khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG

Go down

TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG Empty TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO Ở BẢO TÀNG AN GIANG

Bài gửi by Hasuongkch Sat Jul 23, 2011 1:40 am

TƯỢNG ĐÁ THUỘC VĂN HÓA ÓC EO VÀ HẬU ÓC EO
Ở BẢO TÀNG AN GIANG

Nguyễn Hoàng Bách Linh
Trích Nam Bộ đất và người, Tr507-527

Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa phát triển hết sức rực rỡ và có giá trị to lớn ở khu vực đồng bằng Nam bộ nói chung. Nhiều nhà khoa học phương Tây từ hơn một thế kỉ nay đã dành nhiều công sức và tâm huyết để nghiên cứu về nước Phù Nam, một vương quốc cổ đại đã được ghi chép khá cụ thể trong các thư tịch cổ của Trung Quốc và thông qua các bằng chứng khảo cổ học như các minh văn trên bia kí, trên các mảnh vàng, các công trình kiến trúc hết sức đồ sộ, các đền thờ, khu di tích cư trú, mộ táng,… đã bắt đầu được tìm thấy từ cuối thế kỉ XIX. Một dấu ấn quan trọng được nhiều người biết đến như là sự khởi đầu cho công việc nghiên cứu một cách khoa học về nền văn hóa Óc Eo chính là phát hiện quan trọng về khảo cổ học của nhà khoa học người Pháp Louis Malleret vào những năm 40 của thế kỉ XX, đó là di tích cảng thị Óc Eo. Từ đó đã đưa đến nhiều tư liệu, hiện vật, nhiều nhận thức mới vừa cụ thể, chân thực vừa có liên quan chặt chẽ đến lịch sử cổ xưa vùng đất này.
Trong sự phong phú và đa dạng hiện vật thuộc văn hóa Óc Eo, hiện vật tượng bằng chất liệu đá là một trong những loại hình hiện vật được tìm thấy phổ biến trong hầu hết các di tích thuộc văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo nói chung và trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng, cung cấp nhiều thông tin quan trọng về nghệ thuật, trình độ tư duy mỹ thuật, đời sống văn hóa – xã hội, tôn giáo tín ngưỡng và các mối quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa,…
Bảo tàng An Giang hiện đang trưng bày nhiều tượng đá quý hiếm, được đánh giá đạt đến chuẩn mực của nghệ thuật điêu khắc và rất có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu khoa học. Hiện vật tượng đá có thể được phân chia theo loại hình, phong cách thể hiện, cụ thể gồm hai loại hình chính: loại hình thuộc nghệ thuật Phật giáo và loại hình thuộc nghệ thuật Hindu giáo. Trong loại hình thuộc nghệ thuật Hindu giáo gồm hai nhóm loại hình: loại hình tượng thần và loại hình biểu tượng. Có thể kể đến một số hiện vật tượng đá tiêu biểu đang được trưng bày tại Bảo tàng An Giang:
- Tượng Phật kí hiệu BTAG – 2009/Đ (B.A 01/B.V 01)
Đây là hiện vật sưu tầm thuộc di tích Óc Eo – Xã Vọng Thê – huyện Thoại Sơn – tỉnh An Giang. Tượng đá sa thạch màu trắng đục, bề mặt tương đối nhẵn. Tượng cao 13,5cm, còn khá nguyên dạng. Đầu tượng dài 3,4cm, Usnisa được thể hiện thành một chỏm nhọn trơn trên đỉnh đầu như hình dáng một cái mũ ni (karpadin) với một đường viền nhạt ngang phần trán tượng. Mặt tượng bầu tròn và hơi nhô khi nhìn ngang. Trên mặt không thể hiện những nét chạm các chi tiết mắt, mũi, miệng, chỉ có phần cằm có thể nhận được với dáng đầy đặn, bầu tròn. Phần cổ chưa được thể hiện – hai tai, cổ và vai liền một khối. Tai trái hoàn chỉnh hơn, có những nét chạm khắc với vành tai tả thực, tai bên phải chưa có dấu vết chạm khắc, hai thùy tai chảy đến vai. Ngực được tạc hơi nổi lên, eo khá thon, bụng hơi to, hình thể khá mảnh mai nhưng cân đối giữa các phần cơ thể. Tuy nhiên, phía sau lưng lại để nguyên mặt đá tự nhiên. Nhìn từ góc độ ngang, tượng hơi ưỡn về phía sau thể hiện sắc thái ung dung, cao quý của nhà Phật, trong tư thế bán kiết già (paryankasana) trên tòa sen, chân phải đặt trên chân trái, hai bàn chân duỗi thẳng, hai tay để trước bụng trong trạng thái thiền định. Tay được tạc khá dài, tay trái còn nguyên vẹn, tay phải bị gãy mất một đoạn từ vai đến cổ tay. Các ngón tay và ngón chân không được thể hiện rõ nét. Quan sát kĩ thì có thể thấy lớp áo cà sa được phủ kín hai vai và ôm sát thân với dấu hiệu là một đường viền nhạt, trơn ở phần cổ và trên hai chân, nhất là trên chân phải có những nếp gấu trơn của áo. Bệ tòa sen được thể hiện đơn giản, gồm hai phần, ở giữa thắt lại, phần trên mỏng hơn phần dưới (phần trên cao 0,5cm, phần thắt lại cao 1,0cm và phần dưới cùng cao 1,5cm); hầu hết các dấu vết chạm khắc đều bị mờ không nhận rõ đường nét, chỉ còn thấy được những đường cánh sen ở phần toàn trên. Bệ tượng cao 3,0cm, chu vi bệ tượng khoảng 21,0cm.
Căn cứ vào những đặc điểm thể hiện, về tư thế ngồi kiểu bán kiết già (paryankasana) có thể cho thấy mối liên hệ với các hình tượng được du nhập từ vùng Andhra Pradesh tới Srilanka vào những thế kỉ đầu Công nguyên. Cơ thể được tạc mảnh mai lộ rõ dưới lớp trang phục đơn giản và mỏng cho thấy những nét gần gũi với các hình tượng trong các khám thờ nhỏ của các hang động vùng Tây Á, là những nét thường thấy trong trường phái nghệ thuật Gupta – niên đại khoảng thế kỉ V – VI . Điểm đặc biệt của tượng là mặc dù tính chất phù điêu còn đậm nét nhưng xu thế tượng tròn hóa và sự đơn giản hóa của chi tiết của trang phục, bệ ngồi đã xuất hiện. Có thể đưa đến nhận định tượng được ảnh hưởng bởi nghệ thuật du nhập có pha lẫn những yếu tố bản địa.
- Chân tượng nữ thần Uma: BTAG - 2110/Đ (B.A 02)
Hiện vật được khai quật tại xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, chất liệu sa thạch mịn màu trắng hơi xám, hiện trạng chỉ còn phần bàn chân, phần bệ đứng và phần chốt cắm hình thang (theo cách gọi của TS. Lê Thị Liên ). Hiện vật cao 23,3cm, phần bệ rộng 10,5cm, hai mặt trước và sau là hai hình thang, mặt sau lớn hơn. Mặt trước bệ tượng chạm hình đầu trâu dạng phù điêu rất tinh xảo và sống động, có thể nhận rõ các chi tiết: sừng, mắt, mũi, tai, mõm,… chiều dài tính theo khoảng cách hai sừng trâu là 9cm. Hai mắt trâu thể hiện mi mắt và con ngươi khá rõ. Hai tai tả thực rất khéo léo dạng hình chiếc lá với vành tai có hai rãnh. Hai sừng trâu được tạc ngang đỉnh đầu, phần đỉnh hai sừng nhọn và vuốt cong lên, trên hai sừng được khắc những vạch ngắn, song song rất sống động. Ngoài ra còn nhận rõ hai mũi trâu, phần mõm thuôn, đầy đặn. Nhìn tổng thể, mặt trâu có dáng vẻ hiền lành, thân thiện như một vật cưỡi đã được thuần hoá, không còn dáng vẻ của một hung thần như trong thần thoại. Dựa vào biểu tượng đầu trâu được tạc trên bệ đứng của tượng và thần thoại của Ấn Độ, có thể đây là phần còn lại của tượng nữ thần Uma. Phần bàn chân tượng thần được thể hiện rất sinh động, sắc nét, được mài khá nhẵn. Nhận rõ năm ngón chân và các móng chân, năm ngón chân hợp thành một vòng cong nhẹ. Bàn chân dài 8,9cm, được thể hiện dài và thon. Hai chân được tạc theo tư thế đứng tự nhiên. Đường rãnh các ngón chân cạn, phần dưới ngón chân dính liền vào bệ đứng. Ngoài ra, tượng còn có dấu vết của phần cung chống, giáp với bệ ở mặt sau, dài 4,0cm và rộng 2,7cm.
Dạng bệ đầu trâu của pho tượng này giống với bệ đầu trâu của tượng nữ thần Uma đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh, kí hiệu BTLS.5552, niên đại thế kỉ VII – VIII.
- Đầu tượng nam thần: BTAG – 372/Đ (B.A 03)
Hiện vật mang kí hiệu BTAG – 372/Đ được ghi nhận ở Bảo tàng tỉnh An Giang là đầu thần Visnu được tạc từ đá sa thạch trắng xám, chiều cao 23,8cm. Tượng đội mũ hình trụ dài, to ở trên đỉnh và thon dần xuống phần đầu, chỏm mũ bằng. Chiều cao mũ tính từ trán đến chỏm mũ là 10,3cm, chu vi bao quanh của mũ trụ ở chỏm mũ là 44,0cm và chu vi bao quanh ở mũ phần ngang trán là 39,2cm. Mũ đội tới trên tai, vành mũ không có đường viền nổi, khá rõ nét ở phía trán nhưng nhạt ở phần sau đầu, trán rộng. Phía sau gáy có một đường nổi bao quanh, không nhận rõ có phải là thể hiện tóc của thần hay là giống như tượng của Harihara, đó là phần mũ lót của tượng lộ ra và kéo dài từ trán đến sau gáy.
Khuôn mặt tượng bầu tròn, chiều dài khuôn mặt là 10,5cm, chiều ngang mặt là 11,4cm, trán nhô cao, hai đường chân mày mảnh, cong hình cánh cung và kéo dài từ gần vành hai tai đến gốc mũi và được khắc chìm. Hai mí mắt được tạc khá đặc biệt, rãnh mắt được tạc rất sâu, mí trên nổi cao từ chân mày xuống, mí dưới thấp hơn, không thể hiện gờ mí mắt. Hai con ngươi được tả thực, nhỏ và nằm giữa mắt, xung quanh có đường viền trắng (thể hiện lòng trắng của mắt) kéo dài chạm đến đường chân mũi, hai mắt hơi cách xa nhau. Mũi khá ngắn, thanh và cao, cánh mũi rộng.
Hai gò má và cằm nhô cao, đặc trưng gần gũi với cư dân bản địa. Môi tượng mỏng, miệng hơi rộng, môi trên không thấy rõ viền, môi dưới thể hiện rõ, viền được tạc lõm sâu vào nhưng vẫn nổi cao, khóe môi sắc nét, hơi mỉm cười. Điểm đặc biệt nhất của tượng chính là đường rãnh nối từ chân mũi xuống môi trên, một đặc điểm tả thực tinh tế và sinh động.
Hai tai được thể hiện to, vành tai đã được chạm khắc các chi tiết tả thực nhưng có phần cường điệu về kích thước. Dái tai to và dài, có rãnh sâu, kéo dài nhưng không chạm đến hết tai. Phần cổ được tạc khá cân đối, hài hòa về kích thước so với phần đầu.
Nhìn tổng thể khuôn mặt và vị trí các chi tiết mắt, mũi, miệng, tai,… chúng ta dễ dàng nhận thấy sự sai lệch của chân mày, mắt, mũi, miệng, chúng bị tạc hơi thấp và làm cho cằm của tượng quá hẹp, mất cân đối so với vị trí của hai tai. Tượng thần Visnu được xếp vào khung niên đại cuối thế kỉ VII.
- Tượng bán thân thần Brahma: BTAG – 2010/Đ (B.A 04; B.V 02)
Tượng bán thân thần Brahma chế tác từ đá sa thạch màu trắng hơi xám, bề mặt tương đối nhẵn, được phát hiện vào năm 1984 tại di tích Giồng Xoài – xã Vọng Thê – huyện Thoại Sơn – tỉnh An Giang. Tượng đã bị vỡ chỉ còn lại phần đầu và một phần ngực bên phải. Tượng cao 37,5cm, ngang 20,0cm. Đây là một tượng có giá trị cao, không chỉ về mặt nghiên cứu khoa học mà vì đây là tượng độc bản duy nhất còn lại về hình tượng thần Brahma thuộc văn hóa Óc Eo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Có rất nhiều hình dạng khác nhau cho vị thần này, nhưng sự xuất hiện dưới dạng điêu khắc thuộc nền văn hóa Óc Eo của hình tượng thần Brahma chỉ dưới dạng một vị thần có bốn mặt. Phần đầu tượng thần đã được miêu tả với hai ý kiến khác nhau. Theo ý kiến của PGS. Lê Xuân Diệm, thần Brahma đội mũ trụ ôm kín đầu, thon dần lên chóp mũ, ngang trán tượng có đường viền mũ nổi rõ. Trên mũ có những trang trí là hai đường vân nổi nằm ngang, đường trên gồm hai vân, đường dưới gồm ba vân nổi đậm, chia mũ ra thành ba phần gần tương đương nhau, mũ còn có những vân chạy gần như song song theo chiều dọc. Còn theo nhận định của TS. Lê Thị Liên, đó là tóc của thần, được tết lại dài song song, cuốn thon và cao lên đỉnh, được thắt ngang bằng hai dải song song trên dưới tạo thành hình dạng gần như một cái mũ trụ tròn thuôn . Ở đây, người nghiên cứu thiên về ý kiến của TS. Lê Thị Liên, tóc của thần được tạo dáng một chiếc mũ trụ, thể hiện dáng vẻ uy nghiêm nhưng cũng thật gần gũi với đời sống thông qua hình tượng tết tóc. Chiếc mũ trụ bằng tóc cao 16,5cm gồm ba phần được thể hiện rõ rệt.
Thần được thể hiện gồm bốn mặt nhìn về bốn hướng. Mặt trước và hai bên còn khá nguyên vẹn, mặt sau bị mòn hoàn toàn. Mặt được tạc khá rõ, mặt trước hình trái xoan, hai mặt bên thon nhỏ hơn, trong đó mặt bên trái đã bị vỡ nhiều. Mặt chính diện dài 8,7cm và rộng 6,0cm, trán cao, hơi nhô. Nét mặt buồn, chân mày uốn cong và dài hình vòng cung chụm vào nhau. Mắt hơi xếch, nhìn xuống, không con ngươi, hai mí của mắt đều nổi rõ, rãnh mắt cạn, gờ mày nổi, tròng mắt hơi lồi, khóe mắt hơi nghiêng về phía mũi. Mũi khá cao và thẳng, cánh mũi tròn rộng, đầu mũi hơi khoằm. Miệng rộng, môi dày với đường viền môi nhỏ, mím lại, môi dưới dày, đầy đặn hơn môi trên, khóe môi cong lên. Hai thùy tai chảy đến vai có đường rãnh dài, vành tai tả thực, cổ ngắn và tròn bạnh. Phần thân còn lại để trần thon gọn, ngực ít nở, hai cánh tay đầy đặn. Nhìn tổng thể, bức tượng đạt đến trình độ nghệ thuật cao và sống động, các tiêu chí tiếu tượng học được tuân thủ và thể hiện rõ nét, toàn bộ khuôn mặt và phần cơ thể còn lại cân đối hài hòa, làm toát lên vẻ trẻ trung, thánh thiện và uy nghiêm của một đấng tối cao.
Phần thân thon, ngực thể hiện ít nở là những tiêu chí thường thấy và thường được thể hiện trên tượng đá khoảng thế kỉ VII – VIII, tương ứng với đầu giai đoạn hậu Óc Eo.
- Đầu tượng thần Harihara: BTAG – 2011/Đ (B.A 05; B.V 03)
Hiện vật chế tác từ đá sa thạch màu xám trắng, bề mặt khá nhám, được phát hiện tại Ba Thê – xã Vọng Thê – huyện Thoại Sơn – tỉnh An Giang vào năm 1986. Đây là một dạng kết hợp giữa thần Siva và Visnu, biểu tượng cho sự kết hợp giữa mặt trời – mặt trăng, tương ứng với thần – hồn: nửa bên trái là Visnu, nửa bên phải là Siva. Trong điêu khắc của văn hóa Óc Eo, thần Harihara được nhận biết qua con mắt thứ ba ở giữa trán và chiếc mũ hình trụ trơn.
Hiện vật cao 22,5cm. Chiếc mũ trụ hình ống dài 11,4cm, chu vi trung bình khoảng 25,0cm, có chóp khá phẳng, Gần chóp mũ có một vết lõm, phía sau bị vỡ một mảng. Đường viền mũ được tạc chìm bao quanh phần đầu, lớp mũ lót lộ ra từ trán xuôi về hai tai và phía sau kéo sâu đến gáy, cho thấy sự tương đồng với các tượng Visnu thuộc nhóm các Visnu mặc dhoti thuộc thế kỉ thứ V hoặc muộn hơn . Khuôn mặt tượng được thể hiện bầu bĩnh (mặt có chiều dài 8,2cm và chiều ngang 8,0cm), sinh động và mang đậm dáng vẻ trẻ con, cằm tròn hơi nhô lên, hai gò má cũng nhô cao. Các mí mắt được thể hiện rõ, hai mắt được tạc sâu với con ngươi hơi lồi, phần gờ chân mày nổi khối, rãnh mắt lại sâu, con mắt thứ ba của Harihara cũng được thể hiện sinh động rất sinh động, có con ngươi. Hai mắt hơi xếch, được tạc rất cân đối, kết hợp chuẩn xác với con mắt thứ ba giữa trán tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Mũi ngắn, phần đỉnh mũi bị vỡ nhẹ, cánh mũi dày và hẹp, nhân trung ngắn. Môi dày, không có viền nhưng vẫn nổi cao, hơi mỉm cười và khóe môi lõm sâu. Hai tai được tạc với nghệ thuật tả thực, vành tai tròn, dái tai dài nhưng đã bị vỡ phần dưới. Phần cổ thon và cân đối so với đầu.
- Tượng nam thần kí hiệu BTAG – 2876/Đ (B.A 06):
Tượng được chế tác khá đẹp từ đá sa thạch mịn màu xám đen, bị vỡ thành ba phần: phần trên từ đầu cho đến ngang đầu gối, phần hai là khuỷu chân trái từ gối đến trên mắt cá chân trái (chân phải bị mất từ giữa bắp chân đến mắt cá chân phải), phần ba là chân và bệ đứng.
Đầu tượng được tạc với chiếc mũ hình trụ trơn dài 11,0cm, chỏm mũ khá phẳng, cân đối với khuôn mặt. Đường viền mũ được khắc chìm khá nhạt, kéo dài từ giữa trán xuôi về hai tai giống như đường viền mũ lót của hầu hết các tượng thuộc di tích Óc Eo. Khuôn mặt hơi vuông, cằm được thể hiện bầu tròn, phần trán và hai gò má rộng, hơi nhô lên. Đường chân mày rất dài và dày, đuôi chân mày vuốt nhọn, chân mày không cong, nối liền với nhau tại nhân trung. Hai mí của mắt đều nổi rõ và dày, mí mắt trên được tạc nổi và dày hơn mí mắt dưới, con ngươi thể hiện bằng một hình tròn ở giữa mắt, rất sinh động và hiện thực. Mũi cao, sống mũi thẳng, cánh mũi khá dày và rộng mang tính tả thực rất cao. Phần môi bị mòn, môi trên mỏng, môi dưới khá dày và được chia làm hai thùy, miệng mím lại, khóe môi hơi cong lên. Môi dưới được chạm một nét đậm và sâu tạo cảm giác cho cằm nhô cao hơn. Hai tai rộng, dái tai chảy đến vai, có đường rãnh dài, vành tai tả thực. Cổ tròn và to, có thể nhận được hai ngấn cổ, một trong đó vừa là ngấn cổ vừa là đường viền của trang phục, phần sát cằm bị mòn nên không nhận được có phải là một vệt ngấn không. Hai vai được tạc khá ngang, cảm giác người hơi khum lên. Vai được tạc khá rộng thể hiện sự cường tráng, đầy đặn, vòng eo thon. Hai cánh tay mập mạp và có vẻ lấn áp phần ngực về thể tích. Trên hai cổ tay có một đường viền của trang phục, cho thấy trang phục rất mỏng và ôm sát thân. Hai tay co lên ngang phần eo, tay phải cao hơn và ngang hơn so với tay trái. Các ngón tay được tả thực, đầy đặn, có cả phần móng tay. Ngón tay cái và ngón trỏ co lại chạm vào nhau, các ngón còn lại cũng co lại theo ngón trỏ thành một vòng tròn.
Tượng thần mặc sampot đến gối dài 24,0cm. Phần thắt lưng có hai đường kẻ ngang, giữa sampot có những đường kẻ gần song song chạy từ thắt lưng xuống vạt sampot. Sampot được thể hiện rất mỏng, ôm sát thân. Mông được thể hiện rất thực. Hai chân được tạc trong thế đứng nhiên, bàn chân có chiều dài 18,0cm, chu vi cổ chân là 18,0cm. Chân không thể hiện mắt cá, các ngón chân chỉ được tạc thành một khối thô khá dày, thuôn nhẹ về phía trước. Bệ sen hình ovan gồm hai phần thắt lại ở giữa, đường thắt lại được tạc như một đường rãnh nhỏ. Chu vi bao quanh của bệ: phần trên 74,5cm; phần thắt lại 71,0cm và phần dưới 72,0cm. Phần trên gồm một lớp cánh sen tròn mập xen kẽ nhau tạo tuần tự một cánh to một cánh nhỏ hơn và thuôn nhọn ở đầu cánh… Phía trên của những cánh sen này có những đường chạy song song và phần nhụy tròn xung quanh tạo thành bệ đứng. Phần dưới gồm một lớp đài sen nằm úp, mép dài sen được thể hiện với hai đường song song nhau, và đầu cánh ở giữa. Nhìn chung, bệ sen được bố trí các chi tiết khá cân đối, hài hòa và rất sinh động.
Căn cứ vào các tiêu chí tiếu tượng học và phong cách kĩ thuật chế tác các chi tiết tiếu tượng học, sampot, bệ sen,… có thể thấy có nét gần gũi và tương đồng với tượng Surya Tháp Mười hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử (kí hiệu BTLS 5499). Do đó, đây có thể là tượng thần Surya – thần mặt trời, biểu tượng của sự tái sinh và sự bất tử. Tượng có phong cách tương đương phong cách Phnom Da A thuộc thế kỉ VI, niên đại có thể nằm trong khoảng thế kỉ VI – VII.
- Mukhalinga chạm mặt thần Siva: BTAG – 2317/Đ (B.A 07; B.V 04)
Mukha – trong tiếng Phạn có nghĩa là khuôn mặt . Trong vô số lối biểu hiện của linga có chạm mặt thần Siva – được gọi là Mukhalinga – được sáng tạo ở Ấn Độ thì chỉ có hình thức Ekamukhalinga – linga có chạm một hình mặt thần Siva – được phát hiện ở văn hóa Óc Eo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Loại hình này tương đối quý hiếm với số lượng tìm thấy khá khiêm tốn. Cho đến nay chỉ tìm thấy 11 hiện vật thuộc loại hình này .
Mukhalinga tại Bảo tàng An Giang phát hiện vào năm 1986 tại Óc Eo – xã Vọng Thê – huyện Thoại Sơn – tỉnh An Giang mang những đặc điểm chung của loại hình Mukhalinga thuộc văn hóa Óc Eo, nó có cấu tạo gồm ba phần với hình mặt thần Siva được thể hiện ở vị trí đầu của cột thiêng. Mukhalinga được chế tác từ nguyên liệu sa thạch xám, kích thước khá lớn với chiều cao 91,0cm. Tỉ lệ ba phần khá tương đồng: phần trụ tròn phía trên cao 30,2cm với chu vi chỗ rộng nhất đo được là 65,4cm; phần bát giác giữa thân có chiều cao 30,4cm và chiều rộng mỗi cạnh là 8,7cm; phần dưới hình khối vuông có chiều cao 30,4cm và chiều rộng mỗi cạnh vuông là 21,7cm. Hình tượng mặt thần Siva được tạc dưới dạng phù điêu nhô lên khỏi bề mặt của phần trụ tròn. Hình thần Siva thể hiện trong loại hình Mukhalinga thường chỉ có hai dạng: một dạng thể hiện từ phần cổ trở lên hoặc thể hiện phần đầu và một phần vai nhưng chi tiết không rõ ràng. Cách thức thể hiện khuôn mặt thần Siva có ý nghĩa nhất trong việc xác định đặc trưng nghệ thuật và so sánh niên đại. Mukhalinga ở Bảo tàng An Giang đang được nghiên cứu cũng được tạc dưới dạng phù điêu nhưng không nhô cao lắm và thể hiện thần Siva với đầu và một phần vai. Tuy nhiên, các chi tiết trên khuôn mặt không còn nguyên trạng. Phần tóc trước trán không được thể hiện cụ thể, chi tiết mà tạo thành một khối như một chiếc mũ với vành mũ khắc chìm, hơi cao và nhỏ. Khuôn mặt được tạc bầu tròn; hai tai, miệng và cằm được thể hiện rất thực. Hai gò má nhô cao, tai dài, hai thùy tai chảy đến phần vai, vành tai khá to và được thể hiện chi tiết. Thần Siva đeo hoa tai tròn trơn ở phần cuối của thùy tai phải, bên trái bị mờ nên không nhận rõ có dấu vết hoa tai hay không. Đây cũng là một đặc điểm thường gặp ở hình tượng thần Siva trên Mukhalinga, thần thường được thể hiện đeo hoa tai trơn hoặc có đuôi nhọn . Mukhalinga có phần mí thiêng và phần cột thiêng thể hiện khá rõ. Cả hai phần đều được tạc nổi mềm mại. Đường mí kéo dài và khá cao, không tách biệt hẳn với khối tròn nổi phía trên và được thể hiện thu dần rồi hòa làm một với cột thiêng ở những độ cao khác nhau tạo cho phần trên của trụ tròn có hình thức của một khối quy đầu tả thực. Phần cột thiêng thuôn dần lên đỉnh trụ tròn, phần cột thiêng chạy dọc xuống đến cách đỉnh đầu của Siva một khoảng ngắn rồi tách ra hai bên, song song với đầu Siva. Do bề mặt Mukhalinga đã bị bào mòn nhiều nên không thể nhận rõ có hay không sự liên quan giữa cột thiêng với đầu Siva. Theo ý kiến của người nghiên cứu, Mukhalinga này thể hiện rất tinh tế, phần cột thiêng được thể hiện đồng thời cũng là vật trang trí gắn trên đỉnh đầu của thần Siva, tuy còn đơn giản.
Mukhalinga có tỉ lệ kích thước ba phần tương đồng với các sai lệch rất nhỏ cho thấy một kĩ thuật và trình độ điêu khắc khá hoàn mỹ của các nghệ nhân lúc bấy giờ. Nhìn chung, Mukhalinga khá thuôn dài, phần bát giác và phần khối vuông gần như bằng nhau; phần trụ tròn được thể hiện nhỏ, thon hơn hai phần dưới, trụ tròn thon dần về phía đỉnh. Hiện vật còn giữ được tương đối nguyên trạng, các góc cạnh tuy bị mòn ít nhiều song vẫn nhận rất rõ các phần, bề mặt Mukhalinga được miết nhẵn. Mukhalinga ở Bảo tàng An Giang có thể nằm trong khoảng cuối giai đoạn đầu – đầu giai đoạn sau hay nói cách khác, nó nằm trong giai đoạn chuyển tiếp (theo cách phân chia giai đoạn của TS. Lê Thị Liên ), niên đại có thể nằm trong khoảng từ thế kỉ V – VII.
- Tổ hợp Linga – yoni: BTAG – 2108/Đ (B.A 08; B.V 05)
Đây là hiện vật nguyên vẹn và có kích thước lớn nhất thuộc dạng linga – yoni được phát hiện, bao gồm cả phần bệ dưới. Hiện vật được phát hiện vào năm 1985 tại xã Vọng Thê – huyện Thoại Sơn – tỉnh An Giang, được chế tác từ sa thạch màu xám xanh. Ngoài phần linga – yoni, phần bệ gồm ba khối đá ghép lại có dạng thớt trên và thớt dưới hình vuông, có độ dày khác nhau. Khối giữa thu nhỏ, có các khớp hình khối chữ nhật để gắn với các thớt trên và thớt dưới, tạo nên sự tương đồng và chắc chắn cho tổ hợp, sai lệch giữa các khớp không đáng kể thể hiện một trình độ tư duy và kĩ thuật điêu khắc đạt đến chuẩn mực. Hiện vật có chiều cao 62,0cm; phần bệ hình vuông, mỗi cạnh dài 53,5cm, phần bệ hình vuông phía trên dài 48,9cm. Cạnh vuông nhỏ hơn trên bệ vuông ở dưới dài 45,9cm; cạnh vuông nhỏ liền dưới bệ vuông ở trên dài 43,7cm. Trục ở giữa hình vuông với chiều dài mỗi cạnh là 38,0cm.
Phần linga – yoni: yoni có hình vuông kích thước 40,0cm và chiều dày 7,9cm; Phần vòi có chiều dài gần bằng ½ chiều dài của bệ, đường rãnh dài 26,9cm, rộng 2,0cm và tạc sâu dần ra phía đầu để nước thiêng có thể thoát đi một cách dễ dàng. Linga có một phần hình bát giác rất thấp, chỉ khoảng 1,0cm, mỗi cạnh dài trung bình 5,0cm. Phần trên là kiểu linga có một phần trụ tròn, hơi phình ở giữa thân với đường kính tiết diện đo được là 11,0cm, đầu linga thuôn tròn, tỉ lệ chiều cao so với đường kính có phần lớn hơn. Linga (kể cả phần bát giác) có chiều cao 12,0cm. Hiện vật này cũng như một số hiện vật khác thuộc loại này còn nguyên vẹn cho thấy, phần yoni được thể hiện theo một quy chuẩn gồm phần bệ vuông vức có gờ vuông nổi cao chừng 1,5 – 2,0cm, phần vòi bằng ½ chiều rộng của bệ, quy cách thể hiện đường rãnh nước thiêng cũng tuân theo quy tắc nhất định. Linga có đường mí thiêng và cột thiêng chạm chìm, đường nét thể hiện rất rõ và sinh động. Mí nổi ở phía trước được cách điệu thành một hình tháp cao 5,0cm.
Hiện vật linga – yoni này còn khá nguyên vẹn, chỉ bị sứt mẻ một số chỗ. Phần bệ bên dưới được miết khá nhẵn, phần linga – yoni được chế tác và xử lý rất tinh tế, bề mặt rất nhẵn, bóng, phẳng. So sánh kiểu bệ này với kiểu bệ của một linga nhỏ bằng vàng phát hiện ở di tích Đá Nổi, có thể thấy một sự tương đồng trong kiến trúc, nhưng đã thuộc loại phát triển hơn. Do đó, linga – yoni này được xếp vào khung niên đại khoảng thế kỉ VI – VII hoặc muộn hơn.
- Yoni: BTAG – 4037/Đ (B.A 09)
Loại hình yoni có phần trung tâm hình vuông được xem là dạng phổ biến nhất. Yoni tương đối nguyên vẹn và có nhiều điểm độc đáo, có giá trị. Yoni hình vuông với chiều dài các cạnh là 65,3cm, chiều dày 10,7cm. Yoni chỉ được thể hiện một khối duy nhất, phần vòi hơi nhỏ hơn so với phần thân. Vòi yoni có chiều dài 33,0cm và bề rộng ở điểm nối với thân là 23,5cm, tuân thủ khá nghiêm khắc các quy thức chuẩn mực trong kĩ thuật điêu khắc về tỉ lệ kích thước giữa các phần. Phần rãnh khá sâu, sâu dần từ trong ra ngoài (phần sâu nhất đo được là 2,2cm), bề rộng 2,6cm và dài đến 45,7cm. Đường gờ nổi cao trên bề mặt cao khoảng 2,3cm với cạnh vuông có chiều dài 42,8cm. Phần lỗ trung tâm có hình vuông với bốn chốt cắm ở bốn giao điểm các cạnh. Chốt được thiết kế xuôi từ trên xuống có chiều dài 6,7cm, rộng khoảng 3,0cm. Phần lỗ trung tâm có tạc lồng thêm 1 hình vuông nhỏ sâu 2,0cm. Cách đặt linga vào loại yoni này tương đối phức tạp hơn. Có thể đặt phần bệ vuông của linga khớp vào phần tạc lõm trong lòng yoni và cố định nó bằng phần chốt có các ngàm nhỏ hơn ăn vào yoni hoặc vào bệ đỡ bên dưới.
Đa số các yoni không có các họa tiết trang trí nên rất khó trong việc so sánh và xác định niên đại tương đối của chúng. Một điều tương đối rõ ràng là chúng ta có thể căn cứ vào kích thước của các yoni để ước đoán được quy mô kiến trúc chứa đựng chúng. Hiện vật trên được xác định niên đại tương đối nằm trong khoảng giai đoạn cuối văn hóa Óc Eo – đầu thời kì hậu Óc Eo (khoảng thế kỉ VII – VIII).
- Biểu tượng bằng chất liệu thạch anh
Cho đến nay, có 5 linga và linga – yoni bằng đá quartz (thạch anh) được phát hiện đều không thể hiện các chi tiết mí thiêng và cột thiêng.
Linga – yoni được phát hiện tại xã Thới Sơn – huyện Tịnh Biên – tỉnh An Giang (B.A 10) (không rõ năm phát hiện) là một tổ hợp linga – yoni với linga hình trụ tròn tạc liền với yoni, đồng thời yoni cũng là bệ hình khối vuông có kích thước rất nhỏ: chiều dài mỗi cạnh vuông là 3,0cm; chiều dài cạnh trong 1,4cm, phần gờ sâu 0,2cm; yoni có chiều dày 1,0cm, linga cao 0,9cm; phần vòi dài khoảng 1,2cm, thu hẹp dần ra ngoài. Đường rãnh nhỏ, dài 1,8cm. Phần bề mặt của hình vuông nhỏ bao quanh linga và đường rãnh khá nhám. Niên đại có thể thuộc khoảng thế kỉ VI – VII. Cấu tạo của tổ hợp linga – yoni này cho thấy sự gần gũi với các hiện vật cùng loại bằng sa thạch.
Linga bằng thạch anh phát hiện ở Óc Eo – huyện Thoại Sơn – tỉnh An Giang có cấu trúc hình dạng khá đơn giản, đó là một khối trụ liền không có mí thiêng, đầu của linga thuôn hẹp mạnh, đỉnh đầu khá phẳng; phần thân của linga hơi phình ra và thuôn dần về phía đỉnh của linga, đỉnh bầu tròn. Linga có chiều dài 1,0cm, và chu vi trung bình của linga là 3,0cm.
Các tượng đá kể trên cũng như tổng thể các hiện vật đá thuộc văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo không chỉ đơn thuần là những cổ vật quý của một vương quốc hùng mạnh đầu Công nguyên, của một cảng thị phồn thịnh bậc nhất lúc bấy giờ mà chúng còn cung cấp cho chúng ta những thông tin quý giá về nhiều mặt của xã hội Phù Nam.
- Về phương diện lịch sử - văn hóa:
Các kết quả khoa học của việc nghiên cứu khảo cổ đã cho thấy, sự phát triển của các di tích kiến trúc, tôn giáo và nghệ thuật tôn giáo gắn kết chặt chẽ với sự sống còn, tồn tại và phát triển, thịnh suy của các xã hội mà nó tồn tại. Điều này phù hợp với tất cả các di tích quan trọng thuộc văn hóa Óc Eo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà Óc Eo là một điển hình. Cùng với sự hưng thịnh của đô thị, các hoạt động thương mại với nước ngoài và các ngành nghề thủ công quan trọng đã góp phần hình thành những di tích tôn giáo và những khu vực đông dân cư kế cận như: Định Mỹ, Tráp Đá, Lung Giầy Mé,… Kết quả tất yếu của quá trình phát triển này là sự ra đời của các trung tâm tôn giáo quan trọng của vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo như Ba Thê, Đá Nổi. Một bộ phận tất yếu của tôn giáo là các biểu tượng, các thần tượng, Phật tượng lần lượt ra đời, số lượng phong phú dần, ngày càng được hoàn thiện về kĩ thuật và mỹ thuật. Sự có mặt của những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có ý nghĩa lớn trong việc nghiên cứu lịch sử phát triển của xã hội, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, các quá trình du nhập, tiếp thu các ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài và nhất là lịch sử sáng tạo nghệ thuật của nền văn hóa Phù Nam. Thành quả đáng kể nhất của nghệ thuật điêu khắc vùng An Giang trong giai đoạn này là việc tiếp thu một cách có sáng tạo các hình mẫu bắt nguồn từ các trung tâm nghệ thuật nổi tiếng của Ấn Độ như Gupta, Gandhara, Mathura, Amavaravati,… liên tục trong nhiều thế kỉ để sáng tạo nên những hình mẫu đặc trưng mang dấu ấn rất riêng, cùng với những khu vực lân cận tạo nên một trường phái nghệ thuật mới – trường phái nghệ thuật điêu khắc Phù Nam. Chẳng hạn, tượng Phật kí hiệu BTAG - 2009/Đ mang yếu tố của nghệ thuật điêu khắc phù điêu bên cạnh những yếu tố điêu khắc tượng tròn, lớp áo cà sa mỏng ôm sát thân như chiếc áo bị dính ướt là một đặc trưng tiêu biểu cho trường phái nghệ thuật Gupta từ Ấn Độ…
- Về đời sống tôn giáo:
Căn cứ vào những phát hiện cụ thể, vào sự phong phú hiện vật tượng đá tìm thấy trong các di tích thuộc văn hóa Óc Eo, chúng ta dễ dàng nhận ra sự chênh lệch về số lượng các loại hình tượng thờ. Nếu như hình tượng Phật giáo hết sức nghèo nàn về loại hình và ít ỏi về số lượng thì hiện vật của Hindu giáo chiếm số lượng đa số, loại hình đa dạng gồm: tượng Brahma, Visnu, Siva, Laskmi, Surya, Harihara, Uma, Ganesa, các hình tượng nam thần – nữ thần,… ngoài ra còn có nhiều hiện vật thuộc loại hình biểu tượng của Siva như: linga, yoni, tổ hợp linga – yoni,… Điều này góp phần miêu tả rõ hơn tình hình phát triển của hai tôn giáo chính trên vương quốc Phù Nam trong suốt chiều dài lịch sử của vương quốc. Nếu như tại nơi sản sinh, Phật giáo và Hindu giáo đã không thể khoan nhượng và chung sống hòa bình thì tại nơi chúng được truyền bá, chúng lại hết sức bình yên và phát triển mạnh mẽ trên mảnh đất đồng bằng màu mỡ, thể hiện qua sự đan xen, vay mượn lẫn nhau để cùng tồn tại gần như song song trong suốt thời gian tồn tại của đế quốc Phù Nam. Một dẫn chứng cụ thể sẽ làm rõ hơn những nhận định về sự tồn tại và phát triển của hai tôn giáo này, đó là hình tượng nam thần mang kí hiệu BTAG – 2876/Đ. Phân tích đặc điểm cơ thể, trang phục, các chi tiết tiếu tượng học thì đây là một vị thần trong Thần điện Hindu giáo, song một điểm đáng nói ở đây chính là bệ đứng của nam thần lại có hình hoa sen. Nếu những hình tượng Bồ tát kết hợp với các yếu tố của Hindu giáo nhưng yếu tố Phật giáo vẫn vượt trội thì việc thể hiện bệ đứng tòa sen không có gì lạ. Song ở đây lại là tượng của một vị thần Hindu giáo, hình tượng bệ sen bấy lâu trong tiềm thức luôn là vật linh thiêng, bất di bất dịch của Phật giáo thì nay đã được chuyển cho các thần Hindu giáo. Điều này có lẽ phần nào phản ánh sự sa sút vị thế của Phật giáo trong đời sống tôn giáo, xã hội của cư dân Óc Eo tại vùng đất An Giang.
- Về trình độ kĩ thuật – mỹ thuật:
Điêu khắc tượng tròn có thể nói là phức tạp và đòi hỏi nhiều công phu hơn điêu khắc phù điêu, điêu khắc tượng tròn thể hiện một khối ba chiều, thể hiện cả nhịp điệu và tiết tấu của hình tượng. Tính chất của hình tượng nghệ thuật trong điêu khắc là sự cụ thể, có thể chạm tay hoặc nhìn pho tượng từ nhiều góc độ, nhiều vị trí ánh sáng khác nhau mà vẫn thể hiện được những nét tinh tế của tác phẩm, đồng thời cảm nhận được tổng thể không gian bao quanh tượng .
Trong giai đoạn đầu, kĩ thuật chế tác còn khá đơn giản, các chi tiết chưa được thể hiện đầy đủ. Chẳng hạn, chân của tượng Phật kí hiệu BTAG – 2009/Đ có niên đại khoảng thế kỉ V – VI chỉ được tạc dưới dạng giản lược, duỗi thẳng thành một khối thon, trong khi tượng Phật kí hiệu BTAG – 383/Đ (niên đại khoảng thế kỉ VI – VII) đã được thể hiện rõ các ngón chân xòe ra như nan quạt theo lối tả thực rất sinh động và phần chân cũng được tạc đầy đặn hơn. Sự tiến triển về mặt kĩ thuật còn được thể hiện qua sự thay đổi qua các giai đoạn, thời kì phát triển. Nếu như giai đoạn đầu của nghệ thuật điêu khắc, những yếu tố mang tính chất điêu khắc phù điêu vẫn còn đậm nét – phía sau các tượng vẫn còn giữ nguyên hiện trạng của bề mặt đá nguyên liệu hoặc chỉ được gia công một cách hết sức sơ sài (tượng Phật BTAG – 2009/Đ là một ví dụ). Các giai đoạn sau, kĩ thuật điêu khắc được phát triển dần và xu hướng tượng tròn hóa thay thế dần những tính chất phù điêu.
Ngoài những yếu tố mang tính chất chung của nghệ thuật điêu khắc văn hóa Óc Eo trên nền tảng tiếp thu những ảnh hưởng của các trường phái nghệ thuật Ấn Độ lúc bấy giờ là Gupta và Pallava, ở không gian văn hóa Óc Eo của An Giang còn có những loại hình rất đặc sắc, giàu tính sáng tạo của các nghệ nhân. Tượng thần kí hiệu BTAG – 2876/Đ với các chi tiết khuôn mặt mang đậm nét trưởng thành, khuôn mặt đầy đặn rất có hồn phản ánh đặc đểm của cư dân Đông Nam Á chứ không là khuôn mặt của người Nam Á. Cơ thể khá tròn đầy, các cơ nổi rõ, đặc biệt là ở chi tiết eo được thể hiện rất duyên dáng, phần ngực nở rồi lại thu dần lại ở eo và nở ra nơi phần mông làm cho tượng có vẻ đẹp riêng, duyên dáng mang tính tả thực cao, không đến mức độ cường điệu hóa như ở Ấn Độ. Các chi tiết trên khuôn mặt rất cân đối, tinh tế và gần gũi. Tuy thế, ảnh hưởng từ bên ngoài (có thể là ảnh hưởng từ nền văn hóa Khmer) vẫn được phản ánh qua hai hàng chân mày khá dày, rậm và giao nhau ở nhân trung mang đậm dáng vẻ dữ tợn, uy nghi, thể hiện tính chất lý tưởng hóa – thần thánh hóa của tượng thờ.
Đối với các hiện vật thuộc loại hình biểu tượng linga: mukhalinga kí hiệu BTAG – 2317/Đ với tỉ lệ kích thước ba phần tương đồng với sai lệch không đáng kể (sai lệch kích thước ± 0,2cm) đã phản ánh trình độ điêu khắc khá hoàn mỹ và chính xác của các nghệ nhân lúc bấy giờ. Các cạnh bát giác cũng như khối vuông tuy trải qua một thời gian lâu dài song vẫn giữ được nét sắc xảo, tinh tế trong kĩ thuật. Linga kí hiệu BTAG – 2107/Đ cung cấp cho chúng ta những thay đổi theo giai đoạn phát triển của nghệ thuật và lịch sử. Hiện vật được chế tác khá sơ sài, các góc cạnh không được chăm chút và bị mòn, sứt mẻ khá nhiều, nhất là ở phần khối vuông, các góc cạnh hầu như không còn. Bề mặt hiện vật khá nhám, gồ ghề, linga cũng không thể hiện phần cột thiêng và mí thiêng, có thể đó là sự thể hiện tính chất của một dạng linga tự nhiên… tất cả những yếu tố này cho thấy có sự sa sút trong kĩ thuật điêu khắc theo quy luật chung của nghệ thuật cũng như những đổi thay của lịch sử vương quốc ở những giai đoạn muộn thuộc hậu Óc Eo (thế kỉ VIII trở về sau).
Tổ hợp linga – yoni kí hiệu BTAG – 2108/Đ là một hiện vật rất có giá trị, không chỉ vì hiện trạng gần như nguyên vẹn, kích thước lớn nhất trong loại hình tổ hợp linga – yoni mà còn vì sự tinh tế của cấu trúc và kĩ thuật chế tác. Đây là một tổ hợp gồm hai phần: phần bệ thờ và phần linga – yoni ghép lại với nhau. Phần bệ thờ lại được chế tác gồm ba phần – ba khối đá ghép lại với những khớp hình chữ nhật hay những phần lõm đặt khớp vào nhau, đòi hỏi một trình độ kĩ thuật rất cao và phát triển. Các phần có dạng bậc giật tam cấp, kích thước dày mỏng khác nhau. Một điểm đặc biệt nữa của tổ hợp linga – yoni này là cách thể hiện linga với một phần bát giác nhỏ (cao 2,0cm), điều này chỉ bắt gặp trong loại hình linga nhỏ bằng vàng ở di tích Đá Nổi. Bề mặt bệ thờ, yoni và linga được mài nhẵn bóng rất đẹp.
Có thể nói, điêu khắc tượng tròn là một trong những thành tựu rực rỡ nhất và lớn nhất của nền nghệ thuật thuộc văn hóa Óc Eo nói chung. Từ chỗ mô phỏng, tiếp thu và thể nghiệm các kiến thức bước đầu về tiếu tượng học trên các hiện vật nhỏ, dần dần hình thành một trường phái nghệ thuật điêu khắc hoàn chỉnh mang phong cách riêng, hết sức sáng tạo, được biểu hiện sinh động qua rất nhiều hiện vật điêu khắc còn tồn tại cho đến ngày nay mà hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng An Giang là một điển hình.
- Về các mối quan hệ, giao lưu văn hóa với khu vực:
Khi phân tích một cách khoa học hiện vật tượng đá thuộc văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo đang được lưu giữ tại Bảo tàng An Giang, chúng ta có thể thấy sự tương đồng với hiện vật của những vùng văn hóa Óc Eo khác ở lân cận. Chẳng hạn, hình tượng Phật kí hiệu BTAG – 2009/Đ sưu tầm tại di tích Óc Eo có nhiều nét tương đồng và gần gũi với hình tượng Phật phát hiện ở Mỹ Thạnh Đông – huyện Đức Hòa – tỉnh Long An ở cách thể hiện các chi tiết như: phần tóc trơn như chiếc mũ ni, áo cà sa phủ kín vai và ôm sát thân, phía sau lưng để tự nhiên, tư thế ngồi bán kiết già, cách thể hiện hai chân cũng mang tính chất phù điêu rõ nét,… Hoặc hình tượng nam thần mang kí hiệu BTAG – 2876/Đ với chiếc mũ trụ như của thần Visnu giống như tượng ở Gò Bảy Liếp – huyện Tân Thạnh – tỉnh Long An, cả hai tượng còn có điểm tương đồng là chỉ thể hiện hai tay, khuôn mặt thon dài, mũi cao, thân thể hiện theo phong cách hiện thực với đôi vai rộng, ngực nở, eo thon, phần cơ bắp sau vai và phần mông nổi rõ,… Các biểu tượng mukhalinga, linga, yoni cũng cho thấy những điểm tương đồng rõ rệt.
An Giang được đánh giá là địa bàn có nhiều di tích giàu tiềm năng và quan trọng bậc nhất trên bản đồ văn hóa Óc Eo với thị cảng Óc Eo – một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo hết sức huy hoàng và phát triển trong gần như suốt lịch sử tồn tại của Phù Nam. Vì thế, văn hóa Óc Eo tại đây có sự ảnh hưởng, giao lưu hết sức rộng lớn với các trung tâm nghệ thuật lớn của khu vực.
- Với Ấn Độ
Tượng đá thuộc văn hóa Óc Eo đã tiếp thu nguyên mẫu các tượng thờ Phật giáo và Hindu giáo đồng thời tuân thủ theo đúng nguyên mẫu của nó nhưng có sự chọn lọc, sáng tạo. Chẳng hạn như chiếc mũ trụ ở những tượng Visnu tại Bảo tàng An Giang đều được người thợ tạc khá kĩ, đôi khi có biến tấu đôi chút nhưng hình dạng, tỉ lệ và những pháp bảo, các thế tay của thần đều được tuân thủ khá chuẩn mực. Tượng nam thần kí hiệu BTAG – 2876/Đ với thân mặc áo, quấn sampot dài tới đầu gối nhưng chi tiết áo, sampot chỉ thấy có mép vải thể hiện rất mờ ở đầu gối, cổ tay, cổ và vài đuôi vải xếp nếp phía trước, còn lại chúng đều ôm sát thân, rất mỏng để lộ cả thân hình thon thả và mang tính tả thực cao. Đây là đặc điểm nổi bật của trường phái nghệ thuật Davarati Ấn Độ. Hay ở loại hình tượng Phật cũng có những chi tiết cho thấy sự ảnh hưởng này (tượng Phật kí hiệu BTAG – 2009/Đ).
Tuy nhiên, văn hóa Óc Eo không chỉ hoàn toàn vay mượn từ văn hóa Ấn Độ mà trong quá trình du nhập, tiếp thu và phát triển của mình, văn hóa Óc Eo đã chọn lọc, đồng thời dần bản địa hóa những yếu tố thuộc văn hóa Ấn Độ, điểm tô những đặc điểm rất con người, gần gũi và những nét văn hóa riêng. Cụ thể như tượng nam thần kí hiệu BTAG – 2876/Đ, nó không còn mang đậm dấu ấn của Ấn Độ nữa nhất là ở khuôn mặt. Đó là một hình tượng nhân thần với khuôn mặt của một người đàn ông có tuổi với những nét mặt cứng cỏi, hai mày dính liền nhau ở nhân trung (giống với đặc điểm của trường phái nghệ thuật Mondevarati), mắt có hai mí, hai má nổi cao, mũi đẹp, tả thực. Nó đã có những đặc điểm gần gũi và quen thuộc với cư dân bản địa. Một số tượng Phật, tượng thần lại có khuôn mặt bầu bĩnh, hồn nhiên giống như trẻ con, không còn mang thần thái, dáng vẻ uy nghi đến hung tợn mà là sự hồn nhiên, gần gũi.
- Với Angkor
Nghệ thuật Angkor hình thành và phát triển trong khung niên đại từ cuối thế kỉ VI – XIII, thường được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn Tiền Angkor (thế kỉ VI – VIII) và giai đoạn Angkor (từ thế kỉ IX về sau), cách chia này có tính khái quát cao và được đông đảo các học giả chấp thuận. Trong đó, giai đoạn Tiền Angkor vẫn nằm trong giai đoạn phát triển của văn hóa Óc Eo và cả giai đoạn hậu Óc Eo. Giữa hai nền văn hóa này có mối quan hệ và ảnh hưởng mạnh mẽ với nhau.
Trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của mình, nền nghệ thuật điêu khắc của văn hóa Óc Eo với các đặc điểm nổi bật như: các tượng đội mũ trụ, các bệ thắt eo, linga với dạng hiện thực, mukhalinga,… đã ảnh hưởng trên một phạm vi hết sức rộng lớn, thậm chí đến cả vùng trung và bán đảo Nam Thái Lan. Chính những đặc điểm này đã trở thành tiền đề của nghệ thuật điêu khắc Angkor và cho sự phát triển mạnh mẽ của trường phái nghệ thuật này ở giai đoạn chính. Như vậy chính những yếu tố của nghệ thuật điêu khắc văn hóa Óc Eo đã đặt nền tảng cho nghệ thuật điêu khắc của Angkor.
Trong số những hiện vật thuộc nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo tại Bảo tàng An Giang có một số hiện vật thể hiện một số đặc điểm tương quan với nghệ thuật Angkor. Rõ nét nhất chính là hình tượng Visnu (kí hiệu BTAG - 372/Đ) với khuôn mặt chữ điền và những đặc điểm trông rất giống với nhân dạng của cư dân Khmer: khuôn mặt chữ điền, đôi môi dày, miệng rộng, gò má nổi cao. Hoặc tượng nam thần (kí hiệu BTAG – 2876/Đ) có đặc điểm đôi chân mày rất lạ. Hai gốc chân mày được tạc dính liền nhau ở giữa nhân trung, mày được thể hiện đậm và dày. Những đặc điểm mày dính liền chỉ có ở loại hình tượng thuộc giai đoạn muộn ảnh hưởng trường phái nghệ thuật Mondevarati. Điều này nói lên tượng có mối liên hệ trực tiếp với nghệ thuật thời kỳ tiền Angkor.
Một điểm cần quan tâm đến là tượng được tạc theo xu hướng “phi Ấn”: khuôn mặt mang dáng dấp của người bản địa, thân thể thì thanh mảnh hơn, không còn dáng vẻ cường điệu quá mức như nguyên thủy tại Ấn Độ. Các tượng tại Bảo tàng An Giang có một số thể hiện đặc điểm trên. Những đặc điểm này là tiền đề trực tiếp để hình thành nền nghệ thuật Angkor với loại hình tiêu biểu là những tượng thân hình ẻo lả, thon gọn và uốn éo mềm mại trong những điệu múa Khmer.
- Với Champa
Champa là một trong những vương quốc cổ có mối quan hệ mật thiết trong lịch sử với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả về địa lý, chính trị, văn hóa và đồng thời tiếp nhận ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ trong một giai đoạn lịch sử khá dài. Do đó, Champa có nhiều nét chung về văn hóa với vương quốc Phù Nam là điều dễ hiểu.
Tượng Phật giáo và Hindu giáo trong nền văn hóa Champa có niên đại từ thế kỉ VII trở đi, tương ứng với giai đoạn hậu Óc Eo ở khu vực Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Tuy cùng tiếp nhận những luồng ảnh hưởng từ các trường phái nghệ thuật Ấn Độ, nền nghệ thuật Angkor, song lối điêu khắc của cư dân Champa lại có những nét đặc sắc riêng, phản ánh sâu sắc tư duy sáng tạo và điều kiện tự nhiên mang lại. Hình tượng Phật giáo toát lên sự tươi tắn, mạnh mẽ; tượng Hindu giáo thể hiện sự mạnh mẽ, sống động đến dữ dội. Vương quốc Champa là một quốc gia trọng động, hướng biển, tính cách cư dân mạnh mẽ, quyết liệt để tồn tại và phát triển trong điều kiện tự nhiên không được ưu ái như ở vương quốc phía nam. Do đó, cư dân Champa có xu hướng tôn thờ thần Siva và hình tượng Siva dạng nhân thần cũng như dạng biểu tượng rất đa dạng và phong phú.
Nhìn chung, tượng tôn giáo của nghệ thuật điêu khắc Champa có kích thước tương đối lớn, chủ yếu chế tác từ chất liệu sa thạch thô và chạm khắc nhiều đồ trang sức do nguồn nguyên liệu sa thạch hết sức dồi dào, rất thuận lợi và thích hợp cho việc thể hiện những tác phẩm khỏe khoắn sống động, rất đặc trưng của nghệ thuật Champa .
Sự tương đồng giữa hai nền văn hóa mà cụ thể là hai nền nghệ thuật điêu khắc tượng tròn biểu hiện rất sinh động và phong phú qua nhiều loại hình tượng và biểu tượng. Nhưng đối với văn hóa Óc Eo trên phạm vi tỉnh An Giang thì mối quan hệ tương đồng được biểu hiện rõ nét qua các biểu tượng linga dạng quy ước, linga – yoni ẩn các phần trong yoni, yoni tuy có phần đơn giản hơn so với nền điêu khắc Champa. Đối với các tượng Phật, tượng Hindu dạng nhân thần thì chỉ có thể thấy sự tương đồng ở cái thần, ở cách thể hiện các chi tiết của tượng nhưng rất khó để nhận ra. Tượng Champa thể hiện sự kết hợp giữa sức sống mãnh liệt của hiện thực, tự nhiên và hài hoà. Các loại hình tương thường được thể hiện ở trạng thái động, đường nét chạm khắc khá gồ ghề, tượng mang nặng tính hoành tráng và đầy sức sống. Gương mặt tượng nam thần thường biểu lộ vẻ dữ tợn tạo ấn tượng mạnh mẽ, tượng nữ thần có vẻ thu hút và quyến rũ, các chi tiết cơ thể được miêu tả một cách hơi cường điệu nhưng rất sống động.
Hiện vật tượng đá thuộc văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo mà Bảo tàng An Giang đang lưu giữ và trưng bày tuy số lượng không phải là phong phú song những giá trị khoa học về nhiều phương diện lại hết sức to lớn. Nhiều tượng đá đã phản ánh một trình độ nghệ thuật, kĩ thuật điêu khắc, thẩm mỹ, tuân thủ khá cao các chuẩn mực tiếu tượng học,… rất cần thiết cho quá trình nghiên cứu, so sánh đối chiếu để có thể định hình một cách hoàn chỉnh nghệ thuật điêu khắc của văn hóa Óc Eo. Mặt khác, góp phần cung cấp thêm những thông tin cho bức tranh toàn cảnh của văn hóa Óc Eo trên phạm vi tỉnh An Giang về phương diện lịch sử - văn hóa, về đời sống tôn giáo tín ngưỡng và về trình độ kĩ thuật, tư duy mỹ thuật của cư dân Óc Eo lúc bấy giờ mà còn phân tích những mối quan hệ văn hóa, quá trình tiếp nhận, biến đổi và sáng tạo để trở thành một bộ phận quan trọng của trường phái nghệ thuật điêu khắc văn hóa Óc Eo nói chung, hết sức đặc sắc và có tầm ảnh hưởng qua lại mạnh mẽ với các nền văn hóa lớn trong khu vực trong suốt quá trình tồn tại, phát triển cho đến suy vong của vương quốc Phù Nam như các trường phái nghệ thuật của Ấn Độ, nền văn hóa Champa, trường phái nghệ thuật Angkor.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách (1999), Từ điển Phật học, NXB Thuận Hóa, Huế.
2. Huỳnh Thị Được (2005), Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ, NXB Đà Nẵng.
3. Lâm Quang Thuỳ Nhiên (2005), Tượng cổ bằng đá ở Đồng bằng Nam Bộ, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Tp.HCM.
4. Lê Thị Liên (2006), Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở Đồng bằng sông Cửu Long trước Thế kỉ X, NXB Thế giới, Hà Nội.
5. Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải (1995), Văn hóa Óc Eo – Những khám phá mới, NXB KHXH, Hà Nội.
6. Lương Ninh (2005), Vương quốc Phù Nam – Lịch sử và văn hoá, Viện Văn hóa và NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
7. Nguyễn Tấn Đắc (2000), Văn hóa Ấn Độ, NXB Tp. Hồ Chí Minh.
8. Roy C. Craven (2005), Mỹ thuật Ấn Độ, người dịch: Nguyễn Tuấn, Huỳnh Ngọc Trảng, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.
9. Sherman E. Lee (2007), Lịch sử mỹ thuật Viễn đông, Trần Văn Huân (biên dịch), NXB Mỹ thuật.
10. Tủ sách bách khoa Phật giáo (2008), Nghệ thuật Phật giáo, Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch), NXB Thế giới, Hà Nội.
11. UBND Tỉnh An Giang – Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (2009), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Văn hóa Óc Eo – Nhận thức và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh An Giang, Long Xuyên.
12. UBND Tỉnh An Giang – Viện KHXH tại Thành phố Hồ Chí Minh (1984), Văn hóa Óc Eo và các nền văn hóa cổ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh An Giang, Long Xuyên.
13. Võ Sĩ Khải (1997), Văn hoá Óc Eo – hai mươi năm nhìn lại trong Một số vấn đề Khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội.
Hasuongkch
Hasuongkch
Super Mod
Super Mod

Tổng số bài gửi : 312
Join date : 04/06/2009
Age : 36
Đến từ : Hà Tĩnh

http://360.yahoo.com/ngoisaophiabienxanh0203

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết