Tìm kiếm
Similar topics
Latest topics
Đăng Nhập
Di tích khảo cổ học Rạch Núi
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Di tích khảo cổ học Rạch Núi
1 Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý của di tích Rạch Núi
Di tích khảo cổ học Rạch Núi nằm ở địa phận Ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc tỉnh Long An. Di chỉ cách trung tâm huyện Cần Giuộc khoảng 6 km về hướng Nam – Đông Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 20 km về hướng Nam. Tọa độ địa lý 106040’37” Đông, 10032’45” Bắc. [22:2]
Di tích Rạch Núi nằm ở tả ngạn sông Cần Giuộc và cách bờ sông khoảng 1,5 km về hướng Đông, di chỉ là một gò đất rộng khoảng 1 hec ta, bình diện gần tròn, đường kính khoảng 100m, cao hơn 6m so với mặt đất tự nhiên. Trên mặt và xung quanh có nhiều cây cổ thụ, đặc biệt là có nhiều cây me có hàng trăm tuổi, bao quanh di chỉ là một con rạch nhỏ chạy vòng từ phía Tây qua phía Bắc và đổ ra sông Cần Giuộc.
Rạch Núi nằm trong vùng đồng bằng ven biển, các trầm tích tạo nên vùng đồng bằng này nằm gần các rạch lớn chịu ảnh hưởng của triều, hoặc một mạng lưới kênh rạch dày đặc nên rất dễ bị ngập. Đây là hình ảnh các đầm lầy đang trong thời kỳ hấp hối vì sự liên hệ nhiều với biển. Các trầm tích này chủ yếu xuất hiện ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước và dọc theo hai sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, vật liệu chủ yếu là sét bùn xám xanh, giàu vỏ sinh vật. [22:2]
Do nằm trong vùng địa hình tương đối thấp với độ cao khoảng 1m so với mặt nước biển, do đó về mặt môi trường sinh thái gián tiếp chịu tác động của thủy triều. Đất ở đây bị ngập mặn do ảnh hưởng của nước ngầm mặn và bị mặn 1 phần trong những thời kỳ thủy triều lên cao bất thường. Thực vật nơi đây ven theo các bờ sông, bờ rạch phát triển các loại cây như bần, bình bát, gối, trâm sẻ, gừa…xen lẫn các loại cây nói trên còn có cây mù u, tre nhàu, dây choại, mây nước…Chắc rằng từ hàng năm trước, nơi đây còn hiện diện các khu rừng rậm nhiệt đới là nơi sinh tồn của nhiều loài động vật và chúng chính là đối tượng săn bắt của các cư dân cổ nơi đây mà dấu tích xương răng của chúng còn hiện diện trong tầng văn hóa của di chỉ Rạch Núi.
Trong vùng đồng bằng ven biển này, sông Rạch Cát ở Cần Giuộc hợp với sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đổ ra cửa Soài Rạp, chúng phân nhánh chằng chịt, chia cắt đồng bằng thấp ven biển ( Cần Đước – Cần Giuộc) thành những gò phù sa thấp. Hệ thống sông chằng chịt này vừa là đường giao thông, đồng thời cũng là những kho dự trữ nước ngọt trong những tháng mưa lũ để rồi cung cấp nước cho cuộc sống của con người. Các loài tôm, cá, nước ngọt và nước lợ di chuyển theo mùa trên các sông, rạch chính là nguồn lợi thủy sản đáng kể nuôi sống con người trong lưu vực của hệ thống các con sông này. [22:3]
Do Rạch Núi là một gò có địa thế cao giữa khu vực đồng bằng nên dân gian còn gọi là gò Núi Đất (hay Thổ Sơn). Năm 1867 (Đinh Mão) có vị sư Nguyễn Quới (thường gọi là thầy Rau) trên đường vân du đến đây, thấy địa thế tốt nên ở lại và xây dựng chùa Linh Sơn (Chùa Núi) trên đỉnh gò để tu hành. Hiện nay, so với những khảo tả trước đây diện tích xây dựng Chùa Núi đã lớn hơn do việc xây dựng nhà cửa ở phía Nam, Tây Nam liền với khu xây cất từ trước.
Tóm lại, Rạch Núi nằm trong vùng sinh thái ngập mặn ven sông cận biển, với những điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho cuộc sống cư dân trước đây cũng như hiện nay. Con người có thể khai thác quần thể thực vật và động vật phong phú trong các khu rừng. Đồng thời hệ thống sông rạch vừa là nguồn giao thông với bên ngoài, vừa là nguồn cung ứng thực phẩm dồi dào cho cuộc sống của họ. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi như thế chính là tiền để để cư dân Rạch Núi chiếm lĩnh vùng đất này làm nơi sinh cơ lập nghiệp từ ngàn năm trước.
2. Quá trình phát hiện di tích Rạch Núi
Di chỉ Rạch Núi được phát hiện và biết đến lần đầu tiên vào cuối năm 1937 bởi Phó tỉnh trưởng Chợ Lớn lúc bấy giờ là Fraisse. Tiếp đó vào năm 1938, được sự giúp đỡ của ông phó tỉnh trưởng này nhiều nhà khảo cổ học, địa chất người Pháp thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ đã đến đây điều tra và tiến hành đào thám sát. Đầu tiên là Louis Mallere và M. Colani, sau đó là Paul Levy. Các nhà nghiên cứu này đã tiến hành đào 6 hố thám sát nhỏ, chủ yếu ở phía tây gò, trong đó đang chú ý có một hố do P.Levy đã đào đến độ sâu 2m. [33:98]
Sau một thời gian khá dài vào năm 1971, hai nhà địa chất là H. Fontaine và Hoàng Thị Thân lại đến điều tra và thu lượm một số hiện vật. Nhìn chung, các nghiên cứu trên mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu, thám sát mà chưa có cuộc khai quật quy mô để tìm hiểu rõ hơn di chỉ này, một phần hiện vật do M. Cô-la-ni thám sát chủ yếu là đồ gốm hiện đang tàng trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. [33:98]
Tháng 11/ 1977 để chuẩn bị cho đợt khai quật, ban khảo cổ học và Ty văn hóa thông tin tỉnh Long An cũng đã tiến hành điều tra lại di tích.
Qua những tài liệu còn để lại và thực tế thu lượm được sau cuộc điều tra, nhiều chỉ dẫn quan trọng đã được ghi nhận. Trước tiên có thể xác định di tích chiếm toàn bộ gò đất nổi. Trên gò là Linh Sơn Tự. Dưới chân gò có một con rạch chảy vòng từ phía Tây qua Bắc và đổ ra sông Cần Giuộc. Vào mùa khô khi ròng, nước theo rạch dâng lên và tràn ra, phủ kín mặt ruộng ở chân gò khoảng 0.5m. Những dòng nước đã dần dần xói mòn chân gò và khu di tích. Do đó cũng không lấy gì làm lạ khi thấy nhiều mảnh gốm cổ và công cụ đá trên mặt ruộng sình lầy và trong lòng rạch. Sườn phía Tây và Tây Bắc bị gò bào mòn nhiều nên khá dốc, sườn gò ở các hướng còn lại thoải hơn. Đến nay gò có bình diện là một hình gần tròn đường kính trung bình khoảng 100 – 120m. Đỉnh gò được san bằng với diện tích khá rộng để xây cất và trồng cây ăn trái lâu năm. [33:99]
Hiện nay, khắp bề mặt đỉnh và sườn gò vẫn còn thấy nhiều mảnh gốm cổ, một vài mảnh vỡ hoặc công cụ đá. Ở nhiều chỗ, chủ yếu phía Tây và nam còn xuất lộ những vỉa đất có vết bị nung và lẫn lộn vỏ nhuyển thể. Đó cũng chính là những điều đã được ghi nhận trước khi khai quật được tiến hành.
Tổng số công cụ đá thu lượm được trong các đợt điều tra và đào thám sát là 24 chiếc. Trong đó Louis Malerret công bố 15 chiếc, H. Fontaine công bố 5 chiếc và Lê Xuân Diệm công bố 4 chiếc. Điều đáng chú ý là toàn bộ 24 hiện vật đều là những công cụ rìu, cuốc không vai, dạng hình thang và mặt cắt hình chữ nhật, trong khi đó ở tất cả các di chỉ khảo cổ học lưu vực sông Đồng Nai đều tìm được rìu không vai bên cạnh rìu có vai. Phạm Văn Kỉnh cho nó là một văn hóa riêng “Văn hóa Rạch Núi”. [37:44]
Trong những tài liệu còn để lại, các tác giả cũng đã chú ý tới tính chất hơi đặc biệt của gốm Rạch Núi. Trong báo cáo của mình, Lê Xuân Diệm đã có lưu ý đến tính chất khác biệt của hai loại gốm (gốm thô và gốm mịn) cũng như một số loại hình đồ đá thu được ở đây. Về niên đại khảo cổ của di tích này, các ý kiến trước đây có những điểm chưa thống nhất, Louis Mallerret cho đây là di tích thời đại đá mới. H. Fontaine xếp Rạch Núi vào nhóm di tích Hậu kỳ đá mới – đồng thau. Dựa vào trình độ phát triển của di tích thể hiện ở công cụ đá, Lê Xuân Diệm cho Rạch Núi “có thể ở vào thời đại đồng thau”. [33:101]
Một chỉ số niên đại C14 duy nhất do Đê-li-bri-át phân tích mẫu gốm ở độ sâu 2m trong di tích Rạch Núi là 2400±100 năm trước đây. [33:101]
3.Quá trình khai quật và nhận thức di tích Rạch Núi
Khai quật di tích Rạch Núi lần 1 năm 1978
Tháng 4 - 1978 Viện Khoa học xã hội phối hợp với Ty Văn hóa và Thông tin tỉnh Long An tiến hành khai quật di tích Rạch Núi. [Bản ảnh XXXXI]
Hố khai quật được mở với diện tích 60m2 (6m×10m) hình chữ nhật, nằm dài theo hướng Nam Bắc. Bề mặt hố không được bằng phẳng, mà dốc dần từ Đông Nam xuống Tây Bắc với độ chênh lệch khoảng 1m. Độ cao của góc Đông Nam gần tương ứng với độ cao ở đỉnh gò. Tầng văn hóa trong hố khai quật rất dày, đạt tới độ sâu 5m (góc Đông Nam) so với mặt gò hiện nay. Trên đại thể lần lượt bao gồm các lớp như sau:
1) Lớp đất canh tác: Lớp này rất mỏng chỉ dày khoảng 20 - 30cm. Đất có màu nâu nhạt, tơi, nhiều cát. Trong lớp này đã thấy lẫn lộn một số mảnh gốm cổ.
2) Lớp đất màu nâu đậm: Dày trung bình 0,6m, chỗ mỏng nhất khoảng 20cm và chỗ dày nhất tới 1m. Lớp đất này tương đối đồng màu, có kết cấu chặt cứng xen lẫn rất nhiều mảnh gốm và công cụ đá. Rất nhiều rễ cây hiện đại đã ăn xuyên vào lớp đất này.
3) Lớp đất màu nâu nhạt: Có độ dày lớn nhất so với các lớp đất khác trong hố, trung bình dày 3,2m. Màu đất chủ yếu nâu nhạt hoặc hồng, chất đất tơi do nhiều cát. Đặc biệt, ở lớp này có nhiều lớp than tro đủ màu như đen, xám, xám trắng, vàng, hồng xen kẽ. Ba khu vực có lớp than tro tập trung nhiều và dày nhất được ghi nhận là ở góc Tây Nam, kề vách Đông và ở giữa hố (ô số . Mảnh gốm có mật độ trung bình không nhiều bằng lớp trên. Tuy vậy, ở một số chỗ, đặc biệt sát vách nam có gốm tập trung khá nhiều, trong đó tìm được nhiều mảnh gốm thuộc một vài đồ đựng có thể phục nguyên đợc. Lớp đất này cũng đặc biệt chứa nhiều xương thú, xương cá, và các loài nhuyễn thể như ốc, sò, cua biển...Các công cụ bằng xương điển hình của di chỉ cũng nằm trong lớp này.
4) Lớp đất màu xám xanh: Dày trung bình 1m, có chỗ dày tới 1,6m. Đất chủ yếu màu xám xanh nhưng nhiều chỗ xen kẽ các lớp đất nâu và than tro đen. Chất đất chủ yếu là cát lẫn với đất sét. Đất trong lớp này rất ẩm ướt. Các mảnh gốm và công cụ đá giảm sút rõ rệt. Xương thú cũng thấy ít hơn và phần nhiều là các mảnh vụn. Ngược lại, các vỏ sò, ốc biển đặc biệt nhiều hơn ở lớp trên.
5) Lớp đất cái: là lớp đất sét thuần mịn, màu xanh xám, ẩm và dẻo, không chứa các hiện vật văn hóa. Nhiều chỗ còn thấy dấu vết mủn nát của một số loài cây gỗ và dừa nước. Độ cao của bề mặt lớp đất này so với bề mặt ruộng xung quanh vào khoảng 1m. [33:102 – 103]
Trừ hai lớp đất canh tác và lớp đất cái, ba lớp đất ở giữa gộp lại thành tầng văn hóa của di tích Rạch Núi. Ba lớp này được hình thành liên tục từ dưới lên trên, không bị ngăn cách bởi lớp vô sinh. Đường ranh giới của tầng văn hóa với lớp đất canh tác và lớp đất cái khá bằng phẳng và rõ nét. Ngược lại, ranh giới giữa các lớp đất trong tầng văn hóa rất lồi lõm, có chỗ lớp trên xâm nhập xuống lớp dưới khá sâu và có nơi khá mờ nhạt, khó nhận thấy được. Bộ sưu tập hiện vật thu được ở Rạch Núi mới thoạt nhìn có thể cho là đơn điệu với những công cụ đá không vai và một loại gốm thô là chủ yếu. Thực ra, hiện vật ở Rạch Núi cũng khá phong phú và đa dạng. Trên diện tích khai quật 60m2 đã thu được hơn 300 hiện vật. Các công cụ đá có các loại hình khác nhau, trong đó có loại đã thấy phổ biến ở lưu vực sông Đồng Nai, cũng có loại có ít ở các di chỉ khác, nhưng lại khá nhiều ở Rạch Núi. Loại hình hiện vật gốm cũng có nhiều dáng khác nhau. Bên cạnh loại gốm thô nặn bằng tay ít thấy ở nơi khác, Rạch Núi còn thấy loại gốm mịn phổ biến ở nhiều nơi. Điều đó cũng đáng được chú ý khi nghiên cứu gốm ở đây. Đặc biệt ở Rạch Núi còn có những công cụ có vai bằng mai, yếm rùa lần đầu tiên được biết đến trong các di chỉ khảo cổ học ở nước ta. [33:118]
Kết quả nghiên cứu sơ bộ tài liệu, hiện vật thu được đã phần nào cho thấy những biểu hiện về mặt kinh tế, văn hóa của di tích này có những nét đặc thù trong một diện hình thống nhất với các di chỉ khác của vùng Đông Nam Bộ.
Theo tác giả, Rạch Núi quả là có nhiều đặc điểm riêng. Nhưng trước hết chúng được hình thành do niên đại muộn của di chỉ. Đến nay ở Rạch Núi chưa tìm được khuôn đúc và dấu vết đồ dùng bằng kim loại (một mặt do kim loại không bảo quản được trong môi trường ẩm và ngập mặn). Mặc dù vậy, đứng trên góc độ phát triển văn hóa, chúng tôi cho rằng Rạch Núi đã là một di tích thuộc thời đại đồng thau, có niên đại sớm nhất vào khoảng 3.000 năm trước đây. Niên đại 2.400±100 năm do G.Delibrias thu được có thể hợp lý, nhưng chỉ biểu hiện giai đoạn muộn của di chỉ. [33:123]
Sau nữa, những đặc điểm riêng của Rạch Núi cũng có thể hiện các sắc thái địa phương, nhằm thích nghi với môi trường sống. Sắc thái đó đã hình thành trên cơ sở của một cư dân sống trong vùng đầm lầy ven biển như đã trình bày.
Tuy vậy, những đặc điểm riêng của Rạch Núi chưa đủ để tách nó ra thành một văn hóa riêng biệt. Ngược lại, nhiều đặc điểm chung đã chứng tỏ Rạch Núi gắn liền với truyền thống văn hóa miền Đông Nam Bộ. Nguồn gốc của nó cũng xuất phác từ truyền thống văn hóa rìu vai. Quan hệ của Rạch Núi với các di chỉ có rìu vai trên lưu vực sông Đồng Nai thể hiện chủ yếu qua loại hình công cụ cuốc dày thô và rìu loại hình không vai. Ở các di chỉ trên các loại hình này phổ biến trong giai đoạn khá dài, suốt thời hậu kỳ đá mới đến giai đoạn đồng thau phát triển. Chúng chiếm tỉ lệ khá nhiều ở các di chỉ Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc (còn gọi là Gò Đá) hoặc ở ngay Dốc Chùa.
Đặc biệt cũng có thể tìm thấy nguồn gốc của cư dân Rạch Núi qua địa điểm An Sơn. Di chỉ khảo cổ học này cũng có nhiều điểm giống với Rạch Núi. Ở đây cũng có loại hình cư trú với tầng văn hóa dày, xen lẫn nhiều lớp than tro, nhiều di cốt động vật và vỏ sò ốc biển. Ở An Sơn cũng có kỹ nghệ làm đồ xương khá phát triển. Ở hai địa điểm cũng có chung một truyền thống chế tác và sử dụng kiềng ba chân bằng đất nung. Ngoài ra, khi khai quật An Sơn năm 1978, Phạm Quang Sơn còn thấy ở lớp trên di chỉ rất phổ biến công cụ bằng đá không vai, nhiều chiếc có dạng giống công cụ ở Rạch Núi. Trong khi đó ở lớp dưới di chỉ rìu vai lại có số lượng lớn hơn. Diễn biến văn hóa ở các lớp này hầu như liên tục. Bởi vậy, không thể tách chúng thành 2 văn hóa riêng biệt. [33:12]
Khai quật di tích Rạch Núi năm lần 2 năm 2003
Cuộc khai quật lần này được tiến hành vào đầu năm 2003 do Nguyễn Mạnh Thắng (cán bộ Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam) chủ trì. [23:276 – 278]
Sau khi tiến hành khảo sát thực địa, đoàn khai quật đã quyết định mở hai hố khai quật, hố 1 với diện tích 44m2 (8×5.5m) nằm ở phía đông và hố 2 có diện tích 32m2 (8×4m) nằm ở phía tây của di chỉ. Như vậy tổng diện tích của cuộc khai quật lần này là 76m2. Các hố khai quật đều được mở ở vị trí cao gần trung tâm di chỉ với hướng chủ đạo là Bắc - Nam. Riêng hai hố nằm cách hố khai quật năm 1978 khoảng 4m về phía Nam.
Di chỉ Rạch Núi có tầng văn hóa dày, lần khai quật thứ nhất ghi nhận được địa tầng gần 5m, trong đợt khai quật lần thứ 2 này địa tầng dày nhất đã đạt tới 5,7m ở hố 2, mỏng nhất 4,3m ở vách đông hố 1. Địa tầng gồm nhiều lớp đất có màu sắc, kết cấu khác nhau nhưng chủ yếu có màu nâu, nâu đỏ, vàng, xám vàng, xám xanh, xám trắng...Dựa trên quá trình bóc tách từng lớp đất cũng như quan sát các vách hố khai quật, từ trên xuống dưới có thể thấy được diễn biến địa tầng hố khai quật như sau:
1) Trên cùng là lớp đất xáo trộn màu nâu, tơi xốp dày trung bình từ 0,2 đến 0,4m, đôi chỗ sâu tới 0,8 đến 1m do bị người thời sau đào phá.
2) Tiếp đó là lớp đất màu nâu đậm dày trung bình 0,5 - 0,7m. Lớp đất này tương đối đồng nhất ở cả hai hố có kết cấu chặt cứng, xen lẫn trong các lớp này là các vỉa đất màu nâu đỏ (dày khoảng 0,1m) và các vỉa đất phèn kết rất cứng màu vàng nhạt lẫn nhiều vỏ nhuyễn thể (dày 0,1 đến 0,2m) cùng rất nhiều mảnh gốm và công cụ đá. Trong lớp đất này có rất nhiều rễ cây lưu niên trên gò đâm xuyên vào.
3) Sau lớp nói trên là lớp đất màu nâu nhạt, nâu đỏ có độ dày nhất so với các lớp đất khác. Lớp này dày trung bình từ 3.0 đến 3,6m. Xen lẫn lớp đất này, đôi chỗ là những lớp than tro màu xám trắng, xám vàng và xám đen. Trong lớp đất này, mảnh gốm không nhiều bằng lớp đất trên, phía Bắc các hố mảnh gốm nhiều hơn phía Nam của vách. Đặc biệt, đây là lớp chứa nhiều xương động vật và vỏ các loài nhuyễn thể...và các công cụ bằng xương tiêu biểu cũng tìm được trong lớp đất này.
4) Lớp đất thứ 4 có màu xám xanh, kết cấu dẻo mềm rất ẩm ướt với cấu tạo chủ yếu là cát lẫn với đất sét, dày trung bình 0,8 - 1,2m. Đôi khi vẫn thấy xen lẫn lớp đất nâu đỏ và những lớp than tro màu xám đen. Trong lớp đất này, mảnh gốm và công cụ đá không còn nhiều như lớp trên, xương động vật cũng ít và vụn hơn nhiều. Trong khi đó, vỏ các loài nhuyễn thể biển dày đặc nhiều hơn so với các lớp bên trên.
5) Sinh thổ là lớp đất sét màu trắng xanh, dẻo, mịn, dẻo quánh. Trên bề mặt sinh thổ có nhiều dấu vết thực vật mủn nát của một số loài cây gỗ và dừa nước. [22: 5 – 6]
Nhìn chung, loại trừ lớp đất canh tác và tầng sinh thổ, 3 lớp còn lại được hình thành liên tục từ dưới lên trên đã tạo thành tầng văn hóa của di chỉ. Trong các lớp đất này, đều chứa đựng nhiều di tích của người xưa như than tro, xương động vật, vỏ nhuyễn thể cùng các loại hình hiện vật bằng đá, xương, nhuyễn thể, gốm và hàng vạn mảnh gốm các loại. Có thể nói, đây là di chỉ có một tầng văn hóa với sự thống nhất về quá trình hình thành cũng như nội dung văn hóa.
Qua đợt khai quật cho thấy Rạch Núi là một di chỉ cư trú trong vùng sinh thái ngập mặn ven sông cận biển. Di chỉ này có quá trình tồn tại lâu dài tới hàng ngàn năm với số lượng dân cư khá lớn, thể hiện qua một địa tầng dày nhất trong các di tích tiền - sơ sử ở nước ta cũng như khối lượng di vật đồ sộ thu được.
Bên cạnh tính chất là một di chỉ cư trú, đây còn là một trung tâm sản xuất gốm. Điều này được phản ánh qua việc tìm thấy một khối lượng rất lớn các mảnh gốm hơn 6 vạn mảnh thu được trong lần này cũng như hàng vạn mảnh trong lần khai quật trước. Trong đó có không ít mảnh miệng méo, những mảnh miệng bị nứt phải gắn thêm đất sét. Không chỉ vậy, dấu tích sản xuất còn thể hiện qua vết tích vỏ nhuyễn thể đã được nghiền chuẩn bị làm xương gốm.
Trên cơ sở nghiên cứu tổng thể toàn bộ di tích và di vật của di chỉ, các nhà khai quật cho rằng, về trình độ phát triển, người Rạch Núi nằm trong giai đoạn Hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí, nằm trong khung niên đại 3.500 - 2.500 năm cách ngày nay. [22:35]
Tóm lại, qua khai quật di chỉ Rạch Núi đã đem lại những tài liệu khảo cổ hết sức quan trọng đối với công tác nghiên cứu tiền - sơ sử cũng như miền Đông Nam Bộ. Từ kết quả khai quật, có thể thấy rằng người Rạch Núi cùng với cư dân An Sơn và Lộc Giang...là những lớp cư dân sớm nhất đến cư trú trên địa bàn tỉnh Long An.
Cùng với nhóm di tích vùng ngập mặn ven biển Bà Rịa Vũng Tàu chúng ta có thể phân lập một nhóm di tích/ văn hóa khảo cổ có cùng tính chất văn hóa, niên đại và môi trường sinh thái - văn hóa Rạch Núi. Cư dân của văn hóa này đã dần chiếm lĩnh vùng gò thấp ven biển, xung quanh là đầm lầy, rừng ngập mặn. Những cư dân đầu tiên của vùng đất này đã thể hiện nhiều sáng tạo trong việc khai thác mọi nguồn lợi tự nhiên từ rừng - sông - biển và để lại trong tầng văn hóa của di chỉ những di tồn vật chất, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về một nền văn minh cổ ở lưu vực sông Đồng Nai - Vàm Cỏ. Việc xác lập được văn hóa Rạch Núi không những góp phần làm rõ hơn thời Tiền - sơ sử Long An, nó còn góp phần làm sáng tỏ phổ hệ thời tiền - sơ sử của vùng đất phía Nam - vấn đề mà giới khảo cổ học cả nước đang rất quan tâm. [22:38]
diepkhaoco52- Member
- Tổng số bài gửi : 25
Join date : 03/12/2011
Age : 33
Đến từ : Cam Lâm - Khánh Hòa
Similar topics
» Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ
» Lý thuyết về khảo cổ học môi trường và khảo cổ học côn đảo dưới góc nhìn địa sinh thái nhân văn
» THÀNH CỔ BIÊN HÒA VÀ DẤU TÍCH CÒN LẠI
» Lý thuyết về khảo cổ học môi trường và khảo cổ học côn đảo dưới góc nhìn địa sinh thái nhân văn
» THÀNH CỔ BIÊN HÒA VÀ DẤU TÍCH CÒN LẠI
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Thu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52
» Những người chế tác thần linh
Thu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52
» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
Thu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52
» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
Wed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52
» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
Wed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52
» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
Wed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52
» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
Wed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52
» Sách từ điển khảo cổ học
Wed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52
» Lý lịch MrDiep_archaeology
Wed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52