khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA

+2
Hoangnguyen
Khanh Ha
6 posters

Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA

Bài gửi by Khanh Ha Sat Jun 13, 2009 1:16 pm

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHAMPA

KHÁNH HÀ


I. DẪN NHẬP:
Kế thừa văn hóa Sa Huỳnh và tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Khomer, Đại Việt,… cư dân Champa (tồn tại từ thế kỷ II đến thế kỷ XVII trên mảnh đất ven biển Miền Trung Việt Nam (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) đã sáng tạo nên những công trình kiến trúc tháp độc đáo mang đậm dấu ấn bản địa, góp phần không nhỏ cho bức tranh văn hóa Việt Nam đa dạng hơn, phong phú hơn.

II. KHÁI QUÁT VỀ NHÀ NƯỚC CHAMPA CỔ:
1. Nhà nước Lâm Ấp ( thế kỷ II – thế kỷ VI):
Theo Thủy kinh chú: Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm, sau bỏ chữ Tượng chỉ gọi là Lâm Ấp.
Lương thư cho biết về nhà vua đầu tiên của Lâm Ấp là Khu Liên (có sách viết là Khu Quỳ, Khu Đạt hay Khu Vương. Chữ Khu Liên có thể không phải tên người mà là sự chuyển âm từ cổ Kurung, có nghĩa là thủ lĩnh, vua…)
Người Lâm Ấp có tài đi núi, quen ở nước, không quen đất bằng, làm nhà sàn để ở. Họ có phong tục, chữ viết giống Ấn Độ.
Các khai quật khảo cổ năm 1927 của J. Y. Claeys cho thấy nhiều khả năng Trà Kiệu chính là Shinhapura và là kinh đô của Champa buổi đầu. Đây cũng là vùng quần cư lâu đời, có trình độ phát triển kinh tế – văn hóa cao.
Các vua Champa nối tiếp Lâm Ấp đã cho xây dựng nhiều đền tháp ở Mỹ Sơn để thờ thần Srisana Bhadresvara.
2. Thời kỳ Virapura hay Rajapura ( Hoàn Vương) từ năm 750 đến năm 866:
Đây là thời kỳ vương triều miền Nam làm chủ đất nước. Thánh địa của Virapura có lẽ là Pô Nagar (nằm trên một quả núi nhỏ, nay thuộc địa phận Nha Trang, khánh Hòa?). Vương quốc Nam Chăm có thể là một tập hợp tiểu quốc, trong đó gồm có tiểu quốc Panduranga và tiểu quốc Kauthara.
Về nguyên nhân trung tâm đất nước đột ngột chuyển từ Shinhapura về nam chăm đến nay vẫn là một bí ẩn, chưa có lời giải đáp.
3. Thời kỳ Indrapura (Đồng Dương) từ năm 866 đến năm 982:
Các nhà khoa học đã tìm được 20 minh văn cho biết về giai đoạn Đồng Dương với 12 đời vua kế tiếp nhau trị vì đất nước.
Giai đoạn Đồng Dương là một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Champa: có sự kết hợp giữa tiếp nhận Bàlamôn giáo và Phật giáo. Đồng Dương vừa là hoàng cung, vừa là đền, miếu thờ thần, phật.
4. Nhà nước Champa thống nhất và phát triển (thế kỷ X – XIII):
Trung tâm đất nước dịch chuyển vào phía nam, thiết lập trên đất Quy Nhơn ( Bình Định). Kinh đô chính là thành Vijaya (Phật Thệ) hay còn được gọi là Chà Bàn (Đồ Bàn).
Quan hệ bang giao được mở rộng với khu vực và với Trung Quốc.
5. Giai đoạn phát triển thịnh đạt của vương quốc Champa (1220 – 1353):
Sau cuộc chiến tranh trăm năm với Campuchia, vương quốc Champa phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Nhà vua Jaya Paramesvaravarman II là người có công lớn trong việc phục hưng này. Ông là người thân Ăngkor và có thái độ kỳ thị với Đại Việt.
Đời vua thứ III của vương triều này là Indravarman IV đã củng cố quan hệ với Đại Việt và nhận được sự giúp đỡ của Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ (1282 – 1284).
6. Giai đoạn khủng hoảng của vương quốc (1353 – 1693):
Giai đoạn này được khởi đầu bằng một cuộc khủng hoảng chính trị trong triều đình, do việc Trà Hòa Bố Để (con rể của Chế A Nan cướp ngôi của Chế Mỗ). Dẫn đến chiến tranh kéo dài cả trong nước lẫn với các nước láng giềng. Dẫn đến nền kinh tế sa sút, đời sống nhân dân đói khổ, lãnh thổ bị thu hẹp dần do những cuộc chiến tranh dai dẳng và bị mất đất vào tay phong kiến nước ngoài.
Năm 1693, vương quốc Champa hoàn toàn sụp đổ sau 12 thế kỷ tồn tại.


