khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
Khảo cổ học Myanmar Phần 2 I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
Khảo cổ học Myanmar Phần 2 I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
Khảo cổ học Myanmar Phần 2 I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
Khảo cổ học Myanmar Phần 2 I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
Khảo cổ học Myanmar Phần 2 I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
Khảo cổ học Myanmar Phần 2 I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
Khảo cổ học Myanmar Phần 2 I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
Khảo cổ học Myanmar Phần 2 I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
Khảo cổ học Myanmar Phần 2 I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


Khảo cổ học Myanmar Phần 2

Go down

Khảo cổ học Myanmar Phần 2 Empty Khảo cổ học Myanmar Phần 2

Bài gửi by diepkhaoco52 Wed Jun 26, 2013 8:34 pm

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Bước chuyển từ cuối thời đại đồng sang sơ kỳ sắt sớm ở Myanmar:[/b]
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Tiếp cận thời đại đồng ở Myanmar:[/b]
Di vật đồng thau đầu tiên được J. Anderson thu thập và công bố từ năm 1871, tiếp theo là báo cáo của H. Balfour về bộ sưu tập bao gồm một lưỡi giáo và một công cụ có họng tra cán thu thập được từ quốc gia San năm 1901, 14 di vật được trưng bày trong các bảo tàng và thuộc quyền sở hữu của các cá nhân ở nước ngoài, trong đó có những chiếc có họng tra cán, 1 con dao và một chiếc vòng tìm thấy ở hạ lưu sông Chinduyin và ở vùng Thayet theo công bố của T. O. Morris năm 1938.[1]
Các di vật trên đều được tìm thấy tình cờ trên mặt đất và do trong một thời gian dài không thấy chứng tích đồng thau trong tầng văn hóa, vài học giả cho rằng Myanmar tiến thẳng lên từ thời đại đá lên thời đại sắt.
Năm 1994, khi canh tác trên mảnh đất của mình trên ngọn đồi nhỏ thuộc khu làng Nyaunggyan, quận Budalin, khu Xagaing phía Bắc Myanmar, ông nông dân U Chit Hlaing đã làm lộ ra một vài di cốt, vài vòng đá, đồ gỗ, đồ trang sức và đồ đồng. Sau các cuộc điều tra, thám sát, từ 29 tháng 1 đến 18 tháng 3 năm 1998, các nhà khoa học Myanmar đã tiến hành cuộc khai quật lần đầu tiên, rồi cuộc khai quật vào tháng 12 cùng năm. Khu vực nghiên cứu bao phủ một diện tích rộng trên 3000 m2. Di vật phát hiện được bao gồm đồ đồng thau, đồ đá, đồ gốm, hài cốt, xương động vật…
Di vật đồng thau gồm rìu có họng tra cán nhỏ và loại trung bình lưỡi xòe, mũi tên và lưỡi kích lưỡi xòe rất rộng. Phân tích sơ bộ cho thấy thành phần hợp kim của các công cụ vũ khí bao gồm chủ yếu là đồng, thiếc, chì và một số tạp chất asenic, sắt, mangan, kẽm, crom…
Đồ gốm được tìm thấy ở mọi hố khai quật. Nhiều trong số đó là đồ tùy táng, đa số nằm bên cạnh các di cốt người, những nồi nhỏ nằm ở cạnh đầu hay ở dưới chân, một chiếc nồi chứa sọ, cạnh xương động vật và đồ đồng. Chúng được làm bằng đất trộn cát thô hay cát tinh, gồm các loại nồi đáy tròn, đèn, bát và nồi nấu kim loại. Lớp áo gốm ngoài chủ yếu màu vàng trơn, chỉ một số mảnh được trang trí khắc vạch.
Đồ trang sức gồm vòng đá, hạt trang sức đá, gốm và vỏ sò ốc. Đa số vòng đá được làm bằng đá basalt và sa thạch mịn được tìm thấy ở xương tay hài cốt. Chúng gồm các loại vòng mặt cắt hình ô van, tròn, tam giác và hơi vuông, chiếc lớn nhất có đường kính ngoài 19,05 cm, đường kính lỗ trong 5, 84 cm, chiếc nhỏ nhất có kích thước tương ứng là 10, 06 cm và 3,8 cm. Có một số vòng bị vỡ, ở đầu các mảnh vỡ còn thấy các lỗ nhỏ, chắc người xưa tiết kiệm đã dùng dây xuyên qua để nối các mảnh vòng lại với nhau. Hạt chuỗi bằng đá làm bằng đá basalt và sindesite được tìm thấy nằm ở phần trên cổ của các bộ xương. Hầu hết các hạt này có hình trụ hay có người gọi là hình thùng, trong đó 2 chiếc dài cỡ 17,8 cm, 23 chiếc dài từ 5,2 đến 7,6 cm. Hạt làm bằng đất nung cũng gồm loại hình trụ và loại hình bán cầu.[2]
Xương người được tìm thấy ở mọi hố khai quật, một số gần mặt đất, một số ở độ sâu 0,85 m. Các bộ hài cốt hầu hết đều nằm trong tư thế duỗi thẳng, bố trí bên cạnh nhau, trừ hai bộ xếp trên dưới cách nhau 3 tầng, đầu và thân đặt trên nền đất, hai tay đặt lên đùi, đầu quay về hướng Bắc.
Hệ thống chôn cất một lần chiếm vị thế chủ đạo, số lượng thống trị. Chỉ thấy một số trường hợp cải táng với sọ đặt trong nồi gốm lớn, được chắn đỡ bằng dãy 5 chiếc nồi nhỏ. Có đến 18 bộ xương hoàn chỉnh, dung tích sọ trung bình của nam là 1,773 m3 , nữ là 1,781 m3 , độ dài trung bình sọ 19 cm, rộng trung bình 16 cm, xương đòn có đường kính và độ dài lớn hơn so với người hiện nay, chi trên dài trung bình 61 cm, chi dưới 80 cm.
Về loại hình nhân chủng thì qua xác định cho thấy đây là xương của người hiện đại Homo Sapiens, thuộc chủng Mongoloic, chiều cao ngang bằng với người ngày nay nhưng xương đòn và xương hàm thì to hơn – có khả năng bắt nguồn từu hoàn cảnh săn bắt và ăn thức ăn thô.[3]
Do phương pháp khai quật, ghi chép, thống kê, phân tích thành phần hóa học…chưa cung cấp xác thực và tin cậy nên việc đoán định niên đại tuyệt đối còn khó khăn. So sánh kỹ các văn hóa đồng thau đã được nghiên cứu kỹ ở các nước trong khu vực, có thể cho rằng Nyaunggan “đại diện cho khu vực cực Tây của một truyền thống thời đại đồng thau mang tính riêng biệt trải từ vùng duyên hải Quảng Đông, qua Vân Nam và Việt Nam đến Campuchia, Thái Lan và Myanmar.”[4] Niên đại về thời đại đồng ở Myanmar có thể chấp nhận là 1.500 đến 800 năm trước công nguyên.
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Tiền đề cho sự chuyển tiếp cuối thời đại đồng sang sơ kỳ sắt sớm ở Myanmar:[/b]
a/ Về môi trường cảnh quan : Nằm trong khung khí hậu chung của khu vực Đông Nam Á, sự chuyển tiếp khí hậu từ thế Cánh Tân muộn (Late Pleitocene) sang Toàn Tân sớm (Early Holocene) vào đầu thời kỳ đồ đá mới đã dẫn đến khí hậu có sự thay đổi lớn, từ mưa nhiều chuyển sang khí hậu nóng và ẩm ướt do đó cư dân lúc bấy giờ không còn sinh sống tập trung ở các hang động nữa mà họ mở rộng địa bàn ra bên ngoài do đó nhiều khu vực đất đai được cải tạo trên diện rộng, không chỉ là nơi tìm kiếm thức ăn nữa mà họ đã biết dựng lều để tiến hành sinh sống và làm nông nghiệp sơ khai. Chứng tích quan trọng đó là cuối hậu kỳ đá mới ở vùng hạ lưu sông Irraoady đã phát hiện trong tầng văn hóa hạt giống lúa Oriza Indica (lúa khô) bằng chứng đó đã cho thấy cư dân Myanmar lúc bấy giờ lợi dụng vào sự thay đổi của khí hậu mà biết vận dụng vào làm nông nghiệp. Một lí do khác là từ sự biến đổi của khí hậu một số bộ phận dân cư ở nơi khác đến để tìm địa bàn cư trú và họ đã chọn vùng đất này để sinh sống. Trong khoảng 3,000 – vài thế kỷ đầu sau công nguyên khí hậu dần ổn định do đó việc phát triển dân số và đẩy nhanh nền kinh tế nông nghiệp là điều tất yếu, dần thoát ra khỏi nền kinh tế săn bắt hái lượm hoang dã đến tiến đến với văn minh nông nghiệp. Như vậy sự ảnh hưởng của cảnh quan môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong nhận thức và tư duy của cư dân tiền sử Myanmar lúc bấy giờ.[5]
b/ Về kinh tế: Như đã nói ở trên, việc phát triển một nền nông nghiệp trồng trọt, đặc biệt là lúa (một loại lương thực quan trọng với cư dân Đông Nam Á) đã làm cho những cư dân ở Myanmar không còn phải rày đây mai đó để kiếm sống mà họ có thể định cư để ổn định sinh sống, cùng với trồng trọt là chăn nuôi gia súc, ngay từ hậu kỳ đá mới họ đã bắt đầu thuần dưỡng những động vật như chó, trâu, gà…Cũng chính sự phát triển nông nghiệp lúa nước nên đòi hỏi phải có nguyên liệu mới thay thế cho nguyên liệu đá và đồng, do một số tính năng của những nguyên vật liệu này không đáp ứng được cho nông nghiệp cùng với nó là sự khan hiếm nguồn nguyên liệu do khai thác nhiều. Do đó, tìm kiếm nguyên liệu mới vừa có tính năng vượt trội vừa đáp ứng được về số lượng là nhu cầu thiết yếu. Nguyên liệu sắt ra đời đã mang lại nhiều công dụng trong việc chế tác công cụ. Sự chuyển tiếp đó cũng nằm trong diễn trình chung của nhân loại.
c/ Về xã hội: Nông nghiệp ra đời là tiền đề cho sự ổn định về mặt xã hội. Đời sống con người cũng được ổn định hơn. Ở Myanmar nông nghiệp dần chiếm thế chủ đạo vào cuối thời đại đồng thau, ắt hẳn lúc này cư dân nơi đây đã biết, làm nhà ở, làm kinh tế nông nghiệp kết hợp với kinh tế khai thác. Qua nghiên cứu về sự ra đời của đồ sắt ở Myanmar Moore Elizabeth cho rằng “ một xã hội ổn định đã ra đời cùng với nó là một sự phân hóa giai cấp trong xã hội. Sắt ra đời càng thúc đẩy sự phân hóa trong xã hội và càng đẩy con người đến với văn minh.”
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Thời đại đồ sắt ở Myanmar với di chỉ khảo cổ học Taungthaman:[/b]
Di chỉ Taungthaman nằm trên một doi đất cận kề và cao hơn châu thổ sông Irraoady từ 2 đến 3 m, ngay bên ngoài thành phố cổ Amarapura, được phát hiện ngẫu nhiên, do đất lở để lộ một phần di tích mộ táng và được khai quật từ năm 1971. Đây là một khu mộ cổ. Và vì có những lỗ chân cột được phát hiện giữa các ngôi mộ, nên có thể nghĩ ngay tới hai khả năng: hoặc mộ được chôn ngay giữa nơi cư trú hoặc đây là khu nhà mồ. Thi thể được chôn trên gò cao, đặt nằm ngửa, đầu gục xuống ngực hoặc nghiêng sang phải, trái một cách tự nhiên, hướng đầu không cố định, tay phải duỗi thẳng bên sườn, tay trái đôi khi được quàng qua ngực cạnh đồ tùy táng, bao gồm bình bát, hạt trang sức gốm, hạt trang sức bằng đá hoặc xương, công cụ đá, xương và đồ sắt.
Taungthaman là xưởng chế tác đá, hiện còn lưu giữ đầy đủ bằng chứng về quá trình chế tác gia công rìu đá, từ mảnh đá đến phác thảo được ghè đẽo một mặt, hai mặt, dạng được mài một phần đến mài nhẵn hoàn toàn.
Taungthaman nằm bên châu thổ, giữa Vùng Khô, nguồn đá gần nhất nằm mãi tận khu núi đồi San. Để có nguồn nguyên liệu chế tác đá, giữa các xưởng Taungthaman và khu vực lân cận đã có sự thiết lập trao đổi.
Đá làm rìu chủ yếu là đá vôi đen xám cứng. Được làm ít hơn là loại đá magne cacbonnat. Những chiếc rìu hoàn chỉnh được mài toàn bộ, có hình dáng đẹp và gồm loại lưỡi xòe hình thang, mặt cắt ngang hình thang. Chúng được tìm thấy trong phạm vi bán kính cách xưởng chế tác 36 km thuộc các vùng ven sông Irraoady.
Bên cạnh đồ đá là đồ gốm với 3 loại chính: Thứ nhất là đồ đựng dáng thấp như nồi giống hình chiếc giỏ đựng cua, bát nông lòng, đáy nhỏ không có vành trôn hay có 3 chân, âu hay bát hương mà ở một số tiêu bản, gần miệng có trổ lỗ, một số thì có núm ở giữa thân đôi khi có lỗ thủng. Thứ hai là đồ đựng đế cao, phần để chứa nông lòng phân biệt rõ với phần chân, chân thuôn cao to dần tới đáy. Cuối cùng là đồ đựng đế cao nhưng tiếp nối giữa phần chứa và phần thân không phải là điểm gẫy góc rõ ràng mà đơn giản chỉ là một đường lượn đều, chân to mập hơn và thấp hơn, nhưng không đem lại cảm giác thấp nặng.
Nhìn chung, gốm đều làm từ đất sét hạt thô pha cát sông hay vụn đá, xương gốm dày từ 2 – 3 mm. Trừ loại bình cao, phương pháp tạo dáng có khả năng là cuộn dập. Sau khi đã thành hình đồ vật, người thợ cạo nhẵn rồi miết cho bề mặt gốm được sáng lên. Da gốm màu nâu sáng, hoặc còn thêm màu sẫm giống như màu của thổ hoàng, hầu hết không được trang trí, ngoại trừ một số mảnh mang những đồ án đơn giản như văn chải, văn khuông nhạc in chấm và thuộc loại gốm xương thô giống như những mảnh gốm ở Đông Bắc Thái Lan, Lào và Campuchia.
 Những hạt bằng gốm có dạng tròn hoặc hình đĩa, được vo nặn sơ sài từ một thứ nguyên liệu còn thô hơn nguyên liệu làm đồ đựng. Tinh tế hơn có hạt làm từ đá Onyz dạng tròn, màu đen hay sẫm, mang đường vạch trắng chạy ngang thân, thấy nhiều trong những mộ phong phú nhiều đồ tùy táng, chứng tỏ mức độ phân hóa giàu nghèo.
Chỉ dấu thời đại thể hiện qua các di vật sắt, tuy không nhiều, gồm lưỡi câu, lưỡi dao nhỏ và đoản kiếm. Sắt thuộc loại chất lượng thấp, luyện chưa đủ nhiệt cần thiết, chưa loại trừ được tạp chất. Giám định niên đại bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang đối với 4 mẫu gốm tùy táng cho bốn niên đại: 401±235, 460±200 và 710±200 năm BC. Như vậy vào thế kỷ VIII BC văn hóa Taungthaman đã tồn tại. Muộn nhất là vào thời gian 460±220 năm BC thì sắt đã được chinh phục.[6]
 Người Taungthaman đã biết trồng lúa. Trong số các di vật thu thập được, có hai “đầu rau” bằng đất nung trên bề mặt còn lưu lại dấu tích nhiều hạt lúa. Hình dạng phục nguyên cho biết đó là những mảnh lúa dài, giống Oryza Indica.
Bên cạnh ngành trồng trọt, chế tác đá, người Taungthaman cũng tiến hành trao đổi buôn bán với các địa phương khác.
Taungthaman thuộc loại hình cư trú riêng biệt, theo đó các cộng đồng nguyên thủy tụ cư trên thềm phù sa cổ cao hơn mực nước của con sông lớn Irraoady, phát triển nền kinh tế vườn gò, đồng thời lợi dụng độ phì nhiêu của châu thổ để gieo trồng lúa nước vào mùa nước rút hàng năm. Đó là một nền nông nghiệp tận dụng. Độ phì nhiêu của đất đem lại cho con người những lợi thế trời cho. Họ không cần dày công chăm bón mà vẫn có thu hoạch, tận dụng thời gian nông nhàn để phát triển nghề làm gốm, chế tạo công cụ đá mở rộng quan hệ sản xuất buôn bán với bên ngoài.
Như vậy sự tồn tại về một thời đại đồ sắt với di chỉ khảo cổ học tiêu biểu là Taungthaman đã chứng minh được cu dân tiền sử Myanmar đã chinh phục được sắt và bước đầu tiến dần vào văn minh. Mặc dù ở giai đoạn đầu với kỹ thuật luyện kim sắt còn khá thấp không  đạt được tính năng như mong muốn. Tuy nhiên sắt ra đời đã đem lại nhiều biến chuyển trong đời sống kinh tế lẫn xã hội và không lâu sau đó, Myanmar đã bước vào xã hội văn minh có nhà nước – mà tiền đề đầu tiên là các quốc gia Pyu. Về niên đại tồn tại của thời đại đồ sắt ở Myanmar nhiều học giả cho rằng cũng giống như niên đại của một số quốc gia ở Đông Nam Á là từ thế kỷ VII BC – I II thế kỷ AD.[7]
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Sơ kỳ sắt ở Myanmar trong mối quan hệ giao lưu với khu vực bên ngoài: [/b]Ngay từ rất sớm Myanmar đã có mối quan hệ giao lưu với bên ngoài dựa vào sự so sánh về loại hình công cụ. Sự giao lưu đó càng thể hiện rõ hơn và những tư liệu khảo cổ học càng làm sáng tỏ. Mối quan hệ giao lưu không chỉ đối với khu vực Đông Nam Á mà còn lan rộng ra bên ngoài khu vực. Các hạt trang sức bằng đá bán quý Onyx, agate, carnelia…mang vòng trắng khắc “axit” cũng được được tìm thấy trong nhiều di chỉ  khảo cổ học thời đại đồ sắt ở Thái Lan, Philippin, Việt Nam, Nam Trung Quốc và Ấn Độ…[8]
Hình thức mai táng cũng giống với các nước trong khu vực giai đoạn này với việc chôn theo đồ tùy táng tập trung ở đầu, chân, vũ khí chôn theo và công cụ ở ngực hay bên cạnh. Việc chôn nhiều đồ tùy táng cho thấy cư dân tiền sử Myanmar cũng quan niệm người chết có cuộc sống ở thế giới bên kia. Đây cũng là quan điểm của nhiều quốc gia trong thời đại đồ sắt như Việt Nam, Philippin, Thái Lan…
Sự tương tự về đồ gốm của văn hóa Taungthaman với những loại hình đồ gốm ở Bản Khao ở rìa Tây miền Trung Thái Lan, gốm Mlu Prei và Xamrong Sen ở Campuchia.
Đặc biệt đó là sự giao lưu kỹ thuật đúc trống đồng với văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam và với trống đồng ở Vân Nam Trung Quốc. Sự tiếp thu về mặt kỹ thuật cũng như về những họa tiết trên trống đồng đã được cư dân tiền sử Myanmar tiếp thu và sáng tạo nên loại hình trống độc đáo của mình là trống Karen. Không chỉ như vậy, họ còn làm cả quan tài gốm bằng trống đồng, một hiện vật khá độc đáo với các dạng hình trụ, gần đáy và miệng có nhiều gờ nổi chạy bao quanh, dạng giống nón cụt, dạng có phần thân uốn cong đặc biệt là được trang trí bằng những hoa văn hình học. Quan tài gốm là sự giao lưu của nhiều loại hình, nhiều yếu tố kỹ thuật trong khu vực Đông Nam Á.
Như vậy sự giao lưu kỹ thuật, giao lưu văn hóa để tạo nên những nét riêng, độc đáo giàu bản sắc cho mình, cư dân tiền sử ở Myanmar đã bước tiến thẳng vào ngưỡng cửa của văn minh.

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]KẾT LUẬN[/b]
Ngay từ rất sớm, vùng đất Myanmar đã là nơi tụ cư của người tiền sử. Những bằng chứng về hóa thạch Pondaung ở miền Trung Myanmar có niên đại 38 triệu năm càng làm sáng tỏ tổ tiên trước người cũng có thể là ở khu vực Châu Á chứ không phải là ở Châu Phi như trước đây các nhà khoa học đã nhận định. Cùng với nó một nền văn hóa thời đại đồ đá cũ đã được xác lập – văn hóa Anyath. Không thể phủ nhận hoàn toàn những công cụ đá cũ ở Anyath là chính xác với niên đại của nó hay không ? Nhưng sự so sánh công cụ đá Anyath với truyền thống công cụ cuội ở Châu Âu cũng như công cụ Xoan ở Ấn Độ là có cơ sở. Cũng phần nào chứng tỏ được là Myanmar đã tồn tại một nền văn hóa đá cũ, tin rằng với sự phát triển của đội ngũ khảo cổ học ở Myanmar sẽ nhanh chóng tìm được di cốt người cổ để càng làm sáng tỏ hơn. Tiếp nối theo diễn trình thời đại đá cũ là di chỉ khảo cổ học Mogyeobin với sự phát triển liên tục từ đá cũ sang đá mới với nhiều loại hình công cụ và cả di cốt ngưới. Điều này càng khẳng định thêm sự phát triển liên tục của khảo cổ học Myanmar thời đại đồ đá. Nghệ thuật hang động – đỉnh cao của nó là hang Pada Hlin một di chỉ mà không có ai có thể chối cãi được, những bàn tay giơ lên, những hình ảnh sinh động được thể hiện trên vách đá hang động được vẽ bằng những mẫu đất son của cư dân tiền sử Myanmar, có thể nói Hang Pada Hlin chính là bằng chứng sáng giá tiêu biểu cho nghệ thuật hang động thời đại đá mới ở khu vực Đông Nam Á. Trong suốt một thời gian dài do không tìm ra di chỉ khảo cổ học thời đại đồ đồng ở Myanmar nên một số học giả đã cho rằng cư dân tiền sử Myanmar không trải qua thời đại đồ đồng và tiến hẳn lên từ thời đại đồ đá sang thời đại đồ sắt. Cho đến khi phát hiện ra di chỉ khảo cổ Nyaunggyan thì bức màn về thời đại kim khí (chính xác là thời đại đồng thau ở Myanmar đã được xác lập). Khai quật Nyaunggyan đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, về hình thức mai táng mộ huyệt đất với tư thế chôn duỗi thẳng đầu hướng Bắc, chôn cất một lần không thực hiện hình thức cải táng đồng thời cùng với bộ di vật tiêu biểu của di chỉ này đã giúp cho bức tranh tiền sử ở Myanmar thời đại đồ đồng ngày càng phong phú hơn. Tuy nhiên, sự phát triển đó không dừng lại mà sẽ đi lên khi có những tiền đề ra đời, môi trường thay đổi, đời sống kinh tế xã hội biến động, nhu cầu về một nguyên liệu mới cứng hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp đồng thời cùng với nó là sự khan hiếm nguyên liệu đá, đồng, do đó đồ sắt ra đời ở Myanmar là bước chuyển lớn biến đổi bộ mặt xã hội. Cư dân Myanmar bước sang thời đại đồ sắt với văn hóa Taungthaman tiêu biểu. Thời đại đồ sắt ở Myanmar kéo dài vài trăm năm với những đặc trưng cơ bản là đồ đá không còn giữ được địa vị độc tôn mặc dù phát hiện công xưởng chế tác đá ở Taungthaman, hình thức mai táng cũng nhiều loại hình hơn như mộ huyệt đất, mộ nồi, quan tài gốm…đồ sắt cũng phát hiện được tuy không nhiều, bước đầu cư dân Myanmar còn chưa đạt đến trình độ cao của kỹ thuật luyện sắt nên sắt bị rỉ hóa và bị gãy vỡ khi sử dụng. Đây cũng là đặc điểm cơ bản nổi bật của thời đại sắt ở Myanmar. Cùng trong thời kỳ này, sự giao lưu kỹ thuật với khu vực bên ngoài Myanmar diễn ra khá mạnh mẽ, với khu vực Ấn Độ thì giao lưu, nhập khẩu nguyên liệu đá quý và kỹ thuật làm hạt chuỗi, với khu vực Vân Nam Trung Quốc thì ngay từ vài thế kỷ trước công nguyên nhóm Môn đã di cư từ khu vực Điền của tỉnh Vân Nam sang cư trú ở vùng hạ lưu sông Chinduyin do đó việc giao lưu về mặt văn hóa kỹ thuật cũng khá mạnh mẽ. Trong mối giao lưu với khu vực Đông Nam Á, thì tiếp xúc và giao lưu cả với Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Sư tương đồng trên những đồ gốm với những hoa văn hình học trên nồi vò đất, cũng như loại hình gốm ở Myanmar với văn hóa thời đại đồ sắt ở Lào, Campuchia và Thái Lan, với kỹ thuật đúc trống đồng và tạo hoa văn qua giao lưu học hỏi với văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam và Nam Trung Quốc…Sự giao lưu học hỏi trao đổi về văn hóa và kỹ thuật là những điều kiện thiết yếu để tồn tại và phát triển, giao lưu học hỏi để tạo nên những nét riêng biệt, độc đáo vốn có của riêng mình. Từ sự giao lưu đó, cư dân tiền sử Myanmar dần phát triển nó và nhanh chóng bước vào ngưỡng cửa của xã hội phân hóa giai cấp và nhà nước.
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]TÀI LIỆU THAM KHẢO[/b]
C.Higham (2004), Mainland Southeast Asian from the Neolithic to the Iron Age Southeast Asia, London express.
C. Higham (2002), Early cultures of mainland Southeast Asia, Bangkok, river book.
E. Moore (2007), Early lanscapes of Myanmar, River book.
 T.O. Morris (1938), Copper and bronzes antiquities from  Burma.(PDF)
  T.O. Morris (1935),The Prehistoric implements of Burma. (PDF)
U Awung Thaw,(1970),  The Neolithic culture of the Padah-lin Cave. (PDF)
Charles Higham and Rachanie Thosarat (1998), Prehistoric Thailand from early settlement to Sukhothai, Thames and Hudson.
Nicholas Tarling (2005), The Cambridge history of Southeast Asia volume one From early times to c.1500, Cambridge university press.
Ian Glover and “Southeast Asia from Prehistory to History” Routledge Curzon, Peter Bellwood London and Newyork, 2004.
I. C. Glover (1989), Early Trade between India and Southeast Asia: A link in the development of a world Trading System. Center of Southeast Asia Studies, University of Hull.
Khin Lay Yi và Soe Soe Paing (1999), “Preliminary Studies of Bones found in Nyaunggan site” in Bronze Age culture in Myanmar. Yangon Myanmar.
Ba Maw, Than Tun Aung,  Pe Nyein và Tin Nyein (1999): “Artifacts of Anyathian culture found in a single site” Studies in Myanmar. Innwa Publishing House Yangon, tr 7- 16. (PDF)
C.Higham (1999), “The Bronze age of Southeast Asia: Notes on the Nyaunggan Site, Myanmar.” In Bronze Age Culture in Myanmar, Yangon, Myanmar.
Myint Aung (2000), “A Review of Pada – Hlin culture” in Myanmar historical Research Journal, no 6. (PDF)
Bob Hudson (2006), Iron in Myanmar. (PDF)
Bob Hudson (2002) A thousand year before Bagan: Radio carbon dates and Myanmar acient Pyu cities. (PDF)
Vũ Quang Thiện (2005), Lịch sử Myanmar, NXB khoa học xã hội.
 Hán Văn Khẩn (2011), Cơ sở Khảo cổ học, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
Jacquetta Hawkes và Leonard Woolley (2001), Lịch sử văn minh nhân loại thời tiền sử, NXB Văn hóa thông tin.







[1] Morris. T. O (1938), “ Copper and bronze celt from Burma”, trang 95 – 99. (PDF)



[2] Vũ Quang Thiện (2005), lịch sử Myanmar, tr. 31, NXB Khoa học xã hội.



[3] Khin Lay Yi và Soe Soe Paing (1999), “Preliminary Studies of Bones found in Nyaunggan site” in Bronze Age culture in Myanmar. Yangon Myanmar, tr. 65.



[4] C. Hisgham (1999), “The Bronze age of Southeast Asia: Notes on the Nyaunggan Site, Myanmar.” In Bronze Age Culture in Myanmar, Yangon, Myanmar, tr.90.



[5] Moore, Elizabeth (2007), Early landscapes of Myanmar, Bangkor, Riverbook.



[6] Vũ Quang Thiện (2005), lịch sử Myanmar, tr. 35, NXB Khoa học xã hội.



[7] Nicholas Tarling (2005), The Cambridge history of Southeast Asia volume one From early times to c.1500, Cambridge University press.



[8] I. C. Glover (1989), Early Trade between India and Southeast Asia: A link in the development of a world Trading System. Center of Southeast Asia Studies, University of Hull.
diepkhaoco52
diepkhaoco52
Member
Member

Tổng số bài gửi : 25
Join date : 03/12/2011
Age : 33
Đến từ : Cam Lâm - Khánh Hòa

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết