khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ

Go down

Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ Empty Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá của cư dân Đồng Nai cổ

Bài gửi by diepkhaoco52 Wed Jun 26, 2013 5:00 pm

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]DẪN LUẬN[/b]

Đồng Nai từ rất sớm đã có con người đến sinh sống, những bằng chứng khảo cổ học đã làm sáng tỏ điều ấy. Trong quá trình đến tụ cư sinh sống thì những cư dân ở đây đã tiến hành những hoạt động sản xuất của mình. Ban đầu mà điển hình là thời đại đồ đá thì cư dân ở đây với phương thức sinh sống chủ yếu là săn bắt và hái lượm dựa vào thiên nhiên là chính, chưa cải tạo được thiên nhiên và do đó nguồn thức ăn cũng phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Với phương thức sống như vậy thì những cư dân này không có định cư tại nơi cư trú của mình mà liên tục thay đổi chỗ ở để thuận lợi cho việc tìm kiếm thức ăn. Nguồn thức ăn không có dư đôi khi còn thiếu hụt. Qua một quá trình sinh sống lâu dài như vậy, với những kinh nghiệm tích lũy được thì họ bắt đầu thuần dưỡng cây trồng và vật nuôi. Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy vào cuối hậu kỳ đá mới khoảng 5000 – 4000 năm thì cư dân ở đây đã bước đầu có sự chuyển tiếp từ phương thức săn bắt hái lượm sang phương thức nông nghiệp sơ khai. Nông nghiệp ra đời thúc đẩy con người mở rộng diện tích để canh tác, tiến hành trồng trọt do đó các hoạt động khai hoang rừng lấy đất được mở rộng, dân số tăng lên và một điều quan trọng là nền nông nghiệp đòi hỏi họ định cư ở khu vực nhất định, không còn phải di chuyển nơi cư trú, ắt hẳn đã có xây dựng nhà cửa để cư trú lâu dài. Bước sang giai đoạn kim khí, đời sống cư dân đã ổn định hơn, do đó nhiều công xưởng chế tác thủ công ra đời nhằm phục vụ cho nhu cầu của xã hội: các di chỉ - xưởng vừa là nơi cư trú vừa là nơi sản xuất, các công xưởng chỉ là nơi tập trung sản xuất chế tác công cụ. Điều đó đã tạo nên một nét đặc trưng riêng, phát triển theo một khuynh hướng riêng do đó một nền văn hóa mới ra đời vào thời đại kim khí được gọi là “Văn hóa Đồng Nai”. “Khoảng 2500 năm cách ngày nay (thế kỷ V trước công nguyên), cư dân cổ Đồng Nai bước vào một truyền thống văn hóa kim khí phát triển”.[1]

Đời sống cư dân ổn định bởi năng suất nông nghiệp đem lại, những cư dân không còn nghĩ đến vấn đề lương thực cung cấp cho đời sống hàng ngày mà thay vào đó một nhu cầu mới nảy sinh đó là làm đẹp cho mình. Chính nhu cầu thiết thực đó đồng thời trong xã hội bấy giờ đã có một số thợ thủ công lành nghề do đó họ tiến hành chế tác đồ trang sức. Những công xưởng chuyên chế tác đồ trang sức ở Đồng Nai được biết đến hiện nay là Bưng Bạc (Châu Thành – Đồng Nai) nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồi Phòng Không (Vĩnh Cửu – Đồng Nai). Họ sản xuất ra nhiều loại hình trang sức như vòng tay đá, hạt chuỗi và hạt trang sức. Việc sản xuất ra những đồ trang sức phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của con người đã phát hiện khá nhiều trên vùng đất Đồng Nai trong thời đại kim khí. Nhưng kỹ thuật chế tác nó như thế nào có giống như những công xưởng chế tác đồ trang sức trong thời đại kim khí ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam hay không ? Và nếu khác thì kỹ thuật chế tác đồ trang sức nào là truyền thống đặc trưng riêng biệt của Đồng Nai? Những cư dân ở đây có khuynh hướng sử dụng nó như thế nào? Loại hình nào được ưa chuộng hơn? Đó là những vấn đề thắc mắc khá nhiều của các nhà nghiên cứu. Chính những vấn đề đó cũng thúc đẩy tôi đi tìm hiểu và tìm kiếm lời giải đáp từ những tư liệu mà những người trực tiếp khai quật đã nhìn nhận. Tuy nhiên, chưa có nhiều nhà khảo cổ nghiên cứu về vấn đề này, nếu có chăng chỉ đề cập tới một vài khía cạnh thực tế cũng chưa làm rõ. Thực tế nhìn nhận chỉ có một bài nghiên cứu của PGS.TS. Bùi Chí Hoàng đó là Địa điểm khảo cổ học Đồi Phòng Không và kỹ thuật chế tác vòng tay đá ở Đồng Nai là thực sự có giá trị để có thể hiểu một phần nào về kỹ thuật chế tác vòng tay đá ở Đồng Nai. Chính điều đó là lí do giúp tôi mong muốn đi tìm hiểu và nghiên cứu về vấn đề này. Do đó tôi chọn đề tài “ [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá trong văn hóa Đồng Nai[/b]”.

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]NỘI DUNG[/b]

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]I. Nguồn gốc và các kỹ thuật chế tác đồ trang sức ở Việt Nam: [/b]

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]1/Nguồn gốc ra đời của kỹ thuật chế tác đồ trang sức ở Việt Nam:[/b]

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]          [/b]Kỹ thuật chế tác đồ trang sức cổ ở Việt Nam ra đời sớm trong giai đoạn tiền sơ sử. Nó được hình thành trong quá trình sống của con người. Tức là trong quá trình lao động mà ra đời. Hai vế song hành luôn bổ sung và hỗ trợ cho nhau đó là, một bên là vấn đề sản xuất lương thực thực phẩm, còn một bên là sản xuất phi lương thực của các ngành thủ công. Hai vấn đề này giúp xác lập hệ thống những đặc trưng riêng mang tính tộc người và đồng thời nó giúp phản ánh tính tương hỗ cho những tiến bộ của nền nông nghiệp cổ. Vì sự ra đời và phát triển của những kỹ thuật cổ thường là những phản ánh chân thực của nền tảng nông nghiệp ổn định và đủ ăn, nhờ thế các ngành nghề thủ công và các kỹ thuật thủ công cổ mới có điều kiện phát triển.[2]

          Với nền nông nghiệp ổn định đó thì đã ổn định được nơi ở, vấn đề lương thực cũng được đảm bảo thì một yêu cầu mới ra đời đó chính là làm đẹp. Dựa vào nhu cầu đó của xã hội thì một nhóm thợ lành nghề đã mở rộng lĩnh vực sản xuất, ban đầu chỉ sản xuất công cụ đá để phục vụ nông nghiệp giờ mở rộng ra sản xuất chế tác đồ trang sức. Bước đầu họ không tách riêng biệt ra mà chế tác công cụ đá với đồ trang sức chung. Nhưng do nhu cầu sử dụng của xã hội cao mà sản phẩm không đủ phục vụ nên họ bắt đầu chuyên môn sản phẩm, công xưởng dành cho việc chế tác đồ trang sức. Những công xưởng chuyên chế tác đồ trang sức bằng đá trong thời đại kim khí ở Việt Nam đã phát hiện khá nhiều như Hồng Đà, Bãi Tự, Tràng Kênh, Bưng Bạc, Đồi Phòng Không…những sản phẩm do họ tạo ra gồm nhiều loại hình, với đủ các chất liệu đá đã thể hiện được sự chuyên môn hóa cũng như sự khéo tay tỉ mỉ để làm ra nó.

          Tuy nhiên, trong quá trình chế tác đồ trang sức thì nhu cầu về giao lưu, học hỏi và cải tiến kỹ thuật là điều không thể thiếu. Việc giao lưu và trao đổi kỹ thuật thì giúp cải tiến được những khuyết điểm, những sai sót trong chế tác đồ trang sức, đồng thời nâng cao được tính thẩm mỹ, tính chuyên môn cũng như là tạo ra được nhiều loại hình hiện vật. Cũng có những vùng tự họ không biết đến đồ trang sức mà chỉ nhờ thông qua việc trao đổi và giao lưu kỹ thuật mà học được. Tuy nhiên, bản chất của kỹ thuật mang tính tự thân nhiều hơn là du nhập.

Có hai lĩnh vực kỹ thuật chế tác đồ trang sức đó là lĩnh vực chế tác thô sơ bao gồm đá, chế tác gốm, gỗ tre nứa…và lĩnh vực chế tác kỹ thuật bao gồm sản xuất kim loại, chế tác đồ ngọc, thủy tinh…Tuy nhiên theo quan điểm của tôi thấy rằng cách phân chia thành hai lĩnh vực thì nó hơi khập khiểng và không xác đáng. Thực tế để chế tác từ một tảng đá thành một vòng tay thì rất phức tạp, ngoài đòi hỏi sức lực ra thì cần có tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, thể hiện sự khéo léo và chuyên nghiệp. Do đó ở hiện vật nào mà khi người ta chế tác thành loại hình công cụ thì cái việc chế tác đó đều là kỹ thuật.

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]2/ Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá ở Việt Nam :[/b]

a. Kỹ thuật ghè đẽo: Ghè đẽo là hình thức kỹ thuật đầu tiên ra đời cũng với sự nhận biết của con người về nhu cầu sử dụng công cụ đá. Đây cũng là hình thức kỹ thuật được bảo lưu dai dẳng nhất trong tất cả các giai đoạn phát triển kỹ thuật chế tác đá. Kỹ thuật ghè sử dụng trong việc tạo phác vật để chế tác đồ trang sức.

b. Kỹ thuật tu chỉnh ép: Tu chỉnh ép chính là đỉnh phát triển cao của kỹ thuật ghè biểu thị một hình thức kỹ thuật mới làm nên những sản phẩm đá hoàn thiện hơn kỹ thuật ghè bằng một lực nhỏ và chọn chính xác điểm ép. Quan niệm cũ cho rằng trên đất nước ta, không tồn tại kỹ thuật tu chỉnh ép đã bị bác bỏ khi Tràng Kênh, Bãi Tự được phát hiện, khai quật với những mũi khoan nhỏ bé trên thân đầy các vết ép ly ty. Không những thế, khi Bãi Tự và Tràng Kênh được khai quật lần thứ II, hàng chục vạn vảy ép, vảy tước bằng đá làm mũi khoan có kích thước chỉ 0,3 cm đã được đưa ra khỏi lòng đất, hiện thực này lại càng chứng minh[3]. Kỹ thuật ép được dùng trong chế tác đồ trang sức ở Việt Nam thông qua hỗ trợ các công cụ chế tác như là sử dụng ép để chế tạo mũi khoan hoàn chỉnh. Về công cụ để ép là bằng gỗ hay là mũi nhọn xương. Phương pháp này cho phép người thợ tu chỉnh ép không chỉ sử dụng lực của bàn tay mà còn có thể dùng trọng lượng của bản thân nữa.

c. Kỹ thuật cưa : Kỹ thuật cưa đóng vai trò nòng cốt, cơ bản trong việc sản xuất. Hàng vạn mảnh đá phát hiện có dấu cưa và các dấu cưa còn rơi rớt lại trên vô số di vật là những bằng chứng tồn tại của kỹ thuật này. Trên hai mép của rìu, đục, nơi dấu mài chưa kịp xóa hết các dấu cưa, các mũi nhọn, các phác vật vòng chỉ có dấu cưa, hàng loạt đá nguyên liệu có dấu cưa và đặc biệt, hàng nghìn lưỡi cưa lớn nhỏ khác nhau cùng các phác vật cưa và mảnh cưa vụn còn lại trong tầng văn hóa cho phép chúng ta nghiên cứu về kỹ thuật cưa trong việc chế tác đồ trang sức.[4]

          Qua các mảnh đá còn lại có dấu cưa, có thể quan sát cách cưa của người thợ chế tác đá: Với những vật mỏng, người ta cưa một nhát thẳng sau đó còn lại một chút thì đập. Nhưng với những vật dày từ 1 – 2 cm hoặc hơn, người thợ thường cưa hai rãnh của hai mặt, sau đó đập cho gãy rời và như thế, quy trình cưa đã hoàn thiện. Những nghiên cứu về kỹ thuật cưa trước đây cho thấy trong quá trình cưa, người ta thường rắc cát mịn hay bụi đá và nước vào rãnh cưa để dễ tiến hành thao tác này. Thực nghiệm cho thấy việc rắc cát mịn vào rãnh cưa là không cần thiết mà chỉ cần có nước hoặc thêm bột đá. Trong thực tế, khi lưỡi cưa cọ xát vào đá, cả vật được cưa lẫn lưỡi cưa đều dễ dàng sinh ra bột đá. Nóm tóm lại, cưa được dùng rất phổ biến trong việc chế tác đồ trang sức. Cưa được dùng để cắt góc phác vật vòng, cưa còn được dùng để cắt đôi các lõi vòng cho mỏng để chế tác thành vòng đeo mỏng hơn. Trong công đoạn tách phác vật hạt chuỗi hình ống thành nhiều hạt chuỗi mỏng hơn, cưa cũng được dùng phổ biến.

d. Kỹ thuật khoan : Khoan có thể hiểu là “doa” để tạo ra lỗ thủng. Do vậy, thuật ngữ “khoan” được sử dụng trong các trường hợp dùng một vật khác (thường là mũi nhọn) tác động lên một vật để tạo lỗ lõm. Khoan là hình thức kỹ thuật quan trọng nhất khi nghiên cứu kỹ thuật chế tác đồ trang sức. Có hai kiểu khoan đó là khoan lỗ (chế tạo hạt chuỗi) và khoan tách lõi (chế tạo vòng tay). Phương pháp khoan lỗ theo Semenov thì được tiến hành bằng nhiều cách đó là khoan 1 tay (dùi), khoan vo hai tay, khoan cung hay khoan đĩa. Còn phương pháp khoan tách lõi là dùng phương chuyển động của mũi khoan trong chế tác vòng đeo là phương thẳng đứng và vuông góc với vật được khoan. Khoan tách lõi gồm hai cách đó là phương pháp khoan kiểu compa và phương pháp khoan cung hay khoan đĩa với mũi khoan hình ống bằng xương  hay tre nứa.

          Như vây, với nghiên cứu loại hình, dấu vết kết hợp với thực nghiêm hai phương pháp khoan thì cho thấy trong kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá ở nước ta đã bước đầu phác thảo được hai hình thức đó là khoan lỗ và khoan tách lõi thích ứng với các tư liệu để lại ở các công xưởng trên. Tuy nhiên bản chất của sản xuất thủ công là rất sáng tạo, muôn hình muôn vẻ - chúng ta không loại trừ khả năng, để đạt đến các kết quả như nhau, mỗi một người thợ lành nghề lại có một sáng tạo, cải tiến riêng của mình trong quá trình sản xuất, nên rất có thể còn có nhiều cách khoan khác tồn tại ở Tràng Kênh, Bãi Tự, Hồng Đà.[5]

e. Kỹ thuật đục : Kỹ thuật đục để chế tác vòng đeo là một hình thức kỹ thuật tồn tại khá phổ biến ở nhiều công xưởng chế tác đồ trang sức như Hồng Đà, Chợ Gành, Thọc Kim, Bưng Bạc, Đồi Phòng Không.

          Một đặc điểm chung về nguyên liệu cho tất cả các công xưởng có mặt loại hình kỹ thuật này là đều sử dụng loại đá spilite, dễ khai thác, dễ đục đẽo khi đá còn tươi, mềm (độ cứng cương giai Moss). Sau khi khai thác xong, nguyên liệu được đem về công xưởng, pha nhỏ ra để thành các phác vật hình đĩa, sau đó ghè tu chỉnh để có những phác vật hình tròn dẹt, mặt cắt hình ovan. Đáng chú ý là khâu tạo dáng ban đầu được tiến hành chung cho cả hai loại (khoan tách lõi và đẽo). Số lượng mảnh tước nhiều ở đây cho thấy kỹ thuật này là chủ đạo. Những phác vật hình đĩa đủ tiêu chuẩn để đục thủng lõi, phải tương đối phẳng ở hai mặt và có kích thước gần gũi với kích thước chiếc vòng định làm, đường kính vào khoảng 10 – 12 cm. Khâu đục lõm lòng là khâu cốt yếu trong quá trình chế tác vòng.[6]

f. Kỹ thuật mài : Đây là hình thức kỹ thuật bảo lưu rất lâu dài trong đời sống con người, từ tiền sử đến hiện đại. Đây là kỹ thuật không thể không sử dụng trong các công xưởng chế tác đồ trang sức. Kỹ thuật chế tác đá càng cao, càng tinh xảo thì kỹ thuật mài càng được chú trọng.[7]

Dựa vào số lượng những bàn mài được phát hiện ở các công xưởng chế tác đồ trang sức có thể chia ra làm ba loại:

v Bàn mài bằng: là loại để mài nhẵn các phác vật và công cụ. Trong số này có những bàn mài hạt thô và những bàn mài hạt mịn. Bàn mài hạt thô được dùng trong trường hợp mài phá lúc đầu trên toàn thân vật bị mài. Sau đó mới sử dụng các bàn mài mịn hơn để mài nhẵn bóng và sắc bén. Quá trình mài liên tục bị rảy nước. Những vết lõm lòng hình chảo hay các vết phẳng trên bàn mài bằng chính là dấu vết còn lại của hình thức bàn mài này.

v Bàn mài trong: là loại bàn mài có tính năng chuyên hóa hơn. Loại này chỉ để sử dụng mài nhẵn mặt trong của đồ trang sức. Vì vậy loại bàn mài này được dùng để chế tác vòng đeo trang sức. Nhiều người gọi nó là “dũa đá” hay “bàn mài tròn”. Tác dụng của nó đối với vật mài hoàn toàn khác xa với bàn mài bằng. Người ta có thể di động bàn mài theo kiểu doa xoay tròn, nhất là trong trường hợp độ cong của bàn mài vừa khít với độ kính trong của vòng. Kiểu mài này không chỉ làm cân xứng và nhẵn nhụi mặt trong của vòng có độ cong hay thẳng tùy theo dụng ý của người mài. Người ta sử dụng bàn mài trong để trau chuốt cho hiện vật nhẵn bóng.

v Bàn mài rãnh: Được dùng để mài mặt ngoài của vòng, mặt ngoài hạt chuỗi, các cạnh nhỏ của công cụ sản xuất hay để mài nhẵn toàn bộ mũi khoan.

 g. Kỹ thuật chuốt bóng: Kỹ thuật chuốt bóng dường như chỉ được sử dụng để làm bóng, làm đẹp các đồ trang sức. Trong các công xưởng cũng như các di chỉ cư trú, đôi khi chúng ta bắt gặp các vòng đeo, nhẫn, hạt chuỗi,.. được đánh bóng đến mức kỳ lạ. Trong trường hợp này, các bàn mài bằng đá sa thạch dù mịn đến mấy cũng bị gạt ra ngoài vì chất liệu của loại bàn mài này dẫu sao cũng có hàm lượng hạt thạch anh nhỏ, rất dễ gây ra các vết sước ly ty trên bề mặt di vật.[8]

Ở Việt Nam, trong các công xưởng chế tác đồ trang sức như Bãi Tự và Tràng Kênh có phát hiện được một số mảnh đá mỏng rất mịn. Chúng giống như những chiếc đục nhỏ có mặt cắt hình chữ nhật, nhưng không có rìa lưỡi, trên thân có những dấu hiệu lõm lòng. Đá có màu xám, trắng, chất liệu mềm, có thể dùng móng tay cạo ra được bột đá – khi phân loại những di vật này những người khai quật khá băn khoăn nhưng cuối cùng cũng xếp chúng vào loại bàn mài chuốt, dùng để đánh bóng bề mặt đồ trang sức.[9] Ngoài ra, cũng có thể dùng loại lá cây rừng (lá duối, xơ thân chuối) ngâm nước để đánh bóng.

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]II. Kỹ thuật và quy trình chế tác đồ trang sức bằng đá trong văn hóa Đồng Nai:[/b]

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]1/ Nguồn nguyên liệu chế tác :[/b]

Trước khi tiến hành quy trình chế tác trang sức bằng đá thì ta phải có nguồn nguyên liệu. Vậy cư dân văn hóa Đồng Nai lấy nguyên liệu ở đâu? Và lấy như thế nào? Nguồn nguyên liệu tại chỗ hay nhập từ vùng khác tới ?

Dựa vào các hiện vật trang sức phát hiện trong các di chỉ ở Đồng Nai cho thấy, chất liệu đá để làm đồ trang sức là đá phiến xanh đen. Một loại đá tương đối mềm, dễ dàng cho việc cắt gọt chế tác đồ trang sức. Nơi đây không có những nguồn đá ngọc, đá Jaxpơ quý hiếm…Qua nghiên cứu thì thấy rằng cư dân ở đây sử dụng nguồn nguyên liệu trong khu vực và qua điều tra thì nguồn nguyên liệu đá này phân bố dọc hai bờ sông Đồng Nai hoặc các núi như là Châu Thới, Chứa Chan…Như vậy cư dân Đồng Nai sử dụng trực tiếp nguồn nguyên liệu tại chỗ chứ không có du nhập nguyên liệu đá từ bên ngoài vào.

Về vấn đề lấy nguyên liệu đem về nơi chế tác thì ắt hẳn họ sẽ xử lý ban đầu, từ cách lấy những tảng đá lớn có thể dùng đục và cưa đá cưa chúng thành những tảng nhỏ, tiến đến sơ chế chúng trở nên gọn hơn. Rồi sau cùng mới đem về nơi chế tác. Việc này thì chắc hẳn là công việc của nam giới bởi bước lấy nguyên liệu là rất quan trọng đồng thời công việc này đòi hỏi phải dùng sức rất nhiều nên phụ nữ bình thường thì không thể có sức để vận chuyển nguyên liệu đá về nơi chế tác. Thêm nữa thành phần thợ chế tác hầu hết là nam giới bởi tính đặc thù của công việc nên họ có kinh nghiệm thành thạo hơn trong kỹ năng chọn loại đá và cách lấy tảng đá ra khỏi mỏ đá. Tuy nhiên, trong thời kỳ kim khí ở văn hóa Đồng Nai còn có đồ trang sức thủy tinh, vàng và đồng có thể là đo du nhập, trao đổi bên ngoài vào nhưng trong phạm vi đề tài là đồ trang sức bằng đá nên tôi chỉ trình bày nguồn nguyên liệu đá để chế tác đồ trang sức là chủ yếu.

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]2/ Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá trong văn hóa Đồng Nai: [/b]

Mục này tôi chỉ trình bày vào về các kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá trong văn hóa Đồng Nai nên tôi không trình bày lại khái niệm về các kỹ thuật do đã trình bày ở phần trên. Đồng thời, ở Đồng Nai mới chỉ phát hiện được hai công xưởng chuyên chế tác đồ trang sức bằng đá là Bưng Bạc và Đồi Phòng Không. Tuy nhiên hai xưởng này dùng những kỹ thuật tương đối giống nhau nên tôi trình bày theo hướng chế tác đồ trang sức bằng đá ở Đồi Phòng Không.

Theo Bùi Chí Hoàng (1988) thì kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá ở Đồng Nai tồn tại và phát triển hai kỹ thuật:

v Kỹ thuật đục: Lấy phiến đá ghè thành hình đĩa. Sau đó dùng công cụ mũi nhọn hoặc đục, đục trực tiếp lên mặt của phiến đá này cho xuyên thủng phía bên kia sau đó dùng bàn mài lõi ở mặt trong và bàn mài lõm mài ở mặt ngoài tạo nên chiếc vòng hoàn chỉnh duyên dáng. Phương pháp này đơn giản nhưng mất nhiều thời gian từ chế tác đến quá trình hoàn thành sản phẩm.

v Kỹ thuật khoan tách lõi: Hầu hết lõi vòng ở Đồi Phòng Không đều có hình tròn, hai đường kính hai mặt lõi lệch nhau và mm. Trên hai mặt của lõi phổ biến là loại phẳng một mặt, mặt còn lại thường có nhiều dấu vết ghè đẽo hoặc gồ cao, thỉnh thoảng cũng có vài mảnh hai mặt, nhưng các vết ghè trên nó vẫn tồn tại. Trong những phác vật vòng còn dang dở, các mảnh khoan có hình vòng cung, tiết diện ngang hình chữ V lệch. Chiều rộng của hai bờ tiếp xúc của rãnh khoan chênh lệch chiều rộng của dưới đáy rãnh khoan chừng 4mm. Điều đó chứng tỏ rãnh khoan, có diện bên trong lớn, do quá trình định vị mũi khoan khi bắt đầu và còn tùy thuộc rất lớn vào mũi khoan. Càng vào sâu mũi khoan càng nhỏ thẳng góc với mặt ngoài và nghiêng ở mặt lõm. Đó cũng là lí do tạo ra các lõi có đường kính hai mặt lệch nhau.

v Ngoài ra thì Bùi Chí Hoàng cũng cho rằng, ngoài phương pháp tách lõi hai mặt thì còn phương pháp khoan tách lõi hai mặt. Ở những vòng khoan hai mặt, thường có một đường gờ nổi ở giữa lõi hoặc ở hai đầu, do hai đường khoan không trùng nhau, tạo một khoảng lệch nơi tiếp xúc. Từ kết cấu bề mặt diện khoan, các nhà nghiên cứu cho rằng mũi khoan cũng nhỏ ở mũi và lớn dần ở phần trên. Chiều rộng của rãnh khoan còn ở các phác vật không đều nhau, có thể được tạo ra do nhiều mũi khoan lớn nhỏ khác nhau. Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mũi khoan ở khu vực này. Có thể do địa điểm Đồi Phòng Không mới chỉ được điều tra sơ bộ, còn Bưng Bạc là vùng sình lầy rất khó tìm ra mũi khoan. [10]

Theo quan điểm cá nhân, sau khi tiếp cận một số nguồn tư liệu và ý kiến của một số người, thì tôi cho rằng ở Đồng Nai không dùng phổ biến phương pháp khoan. Do mũi khoan không được tìm thấy trong hai công xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá đó là Bưng Bạc, Đồi Phòng Không. Mà ở đây, những người thợ chuyên chế tác họ dùng kỹ thuật đục là chủ yếu và một kỹ thuật tôi muốn đưa ra đó là. Dùng kỹ thuật ghè đẽo và mài để tạo ra đồ trang sức. Ở bước đầu, người ta sẽ dùng kỹ thuật ghè đẽo để để tạo ra phác vật vòng sau đó dùng những loại bàn mài khác nhau để sử dụng tách lõi vòng. Có thể dùng một vật trung gian như phương pháp tu chỉnh ép chẳng hạn tức dùng cật tre sau đó áp vào hiện vật lợi dụng lực của cơ thể mà tách lõi vòng ra. Theo tôi thì những người thợ ở đây họ có tay nghề cao, thành thạo, khéo tay và có sự tỉ mỉ thì qua quá trình chế tác đồ trang sức lâu dài thì họ sẽ tích lũy kinh nghiệm của mình và có thể sáng tạo ra một phương pháp mới. Chính phương pháp đó sẽ là những riêng biệt cơ bản để làm nên đặc trưng của khu vực Đồng Nai tạo nên sự khác biệt đối với những công xưởng chế tác khác ở Bắc và miền Trung trong thời đại kim khí ở Việt Nam.

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]2/ Quy trình kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá trong văn hóa Đồng Nai :[/b]

Mục này tôi sẽ trình bày theo hai hướng, thứ nhất là quy trình kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá chung. Tức là một mô hình chung trong chế tác đồ trang sức và thứ hai là dựa vào loại hình hiện vật mà có những cách chế tác đồ trang sức khác nhau. Trong hướng số 2 tôi dựa vào những tư liệu bài viết của một số nhà nghiên cứu về kỹ thuật chung khi chế tác đồ trang sức theo từng loại hình để làm nền chung và qua quan sát hình ảnh đồ trang sức trong văn hóa Đồng Nai để làm hướng trình bày.

a. Mô hình chung trong chế tác đồ trang sức bằng đá ở văn hóa Đồng Nai :

Bước 1: Chọn nguyên liệu đá: đá phiến xanh xám đen, hoặc phiến sừng và bột kết biến chất.

Bước 2: Sau khi lấy nguyên liệu về tiến hành sử dụng kỹ thuật ghè đẽo theo những loại hình phác vật khác nhau tùy thuộc vào loại hình hiện vật muốn chế tác.

Bước 3: Sử dụng các kỹ thuật tu chỉnh ép, khoan, đục, mài…để lấy lõi của hiện vật chế tác. Trong bước đầu người thợ hay sử dụng nước để rắc vào tạo độ mềm hơn cho hiện vật đá và để dễ dàng thực hiện thao tác hơn.

Bước 4: Sử dụng kỹ thuật mài để làm cho hiện vật mất đi những vết thô, trầy xước trong quá trình chế tác, tạo độ nhẵn bóng hơn cho hiện vật. Họ sử dụng các loại bàn mài khác nhau như bàn mài bằng, bàn mài lõm, bàn mài trong để xử lý các mặt khác nhau.

Bước 5: Chuốt bóng. Bước đầu hầu như không thấy bởi đồ trang sức bằng đá trong văn hóa Đồng Nai không được nhẵn bóng làm cũng một phần do tính thực dụng của cư dân Đồng Nai.

Sau khi thực hiện đầy đủ các bước thì hiện vật được hoàn thiện và được sử dụng.

b. Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá trong văn hóa Đồng Nai dựa theo loại hình:

 

b1. Quy trình chế tác vòng tay bằng đá ở Đồng Nai:

Bước 1: Chọn nguyên liệu và tạo phác vật hình đĩa

v Là bước khởi đầu của quy trình chế tác vòng tay. Nguồn nguyên liệu được chọn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và kỹ thuật chế tác vòng tay.

v Nguyên liệu làm từ đá phiến mịn hạt đen xám hay xanh xám. Đây là nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng như tính chất là khá mềm và dễ gia công.

v Thực hiện công đoạn chế tác đá đầu tiên bằng những nhát ghè đẽo lớn, phác mạnh để tạo ra dáng hình cơ bản khuôn khổ hình tròn và dẹp của phác vật hình đĩa dạng thô.

v Các phác vật thô này được ghè đẽo trên rìa mép và hai mặt bằng cách ghè tỉ mỉ và đều nhau. Nhằm thu được những phác vật hình đĩa tròn phẳng, song còn khá sơ sài, nhất là quanh rìa cạnh còn để lại những vết ghè hướng tâm lăm nhăm và đều nhau.

v Công đoạn này khá quan trọng, kỹ thuật ghè đẽo chiếm vai trò quyết định. Chế phẩm của công đoạn này giữ vai trò đến đường kính lớn nhỏ, độ dày mỏng cũng như hình dáng của vòng (tiết diện) đòi hỏi người thợ vừa phải có sức vừa phải có sự khéo léo tỉ mỉ.

Bước 2: Tách lõi vòng trang sức

v Là công đoạn dùng kỹ thuật gia công tách lấy phần lõi bên trong ra, để thu được chiếc vòng thô. Qua số lượng lớn hiện vật mang dấu vết kỹ thuật ta thấy kỹ thuật khoan không phổ biến.

v Căn cứ vào dấu vết để lại trên các mảnh phác vật hình đĩa có dấu khoan (259 hiện vật ở Đồi Phòng Không) mà trên đó hai đường kính lớn nhỏ vát thành hình chữ V, bờ vách của rãnh khoan có hình lòng máng. Đều đó cho thấy, đa số các phác vật hình đĩa đều được khoan từ một mặt lại. Trên bờ vách của rãnh khoan còn để lại nhiều rãnh song song đều xoáy theo hình trôn ốc chứng tỏ quá trình khoan tiến hành theo một chiều sâu nhất định.

v Công đoạn khoan tách lõi này không khoan xuyên thủng hoàn toàn qua phác vật, mà chỉ khoan sâu đến 1/2 đến 2/3 hoặc ¾ thì dừng lại. Đến đây các lõi vòng đã được khoan sẽ được tách ra bằng cách đục mạnh từ mặt đối diện với mặt khoan để tách lấy lõi vòng một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. Song việc này cũng bị hạn chế do những sai sót kỹ thuật thường xảy ra nhiều hơn, được chứng tỏ ở số lượng các mảnh vỡ của phác vật hình đĩa đang khoan dở khá nhiều (chiếm 17,2 %), nhưng có thể vì về tiết kiệm thời gian khoan, mũi khoan và đem đến hiệu quả tối ưu trong công việc nên phương thức này đã được chấp nhận, sử dụng phổ biến ở đây, đồng thời nó dễ thực hiện do chất liệu đá mềm nhờ vừa được khai thác tại chỗ và đem chế tác ngay.

v Bên cạnh kỹ thuật khoan tách lõi, còn có sự hiện diện của kỹ thuật đục để tạo vòng đá trên một số phác vật hình đĩa.

Bước 3: Tu chỉnh và hoàn thiện

v Từ chiếc vòng đá thô đã tách bỏ phần lõi, thợ thủ công chuyển sang công đoạn cuối, công đoạn hoàn thiện sản phẩm.

v Trước hết những vết trầy sước, lồi lõm ở mép rãnh khoan ở mặt trong chiếc vòng do việc đục tách lõi để lại, sẽ được ghè lược hoặc mài phá bằng những bài mài lõi trụ tròn và bàn mài rãnh, lõm hay phẳng, có độ mịn tăng dần.

v Quá trình mài giũa cũng đòi hỏi sự khéo léo và chính xác để tạo độ nhẵn, hình dạng định hình của chiếc vòng cũng như tính thẩm mỹ của vòng.

v Tuy nhiên việc mài giũa và trau chuốt bóng vòng trang sức bằng đá trong văn hóa Đồng Nai không được hoàn thiện lắm có lẽ nhu cầu sử dụng nhiều không đủ sản xuất đồng thời là tính thực dụng của cư dân Đồng Nai.[11]

b2. Quy trình chế tác hạt chuỗi bằng đá trong văn hóa Đồng Nai:

          Bước 1: Chuẩn bị phác vật ban đầu được tạo ra từ nhiều cách

v Ghè đẽo tạo dáng hình dài nhỏ

v Cưa cắt thành các khối đá theo ý muốn

v Tận dụng lõi vòng loại đường kính nhỏ hoặc các mảnh đá mỏng[12]

v Sau đó ra loại hình hạt chuỗi mà người thợ muốn làm

Bước 2: Khoan lỗ

v Sau khi tạo ra được phác vật mong muốn. Thì tiến hành khoan lỗ phác vật tạo lỗ nhỏ để xâu vào. Đá nguyên liệu làm hạt chuỗi được buộc vào tấm gỗ mỏng, cố định ở hai đầu sao cho mảnh đá không thể di chuyển trong khi khoan.[13]

v Tiếp đến có thể dùng mũi khoan đá, sử dụng phương pháp khoan đĩa để khoan tạo lỗ hay có thể dùng cật tre sử dụng lực tay để tạo. Tuy nhiên, dùng mũi khoan đá để tạo lỗ thì nhanh hơn ít tốn thời gian, còn dùng cật tre thì mất nhiều thời gian tuy nhiên lỗ đều hơn. Tùy vào công cụ để người thợ có thể sử dụng cách nào. Trong quá trình khoan mũi khoan đá thì người ra hay rảy nước vào để khoan có thể dễ dàng hơn.

v Sử dụng mũi khoan hình đĩa có ưu thế nhiều. Tuy nhiên nó vẫn mắc phải những lỗi kỹ thuật như sau: Mũi khoan dễ bị mòn hay mẻ. Do mũi khoan bị nghiên ngã trong quá trình khoan, năng suất của mũi khoan không được cao lắm.

Bước 3: Cưa hạt chuỗi

v Sau khi khoan thủng lỗ, phác vật được cưa từ hai mặt của hình vuông, rãnh cưa có hình chữ U. Khi thực nghiệm cho thấy lưỡi cưa không bị mòn đi. Lưỡi cưa được kẹp chặt vào hai thanh tre dẹt dùng dây để buộc. Người thợ cưa thành những hạt chuỗi với kích thước khác nhau tùy theo nhu cầu để chế tác loại hạt chuỗi dài hay ngắn.

Bước 4: Mài và hoàn chỉnh sản phẩm

v Được tiến hành trên bàn mài rãnh cho hết các góc cạnh ra thành hình tròn sau đó mới mài chốt ở bàn mài rãnh.

v Toàn bộ quá trình mài mất khá nhiều thời gian do số lượng hạt chuỗi nhiều. Hạt chuỗi sau khi mài thấy nhẵn hơn và đẹp mắt hơn.

v Mài cũng có thể được dùng kết hợp trong bước hai. Như sau khi ghè đẽo tạo phác vật ban đầu thì có thể dùng phương pháp mài để đỡ mất công gia công trong bước mài tu chỉnh cuối cùng.

v Cuối cùng hạt chuốt được hình thành và được xâu thành dây đeo.

b3. Quy trình chế tác những hạt trang sức tròn trong văn hóa Đồng Nai:

Những hạt này phát hiện trong các di chỉ ở Đồng Nai tuy nhiên số lượng không nhiều và những hạt này khác với hạt chuỗi là nó hình tròn, không có xuyên lỗ. Chắc hẳn đây là một vật để bỏ túi, cũng có thể là viên bi do nhỏ nhắn và tròn trịa.

Cách chế tác cũng giống như hạt chuỗi. Tuy nhiên nó không sử dụng kỹ thuật khoan lỗ. chủ yếu là ghè đẽo tạo phác vật. Sau đó cưa nhỏ và mài cho tròn trịa.

Về công dụng cũng chưa xác định được rõ ràng, còn nhiều tranh luận.

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]III. Công xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá trong văn hóa Đồng Nai thời đại kim khí:[/b]

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]1. Bưng Bạc – công xưởng chế tác vòng đá lớn nhất miền Nam :[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"][14][/b][/b]

Do trước đây Bưng Bạc nằm ở huyện Châu Thành – Đồng Nai nên tôi cho nó thuộc thời đại kim khí văn hóa Đồng Nai đồng thời là do kỹ thuật chế tác hiện vật đá nhất là chế tác đồ trang sức đá rất giống nhau nên tôi cũng trình bày trong phần này.

Đây là một “làng cổ” độc đáo mà dấu tích kiến trúc còn bảo tồn khá nguyên vẹn trong điều kiện sình lầy, rộng lớn. Hiện vật phát hiện được hơn 200 công cụ - vũ khí – trang sức – dụng cụ sinh hoạt…

Trong sưu tập đồ đá đáng chú ý là là sự có mặt đông đảo của các dạng di vật chỉ thị một quy trình kỹ thuật chế tác đồ trang sức đá. Đầu tiên người thợ cổ sử dụng kỹ thuật ghè đẽo hay ghè tách hạch đá tạo những phiến đá hình vuông hay hình chữ nhật, rồi tu chỉnh và mài sơ chế phác vật đầu tiên tròn dẹt như hình bánh xe. Từ những phác vật này, người thợ sử dụng kỹ thuật đục chấm để định vị vòng quay đặt khoan cho chính xác. Quy mô vòng quay của mũi khoan sẽ do thiết diện bản vòng quy định. Riêng đối với những phác vật mỏng hay loại đá mềm người thợ không cần dùng kỹ thuật khoan mà chỉ đơn giản ghè gián tiếp hay đục dạng kịch động sát – có vồ từ 1 đến 2 mặt, để tách lõi lấy bản vòng để gia công luôn. Quy trình khoan tách lõi, chủ yếu thực hiện trên một mặt, gần giống lối khoan dây có tâm cố định, hoặc sẽ thực thi trên bàn tiện mà về nguyên tắc không khác với bàn xoay đồ gốm. Đối với những phác vật hình đĩa quá dày, người ta mới tiến hành khoan từ hai mặt để tách lõi vòng. Dù tạo lỗ vòng bằng cách nào, sau quy trình đục tách lõi, đập tách lõi và sau khi khoan tách lõi 1 lần hoặc nhiều lần từ 1 – 2 mặt, người thợ đều phải thực hiện khâu cuối cùng của dây chuyền sản xuất vòng trang sức đá là tu chỉnh, sửa chữa và hoàn thành bằng cách sử dụng bàn mài trụ tròn để gia công phía trong và gia công phía ngoài trên bàn mài phẳng hay lõm lòng chảo hoặc sử dụng bàn mài rãnh. Ở công xưởng Bưng Bạc loại hình chế tác chủ yếu là vòng trang sức bằng đá với mặt cắt chữ D. Niên đại của di chỉ Bưng Bạc qua phân tích Cacbon C14 là 3000 – 2000 năm cách ngày nay.[15]

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]2/ Đồi Phòng Không – công xưởng chế tác vòng trang sức bằng đá trong thời đại kim khí ở Đồng Nai:[/b]

Đồi Phòng Không là một ngọn đồi cao thuộc địa phận lâm trường Hiếu Lâm (Vĩnh Cửu – Đồng Nai). Nằm gần ngã ba sông Bé – sông Đồng Nai, cách lâm trường Hiếu Lâm khoảng 2 km về phía Bắc theo đường chim bay. Khu đồi bị ủi mất lớp thực vật hiện chỉ còn rừng lồ ô trồng bao phủ phần lớn đồi, cùng tram bông vàng, cỏ tranh và những khoảng canh tác hoa màu ven sườn đồi phía Đông Nam.

Qua số lượng hiện vật phát hiện được (gồm 266 hiện vật để chế tác đồ trang sức bằng đá) trong đó phác vật hình đĩa (84 hiện vật, chiếm 24,49%), phác vật và mảnh phác vật hình đĩa có dấu khoan (59 hiện vật, chiếm 17,2%), lõi vòng (113 hiện vật, chiếm 32,94%), mảnh vòng (5 hiện vật, chiếm 1,46%) và mảnh bàn mài (5 hiện vật, chiếm 1,46%) cho biết đây là công xưởng chuyên chế tác vòng tay đá. Ở công xưởng Đồi Phòng Không không có đầy đủ dụng cụ của các công đoạn từ khởi đầu đến hoàn chỉnh một sản phẩm, của một quy trình kỹ thuật khép kín.[16]

Dựa trên các vết tích còn để lại cho thấy hầu hết các vòng được khoan từ một trục thẳng đứng đặt ngoài phác vật khoan và lưỡi khoan được điều chỉnh chạy xung quanh phiến đá hình đĩa sẽ được quay theo vòng tròn. Trong tổng số mảnh lõi phát hiện được ở đồi Phòng Không, phát hiện được hai mảnh có lõi sâu ở ngay tâm. Các nhà khảo cổ cho rằng phương pháp khoan đặt trụ cố định có thể ngay tâm phác vật hình đĩa và lưỡi khoan quay xung quanh mặt vòng cấu tạo như loại hình khoan kiểu compa. Trong tất cả các mảnh phác vật chế tạo dở đều bị vỡ hết nửa hoặc 2/3 , có mảnh còn lõi, còn đa số là bị mất đi phần lõi. Điều đó cho thấy tốc độ sử dụng chuyển động của khoan lớn và lực tác động vào đầu mũi khoan cũng khá mạnh, do đó các vòng tay bị vỡ ngay khi chế tạo.

Khâu cuối cùng của 2 phương pháp đục giữa và khoan tách lõi giống nhau, dùng bàn mài lõi để mài mặt trong và dùng bàn mài lõm để mài mặt ngoài nhưng thời gian để hoàn chỉnh vòng tay thì kỹ thuật khoan rút ngắn hơn nhiều. Bởi lẽ người thợ khi khoan một vật, họ chủ động được đặc điểm sản phẩm mà họ muốn sản xuất. Cụ thể nhất là ở quá trình chế tác vòng tay bằng kỹ thuật này là khoan đường kính lớn bé của nó. Trong khi đó kỹ thuật đục là kết quả của sự khéo tay ghè chỉnh của người thợ đá, bên cạnh kinh nghiệm về vật liệu đá mà họ từng làm.

Với nguồn nguyên liệu tại chỗ, loại vòng trang sức ở Đông Nam Bộ cũng có nhiều tiết diện ngang như hình vuông ở Cầu Sắt, tam giác ở Phước Tân, Bến Đò, Cái Vạn, hình quả trứng ở Cù Lao Rùa và hình chữ D ở Bưng Bạc, Dốc Chùa. Ở địa điểm Đồi Phòng Không với các kết cấu ban đầu của phiến đá hình đĩa có thể vòng tay tạo ra ở đây có mặt cắt chữ D và hình tam giác là phổ biến. Vòng tay ở đây cơ bản rộng, dày, phổ biến hơn vòng tay nhỏ, mỏng, có được mài nhẵn nhưng không đạt được độ thẩm mỹ cao như các vòng tay thu được ở các địa điểm ở phía Bắc. Niên đại của Đồi Phòng Không: 3000 – 2000 năm cách ngày nay.[17]

 

 

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"] [/b]

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"] [/b]

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"] [/b]

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]TỔNG KẾT[/b]

Ra đời trong bối cảnh nền nông nghiệp ổn định, đời sống cư dân đã có sự định cư lâu dài cư dân hướng đến một nhu cầu làm đẹp cho mình thì những điều đó đã tạo tiền đề, nguồn cội cho sự ra đời của kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá trong văn hóa Đồng Nai thời đại Kim Khí. Những phương pháp và quy trình chế tác đồ trang sức xét về góc độ một chiều ta thấy có sự tương tự với kỹ thuật chế tác đồ trang sức ở khu vực miền Trung và Bắc Bộ nhưng nếu xem xét kỹ dưới chiều sâu của những hiện vật thì ta sẽ thấy rằng tuy giống mà không giống. Giống là vì cùng chế tác đồ trang sức để phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của con người. Nhưng khác về cả nguyên liệu (nếu ở miền Bắc chế tác những loại đá ngọc rất tinh xảo đẹp mắt mang tính tạo hình thẩm mỹ cao, còn Đồng Nai chế tác từ nguồn nguyên liệu tại chỗ chất liệu đá cũng thô hơn nhưng chính yếu tố đó vừa là do sự thực dụng của cư dân vừa là tính riêng biệt của vùng Đồng Nai này), về kỹ thuật và quy trình chế tác cũng khác nhau (các công xưởng phía Bắc sử dụng kỹ thuật khoan phổ biến và quy trình chế tác cũng cầu kỳ hơn, chú ý nhiều đến trau chuốt hơn, chuốt bóng và mài nhẵn nhụi, còn ở Đồng Nai có thể kỹ thuật khoan không phải là kỹ thuật phổ biến và rộng khắp mà là một phương pháp truyền thống chuyên biệt nào đó và xu hướng chuốt bóng và làm nhẵn đồ trang sức thì rất ít được chú ý tới). Đồng Nai có những đặc trưng của riêng mình và cũng sự đặc trưng đó không những làm nên nét độc đáo cho riêng khu vực mà nó còn ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Bộ với một truyền thống một yếu tố kỹ thuật tương tự nhau và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cùng phát triển và xây dựng văn hóa cổ tiên tiến Đông Nam Bộ góp phần vào việc làm tô đậm thêm bản sắc dân tộc của cả ba miền. Nói tóm lại, qua trình bày kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá trong văn hóa Đồng Nai cũng phần nào giúp chúng ta hiểu được những cách thức từ bước lấy nguyên liệu đến khi hoàn chỉnh một loại hình đồ trang sức để có thể đem đến phục vụ cho nhu cầu làm đẹp tăng thêm yếu tố văn hóa tinh thần của vùng đất Đồng Nai. Mong rằng sẽ có nhiều nhà nghiên cứu sâu hơn, yêu thích vấn đề này hơn bởi chính khi tìm hiểu rõ về nó sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng của văn hóa Đồng Nai trong nền cảnh chung của thời đại kim khí ở Việt Nam.

 

 

[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]TÀI LIỆU THAM KHẢO[/b]

1. Bùi Chí Hoàng (1988), Địa điểm khảo cổ học Đồi Phòng Không và kỹ thuật chế tác vòng tay đá ở Đồng Nai, KCH số 4 – 1988,tr.26 – 31.

2. Nguyễn Thị Kim Dung (1996), Công xưởng và kỹ thuật chế tạo đồ trang sức bằng đá thời đại đồng thau ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội.

3. Phạm Đức Mạnh (1996), Di chỉ khảo cổ học Bưng Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu), NXB Khoa học xã hội.

4. Nguyễn Quốc Mạnh (2001), Luận văn tốt nghiệp, Cụm di tích khảo cổ học thời tiền sử vùng ngã ba sông Bé – sông Đồng Nai, Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh.

[justify:5e2d
diepkhaoco52
diepkhaoco52
Member
Member

Tổng số bài gửi : 25
Join date : 03/12/2011
Age : 33
Đến từ : Cam Lâm - Khánh Hòa

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết