khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH

2 posters

Go down

TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH Empty TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH

Bài gửi by Đinhnam Thu Jan 13, 2011 8:17 am

1. Hệ thống cồn cát ven biển miền Trung.
1.1. Điều kiện tự nhiên và sự kiến tạo địa chất bờ biển miền Trung Việt Nam
Miền trung Việt Nam được phân định từ Thanh Hóa – Nghệ An cho đến hết Ninh Thuận – Bình Thuận nhưng lại chia nhỏ thành bắc trung bộ và nam trung bộ. Miền trung tuy có chiều dài nhất so với các khu vực khác nhưng diện tích lại hẹp về bề ngang, tất cả các tỉnh ở miền trung đều tiếp giáp với biển ở phía đông, phía tây được giới hạn bởi đồi núi với ngọn Trường Sơn kéo dài cả miền trung. Nói chung là địa hình của miền trung bị chia cắt dữ dội bởi không những dãy núi phía tây mà còn có những dãy núi ăn ngang ra biển làm chia cắt địa hình hay cả những dòng sông ngắn có sức chảy rất mạnh cũng có ảnh hưởng. Điều kiện tự nhiên của miền Trung một bên là núi đồi một bên là biển cả có ảnh hưởng rất lớn đến môi sinh ở đây. Với địa hình cao ở phía tây và thấp đột ngột ở phía đông làm cho các con sông bắt nguồn từ phía tây đổ xuống rất dữ dội. Đây cũng là một hiểm họa khi mùa mưa đến, nhất là nạn lũ quét tàn phá rất dữ, khi chúng mang theo bùn đất tràng xuống sẽ cuốn trôi, vùi lấp tất cả những gì mà chúng gặp. Cũng chính vì vậy mà nơi hạ lưu con sông các đồng bằng được bồi tụ nhờ những phù sa của sông mang theo. Bên dưới chân các dãy núi đồi là những đồng bằng nhỏ hẹp. Nơi những đồng bằng trước vốn là đường bờ biển cũ với những vụng biển nông, chúng được nâng lên cao và được sự bồi tụ của các dòng sông nên chúng ngày một phát triển và cao dần lên. Kế tiếp đồng bằng là những cồn cát chạy dọc theo bờ biển. Chúng được hình thành do sóng, gió, qua thời gian dài chúng dần lớn lên và được gió đưa vào sâu trong bờ. Hiện tượng này gọi là cát bay hay cát nhảy, nó làm lấp cả nhà cửa, vườn, rẫy. Đây cũng là một tác nhân gây khó khăn đến cuộc sống của cư dân sống ven biển. Bờ biển miền trung Việt Nam có khi đồi núi ăn ra sát biển nên có nơi cồn cát không thể hình thành được, có nơi cồn cát lại khác, cho nên địa hình miền trung rất đa dạng, mỗi nơi mỗi khác.
Miền trung với một dải dài tiếp giáp núi và biển là một điều thuận lợi để khai thác kinh tế nhưng đó cũng là những nguyên nhân phát sinh những khó khăn, bất lợi ở nơi đây. Hàng năm miền trung phải gánh chịu gần chục cơn bão lớn nhỏ hình thành từ biển đông. Những cơn bão đã tàn phá thiên nhiên và đời sống, tính mạng cư dân sống nơi này. Bờ biển miền trung Việt Nam thường xuyên có sóng to khi bão hoặc lúc bình thường thì đặc điểm bờ biển miền trung nên sóng vỗ vuông góc với bờ, gió đông bắc có tác động đến bờ biển miền trung, hơn nữa là nhiều cơn bão đổ bộ vào đất liền vì vậy mà những cồn cát có điều kiện mà hình thành nhanh chóng, những nơi có sức gió trên 15 km/h đều hình thành những cồn cát ven biển. Sau mỗi cơn bão thì có những cồn cát nhỏ ven biển được hình thành và chúng tiếp tục được sóng và gió vun đắp càng lớn thêm và ngày càng tiến sâu vào trong bờ. Chính vì chế độ gió và sóng thuận lợi như vậy nên ở ven biển miền trung Việt Nam những cồn cát nối dài hàng chục cây số, cao hàng chục mét nối tiếp nhau chạy song song với đường bờ biển có cơ hội phát triển mạnh mà không ở nơi nào như vậy.
Bờ biển Việt Nam
Theo những nghiên cứu địa chất bờ biển Việt Nam có liên quan đến đợt biển tiến Flanrian. Từ khoảng 17 ngàn năm trước, mực nước biển thấp so với hiện nay khoảng 100m nhưng khoảng từ 17000 năm trước trở về 7000 năm thì mực nước biển đã dâng lên 100m làm tràn ngập các đồng bằng cổ trước kia thành thềm lục địa. Tốc độ biển tiến được nhận định là khoảng 9mm/ năm. Tốc độ này nhanh gấp 8 – 9 lần so với tốc độ nâng trung bình của thềm lục địa từ 1-2mm/ năm. Từ khoảng 7000 năm trở lại đây thì hoạt động tân kiến tạo mạnh lên nên lục địa được nâng lên nhanh chóng. Hoạt động kiến tạo bờ biển có liên quan chặt chẽ đến nhiều nhân tố trong đó cơ bản nhất là nội lực và ngoại lực( khí hậu, sóng, thủy triều,..). Từ khoảng “3000 – 2000 năm trở lại đây tốc độ nâng của lục địa nhanh hơn tốc độ của biển tiến” vì thế mà một dãy đồng bằng trẻ ven biển đã nổi lên nhanh chóng, lấn ra biển nhờ có hoạt động xâm thực, bồi tụ của các con sông ven biển, cùng với đó là hoạt động tân kiến tạo nâng cao của lục địa.
1.2. Sự hình thành cồn cát ven biển
Từ phía mép biển càng lùi vào trong đất liền các cồn cát phân bố với mức độ ổn định tăng dần gồm: cồn sơ khai, cồn tiền tiêu, cồn màu vàng, cồn màu xám và cồn trưởng thành.
Cồn sơ khai: là những đống cát nhỏ, hình thành do gió vun lên. Chúng hình thành nhờ sự có mặt của của một vật cản nào đó như xác động vật, cành cây nằm ở mép biển nhờ đó mà cát được gió, sóng đưa vào vướn phải vật cản mà hình thành những cồn này. Cồn sơ khai rất dễ hình thành nhưng cũng dễ dàng mất đi. Những nguyên nhân như gió, sóng cũng góp phần đẩy một phần vật liệu hình thành cồn cát tiến vào sâu trong bờ.
Tiếp sau cồn sơ khai là những cồn cát lớn, kéo dài nhiều cây số, chúng hình thành do quá trình vận chuyển ngang bùn cát từ dưới đáy biển lên. Bởi nên trong thành phần cấu tạo của các cồn cát này chủ yếu là trầm tích đáy biển như cát, vỏ sò, vỏ ốc,…
Các cồn cát ven biển trong quá trình hình thành có liên quan chặt chẽ với chế độ sóng lớn, và quan trọng là hướng sóng phải vuông góc với đường bờ biển mà đặc điểm đường bờ biển miền trung Việt Nam lại luôn có sóng to gió lớn, bão nhiều, hướng sóng vỗ thường vuông gốc với đường bờ biển bởi nên cồn cát phát triển mạnh.
Cồn tiền tiêu: là những cồn đã có sự định cư của thực vật thân cỏ. Sự có mặt của các dạng thực vật thân cỏ góp phần cố định cồn cát. Những loại thực vật thân cỏ này có sức sống dẻo dai, chịu mặn, chịu gió, chống được cát vùi. Chúng giúp cho cồn cát tích lũy nhanh hơn và cồn cát nhờ đó mà cao thêm. Độ cao của cồn tiền tiêu là khoảng 5m.
Cồn màu vàng: cồn này có tên gọi như vậy là vì màu sắc của cồn này là vàng. Cồn này đã có xác thực vật tích tụ được nhiều và bắt đầu xuất hiện những lớp mùn thực vật đầu tiên trên mặt cồn. Cát ở cồn màu vàng vẫn còn mặn, độ PH kiềm nhẹ (khoảng 7,5). Cồn với sự tích tụ của muối kiềm và kiềm thổ, vì thành phần này đã làm cho cát có màu rám vàng trên bề mặt cát. Tích tụ mùn càng nhiều trên cồn cát làm cho chất dinh dưỡng và hơi nước tăng lên, điều kiện này thuận lợi cho thảm thực vật trên cồn cát được đa dạng hơn.
Độ cao của cồn màu vàng đạt từ 5 – 10m, độ phủ thực vật khoảng 80%. Trên cồn cũng đã có một số loài bò sát nhỏ sinh sống, động vật gậm nhấm cũng đã bắt đầu đến định cư nhờ nguồn nước và thức ăn phong phú.
Cồn màu xám: cồn có màu xám là vì lượng mùn đã tích lũy nhiều hơn thành từng lớp trên bề mặt cồn. Độ PH giảm dần khiến cồn chuyển sang chua. Thực vật ở cồn này xuất hiện nhiều hơn nhất là thực vật bậc thấp như: rêu, địa y. Độ che phủ thực vật ở cồn này có thể đạt đến 100% diện tích. Nước ngọt chỉ xuất hiện ở sâu dưới lớp cát nên chỉ có loại cây có rễ sâu mới thích nghi được. Độ cao của nó có thể đạt 10 m.
Cồn trưởng thành: cồn này ở cách mép biển hàng trăm mét. Trên bề mặt cồn đã có những lớp đất đầu tiên cùng với sự xuất hiện của lớp phủ thực vật làm cho ở cồn trưởng thành xuất hiện những thực vật thân gỗ và cây bụi. Ở cồn này cũng đã có con người sinh sống, cồn trở thành nơi canh tác của con người sống tại đây.
Một dạng cồn cát thường xuất hiện ở nen biển nữa đó là đuôi sam cát và mũi cát ven bển. Nó là một dạng tích tụ tự do, một đầu nối với bờ còn đầu kia tự do vươn ra biển. Nó chỉ hình thành chỗ lồi của bờ khi khi dòng vận chuyển bùn cát đơn hướng dọc bờ bị thay đổi đột ngột về phía lục địa . Dòng bùn cát di chuyển dưới tác động của sóng tới bờ dưới dạng một góc nhọn, khi đó chỗ bờ lồi năng lượng sóng giảm nên bùn cát ngừng lại hẳn hay chậm lại ngay sau chỗ bờ lồi. Phần lớn các đuôi sam cát thường được tích tụ bởi nguồn vật chất từ một phía. Các dạng mũi cát ven biển được tích tụ từ hai nguồn cũng thuộc dạng này. Chúng được bồi đắp từ hai nguồn vận chuyển từ hai phía khác nhau dưới tác động của hai hệ thống dòng chảy. Qúa trình này diễn ra liên tiếp sẽ dần làm cho mũi cát kéo dài ra biển.
Bàu nước
Con người sinh sống trên cồn cát thì không thể nào đủ nước để đảm bảo cho cuộc sống và canh tác của con người nhưng trong quá trình hình thành các cồn cát thì đồng thời cũng tạo ra các bàu nước. Giữa cồn trưởng thành và cồn màu xám hay giữa các cồn trưởng thành với nhau thường tồn tại các bàu nước. Bàu nước này có thể là nước ngọt hay nước mặn tùy thuộc vào cấu trúc của cồn. Những bàu này do sự hình thành các cồn cát ven biển rồi cô lập dần những vụng, vũng nhỏ ven biển, cồn cát lớn dần làm cho các vũng nước này cô lập hoặc thông với biển. Từ đây hình thành những bàu nước, nếu chúng cô lập với biển thì dần sẽ diễn ra quá trình ngọt hóa, nước ngọt ở các mạch nước ngầm dưới đất trào lên góp phần làm cho bàu nước ngọt dần. Nếu chúng vần còn thông với biển khi mà các cồn cát không thể lấp được cửa thông từ bàu với hồ vì vậy mà nước biển tràn vào nên bàu nước không thể nào trở thành bàu nước ngọt được.

Bàu Tró
Những vũng trũng xung quanh bàu nước cách đây khoảng “vài trăm năm chúng còn là những vụng biển nhỏ nằm song song với đường bờ và thông với biển qua những cửa vụng nhất định” , sự di chuyển bồi tụ của cồn cát nhanh chóng mà tạo nên các hồ nước. Các hồ này lâu ngày chúng sẽ cạn dần tạo thành một vũng trũng. Thành phần bên dưới các vụng này là tầng sét đen lẫn vỏ sò ốc. Đôi khi các bàu này cạn nước nhưng vẫn còn một số con suối nhỏ nước ngọt chảy ngược chiều địa hình tức chiều từ tây sang đông hoặc song song với bờ biển. Sở dĩ như vậy là vì bờ biển hiện nay được nâng lên cao làm phần phía trong vốn là đường bờ biển cũ trở nên thấp hơn mà phù sa sông, biển chưa bồi lấp hết. Bàu Sen ở phía nam Đồng Hới là điển hình cho loại hình bàu nước này. Lúc trước nó có của thông với biển nhưng đến thế kỉ XIV thì cửa bị lấp nay còn tên là xã Lấp. Nước trong bàu mỗi khi đầy thì nước sẽ theo một con suối chảy vào sông Nhật Lệ.
Ven bờ biển miền trung Việt Nam có một đặc điểm là phía biển bao giờ cũng là các cồn cát trải dài nhiều cây số nhưng phía sau cồn cát lại là những đầm hồ hẹp và dài vốn là di tích của những vụng biển cũ. Đôi khi nơi này có cả con sông dài chảy song song với đường bờ biển ngăn cách phần thành tạo phù sa và phần cồn cát ven biển. Con sông như vậy không những có giá trị về thủy lợi mà còn là một con đường giao thông quan trọng. Từ Đà Nẵng đến Quãng Nam sẽ đi qua sông Vĩnh Điện, Hội An, Thu Bồn rồi theo Trường Giang xuống Tam Kỳ đến vụng An Hòa. Đó là con đường đi dọc sốt theo bờ biển Quãng Nam từ bắc xuống nam rất thuận tiện mà không cần phải đi đường biển.
Bờ biển Quãng Nam –Quãng Ngãi vẫn còn tiếp tục bồi tụ thông thường nó tồn tại dưới hình thức là các mũi tên cát và các cồn cát chắn ngoài vụng hay kiểu cồn cát nối đảo. Tại vùng Bình Định các đồng bằng là những vụng biển cũ chưa bồi đắp xong. Hàng loạt đầm hồ nằm rải rác trong đồng bằng nhất là sau các cồn cát và doi cát. Các cồn cát ở đây đạt kích thước rất lớn kéo dài theo hướng tây bắc – đông nam đôi khi nối núi đảo lại che kín các vụng biển hình thành nên những vụng nước ngọt như ở Quy Nhơn.
Khu vực Phú Yên có đầm Ông Tông, đầm Ô Loan nơi có nhiều sông nhỏ đổ vào nhưng lại thông với biển bằng một lạch nhỏ. Lạch này luôn thay đổi do sự di chuyển của mũi tên cát.
Ở đồng bằng tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận tồn tại những cồn cát khổng lồ chiếm diện tích đến 500 km2. Những cồn cát ở đây hạt cát có kích thước từ 0,2 – 2mm. Tại những vùng có gió mạnh thường xuyên trên 15km/h đều xuất hiện cồn cát.

Bàu Trắng – Bình Thuận
Cồn cát ven biển Quãng Bình – Quãng Trị - Thừa Thiên
Tại vùng biển này ven ngoài cùng các đồng bằng là các cồn cát chúng do phù sa biển bồi đắp những vụng biển cũ. Và được gió di chuyển thành cồn cát di động. Cồn cát ven biển này có hình lưỡi liềm cao trung bình 20 – 30m, tối đa là 50– 60 m nối tiếp nhau chạy thành những dãy liên tục theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, tức là hướng thẳng góc với hướng gió đông bắc. Những cồn cát này hình thành và sự tồn tại của nó ảnh hưởng rất nhiều từ hướng gió đông bắc ở đây. Riêng gió đông nam thì hướng thổi song song với biển nên không có tác động gì, còn gió tây bắc và gió tây nam thì hàng năm hoạt động trong một thời gian ngắn, khoảng 15 ngày trong một năm nên tác đông của nó đối với cồn cát là không đáng kể.
Các cồn cát này di chuyển vào đất liền hàng năm với tốc độ 100m/năm. Vì sự di động của cồn cát với tốc độ nhanh chóng mà có hiện tượng cát lấn đất canh tác, cát vùi lấp nhà cửa,… Đó là những khó khăn của cư dân nơi đây.
Đồng bằng Quãng Nam – Quãng Ngãi – Bình Định
Các đồng bằng ở đây cũng đều nhỏ hẹp, dù đồng bằng là đất phù sa nhưng chứa nhiều cát. Ở các đồng bằng này có những con sông và các bàu nước vì thế những đồng bằng này là nơi định cư lý tưởng của cư dân nơi đây đặc biệt là những làng làm nghề chày lưới và đánh cá. Ở Quãng Ngãi các cồn cát ven biển nhỏ dần về phía nam vì núi và đồi ngày càng lấn sát ra biển làm cồn cát không thể phát triển được.
Ở Ninh Thuận, Bình Thuận thì cồn cát có sự khác biệt về màu sắc tùy thuộc vào tuổi của chúng. Cồn cát màu đỏ là loại cổ nhất, bị dồn ép và nén lại tạo thành những mặt phẳng lên cao đến hơn 200m, trên mọc những truông cỏ và cây bụi cằn cõi, thường nằm tiếp giáp dưới chân núi. Loại cồn cát này chỉ có ở Ninh Thuận và bắc Bình Thuận. Cồn cát có màu trắng là cồn cát ở vị trí trung gian, chúng được thành tạo cách đây khá lâu nhưng đã được ổn định. Cuối cùng là cồn cát vàng xám là những loại trẻ nhất đang trong thời kì phát triển và di động dưới ảnh hưởng của gió. Tại Khánh Hòa thì chỉ có hai thế hệ cồn cát là trắng và cồn cát vàng xám ở Đầm Môn và Cam Ranh.

Đinhnam
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 39
Join date : 10/06/2009

Về Đầu Trang Go down

TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH Empty Re: TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH

Bài gửi by Đinhnam Thu Jan 13, 2011 8:23 am

2. Tác động của cồn cát ven biển miền trung đối với sự hình thành văn hóa Sa Huỳnh

2.1. Không gian phân bố của văn hóa Sa Huỳnh

Điều kiện tự nhiên nơi những cồn cát có nhiều thuận lợi hơn so vơi những nơi khác như đồng bằng hay đồi núi. Cồn cát được thành tạo cao hơn rất nhiều so với mực nước biển mà đối với khu vực đồng bằng phía trong thù những cồn cát này như những đập chắn biển.Vì địa hình cao ráo của cồn cát là nơi rất lý tưởng để cư trú. Hơn nữa ở đây có thực vật phong phú, nước ngọt đầy đủ lại là nơi có vị trí thuận lợi gần biển, gần đồng bằng ở bên trong, lại gần với những nguồn nước mà giữa nững cồn cát hình thành nên hay là những con sông ở đồng bằng là những nguồn nước ngọt đảm bảo cho đời sống của cư dân Sa Huỳnh. Đặc biệt là cư trú nơi những cồn cát mà quá trình phong hóa đã hoàn thành nên cư dân Sa Huỳnh không phải lo về nạn cát bay, cát di động. Cồn cát là nơi khô, cao ráo lại ở vị trí trung tâm, bên trong là đồng bằng có thể sản xuất nông nghiệp, lại có thể gần biển làm nghề biển, giao thương với bên ngoài thuận tiện. Văn hóa Bàu Tró ở Quãng Bình được chứng minh là khởi nguồn cho sự phát triển tới Sa Huỳnh, thì hình thức cư trú của cư dân Bàu Tró này cũng vậy. Những cư dân cổ này họ sống nơi những cồn cát quanh bờ Bàu Tró. Sống trên một nơi khô, thoáng mà lại gần nguồn nước thì rất thuận tiện. Hầu như các di tích của văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy đều phân bố ở những cồn cát ven biển hoặc nững nơi gần của sông. Ddiều này cho thấy cồn cát là nơi cư trú rất lý tưởng.

Qua những cuộc khai quật có thể thấy cảnh quang chung của các di tích Tiền Sa Huỳnh và cả Sa Huỳnh phân bố dọc theo bờ biển miền trung như các di tích Long Thạnh, Bình Châu I, Bình Châu II, Phú Khương, Thạnh Đức, Gò Quê, Cồn Ràng (Huế), các di tích thuộc giai đoạn Sa Huỳnh như Hội An, Bàu Trám, Tăng Long, Gò Ốc, Hòa Diêm (Khánh Hòa), Bàu Hòe (Ninh Thuận),…hầu như đều phân bố trên các dải cồn cát ven biển. Những nơi này có đặc điểm là gần nguồn nước ngọt, sát cửa sông đổ ra biển. Điều kiện tự nhiên này rất thuận lợi để cư dân Sa Huỳnh tụ cư sinh sống. Bên cạnh những khu vực cư trú là những khu mộ chum các di tích như: Gò Quê, Thạnh Đức, Phú Khương, Cồn Ràng, Đại Lộc,… là những khu mộ chum lớn của người Sa Huỳnh, chúng được phân bố cũng ngay tại những cồn cát ven biển này. Người Sa Huỳnh sống trên những cồn cát rồi chết cũng vùi trong cát. Không chỉ cư trú ở những cồn cát mà họ còn vươn ra cả những đảo gần bờ như: Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, các đảo ở Nha Trang,….

Văn Hóa Xóm Cồn: đây là giai đoạn sớm nhất mở đầu thời đại kim khí khu vực miền trung và nam trung bộ. Nhóm di tích này phân bố ở vùng đồng bằng ven biển và đảo gần bờ Phú Yên - Khánh Hòa. Những di tích này ở trên các cồn cát ven biển như Xóm Cồn, Gò Ốc, Giồng Đồn,… chúng phân bố sát biển nhưng sau lưng lại là rừng núi nên trước sau cư dân nơi đây đều có thể khai thác nguồn lợi từ biển và rừng rất thuận tiện. Đặc trưng của nhóm di tích phân bố ven biển này là tầng văn hóa ken dày đặc vỏ các loài nhuyễn thể biển và di cốt động vật ăn cỏ vốn sinh sống ở vùng trảng cỏ ven rừng. Loại nhuyễn thể chủ yếu là ốc mặt trăng và ốc tai tượng. Chúng còn được tận dụng để chế thành các công cụ như : công cụ ghè đẽo, công cụ nạo, hòn ghè,…

2.2 Cồn cát ven biển và hình thức cư trú.

Sự di chuyển của cư dân Sa Huỳnh

Như đa trình bày ở trên các cồn cát ven biển được hình thành từ ngoài mép biển cho tới khi di chuyển vào sâu trong bờ, nguyên nhân chính là gió đã đẩy cát từ nơi này sang nơi khác. Đối với những cồn cát chưa có thực vật sinh sống để ổn định cát thì những cồn cát này cũng sẽ bị gió đưa đi nơi khác, đó chính là hiện tượng cát bay hay cát nhảy, cồn cát di động ở ven biển miền trung Việt Nam. Sự di chuyển cát từ nơi này sang nơi khác một cách nhanh chóng của các cồn cát có tác động mạnh đến đời sống cũng như sản xuất của cư dân Sa Huỳnh, thậm chí đến tận ngày nay hiện tượng này vẫn tác động gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cư trú ở những nơi này.

Mùa khô cát sẽ khô lại, nhẹ đi và độ liên kết với hạt khác kém, khi có gió thì chúng dễ dàng được gió thổi đi nơi khác. Do sự di động nhanh chóng của cát 100m/ năm mà nó có thể lấp một cách đáng kể nhà cửa, ruộng, vườn làm cản trở sinh sống và ven biển không thể nào có thể cư trú một cách lâu dài ở một nơi hay là sản xuất cố định một chỗ được. Để có thể thích nghi với hiện tượng này cư dân Sa Huỳnh cần phải thay đổi thường xuyên nơi cư trú của mình để tránh tình trạng cát lấp. Vì tình trạng này cũng có thể nó quy định luôn cách thức cư trú của cư dân Sa Huỳnh. Di chuyển nơi cư trú sang chỗ khác một thời gian thì có thể quay lại ở nơi cũ sống được. Di tích Truông Xe là di tích cư trú gồm hai lớp văn hóa. Hai tầng văn hóa, chúng gián cách nhau bởi một lớp cát trắng. Lớp cát trắng này là hiện tượng cát bay ở đây làm vùi lấp nơi cư trú vì vậy cần phải di chuyển chỗ ở mới, sau một thời gian thì có thể quay lại nơi cũ từ đó mà có lớp văn hóa thứ hai cách lớp thứ nhất bởi lớp cát trắng. Điều này càng khẳng định sự di động của các cồn cát có tác động, thậm chí là quy định cách thức cư trú của cư dân Sa Huỳnh.

Tầng văn hóa mỏng

Trong văn hóa Sa Huỳnh việc phát hiện di tích cư trú là rất hiếm nhưng một điều cần nói chính là chỗ đã ít di tích cư trú mà tầng văn hóa trong di tích lại rất mỏng. Hiện tượng này chính là do tình trạng cát bay ở các cồn cát ven biển miền trung đã tác động đến sự cư trú của cư dân Sa Huỳnh. Sự di chuyển liên tục của các cồn cát buộc cư dân phải thay đổi chỗ ở nên cư dân không thể sống lâu, liên tục ở một nơi mà để lại một tầng văn hóa dày được. Hơn nữa không nhất thiết phải trở lại chỗ cũ để cư trú mà còn nhiều nơi khác để sống mà tình trạng cũng như trên tức có hiện tượng cát bay. Ở nơi mới một thời gian rồi cũng phải chuyển đi nơi khác. Vì vậy mà di tích cư trú trong văn hóa Sa Huỳnh là rất mỏng và rất ít tìm thấy.

Việc ít tìm được di tích cư trú cũng do nguyên nhân là hiện tượng cát bay làm lấp đi những vết tích cư trú mỏng manh này hoặc có thể chúng phá hủy luôn cả di tích này vì tình trạng cát không ổn định, không liên kết chặt như đất vì thế mà chúng dễ sụt lún, sạt lở theo đó thì dấu tích dễ dàng mất đi theo những dòng cát chảy, cát bay này. Sự thay đổi thường xuyên địa hình ở ven biển nên việc tìm ra những di tích cư trú là rất khó khăn trong văn hóa Sa Huỳnh.

Hình thức cư trú

Tình trạng cát chạy, cồn cát di động mà buộc những cư dân sộng trên nó phải di chuyển thường xuyên chỗ ở “nay đây, mai đó”. Trong điều kiện di chuyển này thì người Sa Huỳnh không thể nào xây dựng cho mình một nơi cư trú kiên cố có thể sống nhiều năm, nhiều đời được mà có lẽ đó là hình thức cư trú tạm thời với một kiểu nhà đơn giản, dễ dựng nhưng cũng dễ tháo lắp lại được đương nhiên là ngôi nhà có thể chống chịu được gió bão. Đa phần là các di tích cư trú tìm thấy chỉ có công cụ, trang sức, dụng cụ sinh hoạt hoặc đống rác bếp thôi còn dấu tích của nhà cửa, liều trại thì không thấy. Những dữ kiện trên cho thấy có thể cư dân Sa Huỳnh có hình thức cư trú không ổn định có lẽ là những ngôi nhà, liều trại đơn giản mang tính tạm thời.

Nói chung cồn cát ven biển mà đặc biệt là sự di động của các cồn cát mà gió là nguyên nhân đã tác động đến hình thức sinh sống của cư dân Sa Huỳnh.

2.3 Cồn cát ven biển và hình thái kinh tế xã hội của cư dân Sa Huỳnh

Môi trường tự nhiên rất quan trọng, con người sống không thể tách rời môi sinh được. Môi sinh nó quyết định đối với hình thức kinh tế của con người tùy thuộc vào điều kiện môi trường sống mỗi nơi. Cư dân sống ở vùng đồng cỏ thì kinh tế chủ yếu là chăn nuôi với cuộc sống du mục, còn cư dân sống ở vùng đồng bằng thì làm nông, sống định cư. Đối với cư dân của văn hóa Sa Huỳnh cũng vậy, họ cư trú nơi những cồn cát ven biển nên hình thức kinh tế của họ cũng sẽ liên quan đến những cồn cát mà họ đã sinh sống trên nó.

Giai đoạn Xóm Cồn trong văn hóa Sa Huỳnh được xem là giai đoạn sớm nhất. Trong văn hóa Xóm Cồn các di tích như Xóm Cồn, Gò Ốc, Giồng Đồn là những di tích phân bố phân bố trên các cồn cát ven biển nhưng ngay sau các cồn cát là nhưng vạt rừng dưới chân núi. Do cư dân cổ Sa Huỳnh cư trú ở những cồn cát gần biển này lại gần với rừng nên vì vậy mà hình thức kinh tế của họ cũng vì vậy mà bị chi phối bởi yếu tố biển và rừng. Trong cuộc khai quật cho thấy tầng văn hóa của những di tích này dày đặc vỏ nhuyễn thể biển xen lẫn đó là xương của những động vật ăn cỏ vốn sinh sống ở trảng cỏ ven rừng. Những bằng chứng này cho thấy cư dân cổ Sa Huỳnh nơi đây đã dựa vào nguồn tự nhiên biển và rừng để khai thác phục vụ cho cuộc sống, nhưng có thể vai trò của biển là quan trọng hơn hết đối với đời sống của họ. Trong các di tích Tiền Sa Huỳnh ở Quãng Ngãi cũng tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động khai thác biển của họ. Trong tầng văn hóa Bình Châu II trong các hố rác bếp tìm thấy nhiều vỏ sò ốc có nguồn gốc khai thác từ biển, một số di tích khác trong đống rác bếp tìm thấy vỏ ốc, sò và cả xương cá biển.

Như đã nới ở trên những cồn cát ven biển phân bố dọc theo ven biển miền trung nên tạo thành một đê ngăn mặn xâm nhập vào vùng đồng bằng chưa được bồi đắp xong bới các con sông. Chính những con đê cát tự nhiên này đã làm ngọt hóa các đồng bằng lại hình thành nên những bàu nước ngọt tự nhiên. Chính những điều kiện như thế cho phép cư dân Sa Huỳnh có thể hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa đối với những cồn cát đã phong hóa tức đã hình thành nên những lớp thực vật cố định và phong hóa cát đồng thời phủ lên đó một lớp mùn . Điều kiện tự nhiên trên cồn cát này cho phép cư dân nơi đây canh tác ngay tại nơi cư trú.

Cư dân Sa Huỳnh không chỉ khai thác biển là chính mà họ còn có thể trồng lúa nước ở vùng đồng bằng trũng hoặc trồng lúa kiểu nương rẫy. Chính vì nơi cư trú của cua dân Sa Huỳnh ở nơi cồn cát ven biển nên trước có thể khai thác biển mà phía sau cũng có thể khai thác từ các đồng bằng trũng dưới các chân núi ngay sau nơi cư trú. Những đồng bằng trũng này do phù sa bồi đắp, nguồn nước ở các đồng bằng này được đảm bảo nên nơi đây cư dân Sa Huỳnh có thể trồng lúa được. Hoặc xa hơn là trồng trọt nơi các đồi. Bằng chứng về nghề trồng lúa của cư dân là đã tìm thấy những hạt thóc cháy ở di chỉ Sa Huỳnh. Tại di tích Lai Nghi cũng tìm thấy khoảng 10 hạt gaọ cháy, màu than đen, khô cứng nhưng vẫn giữ nguyên hình dạng. Chúng chứng minh cho nền nông nghiệp trồng lúa của Sa Huỳnh. Có thể nói cồn cát là nơi trung gian giữa biển và núi, địa hình lại cao ráo nên đây là nơi thuận lợi nhất để cư trú và khai thác môi trường xung quanh. Từ đó có thể nói cư dân Sa Huỳnh đã hình thành nền kinh tế đa ngành, vừa khai thác biển vừa khai thác vùng đồng bằng và cả nơi đồi núi phía tây.

Đối với những công cụ lao động trong di tích thì tuyệt đại đa số chúng được làm từ các loại vỏ nhuyễn thể như công cụ ghè đẽo, công cụ nạo, hòn ghè,…Qua những di vật ở đây thì có thể thấy “cư dân cổ Xóm Cồn là những người đã săn bắt đánh cá và khai thác nguồn biển”[1]. Hay như cư dân văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn đã sử dụng loại vỏ ốc tai tượng và nắp ốc cừ để chế tạo công cụ ghè đập. Tại Long Thạnh tìm thấy loại lưỡi câu được làm từ xương, Bình Châu tìm thấy lưỡi câu đồng, Xóm Ốc cũng có lưỡi câu đồng. Điều này nói rõ kinh tế của cư dân Sa Huỳnh là khai thác biển nên hình thành một truyền thống công cụ sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc từ biển.

Tác động đến giao thương

Như chúng ta đã biết qua nhiều cuộc khai quật các nhà khảo cổ đã nhận xét cư dân Sa Huỳnh có sự giao thương rất mạnh với các nước nhất là với Ân Độ, Trung Quốc. Để có sự giao thương này thì điều kiện tự nhiên phải thuận lợi và cư dân Sa Huỳnh phải cư trú nơi thích hợp để có thể thực hiện việc giao thương này.

Cư dân Sa Huỳnh đã có một điều kiện biển rất thuận lợi, miền trung có nhiều nơi thích hợp cho hoạt động thương mại trên biển mà nhiều di tích mộ táng, cư trú đã có thể nói lên về sự giao thương ngày xưa của cư dân Sa Huỳnh.

Có điều kiện tự nhiên tốt mà cư dân nơi đây cư trú ở nơi không thuận tiện thì việc giao thương cũng kém. Những cồn cát lại phân bố gần nơi bờ biển không xa chỉ vài trăm mét là tới loại cồn cát trưởng thành. Chính nơi cư trú gần biển ở các cồn cát hoặc các cửa sông đã cho phép cư dân Sa Huỳnh có thể thực hiện việc trao đổi giao thương với các nước khác một cách dễ dàng. Nếu như họ cư trú ở vùng đồng bằng hay xa hơn nữa thù có lẽ kinh tế của họ chủ yếu là nông nghiệp chứ không là thương nghiệp. Vì ở nơi gần biển trên nững cồn cát nên cư dân Sa Huỳnh giỏi về hoạt dộng buôn bán trên biển. Cư dân Sa Huỳnh không chỉ buôn bán với các nơi trong khu vực mà còn giao lưu mạnh mẽ với niều nước khác. Nhiều di vật trong các di tích được phát hiện có nguồn gốc từ bên ngoài vào, điều này chứng minh cho sự giao thương phát triển mạnh của cư dân Sa Huỳnh mà trong đó tác động của cồn cát ven biển đối với việc cư trú đã góp phần hình thành nên nền thương mại này.

Bên trong có lẽ cư dân nơi đây giao thương mạnh nhất đối với văn hóa Đông Sơn ở phía bắc. Nhiều di vật như giáo, dao găm, rìu lưỡi xéo được tìm thấy ở các di tích của văn hóa Đông Sơn, ngay cả trống đồng cũng đã tìm thấy trong văn hóa này. Ngược lại với văn hóa Đông Sơn thì cũng giao lưu rất mạnh với Sa Huỳnh, tại Làng Vạc cũng đã tìm thấy những dấu vết của nền văn hóa Sa Huỳnh. Điều này nói lên thương mại hai chiều giữa hai nền văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn đã rất phát triển.

Sử Trung Hoa từ lâu đã ghi về cư dân ở đây cống chim trĩ trắng cho Chu vương, có lẽ đây là nói lên sự giao thương hai nước chăng. Bằng chứng về sự mua bán này cũng khá rõ nhất là khi tìm thấy những chiếc gương đồng thời Hán trong nhiều di tích mộ táng của văn hóa Sa Huỳnh. Gương đồng là sản phẩm rất đặc trưng thời Hán, việc nó xuất hiện trong văn hóa Sa Huỳnh là biểu hiện cụ thể của sự giao lưu rộng rãi giữa Sa Huỳnh và Trung Quốc từ rất sớm.

Gốm Sa Huỳnh có một truyền thống riêng biệt, với đặc điểm khắc vạch, tô ánh chì, chân đế chạm thủng,….Nhưng ở Philippin cũng có một trền thống giống như vậy mà học giả người Mỹ đã nên lên thành “phức hệ gốm Sa Huỳnh – Kalanay” phải chăng sự tương đồng giữa hai truyền thống ở hai nơi này do giao lưu mà có.

Một loại trang sức đặc trưng cho Sa Huỳnh chính là jhuyeen tai hai đầu thú, nó không chỉ có mặt ở một số nơi trong các văn hóa ở Việt Nam mà nó còn lan rộng cả các nước ở hải đảo Đông Nam Á và một số đảo ở Đông Á. Tại Philippin, Indonesia, Đài Loan, Hồng Kông,… cũng đã tìm thấy loại khuyên tai đặc trưng này. Như vậy là co thể nói sự giao thương mua bán giữa Sa Huỳnh và các nơi khác trong khu vực đã từng diễn ra rất mạnh mẽ.

Đối với Ấn Độ thì văn hóa Sa Huỳnh đã tiếp thu rất nhiều vào trong văn hóa của mình. Nền giao thương mạnh mẽ này của Sa Huỳnh có được có lẽ do chính điều kiện cư trú của cư dân đã hình thành nên một truyền tống hướng biển của cư dân Sa Huỳnh. Chỉ có cư trú nơi những cồn cát, ven cửa sông mới có thể hình thành một nền thương mại rực rỡ vào thời đại kim khí ở miền trung Việt Nam được

2.4 Một số đặc trưng tiêu biểu của Văn hóa Sa Huỳnh

Đồ trang sức

Hình thức cư trú trên những cồn cát ven biển có tác động đến việc hình thành một truyền thống của văn hóa Sa Huỳnh. Chính yếu tố biển đã có vai trò rất lớn, đối với một số đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh cũng thể hiện sắc thái biển ở đó. Di tích Mỹ Tường phân bố trên cồn cát ven biển, trong di tích tìm thấy 800 vỏ ốc tiền bị ghè phần lưng . Hạt chuỗi vỏ sò hình đốt trúc cũng tìm thấy ở đây. Loại hình trang sức dùng vỏ ốc làm nguyên liệu cũng được tìm thấy nhiều nơi trong các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Tại Hòn Đỏ -Mỹ Hiệp thì một mảnh vòng tay được làm từ vỏ sò. Hay như ở Xóm Cồn thì mảnh vòng trang sức được làm bằng vỏ ốc tai tượng. Biển đã cho họ nguồn thực phẩm nhưng biển cũng đã làm đẹp cư dân Sa Huỳnh.

Đồ gốm

Một trong những đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh chính là đồ gốm. có những đặc trưng riêng rất tiêu biểu. Khi nhắc tới Sa Huỳnh thì không thể không nói tới đồ gốm. Một số lượng lớn đồ gốm trong văn hóa Xóm Cồn được chế tác từ đất sét và được pha thêm cát biển. Về thành phần của đồ gốm Sa Huỳnh quan sát bằng mắt thường thì ta có thể trên gốm cuả Sa Huỳnh có một số lượng lớn lượng cát, sỏi nhỏ trong xương gốm nhất là các chum. Chính vì thành phần trong xương gốm nhiều cát mà làm cho bề mặt gốm ta có thể thấy rất sần sùi, rất nhám. Trong xương gốm thì ta càng thấy rõ hơn về thành phần này. Và cũng vì nhiều cát trong kĩ thuật làm gốm của cư dân Sa Huỳnh nên gốm có màu đỏ rất đặc trưng. Sự có mặt nhiều cát trong nguyên liệu làm gốm nó giúp cho nhiệt độ nung giảm xuống và gốm nhanh chóng được nung đỏ dù nhiệt độ nung gốm theo nghiên cứu thì không cao. Hơn nữa ở Ninh – Bình Thuận lại có những cồn cát ven biển màu đỏ, có thể chính màu đỏ của cát đỏ cũng góp phần làm gốm có màu đỏ tươi. Khi so sánh với chum gốm của Giồng Cá Vồ thì thấy rõ ràng màu của gốm chỉ có trên gốm Sa Huỳnh dù Giồng Cá Vồ cũng là di tích gần biển, chịu ảnh hưởng của biển và nó cũng được xem là thuộc về văn hóa Sa Huỳnh?. Những tính chất trên gốm này của văn hóa Sa Huỳnh rõ ràng nó được hình thành dưới sự tác động của môi trường nơi đây nhất là những cồn cát ven biển là nguyên liệu tại chỗ, phong phú cho nghề gốm của Sa Huỳnh từ đó đã hình thành nên đặc trưng cho gốm Sa Huỳnh.

Nghiên cứu hoa văn trên gốm cho phép ta suy nghĩ về mỹ thuật của cư dân và trên đó phần nào phản ánh môi sinh của họ. Trên gốm Sa Huỳnh thường có hoa văn hình sóng nước, hình zích zắc hay hoa văn chấm vạch,…Song kiểu hoa văn sóng nước hoặc sóng nước cách điệu là loại hoa văn thường gặp nhất. Hoa văn này cho thấy đây là một cư dân sống ở vùng gần sông, biển. Cư dân Sa Huỳnh lại sinh sống trên những cồn cát rất gần biển vậy thì cũng dễ hiểu khi họ cảm nhận từng đợt sóng biển rồi phản ánh lại trên gốm dưới nhiều hình thức khác nhau. Chính điều kiện sinh sống nơi cồn cát đã hình thành nên hoa văn sóng nước làm chủ đạo hoa văn trên gốm Sa Huỳnh. Không chỉ có hoa văn sóng nước thể hiện yếu tố biển mà còn có kiểu hoa văn in vỏ sò lên gốm. Loại vỏ sò mà thợ gốm Sa Huỳnh thường dùng là loại sò huyết, loại này có rất nhiều ở các bờ biển. Họ dùng miệng sò hoặc phần đầu nhỏ ấn lên gốm là có được hoa văn vỏ sò độc đáo. Có thể nói đây là hình thức ảnh hưởng của môi trường sống đến văn hóa rất rõ ở văn hóa Sa Huỳnh.

Thông thường những loại hình gốm như chậu, chum, chóe, bình, nồi,…đều cần phải có phần chân đế hay đáy được làm phẳng để có thể đứng vững. Tuy nhiên gốm trong văn hóa Sa Huỳnh mà tiêu biển nhất là loại hình mộ chum loại gốm hình trứng thì đáy lại không làm bằng phẳng mà lại làm tròn, bầu rất đặc trưng. Nhưng vì sau lại như vậy?. Đối với loại hình gốm hình trứng thì có ưu điểm là có thể đứng vững được ở nhiều địa hình khác nhau mà thích hợp nhất là ở loại hình không bằng phẳng như ở đồng bằng. So với loại hình đáy phẳng thì không thích nghi ở địa hình gồ ghề. Hơn nữa cư dân Sa Huỳnh cư trú chủ yếu ở các cồn cát ven biển. Cát thì tơi xốp, không ổn định do địa hình này mà gốm có đáy tròn rất thích hợp ở nơi cồn cát thường hay sụt, lún, cát chạy. Gốm đáy tròn phản ánh sự thích nghi của cư dân Sa Huỳnh đối với điều kiện cư trú là cồn cát ven biển.

Loại công cụ đặc trưng cho văn hóa Sa Huỳnh chính là loại cuốc đá bản to, lưỡi hình vòng cung, không vai, thân mỏng thường gọi là cuốc hình “luỡi mèo”, đây là loại cuốc rất đặc biệt. Với đặc điểm to bản lại thân mỏng nếu như loại cuốc này đem sử dụng ở nơi có đất cứng khô thì không thích dụng. Vì thân mỏng sẽ dễ gãy, bản to sẽ tốn rất nhiều sức để sử dụng khi cuốc, bởi vậy nó chế tạo không phải để sử dụng nơi có địa hình ở đồng bằng hay đồi núi. Với điều kiện cư trú ở cồn cát của cư dân Sa Huỳnh thì những cồn cát này có cấu tạo không quá cứng, độ liên kết của các hạt cát không cao nên rất tơi xốp. Nếu những cồn cát đã có một lớp mùn thực vật phủ lên hay đã thành đất thì lớp mặt này cũng không đến nỗi quá cứng hơn nữa lớp này không dày lắm. Sâu xuống dưới lớp mặt cũng là cát và cát. Do vậy mà công cụ hình lưỡi mèo có lẽ chế tạo để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất trên đất cát. Bản to để cuốc cát nhiều và nhanh hơn, thân mỏng giúp làm nhẹ nhàng không tốn sức. Vì thế mà điều kiện môi trường xung quanh cư dân Sa Huỳnh mà chủ yếu là những cồn cát nó đã hình thành nên những loại công cụ thích hợp cho điều kiện địa chất tại chỗ phục vụ cho hình thức kinh tế hình thành ở ngay nơi cư trú.

Trong điều kiện địa hình miền Trung Việt Nam không mấy thuận lợi, một bên là núi cao, một bên là biển ở giữa là những đồng bằng nhỏ hẹp lại thấp, thì những cồn cát ven biển miền trung là những nơi cư trú lý tưởng cho nhưng cư dân cổ Sa Huỳnh. Nhưng cồn cát mà họ cư trú trên đó đã có tác động mạnh đến sự hình thành văn hóa riêng biệt của họ, một văn hóa mang đậm sắc thái biển. Cồn cát đã quy định về không gian cư trú, hình thức cư trú của của dân. Cồn cát là một điều kiện thuận lợi cho sự tụ cư nhưng nó cũng là một mối hiểm họa cho những ai sống gần nó vì nạn cát bay. Vì hiện tượng này mà nó đã tác động đến đời sống của cư dân Sa Huỳnh. Những cồn cát này cũng góp phần vào việc hình thành nên một nền kinh tế đa nghành vừa khai thác biển vừa có thể trồng trọt nơi đồng bằng. Họ cũng đã biết lợi dụng vào địa thế của mình gần biển mà mở mang giao thương với nhiều nơi để hình thành một nền văn hóa thiên về biển, hoạt động mạnh về buôn bán mà truyền thống này đến giai đoạn Chămpa hãy còn tiếp tục. Cồn cát ven biển cũng tạo nên những sắc thái của văn hóa Sa Huỳnh. Có thể nói văn Hóa Sa Huỳnh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những cồn cát ven biển, môi trường sống đã sinh ra văn hóa Sa Huỳnh vậy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hoàng Xuân Chinh, 2005, Các nền văn hóa cổ Việt Nam, NXB Lao Động.

Lê Bá Thảo, 1977, Thiên Nhiên Việt Nam, NXB Khoa học và kĩ thuật.

3. Vũ Công Quý: Văn hóa Sa Huỳnh. NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1991.



Đây là bài tập cuối kì, bước đầu mới tìm hiểu về văn hoá Sa Huỳnh chắc phải còn nhiều thiếu sót, cách nhìn thiển cận, mong các vị có học thức bàn, chỉ giáo thêm cho. Rất mong được đóng góp ý kiến ngõ hầu học hỏi.





[1] Hoàng Xuân Chinh, Sđd, tr, 283

Đinhnam
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 39
Join date : 10/06/2009

Về Đầu Trang Go down

TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH Empty Re: TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH

Bài gửi by Hasuongkch Fri Jan 14, 2011 2:26 pm

Nhớ bài này ông dc 10 điểm lận mà. Ko đến nổi phải cho mình có cái nhìn thiển cận đâu.
Học hỏi... học hỏi...
Sau này sẽ n/c thêm.
Có bài nào Óc Eo post t tham khảo với... TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH 226111
Hasuongkch
Hasuongkch
Super Mod
Super Mod

Tổng số bài gửi : 312
Join date : 04/06/2009
Age : 36
Đến từ : Hà Tĩnh

http://360.yahoo.com/ngoisaophiabienxanh0203

Về Đầu Trang Go down

TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH Empty Re: TÁC ĐỘNG CỦA CỒN CÁT VEN BIỂN ĐỐI VỚI VĂN HOÁ SA HUỲNH

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết