khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ

Go down

Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ Empty Di tích Rạch Núi với hệ thống các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ và Đông Nam Bộ

Bài gửi by diepkhaoco52 Wed Jun 26, 2013 4:48 pm

Di tích Rạch Núi cùng với những di tích cùng thời với nó là An Sơn, Lộc Giang, Đồng Canh Nông… đã tạo nên bức tranh tiền sơ sử của Long An. Những di tích này có thể nói mở đầu cho những lớp cư dân ở vùng cao tiến xuống chiếm lĩnh địa bàn mới và tạo dựng đời sống tại đây, những bằng chứng khảo cổ học đã chứng minh điều đó. Điều đáng chú ý là dù ở cùng một khu vực nhưng họ lại chọn địa bàn cư trú ở những nơi khác nhau, có chỗ là gò đất cao gần sông, có chỗ là gò trũng đầm lầy ngập mặn. Nhưng dù cư trú ở địa bàn nào đi chăng nữa thì những nhóm cư dân này đã có sự liên hệ mật thiết với nhau thông qua trao đổi và giao lưu văn hóa, do đó bộ di vật ở các di tích này có sự tương đồng với nhau và cả những yếu tố đặc trưng riêng biệt. Và để hiểu rõ hơn mối quan hệ của di tích Rạch Núi với các di tích ở vùng lưu vực sông Vàm Cỏ như thế nào thì ta sẽ đi sâu vào phân tích từng di tích mà tiêu biểu là di tích An Sơn.

Di tích khảo cổ học An Sơn thuộc ấp Ninh Sơn, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 km theo đường chim bay về phía tây bắc. Di tích này được Fraisse phát hiện và thông báo cho L.Malleret để tiến hành việc thăm dò và đào 2 hố thám sát và ghi nhận là có những hiện vật đá, xương sừng, đất nung và gốm thời tiền sử. [1:4]

Vào đầu năm 1978, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Long An đã điều tra lại di tích An Sơn và tiến hành khai quật với diện tích 150 m2 đã thu được một số tư liệu khá phong phú bao gồm bếp than tro, 3 mộ cổ và hơn 500 hiện vật gồm sưu tập đồ đá như rìu, đục, bàn mài, đồ gốm như bình, nồi, bát bồng, bi…đồ xương, sừng, lưỡi câu, mũi nhọn, bông tai, vòng tay…Nhận định về di tích An Sơn thì Lê Xuân Diệm cho rằng “An Sơn là một khu di tích lớn, gồm hai tính chất rõ rệt: cư trú và mộ táng”. [16:69]

Ước đoán niên đại của di tích An Sơn vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay. [16:74]

Vào tháng 2 năm 1997, Bảo tàng Long An phối hợp với Viện khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã tiến hành khai quật di tích An Sơn lần thứ 2 với tổng diện tích 34m2, cũng trong đợt khai quật này đã thu được nhiều rìu, đục, bàn mài bằng đá, đồ gốm có loại hình bát bồng, bát đĩa miệng dún, nồi bình và cùng một số hiện vật khác như lưỡi câu, mũi nhọn, hạt chuỗi bằng xương sừng và vỏ nhuyễn thể cùng số lượng lớn vỏ sò ốc. Trên cơ sở kết quả phân loại gốm, địa tầng khai quật và một số kết quả niên đại C14 cho thấy di tích có niên đại khoảng 3.990±190 năm BP và 3.310±90 năm BP, Nishimura Masanari (Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa) và Nguyễn Kim Dung (Viện Khảo cổ học) cho rằng di chỉ An Sơn tồn tại khoảng 1.000 năm. [20:44]

Đến năm 2004, do một số người dân cư trú trên phần đất có di tích đã tác động và phá hỏng một phần di tích xung quanh chân gò phía đông nên Bảo Tàng Long An và Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học được sự cho phép của Bộ Văn hóa Thông tin đã tiến hành khai quật chữa cháy với diện tích 313 m2, cuộc khai quật với quy mô lớn lần này đã thu được nhiều nguồn tài liệu quan trọng với việc phát hiện 20 mộ táng, nhiều đồ gốm với nhiều loại hình nồi, bát bồng, chậu…nguyên vẹn và có thể phục dựng, bộ sưu tập hạt chuỗi nhuyễn thể quý nhiều kích cỡ, mũi giáo bằng ngà, một số công cụ đá đặc biệt như dao, rìu vai nhọn và rất nhiều hiện vật như rìu, mảnh gốm, vỏ sò ốc và di cốt động vật. Đợt khai quật lần này đã cung cấp nhiều tư liệu mới cho công tác nghiên cứu, lần đầu tiên có thể xác định tại đây tồn tại riêng biệt nhiều khu vực khác nhau như khu cư trú, nghĩa địa. Về khung niên đại không chỉ bó hẹp trong khoảng 4.000 – 3.000 năm cách ngày nay mà còn có thể kéo dài hơn. [36:42]

Cho đến năm 2007, Bảo tàng Long An tiến hành khai quật lại di tích An Sơn với diện tích là 11.5m2 trên sườn chân đông nam gò. Mặc dù với diện tích khai quật nhỏ nhưng đã phát hiện được mật độ gốm ken dày đặc, gồm 17.000 mảnh gốm, 4.989 cục đất nung, 53 mảnh cà ràng, 12.4 kg xương, 9.9 kg vỏ sò ốc, nhiều công cụ đá như bàn mài, đục, rìu có vai, công cụ xương và đồ trang sức bằng xương sừng như mảnh vòng, hạt chuỗi, mảnh vỏ sò ghè tròn và 3 di cốt người. Chưa thấy nhận định về di tích An Sơn qua đợt khai quật này. [1:7]

Vào tháng 4 năm 2009, Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học, Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ, phối hợp với Bảo tàng Long An và đại học Quốc gia Úc đã tiến hành khai quật di tích An Sơn với tổng diện tích khai quật là 83m2 , cuộc khai quật lần này đã phát hiện hàng chục ngàn mảnh gốm thuộc các loại hình như nồi, bát bồng, bát dĩa miệng dún, cà ràng, bi gốm, gốm ghè tròn, đất nung có một số tiêu bản có thể phục nguyên, rất nhiều công cụ đá như rìu có vai, tứ giác, cuốc, đục, đá mài, giáo, số ít công cụ xương sừng, đồ trang sức 1 mảnh vòng bằng ngà, 1 mảnh vòng tay bằng đá, ngoài ra còn phát hiện 7 mộ táng. Về niên đại, theo Bùi Chí Hoàng, niên đại di tích là 3.000 – 4.000 năm BP như sự phân tích kết quả C14 và đoán định trong đợt khai quật năm 1997. Khu vực rộng phía đông nam chân gò di tích là khu vực mộ táng có hoạt động cư trú mạnh mẽ không kém trên đỉnh gò. [6:37]

Qua nhiều lần khai quật di tích An Sơn thì vấn đề về tính chất cũng như đặc trưng văn hóa của di tích ngày càng được nhận định sáng tỏ, có thể nói di tích An Sơn mang tính chất của một khu cư trú – mộ táng, có mối quan hệ với các di tích cùng thời với nó ở lưu vực sông Vàm Cỏ và một số di tích ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Theo Phạm Đức Mạnh nhận định “di tích An Sơn được xếp vào giai đoạn sơ kỳ thời đại Kim khí, có niên đại vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay”. [31:192]

Trong mối quan hệ của di tích An Sơn với di tích Rạch Núi (Cần Giuộc) thì ở cả hai di tích này đều có tầng văn hóa rất dày với các lớp than tro xếp thành từng lớp, màu sắc của các lớp văn hóa không đều nhau, xét về mặt di vật cả hai di tích này có sự tương đồng khá nhiều cả về đồ gốm, đồ đá, đồ xương sừng và nhuyễn thể.

Về đồ gốm, cả hai di tích đều không phổ biến loại dọi se sợi, đều có truyền thống sử dụng cà ràng – một loại hình tìm thấy nhiều ở hai di tích này, cà ràng được làm bằng chất liệu sét, pha với bã thực vật và thân cà ràng khá dày, có nhiều mảnh gốm ghè tròn. Ở An Sơn loại hình gốm thô không nhiều bằng ở Rạch Núi, gốm thô ở Rạch Núi xuất hiện liên tục từ lớp sớm tới lớp muộn còn ở An Sơn gốm thô chỉ xuất hiện ở những lớp muộn. Loại hình gốm mịn ở An Sơn chiếm số lượng áp đảo trong khi đó ở Rạch Núi thì gốm thô pha bã thực vật và nhuyễn thể lại nhiều hơn. Đó cũng là đặc trưng để nhận diện về đồ gốm ở hai khu vực này. Tuy nhiên sự khác biệt về đồ gốm này theo Nguyễn Mạnh Thắng cho biết đó là do niên đại của An Sơn sớm hơn Rạch Núi. [22:38]

Về loại hình công cụ đá, qua các đợt khai quật đồ đá chiếm số lượng tương đối nhiều, chất liệu đá để chế tác công cụ ở An Sơn và Rạch Núi giống nhau điều này cho thấy cả hai cùng có nguồn nguyên liệu đá giống nhau, họ đều am hiểu về đặc trưng và tính chất vật lý của từng loại đá để chế tác những công cụ khác nhau. Chẳng hạn như dùng đá biến chất và đá sừng epidot để chế tạo rìu tứ giác, rìu có vai, cuốc, đục, dùng đá sa thạch hạt thô và mịn để chế tạo bàn mài, đồng thời cả hai nơi đều có xu hướng tiết kiệm nguyên liệu, đồ trang sức hầu như không sử dụng đá để chế tác, chỉ trừ ở An Sơn trong đợt khai quật năm 1978 phát hiện được 2 mảnh vòng, năm 2009 phát hiện được một mảnh vòng tay bằng đá.

Một số loại hình công cụ đá ở An Sơn được tác giả so sánh với công cụ ở Rạch Núi để thấy được sự tương đồng về chất liệu đá trong việc chế tác công cụ của cư dân ở hai khu vực này. [Từ bản ảnh XXXI đến bản ảnh XXXX].

Loại hình đồ đá ở hai nơi đều giống nhau như đều có rìu tứ giác, rìu có vai, cuốc, đục, hòn ghè, bàn mài, hiện vật được mài nhẵn và tạo rìa sắc cạnh ở phần rìa lưỡi và ít tu chỉnh phần đốc, nhiều vết ghè đẽo còn để lại khá nhiều.

Về loại hình, rìu có vai xuất hiện trong giai đoạn sớm ở di tích Rạch Núi với 4/5 tiêu bản rìu vai nằm ở lớp đất sát sinh thổ, rìu có vai ở hai di tích đều có vai xuôi hoặc vai ngang, được mài gần toàn thân, tiết diện mặt cắt hình thang, hình chữ nhật, còn ở loại hình rìu tứ giác cùng có loại hình rìu tứ giác hình thang, đốc hẹp, thân dày và lưỡi xòe rộng.

Kỹ thuật chế tác cả hai nơi cũng giống nhau, đó là kỹ thuật ghè đẽo và mài chiếm vị trí chủ đạo trong yếu tố kỹ thuật của cư dân ở 2 di tích này, không có truyền thống sử dụng kỹ thuật khoan, cưa. Có thể đây là yếu tố của sự giao lưu học hỏi kỹ thuật.

Về đồ xương sừng, cả hai đều có truyền thống chế tác đồ xương sừng bằng mai yếm rùa và cả mũi nhọn bằng xương heo, nai…số lượng khá nhiều trong di tích. Đây là truyền thống chung bởi lẽ cả hai nơi đều không có nguồn nguyên liệu đá nên tận dụng những xương động vật mà mình đã săn bắt được để chế tạo công cụ chuyên dụng để phục vụ cho mình. Ngoài ra cư dân cổ ở hai vùng còn thích chế tác đồ trang sức bằng xương sừng. Chẳng hạn như vòng đeo tay cả hai nơi đều có tiết diện chữ D, chế tác bằng mai rùa và sừng hươu là chủ yếu. Sử dụng kỹ thuật đẽo gọt để chế tạo chứ không phải là kỹ thuật khoan hay cưa.

Về nhuyễn thể thì số lượng nhuyễn thể thu được ở hai di tích khá nhiều gồm các loài như vỏ sò, ốc...Nhuyễn thể được cư dân ở hai nơi sau khi ăn xong còn sử dụng để làm đồ trang sức để làm đẹp cho mình như vòng cổ, hạt chuỗi. Tuy nhiên số lượng hạt chuỗi ở di tích An Sơn nhiều hơn là hơn di tích Rạch Núi. Nhưng nhìn chung thì nét tương đồng về kỹ nghệ chế tác hạt chuỗi bằng vỏ sò ốc ở hai nơi là điều không thể phủ nhận.

3.2 Mối quan hệ của di tích Rạch Núi với các di tích khu vực phù sa cổ và ngập mặn Đông Nam Bộ

Theo cách phân chia vùng phân bố các di tích khảo cổ học tiền sử vùng Đông Nam Bộ thì Bùi Chí Hoàng phân chia thành Đông Nam Bộ thành ba khu vực phân bố gắn liền với ba vùng đất đất đỏ Basalt ở vùng cao Đồng Nai – Bình Phước, đất xám phù sa cổ ở vùng lưu vực sông Đồng Nai và đồng bằng sình lầy nhiễm mặn ven biển hay vùng phù sa mới. Các di tích tiêu biểu trên dạng địa hình đầm lầy ngập mặn là Rạch Núi (Long An), Gò Cây Me, Gò Cá Sỏi, Bưng Bạc, Bưng Thơm, Giồng Lớn (Bà Rịa – Vũng Tàu), Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ (Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh, Cái Lăng, Cái Vạn, Gò Me (Đồng Nai). [8:60]

Cũng theo ý kiến của tác giả “thời tiền sử và sơ sử ở khu vực Đông Nam Bộ có rất nhiều di tích thuộc dạng cư trú đơn thuần trên các gò đất được phát hiện và nghiên cứu như Bà Đao, Dinh Ông (Tây Ninh), Mỹ Lộc, Bà Lụa, Vịnh Bà Kỳ (Bình Dương), Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me, Gò Cây Chôm (Bà Rịa – Vũng Tàu), Cầu Sắt, Hưng Thịnh, Bình Đa (Đồng Nai), Bến Đò, Hội Sơn, Gò Sao, Rỏng Bàng, Gò Cát, Long Bửu, Giồng Am (thành phố Hồ Chí Minh), Rạch Núi, Lộc Giang, Động Canh Nông (Long An). Nhóm những di tích này phân bố trên hai dạng địa hình là cư trú đồi gò ven sông suối và cư trú trên các giồng, gò thấp vùng ngập mặn ven biển.” [8:63]

Như vậy, nếu theo cách phân chia thì di tích Rạch Núi (Long An) nằm trong vùng đầm lầy ngập mặn và có mối quan hệ rất nhiều với các di tích cùng tính chất như Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me, Bưng Bạc,…(Bà Rịa – Vũng Tàu), Gò Me, Cái Vạn (Đồng Nai), Hội Sơn (thành phố Hồ Chí Minh).

Quả đúng là như vậy, vì có cùng tính chất văn hóa nên di tích Rạch Núi có những nét tương đồng khá nhiều với các nhóm di tích trên, tương đồng về loại hình công cụ đồ đá, về đồ gốm. Trong phần này, tác giả xin chọn lọc ra một số văn hóa tiêu biểu để so sánh tìm ra mối quan hệ giao lưu giữa các nhóm di tích với nhau để tìm hiểu rõ hơn về di tích Rạch Núi.

3.2.1 Với di tích Gò Cá Sỏi (Bà Rịa – Vũng Tàu):

          Di tích Gò Cá Sỏi là tên người dân địa phương đặt cho một gò đất nổi cao hơn mặt nước khoảng 1m, nằm trong vùng rừng ngập mặn với hai cạnh là Quốc lộ 51 với sông Thị Vải và kết thúc ở cảng biển Vũng Tàu thuộc ấp Ông Trịnh, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bề mặt gò trước khi tiến hành khai quật bị loang lỗ nhiều hầm đốt than của cư dân địa phương đã làm xáo trộn không ít đến tầng văn hóa của di tích.

          Di tích này là một trong chín gò có các vết tích tiền sử được phát hiện vào tháng 2 năm 1998 sau đó được đào thám sát với diện tích 8m2. Đến đầu tháng 4 năm 1998, Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Trung Tâm Nghiên cứu Khảo cổ (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) đã mở hai hố khai quật với diện tích 96 m2(12m×8m) và 60 m2(10m×6m). Tầng văn hóa của di tích Gò Cá Sỏi có độ dày khoảng 0.9m đến 1m, trong đó chứa nhiều vỏ sò, tàn tích của bếp như than tro, xương động vật cùng với các loại hình hiện vật bằng đá và rất nhiều mảnh gốm vỡ của các loại hình đồ gốm được dùng trong sinh hoạt thường nhật. Các hiện vật thu được gồm 18 rìu tứ giác, 26 rìu có vai, 6 mảnh vỡ rìu, 47 hòn ghè, 8 bàn mài, 1 dao đá, đồ gốm thu được 11.365 mảnh.[8:63]

          Cuộc khai quật Gò Cá Sỏi năm 1998 được Bùi Chí Hoàng định niên đại tương đối của di chỉ là khoảng 3.000 năm BP.[4:39]

Trong sách chuyên khảo Khảo cổ học Bà Rịa – Vũng Tàu từ tiền sử đến sơ sử thì nhóm tác giả định niên đại của di tích Gò Cá Sỏi cho vào khoảng 3.500 – 3.000 năm BP tương đương với các di tích Bình Đa (Đồng Nai) và Bến Đò (Hội Sơn). [8:65]

          Trong mối quan hệ với di tích Rạch Núi, ta có thể thấy rằng hai di tích này có nhiều nét tương đồng về cả đồ gốm và đồ đá. Thể hiện rõ nhất đó là đồ gốm, gồm Rạch Núi và gốm Gò Cá Sỏi đều được nặn bằng tay là chủ đạo với thành phần gốm xốp là chủ yếu, thành phần nguyên liệu chế tác ở cả hai nơi đều giống nhau từ cả chất liệu, đến loại hình, hoa văn và kỹ thuật chế tác.Nhận định về điều này thì Bùi Chí Hoàng cho rằng “đồ gốm thể hiện tính chất riêng biệt và khép kín của nhóm di tích vùng cận biển với khoảng 97% đồ gốm được nặn bằng tay. Phải chăng đó là những biểu hiện của sự thích nghi với môi trường sống khác biệt của cư dân Gò Cá Sỏi rất giống với di tích Rạch Núi”. [8:66]

Ngoài đồ gốm thì đồ đá ở hai di tích này cũng khá giống nhau. Xét về mặt loại hình công cụ thì ở hai nơi loại hình công cụ khá đơn giản chủ yếu là rìu tứ giác, rìu có vai, bàn mài, hòn ghè, số lượng mảnh vỡ cũng thu được khá ít qua các đợt khai quật, đồng thời xét về mặt chất liệu và kỹ thuật chế tác cũng khá tương đồng.

Về chất liệu, loại đá chế tác rìu tứ giác và rìu có vai ở hai di tích đều là loại đá biến chất có thành phần epidot, thạch anh cao, bàn mài cũng được chế tạo bằng đá sa thạch như ở Rạch Núi, về kỹ thuật chế tác công cụ, kỹ thuật ghè đẽo và kỹ thuật mài là hai kỹ thuật chủ đạo, không có sự xuất hiện kỹ thuật khoan và cưa, việc không sử dụng kỹ thuật và cưa trong chế tác đồ đá, đây cũng là một trong những đặc điểm đặc trưng cho việc xác định kỹ thuật chế tác đồ đá ở Đông Nam Bộ như Đào Linh Côn và Nguyễn Duy Tỳ đã nhận định “những người thợ chuyên chế tác công cụ bằng đá ở lưu vực sông Đồng Nai không sử dụng kỹ thuật cưa, khoan, tiện để chế tác hàng loạt công cụ  mà họ chỉ sử dụng kỹ thuật chính là ghè, tách, mài”. [10:172]

 Đặc biệt là hầu hết ở các công cụ ở cả hai di tích có phần đốc không được mài nên còn nhiều vết ghè thô để lại còn phần lưỡi thì được mài hết tạo rìa cạnh sắc bén để tạo hiệu quả trong sử dụng, các công cụ thường có dáng thân hình thang, mặt cắt đốc thường có hình thang, hình chữ nhật, đôi khi cũng có những tiêu có hình vuông hoặc gần vuông, mặt cắt ngang thân hình chủ nhật là chính, phần rìa lưỡi mỏng, ở loại hình bàn mài cả 2 di tích cũng được sử dụng triệt để ở các mặt mài nên tạo nhiều vết rãnh và lõm sâu trên hiện vật, hòn ghè và bàn mài cũng đều tham gia vào chế tạo lại công cụ bị hư hỏng, chuyển hóa thành dạng công cụ khác.

Đây là những nét tương đồng giữa hai di tích cùng thuộc vùng đầm lầy ven biển, giải thích về sự giống nhau này thì Bùi Chí Hoàng nhận định “hệ thống cư trú trên gò trong các vùng ngập mặn ở Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An có rất nhiều điểm chung, cho thấy vòng cung cận biển Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng cửa sông Cần Giuộc (Long An) là một không gian văn hóa liền khoảng.” [8:74]

Ngoài những đặc điểm đặc trưng khá giống nhau thì Gò Cá Sỏi và Rạch Núi cũng có những điểm khác nhau riêng biệt, chẳng hạn như ở di tích Rạch Núi số lượng rìu có vai khá ít, trong đợt khai quật năm 2003 chỉ thu được 5/56 tiêu bản rìu bôn còn ở Gò Cá Sỏi thì trong đợt khai quật năm 1998 thu được 26 tiêu bản rìu có vai trên tổng số 44 tiêu bản rìu bôn, đây là sự khác biệt lớn về số lượng rìu có vai, còn ở Rạch Núi phát hiện công cụ cuốc mỏng lưỡi xòe và cuốc dày thô khá nhiều qua đợt khai quật năm 1978 còn ở Gò Cá Sỏi thì không phát hiện được, loại hình đục ở Rạch Núi cũng không thấy ở Gò Cá Sỏi, cũng như vậy, ở Rạch Núi phát hiện được 1 dao đá còn ở Rạch Núi không phát hiện được.

Như vậy, sự giống nhau và khác biệt của hai di tích Rạch Núi và Gò Cá Sỏi phần nào cũng cho chúng ta biết được về mối quan hệ mật thiết của hai di tích này, chắc hẳn rằng trong quá khứ những cư dân ở cả hai nơi đã có sự giao lưu trao đổi và học hỏi kỹ thuật bằng đường biển thông qua sông Cần Giuộc và vòng cung biển Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng có thể men theo vùng lưu vực sông Đồng Nai.

Ngoài di tích Gò Cá Sỏi (Bà Rịa – Vũng Tàu) có sự liên hệ khá rõ rệt với di tích Rạch Núi thì ở di tích Gò Cây Me cách di tích Gò Cá Sỏi không xa cũng thấy có rất nhiều sự tương đồng trong đồ gốm và đồ đá với di tích Rạch Núi (Long An). Niên đại của di tích Gò Cây Me khoảng 3.500 – 3.000 năm cách ngày nay [46:168] và cùng với các di tích khác như đã đề cập như Gò Cá Sỏi, Gò Giồng Tranh cấu thành một cụm di tích – di vật, cùng môi trường sinh thái, cùng niên đại và có thể coi họ là những lớp cư dân đầu tiên khai phá vùng đất ven biển này. [5:40]

 Đồng ý với ý kiến của Vũ Quốc Hiền thì Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho rằng “trong hệ thống các di tích phát hiện được ở vùng ngập mặn cận biển, di tích Rạch Núi được các nhà khảo cổ học coi là một trong những di tích cư trú sớm nhất, được xếp vào giai đoạn Hậu kỳ Đá mới – Sơ kỳ Kim khí nằm trong khoảng niên đại từ 3.500 – 2.500 năm cách ngày nay. Dựa vào kết cấu tầng văn hóa, đặc trưng di tích, di vật cũng như niên đại, các nhà khảo cổ học cho rằng di tích Rạch Núi có quan hệ đặc biệt với nhóm di tích Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me (Bà Rịa – Vũng Tàu)”. [24:172]

Như vậy có thể thấy rằng mối quan hệ giữa di tích Rạch Núi và nhóm di tích Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me (Bà Rịa – Vũng Tàu) là rất rõ ràng.

3.2.2 Với di tích Gò Me, Cái Vạn (Đồng Nai) :

Gò Me là một giồng cát nổi hơi cao trong vùng ruộng thấp, thuộc Ấp Chính Nghĩa, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trên bản đồ số C48-46-D-C có tên “Phước Lý”, tỉ lệ 1:25.000, do Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước xuất bản năm 1991, Gò Me được xác định ở tọa độ 10040’07” vĩ Bắc, 106051’46 kinh Đông. [35:137]

Phát hiện từ năm 2004 tiến hành điều tra nhiều lần, cho đến tháng 8 năm 2004 tiến hành khai quật di chỉ Gò Me với tổng diện tích 204m2  với 6 hố thám sát và 3 hố khai quật. Trên diện tích khai quật rộng của di chỉ đã thu được một số lượng lớn di vật với 168 công cụ đá bao gồm các loại hình như rìu bôn tứ giác, rìu bôn có vai, đục, bàn mài, hòn nghiền, bàn nghiền, lõi vòng, mũi giáo, dao hái, khuôn đúc, mảnh vỡ công cụ, mảnh tước và cả đá nguyên liệu, 3 hiện vật đồng, 1 hiện vật sắt, một hiện vật bằng xương, đồ trang sức bằng gốm, hạt chuỗi, lục lạc, đồ gốm và xương động vật. Như vậy, qua đợt khai quật đã thu được rất nhiều tư liệu quý báu trong việc nghiên cứu tiền sử vùng ngập mặn tỉnh Đồng Nai.

Niên đại của di chỉ Gò Me qua phân tích 3 mẫu than cho kết quả, mẫu 1 cho niên đại 2.690±80 năm cách ngày nay, mẫu 2 cho niên đại 2.910±55 năm cách ngày nay và mẫu 3 cho niên đại 1.820±60 năm cách ngày nay. Với những niên đại qua phân tích thì Phạm Quang Sơn cho rằng ở di tích Gò Me có hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn sớm cư dân ở đây đã tồn tại trong khoảng 3.000 – 2.700 năm cách ngày nay. Giai đoạn muộn có thể đã tồn tại trong khoảng thời gian từ 2.700 – 1.800 năm cách ngày nay. [35:174]

Cùng với kết quả khai quật thu được ở di tích Gò Me (Đồng Nai) trước hết khẳng định sự tồn tại và phát triển của những cộng đồng dân cư cổ ở vùng ngập mặn ven biển Nhơn Trạch – Bà Rịa Vũng Tàu – Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) vào những thời kỳ rất sớm. Họ đã tạo dựng ở đây một nền văn hóa đầy bản sắc riêng biệt và nơi đây là chốn định cư khá lâu dài của cư dân cổ qua nhiều giai đoạn. Đồng thời Phạm Quang Sơn đã so sánh bộ di vật ở đây với di vật ở di tích Rạch Núi (Long An) và đã thấy có nhiều mối tương đồng cả ở loại hình đồ đá lẫn đồ gốm.

Về đồ đá số lượng rìu có vai áp đảo số lượng rìu tứ giác, nhiều công cụ như rìu bôn có vai, rìu tứ giác, đục…có kỹ thuật chế tạo và loại hình mang dáng dấp của nền văn hóa miền Đông Nam Bộ  trong các giai đoạn sớm. Tuy nhiên, cũng có loại rìu thân hẹp hơn vai là đặc trưng của giai đoạn muộn ở di tích An Sơn và Rạch Núi. [35:173]

Như vậy, Phạm Quang Sơn đã có sự so sánh về mặt công cụ rìu ở di tích Gò Me và Rạch Núi, mặc dù về loại hình di vật đá ở Gò Me đa dạng và phong phú hơn ở Rạch Núi, nhưng chúng ta có thể thấy những loại hình công cụ ở Gò Me như rìu có vai, rìu bôn hình thang, đục, bàn mài, hòn nghiền cũng đều có ở Rạch Núi đều này cũng cho thấy được xu hướng chung trong việc sử dụng loại hình công cụ để sản xuất. Bàn mài ở hai di tích đều có sự giống nhau về chất liệu và cả loại hình, đều được làm bằng đá sa thạch hạt thô và mịn, đều có các loại bàn mài phẳng, lõm và rãnh, chỉ có điều khác biệt là bàn mài ở Rạch Núi được sử dụng để mài khá nhiều mặt còn ở Gò Me thì chỉ thấy mài ở 1 hoặc 2 mặt, một điểm cũng đáng lưu ý là một vài bàn mài ở Gò Me nhìn vào rất giống khuôn đúc rất khó phân biệt.

Còn về loại hình đồ gốm, Phạm Quang Sơn ghi nhận được ở giai đoạn muộn của Gò Me của các hố khai quật H2, TS1, TS6 có đặc trưng của giai đoạn này là loại gốm bở có thành phần chủ yếu là sét pha nhiều bã thực vật. Loại gốm này được sử dụng chủ yếu chỉ để làm các loại hình vò thân tròn hình cầu, miệng khum. Loại hình này phổ biến ở các di tích vùng ngập mặn Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) và nhất là ở di tích Rạch Núi (Long An), có thể được coi là đồ đựng chuyên dụng, để chứa nước hoặc các loại thực phẩm. [35:174]

Ngoài ra ở Gò Me cũng thấy xuất hiện loại hình cà ràng với số lượng 15 mảnh được làm bằng chất liệu sét pha nhiều bã thực vật và sét pha cát [25:194], đây là loại hình cũng thấy xuất hiện rất nhiều ở di tích An Sơn và Rạch Núi (Long An) nên có thể cũng có sự giao lưu văn hóa của nhóm các di tích đầm lầy cận biển như ở một số vùng Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh và Long An. Như vậy điểm qua một số yếu tố tương đồng của loại hình đồ đá và đồ gốm ở di tích Gò Me và Rạch Núi chúng ta cũng có thể thấy được có sự liên hệ trong vấn đề trao đổi của cư dân cổ ở hai di tích này.

Cái Vạn thuộc địa phận ấp 3, xã Phước Thọ, huyện Long Thành, Đồng Nai, cách thị xã Biên Hòa khoảng 40 km về phía đông nam (nay là thành phố Biên Hòa), cách Long Thành 8km về phía nam. Vùng này ở gần biển, thế đất thấp, lại nằm đầu ngọn những con rạch ăn ra sông Thị Vải, nối liền với vịnh Gành Rái, nên từ lâu thường xuyên bị nước triều dâng làm xói lở phần lớn khu di tích. Hiện nay, mỗi khi nước xuống có thể nhặt dưới lòng rạch rất nhiều mảnh gốm và rìu đá. Phạm vi khu di tích có thể rộng tới vài chục nghìn mét vuông. [47:156]

Di tích Cái Vạn biết đến năm 1977 do một số nhân dân địa phương tặng cho cơ quan văn hóa địa phương khoảng 100 hiện vật như rìu đá, bàn mài. Đến tháng 4  năm 1978 Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học xã hội và cán bộ Ty Văn hóa – Thông tin tỉnh Đồng Nai khai quật với diện tích là 100m2  đã thu được một số lượng hiện vật khá nhiều, tổng cộng thu được 182 đồ đá và 1069 mảnh gốm, đồ đá gồm có các loại hình như rìu có vai, rìu tứ giác, đục, khuôn đúc, bàn mài, chày nghiền và hòn kê, đồ gốm không rõ loại hình cụ thể do những mảnh quá nhỏ, chỉ biết có hai loại gốm mịn và gốm xốp. [47:156 – 159]

Nhận định về cuộc khai quật lần này, Vũ Quốc Hiền cho biết “di chỉ cư trú Cái Vạn thuộc vào giai đoạn đầu của thời đại đồng thau, cách nay khoảng 3.500 – 4.000 năm”. [47:161]

Sau một thời gian dài bị bỏ quên, mãi đến năm 1996 di tích Cái Vạn mới được khai quật lần thứ hai với tổng diện tích 118 m2 và triển khai với 4 hố khai quật, kết quả thu được với 50.954 tiêu bản gồm nhiều loại hình như đồ đá, đồ gốm, đồ kim loại và nhóm hiện vật hữu cơ như cọc, kiếm, mũi nhọn, cán các loại dao kiếm, xiên có một hoặc hai ngạnh. [5:31]

Qua đợt khai quật Cái Vạn lần này thì những người khai quật đã có nhận định kỹ hơn về di tích này “Đây là một di chỉ - xưởng hình thành ban đầu trong thời đại đồng thau, khởi sự cho công cuộc lấn biển cả ngàn năm sau đó bằng những khu định cư lớn rộng ở các gò cao mép sông rạch bằng nhà sàn. Thông qua những vết tích văn hóa thu được từ cuộc khai quật lần này và kết quả phân tích C14 trên một số mẫu gỗ, Phạm Đức Mạnh cho rằng di tích Cái Vạn nằm trong khung niên đại 3.500 – 2.500 năm cách ngày nay”. [5:32]

Như vậy qua 2 lần khai quật di tích Cái Vạn ta thấy được tính chất và đặc trưng văn hóa của nó là một khu di tích nằm trong vùng ngập mặn của Đồng Nai đồng thời với quá trình phát triển lâu dài của nó thì những cư dân ở đây đã tiến hành giao lưu văn hóa với nhiều vùng như Cầu Sắt (Xuân Lộc – Đồng Nai), Bến Đò (thành phố Hồ Chí Minh), Gò Đá (Bình Dương) và xa hơn cả đó là di tích Rạch Núi (Long An).

Mối liên hệ giữa hai di tích Cái Vạn (Đồng Nai) và Rạch Núi (Long An) thể hiện rất rõ trong loại hình di vật đá. Về loại hình công cụ, cả hai cùng sử dụng các công cụ giống nhau như cuốc, rìu có vai, rìu tứ giác, đục, bàn mài, chày nghiền hòn kê chỉ khác biệt nhau về số lượng. Trong đó đối với loại hình rìu vai hẹp, lưỡi xòe, thân dày so với chiều rộng, mặt thân có hình thang cân, đốc hẹp lưỡi xòe của di tích Cái Vạn gần xấp xỉ những lưỡi rìu xòe tìm thấy ở Rạch Núi (Long An) [47:158], hay là ở rìu hình thang lưỡi xòe với phần rìa lưỡi được mài khá cẩn thận, một mặt vát, một mặt phẳng, trên thân còn để lại nhiều vết ghè đẽo ở di tích Cái Vạn cũng rất giống với một số rìu xòe ở Rạch Núi [47:158], loại hình cuốc ở Cái Vạn trong đợt khai quật năm 1996 với kiểu cuốc thân dày thô, rìa lưỡi được mài nhẵn, đốc hẹp, thân xòe rộng cũng rất giống với loại hình cuốc thô dày ở di tích Rạch Núi đợt khai quật năm 1978. Như vậy qua nghiên cứu di vật đá ở hai di tích Cái Vạn và Rạch Núi ta thấy có nhiều nét tương đồng. Vũ Quốc Hiền đã nhận định “Sự gần gũi những chiếc rìu vai hẹp ở hai di tích (tuy chất liệu khác nhau) nhưng đã gợi lên mối liên hệ văn hóa thời cổ ở đây, cùng quan hệ tiến hóa giữa hai loại hình rìu vai và rìu không vai cùng chiều hướng phát triển của các loại hình công cụ đá” [47:162].

Như vậy, ta có thể thấy rằng, hai nhóm cư dân cổ ở hai di tích Cái Vạn (Đồng Nai) và Rạch Núi (Long An) đã có mối quan hệ giao lưu trao đổi văn hóa trong quá trình sinh sống rất lâu dài trên vùng đất của mình.

3.3 Thử phác họa đời sống cư dân cổ ở Rạch Núi

Theo kết quả phân tích bào tử phấn hoa đã cho thấy môi trường sinh thái ở Rạch Núi có độ ẩm tương đối cao, trong khi phân tích đã xác định có giống cây Đước là một loại thực vật ở vùng ngập mặn.

Điều đó đã chứng tỏ rằng cách đây hàng ngàn năm cư dân vùng Rạch Núi sống trong môi trường sinh thái ven sông cận biển chịu tác động của thủy triều.

Ngoài ra còn xác định đa số các mẫu đều chứa bào tử phấn hoa nhưng số lượng đều rất ít, các mẫu hầu hết đều chứa bào tử của các loài cây thuộc ngành Dương Xỉ (Polypodiaceae) chứng tỏ khu vực này có độ ẩm tương đối cao. Bên cạnh đó còn tìm thấy hạt phấn của một số loài thực vật thân bụi, thân thảo chủ yếu thuộc các loài Rubiaceae gen.indet (họ Cà phê), Poaceae gen.indet (họ Hòa thảo), Hibiscus sp (họ Bông), Chenopodium sp (họ Rau Muối). [22: 53]

Trong môi trường như vậy, cư dân Rạch Núi khó có thể làm nông nghiệp để sinh sống mà chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lợi ven biển là phương thức chính. Trong vùng hệ sinh thái này có những kênh rạch sông ngòi chằng chịt đồng thời có những kho nước ngọt dự trữ trong những tháng mưa để tích trữ nước ngọt cho đời sống hàng ngày. Đây chính là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho cộng đồng cư dân sống trong vùng này.

Ngoài ra trong các loại hình đồ gốm của cư dân ở đây cho thấy xuất hiện một số lượng lớn các loại hình nồi, vò, bình...làm bằng gốm pha thực vật, có văn thừng. Có thể những đồ gốm này ngoài tác dụng đun nấu và đựng lương thực, nó còn được dùng trong việc dự trữ nước ngọt. Tuy điều kiện môi trường không thích hợp cho việc làm nông nghiêp nhưng cư dân ở đây có thể ăn một số loại rau củ thích hợp cho điều kiện này.

Trong tầng văn hóa của di chỉ Rạch Núi, ngoài những di vật tìm được còn thấy được một số lượng xương động vật, xương cá, xương thú và hàng ngàn mảnh vỏ nhuyễn thể cho thấy nguồn lợi thực phẩm ở đây tương đối dồi dào. Tuy nhiên có một điều đáng lưu ý là hoạt động săn bắt thú rừng diễn ra chưa thật sự mạnh mẽ, phổ biến như hoạt động săn bắt động vật biển. Nó chỉ phát triển và mở rộng ở thời kỳ sau, song song với việc hình thành các rừng cây lớn trên vùng đất cũ ổn định và sự gia tăng của các loài thú rừng. Có thể nghĩ rằng: “Cư dân cổ Rạch Núi trước hết là những ngư dân giỏi, và cũng là những nhà đi săn thiện xạ.” [33:121]

Không những nguồn lợi thực phẩm dồi dào mà ngay cả phương thức chế biến thức ăn cũng đa dạng, họ không chỉ nấu chín thực phẩm mà còn nướng thực phẩm để ăn, dấu tích còn để lại đó là các đồ nhuyễn thể, hiện tượng vỏ nhuyễn thể bị cháy là minh chứng cho việc nướng để chế biến thức ăn.

Ngoài ra, qua nghiên cứu còn cho thấy rằng cư dân Rạch Núi đã thuần dưỡng chó và lợn. Họ cũng ăn thịt cả chó vì những mảnh vỡ của sọ chó đã bị đập vỡ. Như vậy có thể thấy rằng hoạt động kinh tế khai thác tự nhiên là thế mạnh của cư dân ở đây. Việc khai quật các nguồn lợi từ tự nhiên cũng giúp cho việc trao đổi với môi trường bên ngoài có thể để đổi lấy nước ngọt.

Về bộ di vật thu được qua các đợt khai quật ở di chỉ Rạch Núi cũng đã giúp người đọc phần nào hiểu được về đời sống của cư dân ở đây. Đồ gốm với số lượng lớn lên tới hàng vạn tấn gốm, một số lượng hết sức đáng kể, việc nhận định Rạch Núi “nghề thủ công nghiệp làm gốm” là khá thuyết phục với rất nhiều đống vỏ nhuyễn đâm nhuyễn nhỏ ra để pha vào trong thành phần nguyên liệu xương gốm, nhiều mảnh gốm ở vành miệng bị méo mó trước và trong khi nung và cũng có thể cư dân đã sử dụng những công cụ bẳng yếm rùa để tham gia vào chế tác gốm.

Từ đó có thể nghĩ rằng nơi đây đã từng tồn tại một xưởng chế tạo đồ gốm cổ, mà trong đó phổ biến nhất là làm các loại đồ gốm thô cứng chắc nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ như đựng nước ngọt và thực phẩm.

Bộ di vật đá cũng góp phần không nhỏ vào vấn đề đời sống vật chất của cư dân Rạch Núi. Họ sử dụng những công cụ này cho những hoạt động sản xuất thường ngày như đốn, chặt cây, đào bới củ và có thể sử dụng cuốc để xới đất trồng trọt các loại củ quả, hay vào những hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển, do không có nguồn nguyên liệu đá nên việc có nhiều bàn mài là điều khá dễ hiểu, trong quá trình sử dụng nếu có những hư hỏng hoặc sứt mẻ thì họ sẽ mài lại cho sắc bén để sử dụng tiếp.

Cư dân Rạch Núi có xu hướng lựa chọn nguyên liệu để chế tác công cụ cho phù hợp, sử dụng cẩn thận và biết tiết kiệm nguyên liệu để mức có thể bằng chứng để lại cho thấy được số lượng mảnh vỡ công cụ ở đây rất ít và ở 1 tiêu bản đục có dấu vết rõ ràng của việc chuyển hóa công cụ từ rìu bôn tứ giác sang loại hình đục để sử dụng tiếp.

Ngoài ra, đối với loại hình hòn ghè, mặc dù đã định danh cho nó nhưng vẫn không ngoại trừ khả năng nó là những viên đá thờ trong đời sống cư dân ở đây. Do số lượng những di vật này tìm thấy rất ít và ở những lớp cũng tương đối sớm. Ảnh hưởng của đồ đá trong đời sống vật chất của cư dân Rạch Núi là đều không thể phủ nhận được trong suốt một thời gian khá dài.

Ngoài ra sự chuyển biến từ loại hình rìu bôn có vai sang rìu bôn tứ giác là sự biểu hiện về mặt sớm muộn. Nó nằm trong truyền thống chung ở khu vực Đông Nam Bộ đó là truyền thống rìu vai xuất hiện sớm hơn và dần chuyển sang rìu tứ giác.

Trong vấn đề quan hệ và trao đổi với các vùng khác điển hình là vùng lưu vực sông Vàm Cỏ với các di tích An Sơn, Lộc Giang là điều thấy rất rõ. Đồ đá giống nhau cả về mặt chất liệu lẫn loại hình khá đơn giản, sự khác nhau không phải về tính chất văn hóa và ở niên đại sớm hay muộn. Chẳng hạn như ở An Sơn rìu có vai tìm được tương đối nhiều. Còn ở Rạch Núi thì ít hơn, nhiều ý kiến cho rằng Rạch Núi có niên đại muộn hơn An Sơn. Nhưng dù sớm hay muộn thì ta vẫn thấy những vùng này có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Nhìn về xa hơn đó là khu vực Đông Nam Bộ với các nhóm di tích ở vùng Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu ta thấy cũng có những mối giao lưu trao đổi như về nguồn nguyên liệu đá, về loại hình và chất liệu để chế tác công cụ cũng có sự liên hệ giống nhau, về đồ gốm thì càng có sự gần gũi, điển hình là đồ gốm giữa Rạch Núi và Gò Cá Sỏi (Bà Rịa – Vũng Tàu). Về chất liệu cả hai đều làm từ chất liệu đất sét pha bã thực vật, cùng thuộc địa hình khu vực rừng ngập mặn, loại hình cũng tương tự như ở Rạch Núi bao gồm nồi, bát gốm và bi gốm…Về kỹ thuật chế tác, cư dân ở hai nơi đều sử dụng kỹ thuật nặn tay và bàn xoay, trong đó kỹ thuật nặn tay kết hợp phương pháp bàn đập hòn kê giữ vai trò chủ đạo.

Như vậy có thể thấy rằng xuyên suốt trong cả quá trình sinh sống định cư và phát triển cư dân Rạch Núi đã có mối quan hệ gắn bó với không chỉ các di tích cùng thời trong cùng khu vực sông Vàm Cỏ mà còn có sự liên hệ gắn khít với các di tích ở vùng miền Đông Nam Bộ.

Thử thách trong đời sống cư dân ở Rạch Núi trải qua suốt thời gian dài của nhóm cư dân bước đầu tới khai phá vùng đất mới này không chỉ là nguồn thức ăn để cung cấp đảm bảo cho đời sống hàng ngày, mà còn có những khó khăn thách thức họ đó là sự giao lưu với khu vực bên ngoài, những tai biến từ thiên nhiên, cũng như sự đe dọa của thú rừng. Nhưng họ đã chinh phục được vùng đất này và tạo dựng nó thành một địa bàn cư trú rất ổn định và lâu dài với bằng chứng để lại một tầng văn hóa rất dày. Như vậy có thể thấy được rằng cư dân Rạch Núi là những người thuộc lớp tiền nhân đã đến khai phá vùng đất mới Long An và họ đã chinh phục được nó để tạo dựng sau đó là những văn hóa tiêu biểu ở những giai đoạn tiếp theo.

Tiểu kết chương 3

Trong suốt quá trình lâu dài đến sinh sống tại vùng đất mới thì cư dân cổ Rạch Núi không những đã có mối liên hệ rất gần gũi đối với các di tích vùng ven hạ lưu sông Vàm Cỏ mà còn có sự liên hệ mật thiết, giao lưu trao đổi nguyên liệu và cả kỹ thuật. Điều này đã phản ánh rất nhiều trong bộ di vật nhất là đồ đá và đồ gốm. Xuất phát điểm của di tích Rạch Núi cũng bắt nguồn từ truyền thống rìu vai, đây là truyền thống chung của hầu hết các di tích có niên đại sớm Sơ kỳ kim khí của cư dân vùng Đông Nam Bộ, nhưng ở đây việc sử dụng rìu có vai cũng chỉ ở giai đoạn đầu sau đó chuyển sang hoàn toàn sử dụng rìu bôn tứ giác. Số lượng rìu bôn tứ giác chiếm vị trí áp đảo so với nhóm rìu bôn có vai.

Với các di tích ở vùng lưu vực sông Vàm Cỏ thì mối quan hệ về khu vực khá liền nhau đã làm cho các cư dân cổ ở đây có sự trao đổi khá lâu dài trong sự tồn tại của mình. Sự trao đổi đó trước hết là thể hiện ở mặt niên đại, trong một số di tích như An Sơn, Lộc Giang, Động Canh Nông và Rạch Núi, những nhóm di tích này có niên đại được biết gần như là sớm nhất ở Long An giai đoạn tiền sơ sử. Niên đại của các di tích này được xác định dựa vào sự phát triển của tầng văn hóa của nó.

Đặc điểm chung của các văn hóa này là có tầng văn hóa dày khoảng 4m, có nơi dày tới 5.3m như Rạch Núi. Việc không tìm được công cụ bằng đồng trong các di tích này đã không so sánh được về sự sớm muộn ở các di tích nên một số ý kiến lấy rìu có vai làm chuẩn để xác định, cho rằng di tích An Sơn và Lộc Giang có niên đại sớm hơn di tích Rạch Núi.

Nhưng theo ý kiến của tôi, An Sơn, Lộc Giang và cả Rạch Núi là những di tích có niên đại tồn tại song song, bởi vì trên thực tế rìu có vai bằng đá tìm được ở các lớp khá sớm, số lượng rìu vai đá mặc dù tìm được ít hơn nhưng bộ sưu tập công cụ có vai bằng mai yếm rùa ở Rạch Núi đã chứng minh được cư dân Rạch Núi đã có mặt rất sớm ở đây và đã biết sử dụng loại hình công cụ có vai để sản xuất.

Ngoài ra trong bộ di vật đá cũng thể hiện sự gần gũi về mặt loại hình, An Sơn, Lộc Giang và Rạch Núi cùng sử dụng loại hình công cụ khá đơn giản như rìu có vai, rìu tứ giác, đục, hòn ghè, bàn mài. Trong đó, rìu có vai cũng như rìu tứ giác và đục đều được chế tác từ chất liệu đá sừng Epidot – Thạch anh là chủ đạo, về loại hình bàn mài cũng vậy, cũng được chế tác từ loại đá sa thạch hạt thô và mịn, bàn mài cũng chiếm số lượng nhiều trong các di tích.

Điều đáng ghi nhận là các di tích này đều không có nguồn nguyên liệu đá để chế tác phải trao đổi nguyên liệu với bên ngoài mà có được nhưng điều đáng chú ý là các di tích ở đây nhập cùng một loại đá có thành phần và tính chất tương tự nhau, điều này cho thấy các cư dân ở những khu vực này có mối liên hệ mật thiết.

Mối liên hệ này càng thể hiện rõ hơn trong kỹ thuật chế tác công cụ, với hai kỹ thuật chính là kỹ thuật ghè đẽo và kỹ thuật mài, nguyên liệu đá sau khi được ghè đẽo tạo công cụ định hình thì họ bắt đầu mài để tạo độ nhẵn bóng cho di vật. Những di vật đá ở đây cho thấy được mài gần toàn thân là chính với hai mặt chính được mài khá kỹ, phần rìa lưỡi mài sắc cạnh và nhẵn bóng để tạo hiệu quả trong sử dụng, phần đốc và hai mặt bên không được mài, hoặc có thì chỉ mài sơ qua, vết ghè đẽo còn để lại rất nhiều trên các mặt đó. Đồ gốm mặc dù có sự khác biệt về số lượng, nhưng về cơ bản cũng có hai loại gốm đó là gốm thô và gốm mịn. Sự khác nhau này có thể nói là do cư dân Rạch Núi bảo lưu dai dẳng truyền thống sử dụng loại gốm xốp thô nhiều bã thực vật. Điều này cũng được nhắc đến như một đặc trưng riêng của di tích Rạch Núi.

Ngoài giao lưu với các di tích cùng thời ở lưu vực sông Vàm Cỏ thì cư dân Rạch Núi còn có mối quan hệ giao lưu với nhóm các di tích ở vùng phù sa cổ và ngập mặn Đông Nam Bộ. Giao lưu đầu tiên là vấn đề nhập nguyên liệu đá, do không có nguyên liệu để chế tác nên việc nhập nguyên liệu để chế tạo công cụ là vấn đề khá hợp lý. Hơn nữa, địa bàn nhập nguyên liệu là Đồng Nai rất thuận lợi cho việc tiến hành trao đổi cũng như vận chuyển. Việc giao lưu này cũng tạo điều kiện cho việc học hỏi kỹ thuật chế tác đồ đá.

Thứ hai là sự giao lưu ở khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt là nhóm di tích vùng ngập mặn ở Bà Rịa – Vũng Tàu như di tích Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me. Sự tương đồng về đồ gốm cũng như chất liệu và loại hình đồ đá của Rạch Núi với các di tích này đã không thể nào phủ nhận được rằng trong quá khứ các di tích này đã có sự liên hệ mật thiết với nhau, và hệ quả của mối liên hệ đó là việc học hỏi kinh nghiệm và giao lưu văn hóa góp phần vào việc làm phong phú thêm bộ di vật của mình.

Như vậy, có thể thấy là ngay từ rất sớm nhóm cư dân Rạch Núi đã có mối liên hệ với nhóm các di tích cùng thời ở khu vực sông Vàm Cỏ và khu vực Đông Nam Bộ. Mối liên hệ đó góp phần vào việc tìm hiểu sâu sắc hơn về đời sống của cư dân cổ vùng Đông Nam Bộ, những vấn đề này sẽ được tiếp tục tìm hiểu để có thể phác họa rõ nét về đời sống kinh tế vật chất cũng như đời sống tinh thân của cư dân Đông Nam Bộ nói chung và cư dân Rạch Núi nói riêng.

Ngoài ra, qua nghiên cứu bước đầu về di vật đá ở Rạch Núi qua đợt khai quật năm 2003 cùng với những di vật khá thu được ở đây đã nói lên được phần nào về đời sống của cư dân Rạch Núi ở giai đoạn này, họ là những người sản xuất gốm, săn bắt thu lượm hiện vật và đã thuần dưỡng được gia súc. Các công cụ lao động đã hỗ trợ không nhỏ trong việc khai thác nguồn lợi thực phẩm, nhuyễn thể biển, các loài động thực vật…để đảm bảo được cho cư dân Rạch Núi có thể tồn tại trong một thời gian khá dài.

Cùng với những thuận lợi đó thì chắc hẳn rằng trong quá khứ cư dân Rạch Núi cũng đã chịu khá nhiều thử thách, những thiên tai đến từ thiên nhiên, từ sông biển cũng như là những đe dọa của thú rừng và nguồn lợi thực phẩm, nhưng chính những khó khăn này đã làm cho cư dân Rạch Núi mạnh mẽ hơn để tiến tới việc chiếm lĩnh, mở rộng địa bàn và định cư trong suốt khoảng thời gian hết sức lâu dài.
diepkhaoco52
diepkhaoco52
Member
Member

Tổng số bài gửi : 25
Join date : 03/12/2011
Age : 33
Đến từ : Cam Lâm - Khánh Hòa

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết