ngô Thế Phong, Chu Văn Vệ, Lê Thị Hiệp, Đoàn Ngọc Khôi 2004. Khai quật di chỉ khảo cổ học Bình Châu (Bình Sơn- Quảng Ngãi). Trong NPHMVKCH 2003. Nxb KHXH, Hà Nội: 247- 251.
Nguyễn Khắc Sử, Trần Quý Thịnh, Nguyễn Xuân Hoá, Huỳnh Thị Xuân Thanh, Phan Thanh Bàng, Trượng Tính, Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Viết Toà, Mai Thị Lý, Vũ Thị Mai 1999. Báo cáo khai quật di chỉ Lung Leng xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum (Đợt I, tháng 9 & 10 năm 1999). Tư liệu Viện Khảo cổ học.
Chử Văn Tần 2004. Bình Châu (Quảng Ngãi)- cái nhìn mới. Trong NPHMVKCH 2003. Nxb KHXH, Hà Nội: 253- 255.
Chử Văn Tần 2004. Văn hóa Sa Huỳnh- nhìn lại mười thập kỷ phát hiện và nghiên cứu. Trong Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam (tập I). Nxb KHXH, Hà Nội: 727- 739.
Đặng Văn Thắng 1995. Khai quật di chỉ Giồng Cá Vồ, Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Khảo cổ học, số 2: 3- 19.
Lê Bá Thảo 1998. Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lý. Nxb Thế giới, Hà Nội.
Lê Bá Thảo 2006. Thiên nhiên Việt Nam. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Nguyễn Kim Thuỷ 1993. Một số đặc điểm răng người cổ ở đảo Bình Ba. Trong Văn hoá Xóm Cồn với tiền sử và sơ sử Khánh Hoà. Viện BTLS - Sở VHTT Khánh Hoà, Nha Trang: 114 - 119.
Nguyễn Thành Trai, Ngô Sỹ Hồng 1978. Báo cáo khai quật địa điểm Bình Châu - Nghĩa Bình 1978. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

Tài liệu tiếng Anh
Charles Higham 2006. Ban Non Wat: Neolithic through Iron Age Cemetery in Thailand. Nguồn http://archaeology.about.com/od/thailand/a/ban_non_wat.htm.
Charles Higham. Noen U- Loke. In The origins of Angkor Archaeologycal project. http://www.otago.ac.nz/anthropology/Angkor/-nul.html.
I Made Suastika 2008. Traces of Human Life style from the Palaeolithic Era to the Beginning of the First Century AD. Nguồn http://webdoc.sub.gwdg.de/.
Jean Pierre Pautreau, Aude Matringhem and Patrica Mornais 1997. Excavation at Ban Wang Hi, Lam Phun province, Thailand. In The Journal of the Siam Society, Vol 85, Parts 1&2.
Jean Pierre Pautreau, Patricia Mornais and Tasana Doy Asa 2000. Iron tools and weapons in Ban Wang Hi necropolis (Lamphun, Northern Thailand). In 8th International Conference of the European Association of Southeast Asian Archaeologists - Abstracts.
Mike Parker Pearson 2005. The Archaeology of Death and Burial. Texas A&M University Press College station.
Sukanya Baonoed 2006. Research on late Prehistoric burial Tradition of the Thung Kula - Ronghai culture Northeast Thailand. The paper presented at IPPA Conference 2006, Manila, Philippines.

* Cn. Viện Khảo cổ học
** Th.S. Viện Khảo cổ học
http://dzunglam.blogspot.com/2009/10/mo-at-van-hoa-sa-huynh.html
atena
atena
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 125
Join date : 20/07/2009
Age : 36

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết