Tìm kiếm
Similar topics
Latest topics
Đăng Nhập
Sơ lược Thành cổ Sơn Tây
2 posters
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Sơ lược Thành cổ Sơn Tây
Sơ lược thành cổ Sơn Tây
Thành cổ Sơn Tây là một di tích cổ, tuy đã bị đổ nát nhưng còn nguyên hình dáng tồn tại độc nhất ở nước ta ngày nay.
Thời Lê, trấn thành Sơn Tây ở La Phẩm (nay là Ba Vì), ở hữu ngạn sông Hồng, phía dưới ngã ba Bạch Hạc độ 5 km. Vì nước lụt đe dọa nên vào thời Cảnh Hưng (1740-1786) chúa Trịnh cho di chuyển về Mông Phụ (ngoại vi thị xã Sơn Tây ngày nay). Tại nơi thành mới, vì còn gần sông Hồng, vẫn bị lụt đe dọa làm lở bờ sông, xâm phạm vào thành nên vua Minh Mệnh mới cho dời xa sông Hồng hơn để tránh bị lở đất và vùng đất giáp giới hai xã Mai Trai, Thuần Nghệ đã được chọn làm địa điểm xây thành mới.
Thành mới xây năm 1822 nằm dưới ngã ba Bạch Hạc độ 12 km ở trung tâm trấn Sơn Tây: từ trấn thành đóng ở Thuần Nghệ, Mai Trai về địa giới tỉnh Hà Nội ở phía đông 37 dặm.
Phía Tây đến địa giới Tam Nông, Thanh Thủy, Hưng Hóa là 44 dặm, phía nam đến địa giới huyện Yên Hóa, Ninh Bình (vùng Nho Quan) là 49 dặm và phía bắc đến địa giới các huyện Đại Từ, Thái Nguyên là 138 dặm.
Như thế vùng Thuần Nghệ, Mai Trai, địa thế chiến lược so với trấn thành cũ ở Mông Phụ không có gì thay đổi mà Mai Trai, Thuần Nghệ so với Mông Phụ lại cao ráo, rộng rãi, xa bờ sông hơn, được mấy ngọn đồi ở vùng Mông Phụ che thế nước nên vùng Mai Trai, Thuần Nghệ không bị thế nước chảy xiết gây lở bờ sông. Nhà vua chuẩn y cho dời trấn thành Sơn Tây từ Mông Phụ về Mai Trai, Thuần Nghệ.
Trấn Sơn Tây là một trong bốn trọng trấn ở Bắc Kỳ: Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam. Thời Lê, bốn trấn này còn gọi là nội trấn. Đó là vùng đồng bằng trù phú, dân cư đông đúc, đất bản bộ của người Kinh. Tại một vài vùng của tứ trấn, ăn sâu vào miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số nhưng số lượng không đáng kể, bốn trấn này là phên dậu che chở cho Thăng Long và cũng là bàn đạp để triều đình có thể vươn xa ra vùng biên giới. Đến thời Nguyễn, Sơn Tây vẫn được xếp là một trong bốn trọng trấn ở Bắc Kỳ, phía trong thì che chở, bảo vệ Bắc Thành, bên ngoài thì Sơn Tây phải làm bàn đạp, làm hậu cứ để triều đình bảo vệ vùng biên cương ở thượng lưu sông Đà, sông Hồng, sông Lô, do đó nhà Nguyễn đặt Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên đóng tại thành Sơn Tây để giữ yên cả vùng rộng lớn Tây Bắc và Việt Bắc. Thời đó trấn thành Sơn Tây không phải chỉ có quan hệ trực tiếp với vùng đất thị xã Sơn Tây nhỏ hẹp ngày nay, mà các cơ quan cai trị đóng trong trấn thành Sơn Tây phải quản lý mọi công việc của trấn Sơn Tây rộng lớn gồm 5 phủ, 24 huyện mà ngày nay bao gồm hầu như toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc cộng với huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang, hầu như toàn bộ tỉnh Phú Thọ trừ vài châu xa thuộc trấn Hưng Hóa và hơn một nửa tỉnh Hà Tây ngày nay. Trấn Sơn Tây xưa rộng lớn thì trấn thành, nơi đóng của các cơ quan đầu tỉnh, có nhiệm vụ quản lý toàn tỉnh càng quan trọng. Nhưng trấn thành Sơn Tây không phải chỉ quan trọng vì nó có nhiệm vụ quản lý một tỉnh lớn mà từ xa xưa lúc nào nó cũng là hậu cứ, là bàn đạp cho vùng biên giới xa xôi. Nhiệm vụ này là do chính địa thế Sơn Tây so với vùng thượng du Tây Bắc và Bắc Kỳ quy định. Sơn Tây còn là vùng dân Việt sinh sống lâu đời, đông đúc, một vùng đất cơ bản của người Việt từ khi lập nước, một phần vùng đất cơ bản của nước ta ngày nay.
Con sông Hồng từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam, chảy dọc theo chân núi Hoàng Liên Sơn trong một thung lũng hẹp, đầy núi non hiểm trở. Sau khi vượt qua vùng Yên Bái, bắt đầu chảy vào đất trấn Sơn Tây ở hai huyện Hạ Hòa và Cẩm Khê, phủ Lâm Thao. Từ Yên Bái trở lên, sông Hồng chảy xiết, hai bên bờ sát núi, nhưng từ Hạ Hòa, Cẩm Khê trở xuống thung lũng rộng ra, hai bên bờ sông Hồng đã có các cánh đồng, bãi ngô, ruộng lúa, xóm làng đông đúc. Từ Trấn Yên trở lên, đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác trong các thung lũng. Người Kinh tụ tập ở các thị trấn, các phố huyện, phố châu nhưng khi sông Hồng vào đất Hạ Hòa, Cẩm Khê thì làng xóm đã đông đúc và dân đã là người Kinh sinh sống từ lâu đời. Con sông Thao chảy qua vùng đất Thanh Ba, vùng thị xã Phú Thọ thì làng xóm người Việt đã trù phú, đông đúc hơn và chính các huyện của phủ Lâm Thao này là đất Phong Châu khi xưa, nơi đóng đô của các vua Hùng, nơi mà cư dân Lạc Việt sinh sống từ thời đá mài, đồ đồng và sắt sớm, rồi từ đó lan tỏa ra khắp đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Đến cuối phủ Lâm Thao, con sông Thao rộng lớn lại nhận thêm nước của sông Đà ở ngã ba Hạ Nông. Sông Đà cũng là một sông lớn chảy suốt vùng Tây Bắc và khi đến Chợ Bờ, Hòa Bình thì sông đã rộng lớn hiền hòa. Sau khi qua vùng Hòa Bình, sông Đà chảy quanh núi Tản Viên, qua huyện Bất Bạt của Sơn Tây và Thanh Thủy của xứ Hưng Hóa đi vào ngã ba Hạ Nông. Về phía tả ngạn sông Hồng, sông Lô cũng phát nguyên từ Trung Quốc chảy xuống Tuyên Quang, rồi tiếp đến phủ Đoan Hùng. Sông Lô gặp sông Chảy ở ngã ba Ngọc Chúc. Từ Ngọc Chúc, sông Lô tiếp tục chảy về xuôi, ở ngã ba Phú Hậu, sông Lô lại nhận nước sông Phó Đáy chảy từ Thái Nguyên qua Sơn Dương để nhập vào sông Lô. Từ ngã ba Phú Hậu, sông Lô chỉ chảy qua một đoạn ngắn nữa rồi đổ vào sông Thao ở ngã ba Bạch Hạc. Từ ngã ba Bạch Hạc, các con sông xòe ra như nan quạt, đi lên nguồn của sông Đà, sông Thao, sông Lô, sông Chảy và sông Phó Đáy. Từ ngã ba Bạch Hạc này, thuyền bè từ miền xuôi đi lên, có thể đi lên theo sông Thao, sông Đà và sông Lô. Do đó ngã ba Bạch Hạc là cửa ngõ của cả vùng rừng núi Tây Bắc và phía Bắc. Trấn thành Sơn Tây được xây dựng trên bến Phú Nhi cách ngã ba Bạch Hạc 28 dặm tức khoảng hơn 12 km chính là căn cứ chính để tiến lên bảo vệ vùng rừng núi theo những cái nan quạt trên mà đường nối liền vùng biên giới với đồng bằng, là những thung lũng ven các con sông mà ta đã nói.
Thành Sơn Tây có chu vi 326 trượng, cao 1 trượng 1 thước. Thành có bốn cổng có hào bảo vệ phía ngoài thành. Vì thành xây vào thời Nguyễn, thời mà súng đại bác đã phát triển nên xây theo kiểu Vauban nghĩa là thành có những chỗ lồi ra để lập pháo đài. Theo những ảnh trong sách “Une campange au Tonkin” của bác sĩ quân y Hocquard chụp khoảng năm 1884 thì thành khá đẹp, cổng thành hiện không có ảnh trong sách nhưng tác giả Hocquard cho biết cổng thành này y hệt cổng thành Bắc Ninh.
Để cho trấn thành Sơn Tây có đủ nghi vệ tôn nghiêm theo quy định của Triều đình nhà Nguyễn như trong “Đại Nam hội điển sự lệ” đã quy định (Quyển 13 nhà xuất bản Thuận Hóa, 1933). Trong thành Sơn Tây còn có cột cờ, hành cung hay còn gọi là vọng cung, là nơi khi vua đi qua thì nghỉ lại hoặc vào ngày khánh tiết, các quan vào chúc mừng vọng nhà vua xem như nơi ở riêng của vua. Theo quy định có ghi trong “Đại Nam hội điển sự lệ” thì hành cung có 5 gian 2 chái. Các hành cung kể cả nhà bếp phía sau có quy cách làm ghi rõ trong “Đại Nam hội điển sự lệ”, chứ các trấn thành mà sau là tỉnh thành không thể làm vượt quy cách cho phép.
Ở đây xin cải chính một điều mà ở thời gian xây thành là điều cấm kỵ nghiêm ngặt: đó là gọi hành cung Sơn Tây là “Điện Kính Thiên” và cổng hành cung là “Đoan Môn”. Chỉ duy nhất ở Hà Nội, nơi trước kia vua Lê ngự và sau này vua Gia Long đóng lại khi ra Bắc mới có Đoan Môn và Điện Kính Thiên. Đó là nơi ở của vua nên ai gọi tên như thế là thành vấn đề “phạm thượng” chứ không phải nhỏ.
Chính thác bán bia “Sơn Tây hành cung trùng tu” lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu 15562 mà nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thức công bố đã nói rõ vấn đề này.
Tất cả bia cổ, sách cổ đều gọi là hành cung hay vọng cung, mãi gần đây, một số người làm công tác văn hóa ở Sơn Tây mới gọi là điện kính thiên và đoan môn. Còn về cột cờ thành Sơn Tây thì từ trang 191 quyển sách ở trên cộng với quy định của “Đại Nam hội điển sự lệ” là ta có một hình ảnh cột cờ hoàn chỉnh.
Trong thành còn có Dinh tổng đốc, bố chính, án sát và đề đốc.
Theo quy định ghi trong “Đại Nam hội điển sự lệ”, mỗi dinh có 3 gian 2 chái, nhà bếp của dinh tổng đốc 2 gian 2 chái, còn nhà bếp của các dinh khác có 1 gian 2 chái sau công đường của 4 quan tỉnh. Các dinh, kể cả dinh đốc học đều có nhà nhỏ xây gạch, lợp ngói làm tư dinh cho quan lại ở. Trong thành Sơn Tây còn có kho tiền, kho vũ khí, kho lương là những thứ rất quan trọng dùng trong việc binh cho cả một vùng rộng lớn.
Với những điều vừa trình bày, có thể thấy thành Sơn Tây là một thành lớn do triều đình nhà Nguyễn xây dựng để quản trị cả một vùng rộng lớn gồm một nửa tỉnh Hà Tây, toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Sơn Dương, gần như toàn bộ tỉnh Phú Thọ. Không những thế, nó còn trấn trị toàn vùng Tây Bắc, vùng thượng lưu sông Hồng, vùng lưu vực sông Lô, sông Chẩy, do đó thành phải khang trang, to đẹp để nhân dân thấy rõ uy thế của triều đình mà cũng là uy thế của dân tộc. Tính nhất thống thể hiện rõ ở chỗ vị quan xây thành là do vua cử - một vị quan to về chỉ huy (phó thống thập cơ), điều động quân trung ương chứ không phải binh lính của tỉnh. Mọi quy cách trong việc xây thành đều theo một quy chế thống nhất, chỉ khác một điểm là Sơn Tây có đá ong nên dùng vật liệu xây dựng tại chỗ còn kích thước thì thống nhất như quy định của triều đình. Điều này có được vì nhà Nguyễn đã thống nhất đất nước.
Một cái thành to đẹp như thế, khi xây dựng rất tốn kém, nhưng thời đó đất nước đã thống nhất 20 năm, tiền gạo, nhân công, vật liệu đã dồi dào nên nhà nước có đủ nhân lực, vật lực xây thành, nói lên thế nước hưng thịnh thời Minh Mệnh.
Thành, hào, cổng thành, cột cờ, dinh thự trong thành đều rất khang trang, nó tiêu biểu cho trình độ kỹ thuật, văn hóa của một thời đất nước thống nhất và hưng thịnh ở đầu thế kỷ XIX.
Nguồn: Internet
Re: Sơ lược Thành cổ Sơn Tây
Hay quá!
Có thêm tư liệu để làm môn Thành cổ rui...
Thanks
Có thêm tư liệu để làm môn Thành cổ rui...
Thanks
Hoangnguyen- Member
- Tổng số bài gửi : 62
Join date : 04/06/2009
Re: Sơ lược Thành cổ Sơn Tây
để có thể tìm hiểu thêm về thành Sơn Tây, bạn truy cập vào trang http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A1p_%C4%91%C3%A1nh_th%C3%A0nh_S%C6%A1n_T%C3%A2y nhé!
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Thu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52
» Những người chế tác thần linh
Thu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52
» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
Thu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52
» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
Wed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52
» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
Wed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52
» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
Wed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52
» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
Wed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52
» Sách từ điển khảo cổ học
Wed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52
» Lý lịch MrDiep_archaeology
Wed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52