Tìm kiếm
Similar topics
Latest topics
Đăng Nhập
Gốm sứ Thời Mạc qua tư liệu khảo cổ học và lịch sử
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Gốm sứ Thời Mạc qua tư liệu khảo cổ học và lịch sử
Nhà Mạc thay thế nhà Lê sơ đã biết lựa theo xu thế của thời cuộc, bớt đi những cấm đoán khắt khe của tư tưởng Nho giáo. Phật giáo và Đạo giáo được phục hồi phát triển. Nhà Mạc đã cho kiến trúc tôn tạo nhiều đình chùa, xây dựng hàng trăm tấm bia đá và hàng trăm tượng Phật. Sự mở mang về mặt đường lối chính sách của nhà Mạc là yếu tố có tác dụng gián tiếp tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế. Nhà Mạc đã không theo chính sách "Trọng nông ức thương" như nhà Lê trước đó. Những chợ địa phương, những trung tâm buôn bán, một số cảng sông được mở rộng thông thương, thương thuyền đi lại tấp lập, xuất hiện nhiều những phường thợ, nhiều những làng nghề, kích thích thợ thủ công sáng tạo ra những tác phẩm những sản phẩm mang đậm tính nhân văn và mang sắc thái riêng của thời Mạc:
“Công nghệ mại thương chi phát triển.
Bách tính âu ca nhất thời Ngu Thuấn.
(Trích bia Quảng Hoà, chùa Bảo Phúc).[1]
Với chính sách cai trị của Mạc Đăng Dung vương triều Mạc lúc bấy giờ tập trung phát triển kinh tế thương mại, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Nhận xét về Mạc Đăng Dung thì Phan Huy Chú có ghi: “tính khoan hậu giản dị. Ông giữ pháp độ cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa nhà no, người đủ, trong nước gọi thời ấy là bình trị…”[2]. Mạc Đăng Dung đã tiếp nối truyền thống phong kiến của nhà Lê nhưng khác với nhà Lê luôn theo đuổi nền kinh tế vương quyền, nhà Mạc đã nới lỏng cơ chế quản lý nhà nước, tạo điều kiện và hơn thế nữa là khuyến khích kinh tế tư nhân cũng như những nhân tố kinh tế xã hội mới phát triển. Trong số các ngành kinh tế có một số nghề thủ công phát triển mạnh. Đầu tiên đó là nghề chạm khắc đá hình thành từ lâu trong dân gian. Nhà Mạc dù không có nhiều công trình xây cất lớn nhưng nghề đá vẫn phát triển mạnh trong dân gian. Thợ chạm khắc đá chia ra nhiều hạng. Hạng công tượng làm việc trong các Giám, Sở, Cục bách công của triều đình, có tay nghề cao. Họ làm các công trình của triều đình hoặc đứng ra chủ trì việc chạm khắc các bia đá ở đình, chùa, quán tại các địa phương. Thấp hơn là hạng thợ nghiệp dư hoạt động tự do như nông dân. Phụ trách các cơ quan Giám, Sở, Cục bách công của triều đình là các chức danh Thượng bảo giám, Lục khanh giám, Khí giới doanh tạo sở, Bách đầu cục, Ngọc thạch cục… Đối với thợ làm trong các cơ quan này, chức danh nghề nghiệp của họ được phân loại như: Sở thừa, Tượng chánh, Tượng phó, Tượng nhân, Thường ban, Phó thường ban, Cục phó… Một số ít những người có đóng góp đặc biệt được triều đình phong chức cao như Vinh lộc đại phu Tạ Văn Kế, người khắc văn bia chùa Kỳ Lân. Cách đối xử với thợ thủ công của nhà Mạc khác nhiều với nhà Lê: nhà Mạc có sự tôn trọng họ và do đó họ có vị trí nhất định trong xã hội.Trong dân gian, các làng nghề chạm khắc đá hình thành và phát triển rất nhiều như Hồng Lục, Đông Hồng Lục ở Gia Lộc (Hải Dương), xã Tứ Kỳ huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), xã Kính Chủ huyện Chí Linh (Hải Dương), xã Tây Am huyện Vĩnh Bảo, xã Gia Đức huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), xã An Hoạch huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), xã Thượng Trưng, xã Nhật Chiêu (Vĩnh Phúc), xã Anh Nhuệ (Hưng Yên)… Dù chiến tranh Lê-Mạc kéo dài, các chợ chạm khắc đá vẫn di chuyển đến nhiều địa bàn hành nghề trên các vùng đất do nhà Mạc quản lý. Thứ 2 Nghề dệt trên cơ sở các phường tại đô thị và những làng thủ công có từ đời trước đã phát triển mạnh hơn trong thời Mạc. Tại kinh thành Thăng Long có phường dệt, phượng lụa; tại nông thôn có làng La (Hà Đông), làng Bưởi. Các làng này tuy chưa tách hẳn khỏi nông nghiệp nhưng những đã là những địa phương lấy nghề dệt làm chức năng chủ yếu. Nguyên liệu nghề dệt chủ yếu lấy từ tự nhiên, do đó xung quanh các làng dệt đã hình thành nhiều làng tơ tằm. Sản phẩm ngành dệt rất đa dạng. Ngoài các sản phẩm bình dân phục vụ các tầng lớp dân còn có đồ cao cấp như gấm, the, lụa vàng, đũa, sa, là, nhung, lĩnh... dành cho vua chúa, quan lại và bán ra nước ngoài. Trình độ nghệ dệt đã đạt tới kỹ thuật tinh xảo. Phương thức sản xuất chủ yếu là cá thể. Tuy đã hình thành các phường, hội nhưng chủ yếu là giúp đỡ nhau trong việc mua nguyên liệu và bán sản phẩm, chưa có thuê mướn nhân công và tổ chức cơ cấu thợ cả, thợ bạn... như sau này.[3]Cùng với hai nghề đó là nghề đúc tiền nhưng không trình bày ở phần này mà sẽ lấy nghề đúc tiền trình bày ở phần hai là tiền đề cho sự phát triển của gốm thời Mạc vì tiền tệ chính là vật để trao đổi hàng hóa. Ngoài các ngành thủ công đã trình bày trên thì một ngành hết sức quan trọng không chỉ đối với đời sống kinh tế mà còn gắn chặt với đời sống xã hội của con người hàng ngày. Đó chính là nghề gốm. Gốm thời Mạc tiếp tục phát triển và đạt được đỉnh cao với những loại hình tiêu biểu đó là nhóm đồ thờ lư hương, chân đèn, tượng nghê. Tuy nhiên do chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nên có một số người cho không có tiến trình phát triển đồ gốm sứ ở thời Mạc. Nhiều quan điểm xoay quanh về vấn đề này. Do đó để tìm hiểu sâu xa hơn, rộng hơn để xem thử thực tế dưới thời Mạc đồ gốm có phát triển hay không ? Phát triển như thế nào và có sự giao thoa với thế giới bên ngoài hay không ? Bài viết này nhằm góp phần làm sáng tỏ vấn đề sự phát triển của gốm thời Mạc và những ảnh hưởng của nó trong tiến trình gốm sứ Việt Nam.
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Vài tiền đề cho sự phát triển của gốm thời Mạc :[/b]Sự tiếp thu các yếu tố truyền thống trước đó là tiền đề hết sức quan trọng đối với việc phát triển của gốm thời Mạc. Đặc biệt là gốm hoa lam của thời Lê thì nhà Mạc đã vận dụng vào nghề gốm khá tốt tuy nhiên không áp dụng tất cả mà có sự thay đổi trong cách trang trí hoa văn trên đồ gốm, các làng nghề chế tác gốm truyền thống như Bát Tràng, Chu Đậu lại được tiếp tục phát triển đưa ra nhiều dòng sản phẩm phong phú và đa dạng hơn. Đặc biệt do chính sách của nhà Mạc, người nghệ nhân gốm được quyền sở hữu những tác phẩm tài hoa của mình, khẳng định tên tuổi và trình độ bằng cách vẽ tên của mình trên đồ gốm, điều này làm cho học cảm thấy được tôn trọng hơn và hãnh diện về chính tác phẩm của mình tạo ra. Vào thế kỷ XVI trong khung cảnh xã hội có nhiều thuận lợi, trên khắp các vùng quê kinh tế thủ công nghiệp, thương nghiệp đã có những bước tiến vượt trội. Sự xuất hiện, hưng khởi của các làng nghề chính là kết quả của quá trình vận động nội sinh cùng những biến đổi ngay chính trong cấu trúc kinh tế, không chỉ sản xuất ra một khối lượng sản phẩm lớn, kinh tế công thương thời Mạc mà tiêu biểu là hoạt động sản xuất gốm sứ, nhà Mạc còn tự định diện cho mình một phong cách mới, thể hiện dấu ấn sâu đậm của một thời đại. Kỹ thuật sản xuất gốm sứ mà đặc biệt là sứ hoa lam thời Mạc là một thành tựu quan trọng trong lịch sử phát triển gốm sứ Việt Nam.[4] Vượt ra khỏi những định chế của một loại hình sản phẩm thủ công, gốm thời Mạc trở thành một sản phẩm hàng hóa và hơn thế nữa còn là sản phẩm xuất khẩu của Đại Việt. Tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam còn lưu giữ 11 chiếc chân đèn và 2 lư hương có niên đại thời Mạc: Diên Thành, Đoan Thái, Hưng Trị đồng thời ghi rõ tên người và nơi sản xuất. Có thể coi việc thường ghi họ tên, nơi sản xuất, người đặt hàng và tính năng sản phẩm là nét đặc trưng của gốm thời Mạc. Điều chắc chắn là nhờ tài năng và giao lưu kinh tế phát triển, nhiều nghệ nhân sản xuất gốm sứ đã trở nên giàu có. Để thuận lợi cho việc giao thương thì cùng với việc sử dụng tiền ở giai đoạn trước và tiền ngoại quốc, dường như nhà Mạc cũng không có biện pháp hạn chế hay cấm sử dụng tiền tệ của Nam triều. Hơn thế, các vua nhà Mạc còn cho chủ động đúc thêm tiền tệ. Cụ thể, Mạc Đăng Dung đúc Minh Đức Thông Bảo, Minh Đức Nguyên Bảo, Mạc Đăng Doanh đúc Đại Chính Thông Bảo, Mạc Phúc Hải đúc Quảng Hòa Thông Bảo, Mạc Phúc Nguyên đúc Vĩnh Định Thông Bảo, Vĩnh Định Chí Bảo, Mạc Kính Cung đúc Thái Bình Thông Bảo, Thái Bình Thánh Bảo. Tiền tệ đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng phạm vi buôn bán, thúc đẩy sự phát triển kinh tế hàng hóa và giao lưu kinh tế giữa nước ta với các quốc gia khu vực.[5] Cùng với các yếu tố đó thì yếu tố con người cũng khá quan trọng, dưới thời Mạc đã xuất hiện một số nghệ nhân có trình độ tài hoa khá cao với những sản phẩm có giá trị để lại. Qua nghiên cứu đồ gốm có minh văn thì thấy tên tuổi của một số nghệ nhân như Bùi Huệ, Bùi Nghĩa, Bùi Thị Đỗ, Đỗ Phủ, Đỗ Xuân Vi, Nguyễn Phong Lai, Hoàng Ngưu, Đặng Mậu Nghiệp[6]…Có thể nói chính yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là cơ bản nhất trong sự phát triển của gốm thời Mạc.
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"] Một số đặc điểm của gốm thời Mạc:[/b]
a. [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Về loại hình: [/b]Gốm thời Mạc với nhiều loại hình phong phú và đa dạng. Dựa vào hình dáng, chất liệu và công dụng thì có thể chia làm bốn loại như sau gốm gia dụng, gốm thờ, gốm kiến trúc nghệ thuật tôn giáo và gốm thương mại. Chúng ta sẽ đi sâu vào từng loại hình của gốm thời Mạc để thấy rõ được những đặc điểm riêng của từng loại hình và quan trọng hơn để dễ dàng hiểu hơn về đặc điểm cơ bản của gốm thời Mạc.
v [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Gốm gia dụng[/b]: đây là loại hình gốm phổ biến trong đời sống xã hội của người dân hàng ngày. Từ những vật dụng sử dụng cho việc nấu nướng đến ăn uống, theo Cố giáo sư Trần Quốc Vượng xem đồ gốm gia dụng chính là một phần của đồ gốm dùng trong văn hóa ẩm thực[7]. Gốm gia dụng thời Mạc với nhiều loại hình đa dạng, phong phú về hình loại và kiểu dáng. Bao gồm các loại hình như đĩa, chậu, âu, thạp, ang, bát, chén, khay trà, ấm, điếu, nậm rượu, bình vôi, bình, lọ, chóe và hũ. Để làm rõ hơn về gốm gia dụng thời Mạc thì sẽ trình bày về một số loại hình phổ biến.
Ø [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Chén:[/b] Đây là loại hình phát hiện tương đối nhiều. Chén gốm thời Mạc chủ yếu là gốm hoa lam, có miệng loe, thành cong, sâu lòng, chân đế cao, đề tài trang trí thường là rồng phượng, họa tiết cây cảnh cúc hoa dây….
Ø [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Bát:[/b] Cũng là loại hình khá phổ biến. Bát gốm thời Mạc cũng là gốm hoa lam, có miệng loe, thành cong, đế thấp, đường kính đế thường bằng nửa đường kính miệng. Hoa văn trang trí nhiều và phổ biến là hoa là, sen, cúc dây có một số có hình động vật như chim.
Ø [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Nậm rượu:[/b] Loại hình này phát hiện được ít hơn. Tuy nhiên nậm rượu là hiện vật cũng khá độc đáo. Miệng đứng cổ cao hình trụ, thân dáng chuôn trên phình dưới thuôn, men xanh rêu, trắng rạn, thường chạm hình nghê.
Ø Bình vôi : Bình vôi thời Mạc có dạng hình tạo dáng 2 vòng, quai cong hình vành khuyên. Quai được làm phỏng theo cành cau, thân bình tạo dáng chuông hay dáng quả bưởi, quai bình vôi có men xanh lục, còn lại trắng rạn, giáp chân đế có rãnh lõm hình lòng máng[8].
Ø Chóe : Xuất hiện loại chóe cao, miệng đứng, vai phình, thân thuôn, đế choãi, trang trí nổi hoặc vẽ lam hình rồng, cúc dây….
Ø Bình: có nhiều kiểu dáng khác nhau, miệng hình lục giác, tứ giác hoặc tròn…Tuy nhiên phổ biến nhất loại bình, lọ của thời Mạc là loại có miệng tròn hơi loe, hoa văn trang trí chủ yếu là cảnh thiên nhiên, hoa lá, cúc dây, sen…
v Gốm thờ: Gốm thờ là loại gốm cao cấp được sử dụng vào mục đích tôn giáo hoặc tín ngưỡng[10]. So với các thế kỷ trước, gốm thờ Mạc có số lượng khá lớn, kỹ thuật chế tác tinh tế và loại hình cũng phong phú. Ngoài gốm phục vụ cho kiến trúc thì gốm gia dụng và gốm thờ phát triển mạnh. Trong đó, chân đèn và lư hương được xem là những hiện vật tiêu biểu[11]. Có thể nói đến giai đoạn nhà Mạc gốm thờ đã trở thành một đặc trưng tiêu biểu để nhận diện sự phát triển của gốm Mạc. Theo tư liệu trong sách Mỹ thuật thời Mạc của nhóm tác giả Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân (Viện Mỹ thuật) ghi: “Lư hương, chân đèn gốm là loại gốm sử dụng rộng rãi ở thời Mạc. Cho đến nay trong các đình chùa, đền miếu cổ vẫn còn nhiều gốm cổ thời Mạc. Riêng chùa Bối Khê ở Hà Tây vẫn còn 5 chân đèn gốm thời Mạc, thì có ba cái ghi rõ làm tại Bát Tràng...”[12]. Gốm thờ thời Mạc có nét mới đó là được dòng men lam xám, có minh văn, minh văn được thể hiện bằng cách vẽ lam trên nền trắng. Gốm thờ thời Mạc bao gồm chân đèn, lư hương và tượng con nghê. Trong đó tiêu biểu nhất là chân đèn và lư hương. Có thể nói gốm thờ là loại gốm điển hình của thời Mạc. Đặc biệt minh văn thể hiện trên gốm thờ mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Sau đây sẽ trình bày cụ thể từng loại hình của đồ gốm thờ để có thể nhận diện được sâu sắc hơn.
Ø Chân đèn: Trước thời Mạc, thể loại chân đèn thờ tìm thấy thường bằng đồng, đất nung dạng sành, còn nếu bằng gốm thì thường có kích thước nhỏ và số lượng tìm thấy là rất ít. Mãi cho tới niên hiệu Sùng Khang của đời vua Mạc Mậu Hợp (1566 – 1577), mới thấy xuất hiện những chân đèn gốm hoa lam và đặc biệt, có kích thước rất lớn. Giai đoạn này được xem như thời điểm bắt đầu cho một sự bùng nổ các loại đồ gốm phục vụ việc thờ cúng và phát triển cực thịnh trong gần 200 năm. Các sản phẩm lư hương, chân đèn gốm trở thành một bộ đồ thờ tạo nên nét riêng biệt cho diện mạo gốm Mạc của quốc gia Đại Việt. Những sản phẩm này không chỉ được biết đến ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu thông qua con đường hàng hải. Chân đèn gốm khá phong phú về kiểu dáng, được nghệ nhân tạo tác với hầu hết các ngón nghề, kỹ thuật như chuốt, tạo dáng trên bàn xoay. Sản phẩm được thực hiện trên nhiều công đoạn khác nhau, phức tạp và tỉ mỉ. Chẳng hạn, các bộ phận của chân đèn được chia thành nhiều phần khác nhau, lắp ghép lại, sau đó được gia công thêm bằng cách nặn, đúc, đắp nổi, vẽ các dạng hoa văn, hình tượng. Và đặc biệt, trên loại sản phẩm gốm này còn được thể hiện rất nhiều minh văn, đem lại cho chúng một giá trị lịch sử cũng như giá trị phân định về phong cách tạo hình một cách chính xác. Sau khi được đắp, vẽ và khắc minh văn, các sản phẩm được tráng một lớp men lam đậm, lam xám hoặc xanh rêu trong veo, khiến mắt thường cũng có thể nhìn thấu cốt gốm. Tuy chỉ sử dụng một màu men nhưng các nghệ nhân thời Mạc đã tạo nên sự đa dạng về các sắc độ. Họ lợi dụng được độ đọng của men trên các mức độ chìm nổi khác nhau của bề mặt gốm khiến cho chỉ cùng một màu men xanh mà có những chi tiết khắc chìm mang màu xanh đậm, trong khi phần nền lại có vẻ xanh dịu, còn những phần đắp nổi lại láng bóng và có màu xanh nhạt gần như trắng ngà. Do những sản phẩm gốm này đều có xương gốm dày, màu trắng xám và thô, độ nung vừa phải nên men chảy và chín đều, tạo nên những nét tinh tế về mặt tạo hình. Ngoài ra, các hình trang trí gắn nổi trên phần thân của chân đèn cũng đã nói lên phần nào tính ngẫu hứng của các nghệ nhân đương thời. Các hình rồng, phượng và các hoa văn luôn thay đổi về mặt hình thức bố cục đồng thời thể hiện cảm xúc một cách tinh tế, sinh động. Ngay cả bố cục của các con chữ khắc chìm hoặc đắp nổi cũng mang một ý thức thẩm mỹ cao. Chúng mềm mại, bay bướm, phóng khoáng mà vẫn dễ đọc, đôi khi lại tạo thành một kiểu thức trang trí lấp vào các khoảng trống để nối liền các chi tiết trang trí chính. Chúng cũng được coi như một thứ hoa văn trang trí thiết yếu, biểu hiện trình độ Nho học và nghệ thuật chắc tay. Từ hình thức cấu trúc dạng lắp ghép mạch lạc như vậy, gốm Mạc có một vẻ đẹp thô mộc nhưng không kém phần tinh tế. Các chân đèn Mạc đẹp không nhờ những đường chuyển tinh tế như xu hướng gốm Việt cổ nói chung mà hướng tới những đường gẫy khúc hơn những đường cong tuyệt đối. Ta có thể thấy điều này ở những phần chuyển giữa những khối lớn trên sản phẩm, giữa miệng và cổ, giữa cổ xuống phần thân của chân đèn, nếu có gia công thêm đường cong thì cũng chỉ là những độ chuyển vừa phải. Các đường cong, thẳng được hòa quyện với nhau nhưng nhấn mạnh nhiều hơn vào các đường thẳng, các khối vuông, chữ nhật. Các khối tròn, khối cầu được giữ lại như một thành phần tất yếu không thể giản lược hơn được nữa. Do vậy, chúng tạo nên tính uyển chuyển mà người ta thấy ở đó ít nhiều sự tiếp thu các dạng thức gốm của giai đoạn trước. Cấu trúc gốm chân đèn gốm tự thân nó ổn định là nhờ mối quan hệ về tỷ lệ giữa các phần. Sự không lặp lại về chiều cao, chiều ngang của các khối trên cả chân đèn tạo ra nhịp điệu đặc trưng thay đổi liên tục với các khoảng dài, ngắn không bằng nhau, tạo nên một nhịp chuyển tiếp. Sự thay đổi tỷ lệ đã tạo nên vẻ đẹp đặc biệt cho các tác phẩm mỹ thuật thời Mạc. Chân đèn gốm thời Mạc đẹp hơn các thời khác chính bởi điều đó, nó trở thành thước chuẩn để đánh giá phần nào phong cách của mỹ thuật thời Mạc. Kiểu thức cấu trúc mang nhiều yếu tố kỷ hà học này có thể được minh họa bằng một sơ đồ dưới đây, mà nhìn vào đó người ta cũng có thể hình dung hay mường tượng đến một sự khái quát hóa ở các loại hình gốm thờ khác cùng giai đoạn này[13]. Các nghệ nhân thời Mạc không chỉ có đôi bàn tay khéo léo mà còn có đầu óc tư duy thẩm mỹ cao, có con mắt nhìn nhận quan sát sự việc tinh tế, khi tìm ra lối đi mới: kỹ thuật đắp nổi trên sản phẩm bằng hai thủ pháp là in khuôn và đắp trực tiếp. Việc đưa kỹ thuật này vào thể hiện trên chân đèn gốm là bước đột phá về công nghệ trong nghề gốm. Với việc dùng khuôn in để nhân bản thành nhiều sản phẩm đã giúp rút ngắn thời gian, tăng năng suất lao động, chất lượng tốt. Nhưng điều quan trọng hơn cả, dùng khuôn in làm cho sản phẩm được in với nhiều chi tiết nhỏ sẽ hiện lên một cách rõ nét, tinh vi. Việc đắp trực tiếp lên sản phẩm tốn nhiều thời gian hơn nhưng nó bộc lộ được cảm xúc cũng như cá tính của người thợ... Nhìn chung, kỹ thuật khắc chìm, đắp nổi và vẽ là ba phương pháp thể hiện chính của thợ gốm thời Mạc, có chân đèn họ chỉ sử dụng hai kỹ thuật, nhưng thường họ kết hợp cả ba thủ pháp này. Bên cạnh kiểu dáng, kỹ thuật thể hiện và nghệ thuật trang trí trên chân đèn gốm thời Mạc, không thể thiếu vắng sự góp mặt của màu men. Bởi men góp phần tạo ra sắc độ đậm nhạt trên gốm, làm cho sản phẩm có sự truyền cảm mạnh mẽ hơn. Có thể nói, trước thời Mạc có dòng men nâu, men ngọc nổi tiếng thời Lý - Trần, men lam thời hậu Lê, đến thời Mạc lại trên tinh thần kế thừa những sản phẩm của thời trước để lại, các nghệ nhân đã chế tạo ra một dòng men mới mang tên “men tam sắc”. Men tam sắc là sự tổng hợp của ba màu men: trắng ngà, xanh lá cây và nâu đỏ. Các màu men được sử dụng theo phương thức: men trắng ngà tráng lên toàn bộ sản phẩm, còn men xanh lá cây và men nâu đỏ thì tô điểm vào các phần họa tiết trang trí vẽ, khắc chìm hay đắp nổi. Khi nung, các men chảy nhòe, tạo lên độ đậm nhạt cho sản phẩm.
Tóm lại, chân đèn gốm thời Mạc là tác phẩm nghệ thuật khá hoàn chỉnh hội tụ nhiều yếu tố của ngôn ngữ tạo hình như hội họa (vẽ), đồ họa (khắc chìm), điêu khắc (đắp nổi) và màu sắc, tất cả được phối hợp với nhau một cách khéo léo và tinh tế. Chúng kết tụ tinh hoa từ bàn tay, khối óc của tổ tiên, thể hiện qua kỹ thuật chế tác và nghệ thuật tạo tác, với một phong cách riêng về kiểu dáng, họa tiết trang trí và kỹ thuật thể hiện, cho ra đời những tác phẩm gốm vượt qua thăng trầm của thời gian, làm rung động người xem mọi thế hệ.[14]
Ø [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Lư hương: [/b]Đây là loại sản phẩm cùng ra đời với bộ chân đèn cho nên mang nhiều đặc điểm trang trí và men giống nhau. Cho nên có nhiều trường hợp chân đèn hay lư hương chỉ qua so sánh hoa văn và men mà chúng ta có thể nhận ra tác giả và niên đại dù không có minh văn[15]. Qua nghiên cứu cho thấy có 3 loại lư hương.
§ [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Loại 1: [/b]đây là loại lư hương có ba chân gắn ở dưới đáy, còn bên trên có dạng ống nhỏ, miệng loe rộng, thân thấp.
§ [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Loại 2: [/b]Là loại lư hương có kiểu dáng hình hộp chữ nhật, trang trí đắp nổi và vẽ lam ở thân.
§ [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Loại 3 : [/b]Có dạng hình con nghê, trên lưng có phần rỗng dùng để cắm hương, cổ nghê cắm nổi hoa văn xoắn, các khuỷu chân đắp nổi mây mác, thân dán bông cúc nổi.[16]
Trong chương trình bày về lư hương, Nguyễn Đình Chiến có dẫn: “Trong sưu tập này, lư hương có niên đại sớm nhất là niên hiệu Diên Thành 5 (1582) và muộn nhất là niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 86).”[17] Như vậy có thể thấy rằng lư hương có minh văn sớm nhất là ở thời Mạc.
Lư hương ở thế kỷ XVI trong sưu tập có 6 chiếc thuộc dòng gốm hoa lam và lam xám. Lư hương gốm lam xám ở thế kỷ XVI còn nguyên vẹn cho thấy một kiểu dáng cao và bề thế với phần trên của một chiếc trống đồng Đông Sơn để ngửa, xung quanh có 4 chân quỳ, phần dưới có dáng chuông thấp. Lư hương chế tạo năm 1590 của tác giả Đỗ Xuân Vi thì rõ ràng là một “tòa” bình hương như người xưa mô tả. Bên cạnh loại lư hương gốm hoa lam có chạm đắp nổi để mộc, trong sưu tập còn có lư hương trạm nổi hình rồng phượng, đế là một đài sen 2 tầng cánh. Lư hương miệng cúp, dáng chuông thấp vẽ rồng “yên ngựa” và mây là trường hợp khá điển hình của niên hiệu Diên Thành 6 (1583). Lư hương gốm lam xám và kết hợp lam xám với màu vàng nâu là nhóm tác phẩm của tác giả Đặng Huyền Thông, từ niên hiệu Diên Thành đến niên hiệu Hưng Trị. Lư hương của Đặng Huyền Thông đều có kiểu dáng ổn định với miệng loe, cổ hình trụ, bụng phình, 4 chân quỳ. Xung quanh bụng và miệng lư có 6 dải quai đối xứng từng đôi một. Điều đáng lưu ý là tạo dáng 3 phần trên của lư hương chẳng khác gì dáng trống đồng Đông Sơn.[18]
v [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Gốm kiến trúc, nghệ thuật và tôn giáo: [/b]Dòng gốm này được dùng phổ biến trong trang trí nhà cửa và các công trình tôn giáo tín ngưỡng như chùa chiền, đình, hội quán…Thời Mạc Phật giáo và đạo giáo có xu hướng được phục hồi đặc biệt là Phật giáo. Do đó gạch ngói dùng để trang trí cũng được sản xuất với nhiều kiểu dáng và loại hình, phong phú về họa tiết hoa văn trang trí. Ở phần này, tôi xin trình bày về phần gạch, do số lượng phát hiện tương đối nhiều đồng thời là tư liệu về ngói thời Mạc tương đối ít nên khó so sánh đối chiếu với những giai đoạn trước đó. Theo tư tịch cổ ghi chép lại vào năm 1536 – 1537 triều đình đứng ra trùng tu, sửa chữa lại văn miếu. Trong thống kê năm 1993 có 195 công trình kiến trúc được xây dựng và trùng tu trong đó có 142 ngôi chùa, 12 ngôi đình làng, 7 quán đạo, 8 công trình kiến trúc còn lại thuộc nhiều loại hình kiến trúc khác nhau như bến đò...Năm 2010 bổ sung thêm 40 bia[19] cũng đề cập đến việc sửa chữa và trùng tu lại đền chùa, miếu. Về loại hình gạch thì qua thu thập những di vật còn sót lại cũng như ở dấu tích của các chùa và đình quán thì gạch thời Mạc được chia làm 3 loại đó là gạch bờ móng, gạch bệ thờ và gạch nền.
Ø [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Gạch bờ móng[/b]: Khảo sát thấy móng gạch còn tương đối nguyên vẹn ở chùa Hội, quán Hội Linh (Hà Nội) cho thấy gạch được xây từ 4 – 7 lớp. Gạch được xếp so le ngang dọc và không có vữa liên kết. Gạch ở bờ móng cũng được chia làm 2 loại:
§ Loại 1: Gạch có hình khối chữ nhật, kích thước chiều dày mỏng hơn chiều rộng. Kích thước chiều dài từ 29 – 31cm, dày từ 5 – 6cm. Loại này thì có trang trí hoặc không có trang trí hoa văn trên gạch. Loại gạch có hoa văn thường được trang trí hình cánh sen và được sử dụng để bó vỉa hàng trên cùng của móng. Gạch không trang trí hoa văn được xây nghiêng xếp so le nằm ngang ở hàng cuối.
§ Loại 2 : Kích thước chiều dày gần bằng chiều rộng tạo mặt cắt ngang hoặc gần vuông. Kích thước chiều dài viên gạch từ 28 – 31cm, rộng 11 – 12cm, dày 9 – 10cm. Có hoa văn trang trí trên mặt gạch, hoa văn tập trung vào đề tài linh thú và hoa lá cách điệu mang đậm phong cách thời Mạc. Đề tài linh thú với hoa văn hình rồng, hình rồng kết hợp chim phượng, hình rồng cuộn tròn còn có thêm hoa cúc ở 4 góc hoặc trong khung hình ô van với hình hổ, nghê, lân, ngựa, voi. Đề tài hoa lá được trang trí với các loại hoa văn: hoa mai 6 cánh kép, hoa sen nở dọc, hoa sen kép,…Hoa sen được thể hiện là bông sen theo chiều nhìn bổ dọc trên đầu viên gạch hoặc cánh sen theo chiều dài viên gạch. Hoa văn động vật kết hợp hoa lá như hình rồng kết hợp hoa sen. Gạch xây móng được làm bằng chất liệu xương gốm mịn, màu đỏ. Ở chùa Hội loại gạch này còn khá nguyên vẹn.
Ø [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Gạch ở bệ thờ: [/b]Cũng gồm 2 loại. Loại 1 là loại gạch vồ tương tự loại gạch ở bờ móng. Loại thứ 2 là loại có hình gần vuông, có chức năng ốp, trang trí các hoa văn hình hoa sen, hình người, hình voi đang đứng, hình người cưỡi voi đang chạy, hình người cưỡi lân mang phong cách nghệ thuật thời Mạc. Gạch có kích thước (32 × 27cm). Gạch này được làm bằng chất liệu sét đỏ xương gạch cứng chắc do độ nung già lửa.
Ø [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Gạch nền: [/b]Là gạch trang trí hình hoa sen nở.
Ngoài các hoa văn kể trên còn có thêm hình chuột chầu hoa sen, cá hóa rồng, hình hươu, hoa sen cũng phong phú hơn thể hiện theo chiều nhìn chính diện gồm 8 cánh[20].
b. [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Các dòng men: [/b]Gồm nhiều loại men khác nhau. Các loại men thường gặp nhất là men trắng, men lam, men tím, men nâu và men vàng. Mỗi loại men lại có nhiều sắc độ khác nhau. Đa số sản phẩm được tráng một loại men. Màu men được tạo ra còn tùy thuộc vào chất liệu của nguyên liệu đất, chất tạo men, nhiệt độ nung. Chẳng hạn như ở Chu Đậu giai đoạn này thì men gốm khá dày, không bóng nhưng bám chắc vào xương, men sống nhiều hơn men quá lửa. Dựa vào màu sắc trên đồ gốm sứ thời Mạc thì ta có thể thấy có có 3 dòng men nổi bậc đó là dòng men lam xám, dòng men hoa lam và dòng men nhiều màu.
v Dòng men lam xám: Thuật ngữ men lam xám được dùng khởi đầu từ các chuyên gia bảo tàng mỹ thuật Việt Nam bao hàm ý nghĩa một loại men trong và dày, có sắc xanh sẫm, đôi khi pha lẫn màu ghi xám hay màu đen ngả vàng. Với loại men này, toàn bộ bề mặt hiện vật được phủ lên giống như loại men ngọc ở các thế kỷ trước. Vì vậy việc sử dụng các kỹ thuật đúc chạm nổi, dán ghép kết hợp với khắc chìm, loại gốm men xám đã được thiết lập thành một dòng gốm riêng biệt.[21]Hầu hết đồ gốm có men lam xám được thấy dưới dạng đồ thờ như chân đèn, lư hương, bình và mô hình tháp. Nghệ thuật tạo hình và trang trí mang nhiều ảnh hưởng của yếu tố Đông Sơn và thường có minh văn được vẽ màu lam. Điều thú vị là những tác phẩm dòng men lam xám đã được biết đều thuộc một tác giả. Đó là Đặng Huyền Thông (có trường hợp ghi cả tên vợ ông là bà Nguyễn Thị Đỉnh) ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách. Các loại hình của tác giả Đặng Huyền Thông là chân đèn, mô hình tháp, bình. Cũng từ các tác phẩm có niên đại tuyệt đối và tên tuổi của ông mà nay chúng ta có những mẫu chuẩn về loại hình, màu men và đặc biệt là bảng đề tài trang trí phong phú thể hiện nét riêng của một nghệ nhân gốm Việt Nam tiêu biểu, cách ngày nay hơn 400 năm. Cũng nhờ đó, chúng tôi còn có thể nhận ra nhiều đồ gốm khác tuy không có minh văn khắc họ tên ông. Những tác phẩm của ông cho biết trong khoảng 1580 – 1590 cho thấy sớm nhất là bình gốm lam xám chế tạo ngày 21 tháng 9 niên hiệu Diên Thành 3 (1580).
v [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Dòng men hoa lam: [/b]Đây là loại men sớm nhất được sử dụng ở Việt Nam tại lò Bát Tràng, thế kỷ XIV. Men lam là men được dùng với gốc Oxýt Côban là chủ đạo. Sử dụng men làm đồng thời với sử dụng kỹ thuật dùng bút lông làm công cụ vẽ trên nền đồ gốm. Men lam không bao giờ để trần như men nâu mà bao giờ cũng được phủ lớp men màu trắng bóng, có độ thủy tinh hóa cao sau khi nung. Men lam thể hiện dưới các sắc độ khác nhau như sắc xanh đen, sắc xanh đen sẫm…Gốm hoa lam của Bát Tràng thế kỷ XVI có sắc xanh đen, sắc xanh đen sẫm trên chân đèn. Men lam dùng để vẽ mây kết hợp với trang trí hình rồng nổi để mộc, vẽ cánh sen đứng, các băng đường diềm[22]. Họa tiết trên dòng men lam chủ yếu bao gồm hoa sen, hoa cúc, hoa dây, cây cỏ hoa lá, tôm cá, chim trùng, thuyền và người, rồng và mây.[23]
v [b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Dòng men nhiều màu: [/b]Đây là dòng men nhiều màu nặng lửa chỉ qua một lần nung, trang trí hoa văn nổi đáng lưu ý là chỉ bao gồm một số loại hình như chân đèn, lư hương, tượng nghê, nậm rượu…do lò Bát Tràng sản xuất. Đặc điểm chung của nhóm này là sự phối hợp của các loại men trắng ngà, xanh rêu cùng vàng rêu. Hoa văn trang trí gồm các đề tài hoa lá, rồng phượng…
c. Về kỹ thuật chế tác: căn cứ vào hình loại, dấu vết kỹ thuật và công cụ sản xuất gốm ta có thể thấy được gốm thời Mạc sử dụng 3 kỹ thuật cơ bản đó là tạo hình trên bàn xoay, tạo hình bằng khuôn và tạo hình bằng tay.
v Phần lớn được tạo hình trên bàn xoay, bằng chứng về kỹ thuật này là những vết xước bàn xoay trên đồ gốm, những song và ắc bàn xoay phát hiện được ở Chu Đậu. Đặc biệt, mới đây đã phát hiện được một bàn xoay bằng gỗ lim ở Ngói ở Hải Dương. Bên cạnh bàn xoay, khuôn cũng là một công cụ làm gốm quan trọng, nhiều loại khuôn làm bằng đất nung được phát hiện ở Chu Đậu.
v Nhờ có bàn xoay và khuôn mà người nghệ nhân chế tạo đồ gốm trên quy mô lớn, làm được nhiều loại gốm khác nhau, từ bé đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Việc phân biệt giữa gốm làm bằng bàn xoay và gốm làm bằng khuôn rất khác nhau. Bởi vì đa số sản phẩm gốm sứ được tráng men. Mặc khác, nhiều đồ gốm sau khi được tạo dáng bằng khuôn lại được đưa lên bàn xoay để gọt sửa cho hoàn chỉnh. Ngoài tạo hình bàn xoay còn có tác dụng là ve lòng sản phẩm.
v Công cụ sản xuất giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng sản phẩm đồng thời biểu hiện trình độ kỹ thuật trong thời kỳ lịch sử. Ở Chu Đậu công cụ sản xuất thường chiếm một tỷ lệ lớn về số lượng và thể tích so với các phế phẩm.
Ø Con kê: được tìm thấy khá nhiều trong các hố khai quật lên tới hàng nghìn cái. Chúng là vật chống dính của các sản phẩm gốm có men trong khi nung. Có các loại vành khăn, nón cụt, hình đĩa. Loại hình đĩa có chân được đúc bằng khuôn, đúc xong lót vải, gắn các chân nhỏ.
Ø Bao nung: Muốn cho sản phẩm gốm không bị sụn đổ, ám muội người ta thường dùng bao nung để giữ chắc không cho đồ gốm bị gãy đổ, Đồng thời có thể chồng lên nhau nhiều tầng để tiết kiệm không gian lò, bao nung có số lượng nhiều, kích cỡ dài và lớn[24].
Ø Bàn xoay: phát hiện những song và ắc bàn xoay ở Chu Đậu và một bàn xoay còn nguyên ở Ngói (Hải Dương). Ngoài ra còn có khuôn đúc.
v Như vậy có thể thấy rằng dưới thời Mạc người nghệ nhân vẫn sử dụng những phương pháp truyền thống để chế tạo gốm. Gốm được sản xuất dưới thời Mạc thậm chí còn sản xuất với số lượng lớn là điều không thể chối cãi được. Đồng thời người nghệ nhân còn khắc minh văn trên gốm.
d. Minh văn trên gốm thời Mạc:
v Đồ gốm có minh văn là loại hình đặc trưng tiêu biểu của gốm sứ thời Mạc. Được người nghệ nhân ghi lại bằng nét khắc chìm hay vẽ bằng men lam dưới men trắng. Thông tin quan trọng nhất là loại minh văn cho biết rõ niên đại tuyệt đối của hiện vật, họ tên quê quán của tác giả chế tạo cùng họ tên quê quán của người đặt hàng.
v Về xuất xứ tác giả:
Ø Xã Bát Tràng huyện Gia Lâm, phủ Thuận An có 13 người gồm có Bùi Huệ, Bùi Nghĩa, Bùi Thị Đỗ, Đỗ Phủ, Đỗ Xuân Vi, Đỗ Thị Tuân, Nguyễn Thị Bân, Họ Hoàng, Hoàng Thị Vệ, Lê Thị Ngọc, Trần Nghĩa, Trần Thị Ngọ, Vũ Ngộ Tiên.
Ø Xã thời Trung chưa rõ huyện phủ 1 người là Hoàng Phúc
Ø Xã Nghĩa Lư, huyện Cẩm Giàng (phủ Thượng Hồng) có 2 người là Nguyễn Phong Lai và Hoàng Ngưu (hiệu là Phúc Ninh).
Ø Xã Bá Thủy, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hoàng có 1 người là Nguyễn Nghiễm.
Ø Xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách có 2 người là Đặng Mậu Nghiệp tự Huyền Thông (Đặng Huyền Thông) và vợ là Nguyễn Thị Đỉnh.[25]
v Người đặt hàng: gồm nhiều tầng lớp trong xã hội có cả Hoàng gia trong triều đình. Gia đình họ Lưu cùng họ Nguyễn, Lê, Đình. Trong đó có họ Lưu tức Ninh Dương Bá Ty đô chỉ huy sứ, Đô chỉ huy kiểm sự, Nguyễn Mậu thôn Liễu Kiều. Chân đèn được chế tạo vào năm Diên Thành thứ 3, người đặt hàng là Đại sĩ Ngạn quận công, pháp hiệu Đức Quảng (của phò mã Mạc Ngọc Liễn) và phúc thành trưởng công chúa cùng nhiều tín thí ở xã Đặng Xá.[26]
v Dưới thời Mạc những người thợ thủ công - những nghệ sĩ tạo hình dân gian được hết sức tự do, cởi mở trong sáng tạo, trong sản xuất, ý thức vai trò trong cá nhân thời này được tôn trọng và có bước phát triển mới. Thợ thủ công đóng dấu tên mình trên sản phẩm, đặc biệt là các đồ gốm, đồ sứ. Việc ghi họ tên và quê quán trên sản phẩm chứng tỏ người nghệ sĩ đã được quyền xác định vị trí của mình trong xã hội. Trên sản phẩm có ghi cả tên quê quán những người đặt hàng ở nhiều vùng quê khác. Như vậy, minh văn trên gốm thời Mạc không những chỉ mang lại cho chúng ta những giá trị về nghệ thuật thẩm mỹ mà quan trọng hơn đó chính là những tư liệu nhằm giúp phục dựng phần nào đời sống của con người.
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"] [/b][b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Các làng nghề chế tác gốm tiêu biểu thời Mạc[/b]
a. Làng gốm Chu Đậu: Chu Đậu là trung tâm gốm sứ cổ truyền Việt Nam rộng khoảng 70.000 m2 làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá, thuộc các xã Minh Tân (làng Mỹ Xá) và Thái Tân (làng Chu Đậu), huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ngoài ra còn có 11 di tích gốm sứ khác nữa. Chu Đậu ở thời Hậu Lê (thế kỷ XV – XVIII) là một xã ở huyện Thanh Lâm thuộc Nam Sách châu Đồng Đạo (thời Lê Sơ). Thời Diên Ninh (1454 – 1459) Chu Đậu thuộc Nam Sách Thừa Tuyên. Năm 1979 là một thôn của xã Thái Tân, huyện Nam Thanh. Mỹ Xá là một thôn của xã Minh Tân huyện Nam Thanh. Nằm sát bên Chu Đậu chỉ cách nhau bởi một con đê Thái Bình chỉ khoảng hơn 10m, chắc vào thời Mạc làng Mỹ Xá vẫn chưa có đê. Loại gốm sứ này thường được nhắc đến với tên gốm Chu Đậu là do lần đầu tiên người ta khai quật được các di tích của dòng gốm này ở Chu Đậu. Chu Đậu được khai quật 5 lần với tổng diện tích là 140,5 m2 (chưa kể 19 m2 đào thám sát)[27]. Sau này, khi khai quật tiếp ở Mỹ Xá (làng bên cạnh Chu Đậu) thì người ta phát hiện ra khối lượng di tích còn đa dạng hơn và có một số nước men người ta không tìm thấy trong số các di tích khai quật được tại Chu Đậu. Năm 1997 sau khi tìm được rất nhiều gốm Chu Đậu trong con tàu đắm ở Cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) của người Bồ Đào Nha dòng gốm này mới được biết đến. Ngay cả người dân trong vùng cũng không biết đến nghề gia truyền này. Tại Mỹ Xá, gia phả dòng họ Vương có ghi câu "...tổ tiên...lấy nghề nung bát làm nghiệp". Đặng Huyền Thông được mệnh danh là tổ nghề gốm Chu Đậu. Kết quả nghiên cứu cho thấy gốm sứ Chu Đậu được nung trong lò với nhiệt độ khá cao tư 12500C đến 13500C, cũng có sản phẩm đạt tới độ nung 14000C. Bằng chứng về lò gốm Chu Đậu đã phát hiện rất nhiều. Đó là các mảng trần lò, nền lò và bầu lò. Đó là những chồng hiện vật bị dính, vô số những mảnh gốm nung quá lửa hoặc non lửa, bã cao lanh, bột son, cát, vỏ sò hến và hàng trăm con kê các loại. Đặc biệt tại khu “đống lò” ở Chu Đậu cũng phát hiện được vết tích lò nung, theo các nhà nghiên cứu thì đó là dạng “lò cóc’. Về niên đại, Tăng Bá Hoành cho rằng “ Chu Đậu là một trung tâm sản xuất gốm sứ cổ cao cấp, xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV – XVI và tàn lụi vào thế kỷ XVII.”[28] Gần đây, Hà Văn Cẩn cố gắng tìm kiếm định niên đại cho một số đồ gốm cụ thể của Chu Đậu. Dựa vào gốm Việt Nam và tiền Trung Quốc cũng có mặt trong tàu đắm Padaman (Philippin) và các tàu đắm Khran, Sichang III (Thái Lan) để so sánh gốm Việt Nam trong tàu đắm Cù Lao Chàm (Việt Nam) và gốm Chu Đậu, Hà Văn Cẩn cho rằng 1 số bình tỳ bà, bình lục giác và hộp sứ có nắp của Chu Đậu có niên đại thế kỷ XV và loại bát chân cao là thế kỷ XVI.[29] Con đường tiêu thụ của gốm Chu Đậu đó là thông qua sông Thái Bình, từ Chu Đậu xuôi ra sông Thái Bình đến Nấu Khê sang sông Kinh Thầy ra cảng Vân Đồn – một cảng giao lưu với người Việt xưa, cũng từ Chu Đậu xuôi sông Thái Bình sang sông Luộc đến Phố Hiến về Thăng Long – cũng là thương cảng lớn từ thế kỷ XVII.[30] Về thị trường tiêu thụ sản phẩm gốm Chu Đậu có thể chia làm 3 loại chính: gốm dân dụng, gốm thờ và gốm thương mại. Tuyệt đại bộ phận là gốm dân dụng, chủ yếu được tiêu thụ tại Việt Nam. Gốm thương mại Chu Đậu được đưa đi tiêu thụ ở Đông Nam Á và thế giới. Người ta hiện biết trên 30 địa điểm ở Đông Nam Á và Nhật Bản đã phát hiện gốm sứ cổ Việt Nam, trong đó có gốm sứ Chu Đậu, kể cả Úc và Thổ Nhĩ Kỳ.[31] Gốm Chu Đậu đã thể hiện được tâm hồn của người Việt qua cách trang trí hoa văn gắn với thiên nhiên và cuộc sống của cư dân vùng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, cô gái lái đò, người đội nón, mặc áo tứ thân, những mái nhà tranh ven sông, hoa sen dây, hoa cúc quấn, cỏ cây chim cá.
b. Làng gốm Bát Tràng: Bát Tràng là một làng gốm cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam. Thời Lê xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. D
diepkhaoco52- Member
- Tổng số bài gửi : 25
Join date : 03/12/2011
Age : 33
Đến từ : Cam Lâm - Khánh Hòa
Similar topics
» Phần 2 Gốm sứ thời Mạc qua tư liệu khảo cổ học và lịch sử
» CÁC HIỆN VẬT VÀNG TRONG VĂN HÓA CÁT TIÊN - VỊ TRÍ PHÁT HIỆN
» Phát hiện khu khảo cổ dưới nước chứa nhiều di vật lịch sử
» CÁC HIỆN VẬT VÀNG TRONG VĂN HÓA CÁT TIÊN - VỊ TRÍ PHÁT HIỆN
» Phát hiện khu khảo cổ dưới nước chứa nhiều di vật lịch sử
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Thu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52
» Những người chế tác thần linh
Thu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52
» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
Thu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52
» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
Wed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52
» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
Wed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52
» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
Wed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52
» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
Wed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52
» Sách từ điển khảo cổ học
Wed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52
» Lý lịch MrDiep_archaeology
Wed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52