Được sửa bởi Khanh Ha ngày Sat Jun 13, 2009 1:26 pm; sửa lần 1.
Khanh Ha
Khanh Ha
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 83
Join date : 11/06/2009

Về Đầu Trang Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA(TT)

Bài gửi by Khanh Ha Sat Jun 13, 2009 1:18 pm

III. KHÁI QUÁT VỀ ĐỀN THÁP CHAMPA:
1. Giới thiệu chung về tháp Champa:

Theo quan niệm của người Chăm, đền tháp là nơi tôn nghiêm, linh thiêng, nơi cầu đáo thần linh, người dân bình thường không được lui tới, chỉ có những tu sỹ Bàlamôn, những người thuộc tầng lớp quý tộc Chăm mới được đến và cử hành lễ (Lê Tuấn Anh, 2004: 176) .
Hầu hết các tháp Chăm đều xây dựng gần giống đền tháp ở Ấn Độ, Ăngkor (Campuchia) nằm trên những ngọn núi cao, bao quanh bởi đồi núi, được che chắn, bảo vệ bằng những thành lũy tự nhiên hiểm trở (giữa các đồi núi có thung lũng, sông , suối…).
Đền tháp Champa thường đứng một mình (tháp Nhạn, tháp Thủ Thiện) hoặc được xây dựng thành cụm (khu đền tháp Mỹ Sơn). Kết cấu mỗi cụm gồm một đền thờ chính (Kalan), xung quanh có những đền nhỏ hoặc công trình phụ. Ngôi đền chính (thường nằm giữa một cụm đền tháp) tượng trưng cho núi Meru – trung tâm vũ trụ – là nơi hội tụ của thần linh nên được thờ một bộ Linga biểu tượng của thần Siva. Các đền tháp còn lại có công năng khác như tháp cổng (tháp Đồng Dương), có hai cửa thông nhau theo hướng đông – tây, đền phụ (miếu phụ) thờ các vị thần trông coi hướng trời, các công trình làm nơi chuẩn bị lể vật trước khi hành lễ hoặc kho cất giữ đồ tế lễ…Những tháp phụ thường có mái hình thuyền úp, lợp ngói hoặc ghép gạch (tháp phụ ở tháp Bánh Ít, Chiên Đàn). Đặc điểm đền thờ của người Chăm thường không có cửa sổ, nếu tháp nào có cửa sổ thì đó là công trình phụ (Lê Tuấn Anh, 2004: 181 – 182).
Các đền tháp thường được gia cố phần đế móng khá kỹ bằng những lớp cát, đá cuội, đá dâm. Tường, mái là những viên gạch và những chi tiết trang trí bằng đá sa thạch được xếp khít với nhau, không nhìn thấy mạch vữa ở giữa. Dù thời tiết rất khắc nghiệt nhưng hàng nghìn năm qua mà những công trình này vẩn không bị lún, nứt hay đổ vỡ (chỉ bị sụp đổ do con người – chiến tranh, phá hủy…), không có rong rêu bám phủ trên tường tháp (trong khi những mảnh tường gạch mới được phục chế vào cuối thập kỷ 20 đã bị rêu bám). Cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào xác định được chính xác chất kết dính giữa các viên gạch hay các chi tiết bằng đá là gì (Lê Tuấn Anh, 2004: 182). Lueba (1923) cho rằng người Chăm đã dùng gạch mộc chồng khít lên nhau rồi nung toàn bộ tháp. Theo Ngô Văn Doanh (1978) thì vữa là nước cây xương rồng trộn với mật mía. Trần Kỳ Phương (1980) thì cho rằng đó là nhựa cây dầu rái. Hoặc được xây bằng vữa đất sét rồi nung lại (Awawrzenczak và Skibinski, 1987). Cũng có ý kiến cho tháp được xây bằng cách mài và xếp khít gạch (mài chập) (Trịnh Cao Tưởng, 1985 hoặc Nguyễn Văn Chỉnh) hay mài xếp phần vỏ và sử dụng vữa là bột mịn có độ nung như gạch xây tháp trộn với nước tạo nên (Lê Đình Phụng, 1990) (Hà Văn Tấn, 2002: 335) . Bên cạnh việc dùng nhựa cây, người Chăm còn dùng nhớt của các loại lá cây: ô dước, bời lời, dâm bụt,…(Trần Bá Việt, 2007: 96) . Các ý kiến trên đều có phần đúng nhưng vẫn chưa có ý kiến nào được giới khảo cổ học chấp nhận.
Một ngôi tháp thường có kết cấu 3 phần: đế, thân và mái. Theo quan niệm của người Chăm, đế tháp tượng trưng cho đế thế giới trần tục; thân tháp tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi con người gột rửa bụi trần, thoát tục để tiếp xúc với tổ tiên và hòa nhập với thần linh; còn mái tháp thì tượng trưng cho thế giới thần linh.
Đế tháp: thường được xây trên nền hình vuông hoặc hình chữ nhật, bằng gạch hoặc bằng đá phiến to (tháp B1 ở khu đền tháp Mỹ Sơn). Xung quanh đế được trang trí theo môtip hoa văn, hình con thú, hình người cầu nguyện đứng trong các vòm cuốn nhỏ, mặt quái vật (Kali), thủy quái (Makara) hay các vũ nữ, nhạc công…
Thân tháp: thường được ghép hoàn toàn bằng gạch, tường rất dày (độ dày thường trên dười 1 mét), chiều cao ở mỗi đền tháp khác nhau. Cửa ra vào có trụ, lanh tô bằng đá. Mặt ngoài thân tháp được trang trí rất đa dạng: trụ áp tường, cửa giả thường có hình vòm cuốn mềm mại, bên trong vòm cuốn chạm rồi các hình trang trí, thường thấy là hình người đứng chắp tay cầu nguyện thành kính.
Hầu hết các đền tháp có cửa chính quay về hướng đông (hướng của thần Sấm Sét Indra). Một số đền có cửa chính hướng tây hoặc thêm cửa hướng tây (hướng mà các vị vua Champa thường chọn cho mình khi rời cõi trần thế để về với sự thanh cao). Mặt tường phía trong lòng để trơn, ở những ngôi đền chính thường có một số ô trên tường làm nơi đặt đèn. Không gian trong đền chật chội, thiếu ánh sáng. Một đài thờ biểu tượng thần Siva (bộ Linga) đặt chính giữa nền, chiếm gần hết diện tích và chỉ chừa một lối hẹp xung quanh để hành lễ.
Mái tháp: thường được cấu tạo nhiều tầng, càng lên cao càng thu hẹp. Ở nhiều đền tháp, tầng trên thường được mô phỏng đầy đủ cấu trúc cửa, các chi tiết như tầng dưới. Môtip trang trí rất đa dạng: tượng, vật cưỡi của các vị thần trong Ấn Độ giáo như: chim thần, ngỗng thần, bò thần, voi, sư tử…các đường gờ, cột ốp hay hoa văn. Tại các góc thường có mô hình tháp nhỏ hay vật trang trí phụ bằng đá hoặc gạch. Những tháp phụ, mái thường có hình thuyền úp, phần trang trí không cầu kỳ.
Đỉnh mái có hai dạng, hình chóp nhọn và hình thuyền. Vật liệu làm đỉnh tháp có khi là một khối đá tạo thành hình chóp hoặc bằng gạch ghép lại (Lê Tuấn Anh, 2004 : 184 – 185).
2. Giới thiệu phong cách tháp Champa:
Dựa vào các yếu tố mỹ thuật trang trí trên tháp, sự thay đổi các kết cấu kiến trúc, sự xuất hiện hay mất đi của các môtip trang trí kết hợp với tài liệu liên quan như bia ký, thư tịch cổ,…mà các nhà nghiên cứu đã chia nghệ thuật trang trí tháp thành các phong cách khác nhau và vạch ra quá trình phát triển tương ứng với các thời kỳ lịch sử.
 H.Parmentier vừa dựa trên cấu trúc hình dáng vừa dựa trên môtip trang trí chia các tháp thành hai giai đoạn:
 Giai đoạn I từ thế kỷ V đến thế kỷ X bao gồm 3 giai đoạn nhỏ tương ứng với 3 phong cách: nghệ thuật nguyên sơ (art primitif), nghệ thuật hình khối (art cubique) và nghệ thuật hỗn hợp (art mixte).
 Giai đoạn II từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVII bao gồm 3 giai đoạn nhỏ tương ứng với 3 phong cách: nghệ thuật hình tháp (art pyramidal) (thế kỷ X – XII), nghệ thuật cổ điển (art classique) (thế kỷ XII – XIV), nghệ thuật phát sinh (art de’rivé) (thế kỷ XIV – XVII).
 L.Finot dựa vào tài liệu bia ký của các tháp, tư liệu lịch sử (mà chủ yếu là các triều đại nhà vua Champa) đã nêu lên 4 phong cách: Phong cách Cambhuvarman (thế kỷ V – VI), phong cách Prakacadharma (thế kỷ VI – IX), phong cách Harivarman I (thế kỷ X – XI), phong cách Harivarman II (thế kỷ XI – XIII) (Trần Bá Việt, 2007).
 Ph.Stern đã phân tích quá trình diễn biến của 8 yếu tố kiến trúc tháp là vòm cửa (réature), trụ tường hay gân tường (pilastre), dải trang trí (frise), cột nhỏ (colonnette), gờ đầu tường hay mái đua (corniche), hình điểm góc (pièces d’accent), cấu tạo trang trí góc (amorisements d’angle), mi cửa (linteau). Cùng với sự phát triển liên tục của các phong cách (đặc biệt coi trọng bước chuyển tiếp giữa các phong cách), ông nêu lên 6 phong cách nghệ thuật:
 Phong cách Mỹ Sơn E1 (giữa thế kỷ VIII), tiêu biểu là tháp Mỹ Sơn E1, với bước chuyển tiếp là tháp Phú Hài.
 Phong cách Hòa Lai (nửa đầu thế kỷ IX), tiêu biểu là tháp Hòa Lai, Pô Đam, Mỹ Sơn F1. Chuyển tiếp gồm Mỹ Sơn C7, C12, C13,…
 Phong cách Đồng Dương (nửa sau thế kỷ IX), tiêu biểu là Đồng Dương, Mỹ Sơn A10, A11. Chuyển tiếp : Khương Mỹ, Mỹ Sơn B2,…
 Phong cách Mỹ Sơn A1 (khoảng thế kỷ X), tiêu biểu là Mỹ Sơn A1, A2, C1, C2, B3, B5, D1, D4, Trà Kiệu,…Chuyển tiếp có Pô Nagar, Chánh lộ, Bình Lâm, Chiên Đàn.
 Phong cách Bình Định (khoảng thế kỷ XII – XIII), tiêu biểu là Tháp Bạc, Tháp Ngà, Hưng Thạnh, Mỹ Sơn G1, H, K,… Chuyển tiếp là Bình Định, Thủ Thiện, Tháp Đồng, Tháp Vàng.
 Phong cách Muộn (thế kỷ XIV – XVII), tiêu biểu có Pô Krông Garai, Pô Rôme, tháp Nam Pô Nagar, Yang Mun, Yang Prông,…
 Trần Kỳ Phương lấy tư liệu chính từ các tháp thánh địa Mỹ Sơn kết hợp với các nguồn tư liệu khác đã đưa 7 phong cách nghệ thuật tháp Champa: Phong cách Mỹ Sơn E1 (đầu thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX), phong cách Hòa Lai (nửa đầu thế kỷ IX), phong cách Đồng Dương (giữa thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X), phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X), phong cách Pô Nagar (thế kỷ XI), phong cách Bình Định (thế kỷ XII đến thế kỷ XIV), phong cách Muộn (thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII) (Hoàng Xuân Chinh, 2005: 453 – 455).
 Lê Tuấn Anh thì dựa vào đặc trưng nghệ thuật để phân thành 6 phong cách: phong cách Mỹ Sơn E1 (phong cách cổ) (xây dựng nửa đầu thế kỷ VIII), phong cách Hòa Lai (nửa đầu thế kỷ IX), phong cách Đồng Dương (giữa thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X), phong cách Mỹ Sơn A1 (xây dựng thế kỷ X), phong cách Pô Nagar (xây dựng thế kỷ XI), phong cách Bình Định và phong cách Muộn (xây dựng thế kỷ XII – XIII) (Lê Tuấn Anh, 2004: 188 – 199).
Trong các cách phân loại trên, cách phân loại phong cách tháp Champa của Ph.Sern được giới khảo cổ học đồng thuận nhiều và đánh giá cao.
Việc phân chia nghệ thuật tháp Champa thành các phong cách là vô cùng quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, vì hầu hết các tháp đã qua nhiều lần tu sửa, thậm chí có tháp được xây dựng lại trên nền tháp cũ (tháp Nhạn), nhiều vật liệu cũ được sử dụng lại trong khi trùng tu nhưng cũng có khi phải dùng vật liệu mới. Nhiều phế tích tháp tuy bị đổ, nhưng phần đế, móng, bình đồ, các vật liệu kến trúc, các phù điêu, các họa tiết trang trí ẩn chứa nhiều tư liệu có giá trị cần được nghiên cứu kĩ.
3. Khu vực phân bố:
Theo “Văn hoá cổ Chămpa”, tổng số tháp Champa trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay là 119 tháp (Ngô Văn Doanh, 2002) . Một số tháp đã bị sụp đổ, nay chỉ còn là phế tích, một số khác thì được trùng tu nhiều lần.
Các tháp được phân bố thành 3 loại địa hình chính: vùng núi (từ Đèo Ngang trở vào), vùng cao nguyên (Tây Nguyên) và vùng ven biển (Trần Bá Việt, 2007) .
Các tháp Chăm tiêu biểu chủ yếu phân bố ở 5 tiểu vùng theo địa lý (theo 5 tiểu quốc lớn của Champa xưa – từ Bắc đến Nam theo lãnh thổ Việt Nam):
 Indrapura – Bình Trị Thiên: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên (Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh xưa) có tháp Mỹ Khánh.
 Amaravati - Quảng Nam, Quảng Ngãi gồm có khu đền tháp Mỹ Sơn, tháp Bằng An, Khương Mỹ, Đồng Dương, Chiên Đàn.
 Viyaja – Bình Định, Phú Yên gồm tháp Bình Lâm, tháp Bánh Ít, Cánh Tiên, Phước Lộc, Hưng Thạnh, Thủ Thiện, Dương Long (Bình Định); tháp Nhạn (Phú Yên).
 Kauthara – Khánh Hòa có tháp Pô Nagar.
 Panduranga – Ninh Thuận, Bình Thuận gồm có tháp Hòa Lai, Pô Rôme, Pô Krông Garai (Ninh Thuận); tháp Pô Shanư, Pô Đam (Bình Thuận).
Ngoài ra còn có tháp Yang Prông ở Đăk Lăk. Và các tháp khác phần bố khắp nơi trên mảnh đất miền Trung Việt Nam.


Được sửa bởi Khanh Ha ngày Sat Jun 13, 2009 1:27 pm; sửa lần 1.
Khanh Ha
Khanh Ha
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 83
Join date : 11/06/2009

Về Đầu Trang Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA(TT)

Bài gửi by Khanh Ha Sat Jun 13, 2009 1:25 pm

IV. GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂM TIÊU BIỂU:
Khu đền tháp Mỹ Sơn
Tháp Bánh Ít
Tháp Hoà Lai
Tháp Nhạn
Tháp Bằng An
Tháp Pô Rôme (Tháp Hậu Sanh)
Tháp Bình Lâm
Tháp Chiên Đàn
Tháp Yang Prông
Tháp Đồng Dương
Tháp Dương Long
Tháp Khương Mỹ
Tháp Phú Lốc (Tháp Phước Lộc)
Tháp Mỹ Khánh
Tháp Cánh Tiên
Tháp Pô Đam (Pô Tằm)
Tháp Đôi (Tháp Hưng Thạnh)
Tháp Pô Nagar – Tháp Bà Nha Trang
Tháp Pô Krông Garai
Tháp Pô Shanư (tháp Phú Hài)
Tháp Thủ Thiện
Theo khu vực phân bố ở trên, ta có:
1. Tháp Mỹ Khánh:
 Toạ lạc ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Huế khoảng 20 km về phía Đông Nam.
 Di tích được phát hiện tình cờ tháng 07/2001.
 Niên đại: vào thế kỷ VIII, là ngôi tháp Chăm cổ nhất thuộc phong cách tháp Mỹ Sơn E1.
2. Khu đền tháp Mỹ Sơn:
 Nằm ở thung lũng Mỹ Sơn, xã Phú Duy, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km về phía Tây Nam.
 Cụm di tích được H.Parmentier phát hiện năm 1898.
 Năm 1999, Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hoá Thế Giới.
 Khu di tích là một quần thể kiến trúc độc đáo, điển hình duy nhất, nghệ thuật kiến trúc mang dấu ấn của nhiều triều đại khác nhau, đại diện cho tất cả phong cách, tất cả giai đoạn lịch sử của kiến trúc tháp Champa.
3. Tháp Bằng An:
 Thuộc làng Bằng An, xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng chừng 30 km về phía Nam.
 Được xây dựng vào thế kỷ thứ X.
4. Tháp Khương Mỹ:
 Thuộc làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cách thị xã Tam Kỳ 2km về phía Nam.
 Được xây dựng khoảng đầu thế kỷ X thuộc phong cách Khương Mỹ.
5. Tháp Đồng Dương:
 Thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 65 km về phía Tây Nam.
 Được vua Indravarman II xây dựng vào năm 877 giữa kinh đô Indrapura để thờ Laksmindora là Lesvara.
 Có sự kết hợp giữa tiếp nhận Bàlamôn giáo và Phật giáo. Đồng Dương vừa là hoàng cung, vừa là đền, miếu thờ thần, phật.
6. Tháp Chiên Đàn:
 Thuộc làng Chiên Đàn, xã Tân An, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 60 km về phía Nam.
 Được xây dựng vào thế kỷ thứ XI.
7. Tháp Bình Lâm:
 Nằm ở xóm Long Mai, thôn Bình Lâm, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
 Được xây dựng vào thế kỷ thứ XI.
8. Tháp Bánh Ít:
 Nằm ven QL1A, thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
 Được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XI – đầu thế kỷ XII.
 Chuyển từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định.
9. Tháp Cánh Tiên:
 Nằm trong trung tâm thành Đồ Bàn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
 Được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XI – đầu thế kỷ XII.
 Là một trong một số ít tháp đẹp và còn khá nguyên vẹn. Tháp mang ảnh hưởng kiến trúc Khomer.
10. Tháp Phú Lốc (Phước Lộc):
 Thuộc làng Phước Lộc, xã Nhơn Lộc, tỉnh Bình Định.
 Được xây dựng vào thế kỷ XIII.
11. Tháp Đôi (Hưng Thạnh):
 Nằm trong thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
 Được xây dựng vào thế kỷ XIII.
 Chịu ảnh hưởng nghệ thật Khơme thế kỷ XII.
12. Tháp Thủ Thiện:
 Nằm ở làng Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
 Được xây dựng vào thế kỷ XII.
13. Tháp Dương Long:
 Nằm ở gò Dương Long, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
 Được xây dựng vào thế kỷ XIII.
14. Tháp Nhạn:
 Nằm gần trung tâm thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
 Được xây dựng vào thế kỷ XII.
 Thuộc giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định.
15. Tháp Pô Nagar (Tháp Bà Nha Trang):
 Nằm ven quốc lộ 1, cách thành phố Nha Trang 4 km về phía Bắc.
 Được xây dựng khoảng đầu thế kỷ IX đến thế kỷ XII.
 Đây là đến thờ Siva của Bàlamôn giáo, sau này trở thành thờ mẹ Xứ Sở – Pô Inư Nagar của vương quốc Champa.
16. Tháp Hoà Lai:
 Nằm ven đường QL1A, làng Ba Tháp, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
 Được xây dựng vào thế kỷ IX.
 Những ngôi tháp Hòa Lai còn lại là những tác phẩm kiến trúc thuộc vào loại đẹp và cổ nhất Champa. Tháp có một bộ Linga – Yoni (cạnh 50cm) cao 30 cm cùng với những mặt tường phủ kín hoa văn, các hình Thiên nữ, người ngồi chắp tay và cả những hình Gajasimha, kala, nagar…, đã làm cho khu tháp tăng thêm giá trị nghệ thuật.
17. Tháp Pô Krông Garai (Po Klaong Girai):
 Nằm trên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 7 km về hướng Tây Bắc.
 Được xây dựng vào thế kỷ XIV.
 Tháp được lấy tên vị vua được thờ ở đây mà sử sách Đại Việt gọi là Chế Mân. Po Klaong Girai được đồng hóa với thần Siva, thể hiện tín ngưỡng thờ Thần – Vua của Champa thế kỷ XIV.
18. Tháp Pô Rômê (Hậu Sanh):
 Thuộc xã Phú Quý, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
 Được xây dựng vào thế kỷ XVII theo phong cách Muộn.
 Là tháp gạch cuối cùng của người Chăm. Tháp thờ vị vua Pô Rômê (được tạc nổi trên tấm đá hình vòng cung trên mái tháp). Đức vua được Siva hóa có tám cánh tay ngồi giữa 2 con bò thần Nadin.
19. Tháp Pô Shanư (Phú Hài):
 Nằm trên đồi Bà Nại, thôn Phú Hài, cách thành phố Phan Thiết 7 km về hướng Đông Bắc.
 Được xây dựng vào thế kỷ IX, là cực nam của vương quốc Chămpa.
 Hình khối và các trang trí đơn giản, ít điêu khắc, có những nét gần với kiểu tháp Khomer thời Chân Lạp.
20. Tháp Pô Đam:
 Nằm trên sườn núi Ông Xiêm ở làng Tuy Tịnh, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
 Được xây dựng vào thế kỷ IX.
 Thuộc phong cách Hòa Lai.
21. Tháp Yang Prông:
 Nằm bên dòng sông Ea Leo, xã Ea Rok, huyện Ea Súp, Đắk Lắk.
 Được vua SimhavarmanIII xây dựng vào cuối thế kỷ XIII. Phía đông thân tháp được gắn vào một Gopura.
V. KẾT LUẬN:
“The age-old relics of art and culture of a people is the embodiment of the past of that people, and also is a part of the past of mankind. Mankind needs this past to contemplate on themselves and others. Art and culture is like a mirror reflecting history, humanity or inhumanity; thus mankind of any era and any culture to appreciate its universal beauty”.
“Những dấu tích văn hóa, nghệ thuật thuộc những thời đại xa xưa của một dân tộc là hiện thân của cái dĩ vãng của dân tộc đó, đồng thời cũng là một phần dĩ vãng của nhân lọai. Con người cần cái dĩ vãng đó để nhìn lại mình và kẻ khác. Nó như một tấm gương, nhìn vào đó người ta thấy được lịch sử, thấy được nét nhân bản, hay không nhân bản, trong một nền văn hóa, nghệ thuật, và từ đó nhận ra được những cái đẹp phổ biến, mà một con người dù ở thời đại nào, thuộc nền văn hóa nào, cũng đều có thể cảm thụ được”) (“Di sản nghệ thuật Chăm” – Phạm Ngọc Tới ( nhà nghiên cứu nghệ thuật) – Pari – Pháp).
VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Sách:
1. Lê Tuấn Anh (chủ biên), “Di sản thế giới ở Việt Nam”, Trung tâm Công nghệ Thông tin Du lịch, Hà Nội – 2004.
2. Hoàng Xuân Chinh, “Các nền văn hóa cổ Việt Nam (từ thời nguyên thủy đến thế kỷ 19)”, NXB Lao Động, Hà Nội – 2005.
3. Ngô Văn Doanh, “Văn hoá cổ Chămpa”, NXB Văn hoá dân tộc – 2002.
4. Ngô Văn Doanh – Nguyễn Thế Thục, “Điêu khắc Chămpa”, NXB Thông Tấn – 2004.
5. Nguyễn Văn Kự, “Di sản văn hoá Chăm” (“Heritage of Chăm Culture”), NXB Thế Giới, Hà Nội – 2007.
6. Gs. Hà Văn Tấn (chủ biên), “Khảo cổ học Việt Nam – tập III – Khảo cổ học lịch sử Việt Nam”, NXB KHXH, Hà Nội – 2002.
7. Trần Bá Việt (chủ biên), “Đền tháp Chămpa – bí ẩn xây dựng”, NXB Xây Dựng, Hà Nội – 2007.
8. Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn – Diệp Đình Hoa, “Cơ sở khảo cổ học”, NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
Internet:
1. Nguyễn Duy Chính, “Núi xanh nay vẫn đó…”
2. http://dulich.tuoitre.com.vn.
3. www.vietnamtourism.com.
4. http://vi.wikipedia.org
VII. PHỤ LỤC:
Một số bản đồ nhà nước Champa cổ và các hình ảnh về nghệ thuật trang trí tháp Champa.
Khanh Ha
Khanh Ha
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 83
Join date : 11/06/2009

Về Đầu Trang Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty BE STRONG~

Bài gửi by Hoangnguyen Sat Jun 13, 2009 3:03 pm

Chao mung ban Khanh Ha da tham gia post bai tai dien dan tu minh!
alien cheers cheers bom sunny flower lol!
Hoangnguyen
Hoangnguyen
Member
Member

Tổng số bài gửi : 62
Join date : 04/06/2009

Về Đầu Trang Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty he he

Bài gửi by elpis Mon Jun 22, 2009 12:47 pm

Giao đây! Bà post bài hay quá! Kiếm điêu khắc đá Champa muốn chết. Bà đi Lào nhớ học tiếng Lào nha! Mang nhiều quà về. he he bounce afro lol!
elpis
elpis

Tổng số bài gửi : 4
Join date : 22/06/2009

Về Đầu Trang Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty thanks ba

Bài gửi by Khanh Ha Mon Jun 22, 2009 4:17 pm

tui sẽ cố gắng. sao bà dám chê mông chú bà hả? thấy bà reply câu đó là biết bà là ai rồi. khỏi giới thiệu.
bài này tui viết đó. có hình nữa mà nhiều quá nên tui làm biếng post.
bài hay hả?cô Thảo cho có 7 điểm thôi. Question No
tụi tui có 1 chuyên đề về khảo cổ học Champa, ko biết có ai làm về điêu khác đá không. Chú bà làm về bia ký đó. tui cũng có 1 ít tài liệu, nhưng tui lại ko xuống dưới để đưa bà được. tui thi trên này ko àh?
chúc bà làm bài tốt. I love you
Khanh Ha
Khanh Ha
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 83
Join date : 11/06/2009

Về Đầu Trang Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty trùi ui!

Bài gửi by  Tue Jun 23, 2009 8:30 am

bài hay lắm Hà àh! Smile
từ từ rồi post thêm hình lên nha, nhìn thấy nhiều chữ quá chóng mặt


Join date : 01/01/1970

Về Đầu Trang Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty Re: GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA

Bài gửi by Nguyễn Hồng Kiên Thu Apr 07, 2011 12:03 am

Có một số điểm không chính xác:
1- "Hầu hết các tháp Chăm đều xây dựng gần giống đền tháp ở Ấn Độ, Ăngkor (Campuchia) nằm trên những ngọn núi cao,..."
Người Chăm cổ chỉ xây đền-tháp trên các ĐỒI, và hiện tượng đó chỉ phổ biến từ thế kỷ 11-12.
2- "Đền tháp Champa thường đứng một mình (tháp Nhạn, tháp Thủ Thiện) hoặc được xây dựng thành cụm (khu đền tháp Mỹ Sơn)."
Tất cả đều là các NHÓM đền-tháp. Nay nhiều khi chỉ còn 1 di tích (như bạn ví dụ) 2 di tích (nhóm tháp Đôi-Quy Nhơn), 3 di tích (Chiên Đàn, Khương Mỹ, Dương Long)...

Tiếc là tôi không có thời gian để gõ lại những bài tôi đã viết cho các bạn.

Nguyễn Hồng Kiên

Tổng số bài gửi : 11
Join date : 06/04/2011

Về Đầu Trang Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty Re: GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA

Bài gửi by Hasuongkch Fri Apr 08, 2011 9:22 am

Cảm ơn những đóng góp của anh. Trên đây chủ yếu chỉ là những bài tiểu luận của tụ em làm năm 3, năm 4 Đại học nên ko thể tranh khỏi những thiếu sót. Mong được anh giúp đỡ thêm.
Anh ơi! Anh có thể cho bọn em danh mục bài viết của anh được không? Bọn em sẽ tìm tham khảo và lúc nào có thời gian sẽ đánh lại, post lên cho mọi người cùng xem...
Tks! Smile
Hasuongkch
Hasuongkch
Super Mod
Super Mod

Tổng số bài gửi : 312
Join date : 04/06/2009
Age : 36
Đến từ : Hà Tĩnh

http://360.yahoo.com/ngoisaophiabienxanh0203

Về Đầu Trang Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty Re: GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA

Bài gửi by Nguyễn Hồng Kiên Fri Apr 08, 2011 3:11 pm

Tự nhiên vơ vẩn thế nào lại CHUI vào đây. Hehe!
Cũng hay đấy nhẩy.
Về KCH Champa thì tìm:
- Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 4/1995 (130) anh có viết 1 tổng thuật về CÁC PHONG CÁCH ĐIÊU KHẮC CHAMPA.
- Cũng tạp chí này, số 7(169)/1998 là "kỷ yếu" của 1 hội thảo về Mỹ Sơn, anh có bài "Thu nhận từ công cuộc tu bổ phục hồi Thánh địa Mỹ Sơn"
Anh chỉ nhớ vậy. Rảnh thì mới lục lại được

Nguyễn Hồng Kiên

Tổng số bài gửi : 11
Join date : 06/04/2011

Về Đầu Trang Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty Re: GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA

Bài gửi by Hasuongkch Fri Apr 08, 2011 3:28 pm

Dạ. Em cảm ơn anh. Bọn em sẽ qua thư viện tìm và tham khảo thêm.
cảm ơn những đóng góp của anh nhé!
Hasuongkch
Hasuongkch
Super Mod
Super Mod

Tổng số bài gửi : 312
Join date : 04/06/2009
Age : 36
Đến từ : Hà Tĩnh

http://360.yahoo.com/ngoisaophiabienxanh0203

Về Đầu Trang Go down

GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA Empty Re: GIỚI THIỆU CÁC THÁP CHĂMPA

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết