khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG

Go down

NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  Empty NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG

Bài gửi by Hasuongkch Sat Jul 23, 2011 1:35 am


Bài viết của anh Lương Chánh Tòng in trong Nam Bộ Đất và Người tập 8 (tr459-473)

Năm 1944, một nền văn hoá cổ ở Nam Bộ Việt Nam lần được đầu tiên được định danh bởi nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret - văn hoá Óc Eo. Từ đó đến nay, văn hoá Óc Eo luôn thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của giới khảo cổ, cổ sử, văn hoá…trong và ngoài nước nhằm nghiên cứu tìm hiểu sự hình thành, phát triển, về nguồn gốc, chủ nhân, đặc trưng văn hoá về không gian, thời gian, di tích, di vật và những mối quan hệ tương quan, hữu quan với các văn hoá khác trong khu vực và thế giới bên ngoài cũng như mối quan hệ của văn hoá Óc Eo với vương quốc được gọi là Phù Nam… Trong đó, có một phần nghiên cứu quan trọng là giai đoạn tiền Óc Eo để hình thành nên một nền văn hoá Óc Eo, nhằm giải quyết một câu hỏi lớn: văn hoá này nảy sinh từ đâu và phát triển như thế nào? Đây là câu hỏi đặt nhiệm vụ nghiên cứu cho các nhà khảo cổ học Việt Nam cần phải giải quyết. Có thể nói nhiệm vụ này chính thức được khởi sự nghiên cứu từ sau năm 1975 cho đến nay và công việc vẫn đang được tiếp tục, bước đầu đã đạt được một số kết quả. Thành tựu nghiên cứu về giai đoạn này mặc dù vẫn còn nhiều khoảng trống nhưng những nghiên cứu ban đầu đó đã cung cấp một nguồn tư liệu tương đối lớn, bước đầu đã có hệ thống, gợi mở những cách tiếp cận nghiên cứu mới để làm rõ những vấn đề cơ bản của văn hoá Óc Eo trong tương lai. Đây là nguồn tư liệu có tính chất bắt buộc đối với bất cứ nhà nghiên cứu hay những ai quan tâm về văn hoá Óc Eo cần phải trang bị.

1. Thành tựu nghiên cứu giai đoạn văn hoá Tiền Óc Eo ở Nam Bộ từ năm 1975 đến 2010.

Thế hệ đầu tiên nghiên cứu nền văn hoá Óc Eo phải kể đến các nhà nghiên cứu phương Tây triển khai trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Trong giai đoạn đầu, họ đã làm được khá nhiều việc trong nghiên cứu nền văn hoá này, chúng ta có thể nhận thấy được những thành quả thông qua hệ thống di tích, di vật được nghiên cứu, sưu tầm, khai quật, lưu giữ và công bố. Tổng kết thành tựu nghiên cứu văn hoá Óc Eo giai đoạn này là công trình nghiên cứu đồ sộ với bốn tập dày dặn được công bố từ năm 1959 đến 1963: Khảo cổ học đồng bằng sông Cửu Long (L’archeologie du delta du Mekong), công trình nghiên cứu này như viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu nền văn hoá Óc Eo.
Tuy nhiên, công trình này cũng như các quan điểm học thuật của các học giả phương Tây được công bố khác chưa nêu lên được nguồn gốc của nền văn hoá Óc Eo bắt nguồn từ đâu, chủ nhân của nền văn hoá đó là ai…,mặc dù Louis Malleret có có giới thiệu 4 chiếc rìu có vai (hache), 3 chiếc rìu tứ giác (herminette) và nhận định: “Các cộng cụ bằng đá tìm thấy trong các hang động và các đồn gốm xưa nhất lẫn lộn trong các đống vỏ sò, trong đó có nhiều điểm giống nghệ thuật Cù Lao Rùa và Somron Sen, chứng tỏ những di tích ấy thuộc một giai đoạn đồ đá mà người ta có thể gọi là giai đoạn Tiền Phù Nam” .
Trong nhận thức chung thuộc quy luật lịch sử, không một nền văn hoá nào lại không kế thừa và tiếp thu những thành tựu và nền tảng của các văn hoá trước đó để hình thành nên và làm phong phú cho nền văn hoá của mình. Văn hoá Óc Eo được hình thành từ đâu? Và hình thành như thế nào? Năm 1983 trong cuộc Hội thảo khoa học: “Văn hoá Óc Eo và các nền văn hoá cổ ở Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại Long Xuyên – An Giang, Giáo sư Hà Văn Tấn đã có bài tham thuận nổi tiếng: “Óc Eo – những yếu tố nội sinh và ngoại sinh”, trong đó ông viết: “Trước hết, chúng ta có thể nhận ra rằng thành thị Óc Eo không phải đã mọc lên trên một vùng hoang vắng không dân cư, mà khu vực này đã là một điểm tụ cư từ rất sớm, ít ra từ hậu kỳ đá mới hay sơ kỳ thời đại kim khí. Những chiếc rìu hay bôn bằng đá, có vai hoặc tứ giác, tìm thấy ở Óc Eo và các điểm như Đá Nổi, Núi Sập đã cho ta biết điều đó.” Đây có thể coi là sự gợi mở đầu tiên cho việc nghiên cứu giai đoạn tiền Óc Eo ở Nam Bộ Việt Nam. Cũng tại cuộc Hội thảo khoa học này, PGS.Lê Xuân Diệm có bài tham luận: “Về các văn hoá cổ ở đồng bằng sông Cửu Long” ông viết: Thật rõ ràng, trong văn hoá Óc Eo đã có một số loại hình di tích, di vật của văn hoá truyền thống Đồng Nai…Những loại hình ấy khá phổ biến trong sinh hoạt, trong các ngành nghề thủ công và cả trong lối sống. Bởi lẽ đó, có thể nghĩ rằng văn hoá Óc Eo được tạo dựng nên ở vùng châu thổ thấp trũng sông Cửu Long, trên thực tế, là nhờ một phần quan trọng ở những nỗ lực sáng tạo của chủ nhân văn hoá Đồng Nai , quan điểm này được xuyên suốt trong suốt hơn 20 năm nghiên cứu tiếp sau của Ông về nền văn hoá Óc Eo: Từ những chứng tích cụ thể và phổ biến về loại hình cư trú trên nhà sàn, về loại hình đồ gốm và các loại vật dụng khác (đồ đá, đồ đồng) có thể ghi nhận thành phần văn hoá chủ đạo liên quan trực tiếp đến cội nguồn, đến bản địa của văn hoá Óc Eo là văn hoá kim khí vùng hạ lưu sông Đồng Nai – Vàm Cỏ .
Từ đó đến nay, các nhà nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam đã đặt trọng tâm nghiên cứu văn hoá cổ ở Nam Bộ vào việc tìm kiếm hệ thống các di tích của giai đoạn hình thành nên nền văn hoá Óc Eo. Trong đó đáng chú ý là chương trình nghiên cứu khảo cổ học Nam Bộ theo chỉ thị của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, thực hiện trong những năm 90 của thế kỷ 20. Thực hiện chương trình nghiên cứu này, các nhà khảo cổ học ở cả hai miền Nam – Bắc đã cùng nhau xây dựng kế hoạch, nghiên cứu, phân chia các giai đoạn phát triển của các nền văn hoá cổ ở Nam Bộ, trọng tâm là nền văn hoá Óc Eo. Đặc biệt chú ý đến việc điều tra và khai quật các di chỉ cư trú, nhằm tìm ra các giai đoạn với bằng cứ dựa vào các di vật, đặc biệt là gốm, từ đó tiến hành đối chiếu, so sánh, định niên đại và bước đầu đã có thể nhận thức rõ ràng về các giai đoạn phát triển văn hoá Óc Eo. Kết quả của những nỗ lực nghiên cứu khảo cổ học với hàng chục cuộc khai quật ở hầu khắp các tỉnh Nam Bộ từ Đồng Nai đến Kiên Giang, cùng với đó là việc chỉnh lý hệ thống tư liệu các di vật, ở 14 bảo tàng tỉnh Nam Bộ của Viện khảo cổ học. Kết quả thu được mặc dù: “Điều khó khăn là cho đến nay, chúng ta cũng chưa lập được trật tự sớm muộn của các di chỉ này và đặc biệt, chưa thấy rõ được mối quan hệ giữa chúng, chưa hiểu được đó là các giai đoạn trên cùng một tuyến hay chỉ là những di tích Tiền Óc Eo nhưng thuộc các tuyến khác nhau. Nhưng điều cực kỳ lý thú và quan trọng là từ những di tích Tiền Óc Eo này, chúng ta đã nhận ra được những yếu tố sơ khai mà sau này định hình và phổ biến trong văn hoá Óc Eo...chúng ta đã có thể tin rằng văn hoá Óc Eo có nguồn gốc bản địa” .
Trong cuộc Hội thảo nhân 60 năm phát hiện và nghiên cứu nền văn hoá Óc Eo tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2004, các nhà nghiên cứu đã bước đầu công bố các di tích thuộc giai đoạn “Tiền Óc Eo” với các con đường hình thành nên nền văn hoá Óc Eo:
- Con đường từ Đông Nam Bộ chuyển xuống với các di tích An Sơn – Rạch Núi - Gò Ô Chùa, Gò Cao Su – Long An.
- Con đường từ cửa biển Cần Giờ với các di tích Giồng Cá Vồ - Giồng Phệt (thành phố Hồ Chí Minh) – Giồng Lớn (Bà Rịa – Vũng Tầu).
- Hướng bản địa châu thổ sông Cửu Long là di tích Gò Cây Tung.
- Hướng cửa biển phía Đông Nam miền Tây Nam Bộ với di tích Giồng Nổi (Bến Tre).
Kết quả nghiên cứu khai quật di chỉ cư trú chân Gò Minh Sư – khu di tích Gò Tháp lần thứ 2 năm 2002 cung cấp tư liệu về một giai đoạn tiền Óc Eo khi cho rằng: Sự tồn tại của di tích như vậy đã kéo dài ít nhất từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 1 BC cho dến khoảng thê kỷ 11 – 12 AD
Năm 2005, TS.Ngô Thế Phong và TS.Bùi Phát Diệm trên cơ sở kết quả khai quật di tích Gò Ô Chùa lần thứ nhất năm 1997 đã trình bày về: Di chỉ Gò Ô Chùa – Tiền Óc Eo hay Óc Eo? Trong tham luận tại Hội thảo Quốc tế: Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam. Sau khi trình bày đặc điểm di tích, di vật, so sánh đối chiếu với các di tích khác đồng đại…các tác giả đã đi đến nhận định: Như vậy, Gò Ô Chùa tồn tại trong vòng 5 – 6 thế kỷ, ở vào một thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình lịch sử, đó là sự hình thành văn hoá Óc Eo. Gò Ô Chùa chính là một ngả đường tiến đến Óc Eo và đã thực sự đóng góp vào sự phát triển nội sinh của nền văn hoá nổi tiếng này . Tiếp sau đó, năm 2007 nhóm các nhà nghiên cứu khảo cổ học của Viện khảo cổ Đức và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội từ các kết quả nghiên cứu khai quật di tích Gò Ô Chùa (Long An) đã trình bày về: Địa điểm Gò Ô Chùa (Long An) với quá trình chuyển tiếp tiền Óc Eo lên Óc Eo ở Nam Bộ. Tại công bố này, các tác giả đã trình bày hệ thống kết quả nghiên cứu di tích Gò Ô Chùa qua 4 lần khai quật và đi đến nhận định: Cư dân Gò Ô Chùa thuộc thời kỳ kim khí với các giai đoạn khác nhau tương đương với các địa điểm nằm trong giai đoạn tiền Óc Eo lên Óc Eo ở khu vực Nam Bộ. Dẫn chứng bằng cứ, các tác giả đã tiến hành so sánh, đối chiếu liên hệ về mặt lịch đại với hệ thống các di tích văn hoá cổ ở Nam Bộ như di tích Gò Cao Su, Gò Hàng, Giồng Cá Vồ, Long Bửu, Giồng Nổi....Rõ ràng, dấu hiệu của văn hoá Óc Eo ở Gò Ô Chùa là có sau, và Gò Ô Chùa có sự phát triển của hai giai đoạn: giai đoạn 1 là lớp cư trú sớm có niên đại tương đương với giai đoạn Tiền Óc Eo; giai đoạn 2 cùng thời và muộn hơn 1 chút so với Óc Eo (theo niên đại mộ muộn). Ở Gò Ô Chùa không có nhiều hiện vật cho thấy rõ ràng tính chất Óc Eo nhưng nó lại có nhiều di vật cho thấy mối liên hệ đồng đại với các di tích Óc Eo điển hình khác. Bởi vậy, Gò Ô Chùa trong một chừng mực nào đó đã có mối liên hệ với văn hoá Óc Eo, nhưng sự liên hệ này không mấy chặt chẽ, và Gò Ô Chùa có con đường đi riêng của nó bên cạnh Tiền Óc Eo và Óc Eo để rồi nó cùng các di tích đồng đại ở khu vực thượng lưu hệ thống sông Đồng Nai và sông Vàm Cỏ tạo thành 1 trong 3 hệ thống các văn hoá cổ có niên đại sơ kì sắt chuyển lên thời kì lịch sử Nam Bộ vào khoảng nửa sau thiên kỉ I trước Công nguyên đến thiên kỉ I đầu Công nguyên.
- Hệ thống các di tích phân bố trên phạm vi các gò đất cao của vùng phù sa cổ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Vàm Cỏ với các di tích tiêu biểu: Gò Ô Chùa, Gò Hàng, Gò Cao Su…
- Hệ thống các di tích phân bố trên các giồng đất cao xen giữa các dòng chảy - cù lao - ở khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Mekong với các di tích tiêu biểu: nhóm di tích ở tỉnh Trà Vinh; nhóm di tích ở huyện Cần Giờ (Tp. Hồ Chí Minh); Giồng Nổi (Bến Tre)…
- Hệ thống các di tích phân bố trên phạm khu vực đồng bằng thấp ven biển vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên với các di tích tiêu biểu: Óc Eo, Ba Thê, Gò Cây Tung...
Như vậy, vào khoảng nửa sau thiên niên kỉ trước Công nguyên cho đến những thế kỉ đầu Công nguyên, các hệ thống di tích văn hoá cổ ở khu vực Nam Bộ đã có sự phát triển trong một bối cảnh chung trước những ảnh hưởng giao lưu với thế giới Nam Đảo và Nam Á bằng cả hai con đường, đường biển và đường bộ, trong đó đường biển là khá mạnh mẽ. Trên cơ sở gia tăng dân số đồng thời với phát triển các nền kinh tế thu lượm, nông nghiệp và các nghề thủ công nghiệp (dệt, gốm, đúc kim loại)...đã tạo ra những tiền đề vật chất để sau này hình thành nên một cộng đồng cư dân đa dạng văn hoá trong thống nhất về mặt thể chế, đó là cội nguồn cho sự ra đời của nhà nước cổ đại đầu tiên ở khu vực Nam Bộ trong những năm đầu Công Nguyên - Vương quốc cổ Phù Nam . Tổng kết hệ thống các tư liệu di tích Gò Ô Chùa là công trình Luận văn thạc sĩ của tác giả Vương Thu Hồng đóng góp một phần vào việc nhìn nhận giai đoạn tiền Óc Eo ở Nam Bộ Việt Nam, điều này thể hiện thông qua tham luận tại Hội nghị tiền sử học Ấn Độ - Thái Bình Dương lần thứ 19 tổ chức tại Hà Nội: từ các kết quả nghiên cứu, có thể nhận thấy 3 con đường phát triển trực tiếp hình thành nên nền văn hoá Óc Eo:
- Con đường từ phía Đông Nam: Giồng Cá Vồ - Long Bửu – Giồng Phệt – Giồng Cá Trăng – Giồng Am (Tp Hồ Chí Minh)
- Con đường từ lưu vực sông Vàm Cỏ: Gò Cao Su – Cổ Sơn Tự - Gò Ô Chùa – Lò Gạch – Gò Hàng – Gò Đế (Long An).
- Con đường từ lưu vực sông Mekong với di tích Gò Cây Tung (Tịnh Biên – An Giang) và gần đây là di tích Giồng Nổi (Bến Tre)
Năm 2006, sau ba mùa khai quật tại di tích khảo cổ học Giồng Nổi tỉnh Bến Tre (2003-2006), một cuộc Hội thảo khoa học tập trung các nhà nghiên cứu khảo cổ học hai miền Nam – Bắc đã được tổ chức tại Bên Tre nhằm tập hợp thảo luận với các ý kiến của các nhà khoa học để nhìn nhận, đánh giá di tích Giồng Nổi – Một di tích rất quan trọng và được đánh giá là một ngả đường tiến lên Óc Eo tức Tiền Óc Eo. Tại cuộc hội thảo này, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận về Lịch sử hình thành địa chất tỉnh Bến Tre, về Di chỉ Giồng Nổi qua ba lần khai quật, về di tích, di vật của di tích Giồng Nổi, về một văn hoá Giồng Nổi, về Di chỉ Giồng Nổi trong không gian và thời gian, về mối quan hệ giữa di chỉ Giồng Nổi trong mối quan hệ với các di tích khảo cổ học tiền sử ven biển Đông Nam Bộ, về di “gốm’’ – chữ cái của nhà khảo cổ học trong mối quan hệ với phức hợp gốm sơ sử Nam Trung Bộ, về di chỉ Giồng Nổi trong nền cảnh khảo cổ học tiền – sơ sử vùng Nam Bộ Việt Nam...Các ý kiến thảo luận đã đi đến nhận định: căn cứ vào tính chất di tích qua địa tầng, hệ thống di vật Giồng Nổi đã là một trong những di tích hình thành nên một giai đoạn tiền Óc Eo. Từ sự phát triển nội sinh ở mỗi vùng là những ngả đường tới hình thành nên nền văn hoá Óc Eo phát triển rực rỡ - Giồng Nổi là một ngả đường phát triển để hình thành vào nền văn hoá Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long .
Năm 2008, TS.Võ Sĩ Khải đã trình bày một số vấn đề về “Thời kỳ tiền Óc Eo ở Nam Bộ” trong đó có đề cập đến những “Cơ tầng văn hoá bản địa’ nêu lên một số di tích có niên đại trước Công nguyên như Gò Cây Da, Gò Tháp, Gò Cây Me...và đi đến nhận định: Những di vật có niên đại sớm trên đây hiển nhiên thuộc thời kỳ trước Óc Eo...Từ cơ tầng bản địa này, những yếu tố nội sinh của văn hoá Óc Eo đã hình thành đến một trình độ có thể tiếp thu một cách dễ dàng và vững vàng những dòng văn hoá mới của thời đại, đó là quá trình giao lưu tiếp biến với văn hoá Ấn Độ, Địa Trung Hải, Trung Á...Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, văn hoá Óc Eo đã hình thành bằng sự kế thừa và phát triển những yếu tố nội sinh đó, và sự tiếp thu những yếu tố văn hoá mới qua những dòng giao lưu của thời đại.
Cũng trong thời gian này, khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh “Những di tích khảo cổ học thời Óc Eo - hậu Óc Eo ở An Giang” PGS.TS Phạm Đức Mạnh đã có một số nhận định thông qua hệ thống các di vật đá ở di tích Gò Cây Tung (An Giang): Cùng với khối lượng đồ sộ di vật gốm cổ nhiều thời đại từ Tiền sử trải qua Sơ sử và vắt sang nhiều thế kỷ thời Cổ sử, cổ vật nham thạch nguyên thuỷ nhất thu thập trong lòng Gò Cây Tung (An Giang) hiện nay, bên cạnh các “giá trị địa tầng” ở Gò Minh Sư – Gò Tháp (Đồng Tháp), Giồng Nổi (Bến Tre)…góp thêm nhiều cứ liệu khoa học thú vị và quan trọng để hiểu biết chân xác hơn diễn trình chiếm cư, lao động và sáng tạo văn hoá cổ kính nhất và dần hé mở tiềm lực “nội sinh” và giá trị đích thực “Tiền Óc Eo” (Pre – Óc Eo) và cả “Sơ Óc Eo” (Pro – Óc Eo) ở cội nguồn Meskong có “Cửu Long” tự ngàn xưa suốt đêm ngày nhả nước ra biển Thái Bình…
Tiêu biểu trong việc nghiên cứu giai đoạn Tiền Óc Eo ở Nam Bộ Việt Nam là công trình nghiên cứu đầy đủ nhất, hệ thống nhất, tư liệu cập nhật nhất phải kể đến công trình nghiên cứu: Những di tích khảo cổ học thời tiền Óc Eo ở Tây Nam Bộ - Đề tài khoa học công nghệ cấp trọng điểm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện từ năm 2006 đến 2008 (Mã số đề tài: B2006-18b-03TĐ) hoàn thành và nghiệm thu năm 2009 do PGS.TS. Đăng Văn Thắng (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) làm Chủ nhiệm đề tài. Trong công trình này, các nhà nghiên cứu đã trình bày tổng quan về miền Tây Nam Bộ, trình bày hệ thống tư liệu di tích và di vật của 7 di tích và di vật (An Sơn, Lộc Giang, Rạch Núi, Gò Cao Su, Gò Ô Chùa, Gò Cây Tung, Gò Tư Trăm), khẳng định một số di tích có cột địa tầng chuẩn – có trật tự địa tầng từ Tiền Óc Eo lên Óc Eo: Gò Cao Su, Gò Cây Tung, Gò Tư Trăm, Gò Tháp. Tổng hợp và đưa ra được những bằng cứ về di vật được coi là mầm mống để rồi dần định hình và phổ biến trong văn hoá Óc Eo ở giai đoạn sau: Bếp lò cà ràng minh khí, các loại gốm hình con tiện, các kiểu núm cầm trên nắp vung gốm, các kiểu hoa văn khắc vạch khuôn nhạc tạo hình sóng nước, hoa văn in đập xương cá thô, hoa văn sóng nước hình chữ S gấp khúc, loại hình hạt chuỗi hình cầu, hình quả nhót bằng thủy tinh, mã não, đá quý, đồ sức bằng vàng ở khu di tích Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh); Bàn xoa hình nắm, mảnh bếp lò cà ràng, gốm áo trắng mốc, xương gốm rất mịn, gốm đen láng, hoa văn gốm hình xương cá, hoa văn chữ S gấp khúc, hoa văn in mép sò, đáy võ sò, những chiếc bình cổ nhỏ, những chiếc chạc ba, nắp gốm loại có núm và loại có vành móc, hoa văn sóng nước và hoa văn ½ vòng tròn nối đầu nhau được vẽ bằng que nhiều răng hay một răng ở di tích Gò Ô Chùa, Gò Cao Su (Long An); Những mảnh gốm rất mịn, nồi nấu kim loại miệng khum, thân hình cầu có xương gốm khá dầy, các loại bếp lò cà ràng, nắp gốm lõm, kiểu loại gốm miệng loe, gờ miệng đắp cao, các kiểu hoa văn trang trí đắp gờ nổi, vạch đường gấp khúc, thậm chí bôi màu đỏ…ở di tích Gò Cây Tung (An Giang); Những nồi nhỏ được coi nồi nấu kim loại, nắp gốm lõm có núm, nắp gốm phân tầng có núm nổi, mảnh bếp lò cà ràng, loại gốm xương đen rất mỏng, cứng, độ nung rất cao ở di tích Giồng Nổi (Bến Tre)… với. Tại công trình nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã công bố một hệ thống tư liệu nhân chủng học tương đối có hệ thống trong việc nghiên cứu các di tích giai đoạn tiền Óc Eo ở Miền Tây Nam Bộ Việt Nam về hình thái, đặc điểm nhân chủng, so sánh liên hệ với đặc điểm nhân chủng của các cư dân khác trong khu vực Đông Nam Á. Điểm mới của công trình nghiên cứu giai đoạn Tiền Óc Eo này, các nhà nghiên cứu đã đặt giai đoạn tiền Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ trong khung cảnh Nam Bộ Việt Nam với những mối quan hệ gần xa, từ đây củng cố và bổ sung thêm tư liệu cho 4 con đường hình thành nên nền văn hoá Óc Eo đã được đưa ra tại Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện nghiên cứu về văn hoá Óc Eo đã trình bày ở trên. Và đi đến khẳng định: Văn hoá Óc Eo được xác định từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên và giai đoạn Tiền Óc Eo có thể hiểu là những di tích liền kề với các di tích thuộc văn hoá Óc Eo, tức những di tích có niên đại thuộc thời đại đồ sắt khoảng 500 BC cho đến đầu Công nguyên, trước khi hội tụ hình thành nền văn hoá ÓC Eo. Cũng theo công trình nghiên cứu này thì đặc trưng của những di tích thời Tiền Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ là đã hình thành những làng cổ với những di sản vật thể và phi vật thể khá phong phú và đa dạng như nghề sản xuất đồ gốm, chế tác kim loại, dệt vải... . Đây là công trình nghiên cứu khoa học có độ tin cậy cao và là một đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu giai đoạn Tiền Óc Eo ở Nam Bộ Việt Nam.
Mới đây (tháng 9 /2010), đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do TS. Đào Linh Côn (Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ) làm chủ nhiệm: Giá trị văn hoá Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ, có đề cập đến những khám phá mới về các di tích văn hoá Tiền Óc Eo ở Miền Tây Nam Bộ từ “phức hợp” gốm trong đó có phần nhận định: Có thể nói, một trong những thành tựu quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu khảo cổ học “văn hoá tiền Óc Eo” ở Tây Nam Bộ đó là việc phát hiện và khai quật các di chỉ cư trú Gò Giồng Xoài và Gò Tư Trăm ngay tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê vào năm 2001 cảu Trung tâm nghiên cứu khảo cổ - Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp sau, trong các đợt điền dã, kiểm chứng khảo cổ học vào những năm 2004 -2008, đã xác định được nhiều di chỉ tiền Óc Eo trên địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Long An, đó là: Gò Me – Gò Sành, Gò Phum Kquao, Gò Phum Xoe, Gò Ông Tà trên vùng chân núi tiếp giáp với đồng bằng của hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang; K9, Giồng Cu ở vùng đồng bằng ven biển Rạch Giá – Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang với niên đại được đoán định khoảng thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 1 BC và Tráp Gáo Miễu, Gò Vĩnh Châu A, Gò Đế, Gò Dung, Gò Hàng, trên vùng thượng lưu sông Vàm Cỏ Tây thuộc tỉnh Long An có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 1 BC và kéo dài cho đến thể kỷ 4 – 5 AD.
Căn cứ vào các đợt điều tra, kiểm chứng hiện trường, vào địa tầng văn hoá và các loại hình di vật mà đặc biệt là đồ gốm phát hiện trong di tích này, các nhà nghiên cứu cho biết chúng có các loại như sau:
- Loại di tích chỉ có một giai đoạn là thời tiền Óc Eo, không có sự phát triển tiếp lên Óc Eo, đó là: Giồng Xoài, Giồng Đá, K9, Giồng Cu, Tráp Cáo Miễu, Gò Đế;
- Loại di tích có hai giai đoạn phát triển từ văn hoá Tiền Óc Eo lên văn hoá Óc Eo là Gò Hàng, Gò Đế, Gò Dung, Gò Vĩnh Châu A;
- Loại di tích có ba giai đoạn phát triển nối tiếp nhau từ Tiền Óc Eo đến văn hoá Óc Eo và văn hoá Hậu Óc Eo, gồm di tích Gò Tư Trăm, Gò Me – Gò Sành.
- Loại di tích có hai thời kỳ văn hoá thuộc hai giai đoạn phát triển cách biệt nhau là văn hoá Tiền Óc Eo và văn hoá Hậu Óc Eo gồm các di chỉ Gò Phum Kquao, Gò Phum Xoe và Gò Ông Ta (An Giang).
Cũng theo các nhà nghiên cứu: Điều đáng lưu ý, tuy là phân bố trên nhiều địa hình, địa lý, môi trường sinh thái khác nhau từ vùng ven biển đến vùng ven sườn chân núi giáp đồng bằng và vùng đồng bằng trũng thấp, nhưng các di tích này tạo thành hình vòng cung bao quanh hai khu vực chính, quan trọng nhất của văn hoá Óc Eo là vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười ở các phía Bắc, Tây và Nam – loại hình chủ yếu của các di tích văn hoá Tiền Óc Eo là di chỉ cư trú hoặc di chỉ cư trú – xưởng chế tạo đồ gốm…Dựa vào các loại hình di tích, di vật thu thập được có thể suy đoán, cư dân văn hoá Tiền Óc Eo gồm các lớp người bản địa đã có thời tiền sử, lớp cư dân vùng ven biển – hải đảo vào. Tại nơi đây, ngoài tiếp tục lối sống truyền thống đã có thời tiền sử là dựng nhà sàn trên cọc gỗ, sản xuất đồ gốm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, săn bắt, đánh cá…quan hệ, trao đổi sản phẩm với nội địa và với thế giới bên ngoài .
Ngoài các công trình tiêu biểu đã trình bày ở trên còn có một số bài viết đăng tải trên một số công trình sách, báo, tạp chí… về một số khía cạnh khác nhau của giai đoạn Tiền Óc Eo như: Đồ gốm trong giai đoạn Tiền Óc Eo của TS. Nguyễn Thị Hậu; Giai đoạn Tiền sở sử ở thành phố Hồ Chí Minh của PGS.TS. Đặng Văn Thắng ; Góp thêm tư liệu tìm về cội nguồn văn hoá Óc Eo ở An Giang của PGS.TS.Đặng Văn Thắng và Hà Thị Kim Chi; Diễn trình phát triển văn hoá từ tiền sử đến Óc Eo – nghiên cứu từ các di tích ở Long An của TS. Bùi Phát Diệm; Thực trạng và giá trị của các lớp văn hoá tiền sử ở Ang Giang trong nghiên cứu nguồn gốc văn hoá Óc Eo của PGS.TS Nguyễn Khắc Sử và Phan Thanh Toàn; Phức thể tiền – sơ sử Gò Cây Tung (An Giang) nguồn tư liệu mới và đôi điều nhận thức của PGS.TS.Phạm Đức Mạnh, Đỗ Ngọc Chiến, Nguyễn Công Chuyên …tất cả tạo nên một khối lượng tương đối lớn về việc nghiên cứu giai đoạn Tiền Óc Eo ở Nam Bộ.
Hasuongkch
Hasuongkch
Super Mod
Super Mod

Tổng số bài gửi : 312
Join date : 04/06/2009
Age : 36
Đến từ : Hà Tĩnh

http://360.yahoo.com/ngoisaophiabienxanh0203

Về Đầu Trang Go down

NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  Empty Re: NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG

Bài gửi by Hasuongkch Sat Jul 23, 2011 1:37 am

2. Triển vọng nghiên cứu giai đoạn Tiền Óc Eo
Như vậy là nguồn tư liệu về tính chất bản địa của nền văn hoá Óc Eo đã dần được hình thành, việc nghiên cứu cần có thêm thời gian và cần có nhiều các kết quả khảo sát, khai quật, kết hợp nghiên cứu liên ngành nhiều hơn nữa mới có thể làm rõ được những vấn đề của giai đoạn này đặt ra. Tuy nhiên, bước đầu chúng ta cũng đã có được những tư liệu gốc rất quan trọng đó là hệ thống di tích, di vật – bằng cứ của lịch sử đã được nghiên cứu và giải mã tương đối có hệ thống. Ở dây, không chỉ là vấn đề giải quyết mang tính chất quy luật chung của lịch sử mà còn là vấn đề rất quan trọng về chính trị, về sự toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam đã có được sự định hình một nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng ở phía Bắc với các di tích giai đoạn tiền Đông Sơn để hình thành nên một văn hoá Đông Sơn với Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn; ở miền Trung với nền văn hoá Sa Huỳnh nổi tiếng, trong sự nỗ lực nghiên cứu của các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hơn 100 năm đã bước đầu làm rõ được một giai đoạn phát triển tương đối dài, nhiều phức tạp với các quan hệ văn hoá đan xen nhưng đã nhận diện được sự tiếp nối các giai đoạn tiền Sa Huỳnh: Xóm Óc - Long Thạnh – Bình Châu – Sa Huỳnh và đang có thêm những tư liệu mới làm bằng cứ lịch sử nối Sa Huỳnh với Chămpa. Việc nghiên cứu, tổng hợp hệ thống tư liệu các di tích giai đoạn tiền Óc Eo ở mỗi địa phương vào trong khu cảnh chung của Nam Bộ thì chúng ta mới nhận thấy được tính đa tuyến, nhiều hướng để hình thành nên nền văn hoá này. Điều đó cho thấy vùng đất Nam Bộ Việt Nam đã có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, rực rỡ với những bàn tay, khối óc của cư dân các tộc người sinh sống trên khu vực Nam Bộ làm nên lịch sử.
Từ những thành tựu nghiên cứu trên, có thể nói các văn hoá giai đoạn Tiền Óc Eo là lịch sử của văn hoá cổ Nam Bộ, là những yếu tố nội sinh rõ nét, là mầm mống hình thành và phát triển, tạo cơ nền cho nền văn hoá Óc Eo phát triển rực rỡ vào những thế kỷ đầu Công nguyên ở khu vực Nam Bộ Việt Nam và cả một phần ở các quốc gia Đông Nam Á khác. Đây là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của lịch sử và văn hoá Việt Nam nói chung và vùng đất Nam Bộ Việt Nam nói riêng cần được quan tâm nghiên cứu. Lược trình các thành tựu nghiên cứu về giai đoạn Tiền Óc Eo, có thể thấy trên khu vực Nam Bộ Việt Nam có cả một tiến trình lịch sử lâu dài từ thời tiền – sơ sử đến lịch sử. Khởi đầu cho việc nghiên cứu văn hoá Óc Eo có thể thấy phức hợp văn hoá Đồng Nai – Đông Nam Bộ là cơ nền để tạo nên nền văn hoá Óc Eo. Dựa trên cơ tầng các văn hoá bản địa này, khi tiếp xúc và giao lưu với thế giới bên ngoài đặc biệt là văn hoá Ấn Độ, cư dân ở đây đã tiếp thu một cách có chọn lọc, kết hợp hài hoà giữa văn hoá bản địa và văn hoá của thế giới bên ngoài tạo cho mình một nền văn hoá độc đáo, rực rỡ - văn hoá Óc Eo với một quá trình tồn tại và phát triển lâu dài (từ những năm đầu Công nguyên đến khoảng thế kỷ thứ 7 và tàn dư có thể kéo dài tiếp sau đó), từng toả sáng trong lịch sử và trên khu vực “chằng chịt sông giăng“. Chính vì thế, những thành tựu nghiên cứu về giai đoạn văn hoá Tiền Óc Eo mới chỉ được coi là bước khởi đầu. Còn nhiều việc cần được nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về giai đoạn văn hoá này như nguồn gốc và sự phân bố của cư dân bản địa, các ngành nghề thủ công, hoạt động giao thương, tín ngưỡng tôn giáo, những hoạt động kinh tế - xã hội tầng nền để tạo nên kiến trúc thượng tầng của nhà nước được gọi là Phù Nam...
Để nghiên cứu làm rõ giai đoạn Tiền Óc Eo ở Nam Bộ, hiện tại và tương lai, theo tôi các nhà nghiên cứu cần quan tâm tới một số điểm sau:
- Mặc dù vùng đất Nam Bộ Việt Nam đã được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu trong suốt một thời gian tương đối dài - 35 năm (từ năm 1975 đến nay); hệ thống di tích và di vật được khảo sát, khai quật, nghiên cứu mặc dù chưa nhiều nhưng cũng không phải là ít, có thể nói rằng ít có địa danh nào ở Nam Bộ mà chưa in dấu chân của các nhà khảo cổ học. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đó không phải chỉ do một cơ quan tiến hành mà rất nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương, thành phần nghiên cứu bao gồm các nhà nghiên cứu trong nước hay sự nghiên cứu hợp tác quốc tế giữa các nhà nghiên cứu trong nước với nước ngoài...vì thế nguồn tư liệu nghiên cứu này còn nằm rải rác, thậm chí kết quả nghiên cứu đã đôi lúc biến thành tư liệu cá nhân, không – chưa công bố, gây trở ngại cho việc cập nhật hệ thống tư liệu để so sánh, đối chiếu..., sự hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khảo cổ học trong nước còn rời rạc. Đã đến lúc các nhà nghiên cứu Việt Nam cần tập hợp nhau lại, cần có một công trình tổng hợp hệ thống tư liệu, cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu ngắn và dài hạn về giai đoạn Tiền Óc Eo cũng như văn hoá Óc Eo về mặt nội hàm như: thời gian, không gian, đặc trưng, sự kế thừa, sự giao thoa, tiếp biến...có như thế chúng ta mới có được những bằng cứ khoa học để minh chứng cho văn hoá Óc Eo hình thành và phát triển từ bản địa và dần nuôi dưỡng sự tinh hoa rực rỡ của mình bằng sự màu mỡ và vị ngọt phù sa của sông Cửu Long nơi hạ nguồn, tiếp xúc giao lưu mạnh mẽ với thế giới bên ngoài bằng chính bàn tay, khối óc của mình.
- Chủ nhân nền văn hoá Tiền Óc Eo và Óc Eo là ai – một câu hỏi dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Chúng ta đã có một khối lượng tương đối nhiều về di cốt nhân chủng, tuy nhiên sự nghiên cứu của các nhà khoa học cho đến thời điểm này vẫn chỉ dừng lại ở đặc điểm mô tả mà chưa xác định được nguồn gốc chính xác tộc người. Các nhà nghiên cứu Việt Nam cần có sự hợp tác với nước ngoài để nghiên cứu về vấn đề này, và cần liên hệ nghiên cứu đến một số vấn đề khác như táng tục, đồ tuỳ táng...mặc dù rất khó khăn nhưng chúng ta không thể không nghiên cứu.
- Văn hoá Óc Eo được biết đến là một nền văn hoá có một hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo nổi tiếng thông qua hệ thống kiến trúc thờ tự, đồ tế tự, hệ thống tượng thờ...của sự kết hợp giữa Phật Giáo và Hindu giáo...Nhưng có một đặc điểm đáng quan tâm là ở Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung không một tôn giáo nào lại không hoà đồng, sử dụng những tín ngưỡng dân gian bản địa để làm chỗ dựa cho sự truyền bá, phát triển tôn giáo của mình. Vậy trước khi những tôn giáo Phật giáo và Hindu giáo vào thì ở bản địa đã có những tín ngưỡng, tôn giáo nào? Giai đoạn văn hoá Tiền Óc Eo đã có tôn giáo chưa? Vấn đề này dường như chưa được đề cập đến trong gian đoạn nghiên cứu giai đoạn Tiền Óc Eo ở Nam Bộ. Mộ số di vật và dấu vết kiến trúc đã bắt đầu được hé mở qua các di tích được coi là Tiền Óc Eo. Chúng ta cần tổng hợp các nguồn tư liệu này, nghiên cứu sâu hơn, kết hợp với việc tìm kiếm, khai quật các dấu tích kiến trúc tôn giáo để nhận thấy rõ vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng giai đoạn Tiền Óc Eo cũng như những yếu tố được coi là cơ nền để tiếp thu các hình thức tín ngưỡng tôn giáo của văn hoá Ấn Độ.
- Văn hoá Óc Eo không chỉ có ở Nam Bộ Việt Nam mà có cả một phần ở Campuchia, Thái Lan...chúng ta cần so sánh, đối chiếu với một số di tích khác ở khu vực Đông Nam Á đã công bố như di tích Prohear ở Campuchia được khai quật trong những năm 2008 – 2009 do nhóm khảo cổ học của Viện khảo cổ Đức và các nhà khảo cổ của Đại học Mỹ thuật Hoàng gia Campuchia nghiên cứu. Kết quả sơ bộ của đợt khai quật này được công bố trong công trình: Thời đại vàng đầu tiên của Campuchia qua khai quật di tích Prohear (The first golden age of cambodia: excavations at prohear) và đã được trình bày tham luận tại Hội nghị tiền sử học Ấn Độ – Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11 năm 2009 . Theo báo cáo sơ bộ địa điểm Prohear thuộc tỉnh Prey Veng ở Đông Nam Cămpuchia (gần biên giới Việt Nam – Cămpuchia). Khu di tích đã bị những người tìm đồ cổ đào phá trộm, phá huỷ nghiêm trọng. Cuộc khai quật chữa cháy do đoàn khảo cổ Đức – Cămpuchia tiến hành trong hai mùa 2008 và 2009. Kết quả đã thu được 500 hiện vật từ 52 mộ, ngoài ra còn có 2700 hạt chuỗi và hàng nghìn mảnh gốm. Theo các nhà khảo cổ học, di tích Prohear cung cấp một cái nhìn mới ở Đông Nam Á trong những thế kỷ cuối trước Công nguyên. Không một địa điểm nào ở Đông Nam Á lục địa cho thấy nhiều hiện vật bằng vàng và bạc như địa điểm này. Dựa vào những vết tích đào phá của những người đào trộm, diện tích của nghĩa địa ước tính khoảng 125 x 150m (trên 20.000 m2). Nhóm nghiên cứu đã mở 4 hố khai quật với tổng diện tích khai quật 116.4m2. Các hố khai quật được mở ngay trên con đường đi qua trung tâm một ngôi làng, phát hiện 52 mộ, nhiều mộ chỉ còn giữ được một phần và ước tính có khoảng gần 1000 mộ bị phá huỷ. Ngay ở độ sâu 0.80m tính từ mặt đường xuống là lớp mộ trên, với những đồ gốm, những dãy nồi hay những mảnh gốm rải rác. Trong số 52 mộ có 47 mộ hung táng và 5 mộ vò chôn trẻ em (vò thường có đường kính khoảng 50cm). Dựa vào táng tục, hướng đầu, đồ tùy táng và độ sâu, các nhà khảo cổ chia mộ thành hai giai đoạn:
Giai đoạn I có niên đại khoảng 500-150/100 BC: Gồm có 04 mộ hung táng đầu quay hướng đông hay tây, chôn ở độ sâu 0.90-1.45m. Không mộ nào chứa hiện vật bằng vàng, có 2 mộ chứa hạt chuỗi bằng garnet. Đồ gốm có nhiều đặc điểm giống gốm Gò Ô Chùa (Long An, Việt Nam). Ngoài ra thuộc giai đoạn I này có thể là mộ số 5, mộ vò trẻ em, mộ số 7 cũng có nhiều khả năng thuộc giai đoạn I vì có đồ gốm giống Gò Ô Chùa. Tất cả các mộ vò trẻ em đều không có đồ vàng hay bạc và nhìn chung có ít đồ tùy táng hơn so với các mộ khác.
Giai đoạn II vào khoảng 150/100 BC đến 100 AD: các mộ có đầu quay hướng nam, hay tây nam. Niên đại xác định dựa trên kết quả một số mẫu than phân tích C14 và hiện vật chôn theo như đồ bằng vàng, trống đồng, hạt chuỗi mã não, thủy tinh, đồ đồng có nguồn gôc Hán…
Như vậy đây là một di tích khảo cổ học đáng quan tâm để các nhà nghiên cứu Việt Nam nhìn nhận rộng hơn về giai đoạn Tiền Óc Eo.
- Hiện nay, theo các tài liệu công bố, chúng ta đã có trong tay một số di tích có trật tự địa tầng chuẩn để làm sáng tỏ giai đoạn Tiền Óc Eo hình thành nên văn hoá Óc Eo (Khu di tích Cần Giờ, Gò Cao Su, Gò Ô Chùa, Gò Cây Tung, Gò Tư Trăm, Gò Tháp…), việc nghiên cứu sâu các di tích này cần được tiếp tục thực hiện, kết hơp đẩy mạnh điều tra, tìm kiếm, khai quật các di tích tương tự trên toàn khu vực Nam Bộ với sự hợp tác khoa học giữa các cơ quan nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu đã thu được nên in thành các ấn phẩm khoa học để làm tài liệu nghiên cứu, đối sánh.
- Các Bảo tàng Trung ương và địa phương nơi lưu giữ, trưng bày di vật văn hoá Óc Eo cần tiến hành nghiên cứu chỉnh lý hệ thống di vật – hiện vật về giai đoạn Tiền Óc Eo để tiến tới trưng bày về các con đường hình thành nên nền văn hoá Óc Eo theo một tổng thể hoặc theo “những ngả đường“ hình thành nên văn hoá Óc Eo ở địa phương mình. Đây là nguồn tư liệu trực quan, sinh động nhất góp phần vào việc nhìn nhận những yếu tố “nội sinh“ và ngoại sinh trong văn hoá Óc Eo.
Thành tựu nghiên cứu về giai đoạn văn hoá Tiền Óc Eo ở Nam Bộ Việt Nam đã đi được những bước tiến rất quan trọng, đặt nền tảng cho các giai đoạn nghiên cứu tiếp sau. Từ các thành tựu nghiên cứu đó mở ra những triển vọng nghiên cứu trong tương lai, chúng ta tin tưởng rằng, với sự hợp tác, nỗ lực nghiên cứu, trong nay mai, văn hoá Óc Eo sẽ được làm sáng tỏ về mặt nguồn gốc, sự hình thành và phát triển dựa trên một cơ nền văn hoá cổ Nam Bộ có trước đó hàng ngàn năm – nơi in dấu bàn tay cần cù chịu khó nhưng rất đỗi tài hoa của những con người sống và chinh phục biển khơi, đầm, đìa, sông, rạch, để rồi vào đầu Công nguyên - thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử đã dựng xây được một vương quốc Phù Nam với một nền văn hoá rực sáng – văn hoá Óc Eo.
Hasuongkch
Hasuongkch
Super Mod
Super Mod

Tổng số bài gửi : 312
Join date : 04/06/2009
Age : 36
Đến từ : Hà Tĩnh

http://360.yahoo.com/ngoisaophiabienxanh0203

Về Đầu Trang Go down

NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  Empty Re: NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG

Bài gửi by Hasuongkch Sat Jul 23, 2011 1:37 am

TÀI LIỆU DẪN
1. Louis Malleret (1969): Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long.Tập 1. Bản dịch của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.tr.263; Tập 2 (1970).tr.25-35.
2. Hà Văn Tấn (1997): Óc Eo – những yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Trong Theo dấu các văn hoá cổ. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.837.
3. Lê Xuân Diệm (1984): Về các văn hoá cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, trong Văn hoá Óc Eo và các văn hoá cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, Sở Văn hoá – Thông tin An Giang xuất bản, Long Xuyên. Tr.55.
4. Lê Xuân Diệm (2007), Ba mươi năm khám phá và nghiên cứu văn hoá Óc Eo, Một số vấn đề về Khảo cổ học Miền Nam Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội.tr.324. Hà Văn Tấn (1996): Nhận xét kết quả các chương trình nghiên cứu Trường Sa – Tây Nguyên – Nam Bộ, Tạp chí khảo cổ học, số 4 năm 1996. Viện Khảo cổ học, Hà Nội. tr.9.
5. Tống Trung Tín (2008): Đóng góp vào việc nghiên cứu văn hoá Nam Bộ, trong Văn hoá Óc Eo và vương quốc Phù Nam – kỷ yếu hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Óc Eo (1944-2004), NXB Thế Giới. Hà Nội. tr 211-228.
6. Lê Thị Liên, Phạm Lý Hương (2002): Báo cáo khai quật lần thứ hai di chỉ cư trú chân Gò Minh Sư (khu di tích Gò Tháp, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), tư liệu Viện Khảo cổ, Hà Nội. tr.46.
7. Ngô Thế Phong, Bùi Phát Diệm (2005): Di chỉ Gò Ô Chùa (Long An) – Tiền Óc Eo hay Óc Eo? Trong Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, tập 2, NXB KHXH, Hà Nội. tr.778.
8. Nguyễn Xuân Mạnh, Đặng Hồng Sơn, Andrea Reinekecr (2007): Địa điểm Gò Ô Chùa (Long An) với quá trình chuyển tiếp tiền Óc Eo lên Óc Eo ở Nam Bộ, Tạp chí Khảo cổ học, số 6/2007, Viện Khảo cổ, Hà Nội. Tr 36-53.
9. Vương Thu Hồng (2009): Go O Chua site - the developing route to the vam co type of the Oc Eo culture – Bài tham luận tại Hội nghị tiền sử học Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA) lần thứ 19 tổ chức tại Hà Nội tháng 11 /2009.
10. Viện Khảo Cổ (2007): Tạp chí khảo cổ học số 2/2007- số chuyên đề về khảo cổ học Bến Tre. (Đăng tải toàn bộ các tham luận tại Hội thảo khoa học về di chỉ Giồng Nổi), Hà Nội.
11. Võ Sĩ Khải (2008): Thời kỳ tiền Óc Eo ở Nam Bộ, trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam, NXB KHXH, tp Hồ Chí Minh, tr. 349 – 362.
12. Phạm Đức Mạnh (2008): Đồ đá Gò Cây Tung (An Giang) cổ vật mới và đôi điều nhận thức – Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Nghiên cứu và đào tạo Khảo cổ học ở Nam Bộ thực trạng và định hướng, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 12 năm 2008, tr.84.
13. Đặng Văn Thắng (2009): Giai đoạn tiền Óc Eo ở Nam Bộ - Việt Nam – Bài tham luận tại Hội nghị Tiền sử học Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPPA) lần thứ 19 tổ chức tại Hà Nội tháng 11 năm 2009.
14. Đặng Văn Thắng (2009): Báo cáo tổng kết kết quả đề tài KHCN cấp trọng điểm Đại học Quốc gia – Mã số đề tài: B2006-18b-03TĐ, thành phố Hồ Chí Minh.
15. Đào Linh Côn, Lê Xuân Diệm (2010): Giá trị văn hoá Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ (qua tư liệu hiện có) – Đề tài khoa học cấp Bộ - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, tp Hồ Chí Minh. Tư liệu TS Đào Linh Côn. Tr.139 – 152.
16. Hội Khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh (2007): Nam Bộ đất và người, tập 5, NXB Trẻ tp Hồ Chí Minh.
17. Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch: kỷ yếu Hội thảo khoa học văn hoá Óc Eo – nhận thức và giải pháp bảo tồng, phát huy giá trị di tích tổ chức tại Long Xuyên 12/2009.
18. Andreas Reinecke, Vin Laychour , Seng Sonetra (2009a): Prohear – an Iron Age burial site in southeast Cambodia - Bài tham luận trình bày tại Hội nghị tiền sử học Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPPA) lần thứ 19 tổ chức tại Hà Nội tháng 11 năm 2009.
19. Andreas Reinecke, Vin Laychour và Seng Sonetra (2009b): The first golden age of cambodia: excavations at prohear. Bonn.
Hasuongkch
Hasuongkch
Super Mod
Super Mod

Tổng số bài gửi : 312
Join date : 04/06/2009
Age : 36
Đến từ : Hà Tĩnh

http://360.yahoo.com/ngoisaophiabienxanh0203

Về Đầu Trang Go down

NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG  Empty Re: NGHIÊN CỨU GIAI ĐOẠN TIỀN ÓC EO Ở NAM BỘ (1975-2010) THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết